Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển Lần Thứ nhất –  Kỳ 1: Vượt thoát một định nghĩa về nghề

Với chủ đề “Thực hành giám tuyển tại Việt Nam từ năm 2000 đến nay: Cơ hội và Thách thức”, chuyên đề giám tuyển lần này không chỉ dừng lại ở mức độ đối thoại giữa những người đồng nghiệp, mà còn trình hiện bộ mặt thay đổi của ngành giám tuyển như một thực hành chính thống và quyền lực hơn sau 20 năm phát triển.

Sơ lược về hội thảo giám tuyển

Vào ngày 13/4 và 14/4 vừa qua, Hội Thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển lần thứ Nhất do Á Space đồng tổ chức cùng Trường Khoa Học Liên Ngành và Nghệ Thuật – Đại học Quốc Gia đã diễn ra với nhiều tranh luận sôi nổi về bản chất công việc giám tuyển. Quy tụ 17 diễn giả là các giám tuyển, người thực hành nghệ thuật, nhà nghiên cứu, cũng như các đại diện công tư của các tổ chức nghệ thuật quan trọng khắp cả nước, với chủ đề là “Thực hành giám tuyển tại Việt Nam từ năm 2000 đến nay: Cơ hội và Thách thức”, chuyên đề giám tuyển lần này không chỉ dừng lại ở mức độ đối thoại giữa những người đồng nghiệp mà còn trình hiện bộ mặt thay đổi của ngành giám tuyển như một thực hành chính thống và quyền lực hơn sau 20 năm phát triển…

Chuyên đề 1: Phả hệ thuật ngữ “Curator” tại Việt Nam qua các thời kỳ và quan niệm về công việc giám tuyển

Đâu là mức trần và mức sàn? – Vượt thoát một định nghĩa về nghề

Đâu là mức trần và mức sàn của ngành giám tuyển? Câu hỏi trên được nhấn mạnh bởi một luật sư trẻ tham gia vào chuyên đề lần này và cũng đã nhận được những tràng pháo tay hưởng ứng từ khán phòng bởi mức độ thực tế của nó trong công cuộc chính thống hoá ngành giám tuyển. Trên thực tế, thật khó để đưa ra một câu trả lời cho câu hỏi này bởi giám tuyển không đơn giản là một nghề thuần nhất; như giám tuyển Lê Thuận Uyên phát biểu, khi cô cho rằng hội thảo gọi đây là một “ngành” chứng tỏ đã nhen nhóm mong muốn thoát khỏi những phân loại cứng nhắc về nghề giám tuyển. Sự vượt thoát này là vô cùng cần thiết trong quá trình đáp ứng nhu cầu đa dạng của một thị trường nghệ thuật trẻ, đương hồi thay đổi chuyển mình và chưa có những hệ thống vững chắc. Trong thị trường này, các giám tuyển thường phải đội một lúc nhiều chiếc mũ, đảm đương nhiều trách nhiệm khác nhau.

Giám tuyển Lê Thuận Uyên phát biểu

Qua hội thảo, sự đa nhiệm của một giám tuyển được biểu hiện rõ nét. Bắt đầu từ mức cơ bản nhất là “treo tranh” như lời của giám tuyển Như Huy, thiên diện của vai trò giám tuyển dần được bóc tách trong các bài tham luận. Giám tuyển không chỉ đơn thuần là những người quản lý không gian, treo dựng tranh, họ còn là những nhà giáo dục – kiến tạo ngữ nghĩa, kiến thức từ các tác phẩm tạo vật có tính lịch sử; những nhà nghiên cứu – ghi chép lại lịch sử thông qua các tư liệu văn hoá; những nhà quản lý không ngừng thương thảo với hệ thống hạ tầng điển hình bởi sự “thiếu” với nhiều giới hạn khắc nghiệt về mặt truyền tải – biểu hiện; những nhà ngoại giao, dịch giả, không ngừng chuyển dịch giữa các ngôn ngữ, các nền văn hoá khác nhau trong bối cảnh hội nhập, tạo ra những ngôn ngữ mới cho nghệ thuật Việt; và là những nghệ sĩ – tác giả với vẹn nguyên bản chất của hai từ này với tầm nhìn sáng tạo của họ trong viết lách hoặc trong xử lý không gian trưng bày. Từ đây, ta có thể thấy rằng ngành giám tuyển không thể được đơn thuần định nghĩa bằng những giới hạn trần – sàn. Trong bối cảnh của một nền nghệ thuật đương đại chỉ mới chớm nở trong khoảng 20 năm và vẫn còn nhiều phần linh động, ngành giám tuyển trước nhất nên được nhìn nhận với toàn bộ tiềm năng của ngành và tất cả các giá trị tri thức, văn hoá, kinh tế-xã hội mà ngành đem lại.

Tham luận viên Như Huy và tham luận “GIÁM/DÁM/CARE/DARE, hay HOW v.s. WHAT”

Những cơ hội và thách thức

Qua các hội thảo, ta có thể thấy được vô vàn cơ hội cho ngành giám tuyển tại Việt Nam. Trước nhất, hội thảo được đồng triển lãm bởi Á Space – một tổ chức phi lợi nhuận độc lập về nghệ thuật thể nghiệm, vốn tâm huyết với nghệ thuật trình diễn cũng như video; và Trường Khoa Học Liên Ngành và Nghệ Thuật – một trường đại học với mô hình khai phóng, hội nhập, tập trung phát triển các chương trình liên ngành đáp ứng nhu cầu của xã hội trực thuộc hệ thống trường công lập là Đại học Quốc Gia Hà Nội. Cú bắt tay của hai cơ sở, một là cơ sở độc lập của nghệ sĩ thể nghiệm, hai là hệ thống trường công lập của nhà nước, là một tín hiệu đáng mừng trong quá trình chính thống hoá ngành giám tuyển cũng như các ngành nghệ thuật đương đại nói chung. Sự hợp tác này có thể được nhìn nhận như một cuộc hoà giải công khai giữa hai bên chiến tuyến trong những xung đột mở màn cho lịch sử nghệ thuật đương đại Việt Nam. Từ đây ta có thể mong chờ sự kết nối, cộng tác, phát triển chặt chẽ hơn cùng nhau trong cộng đồng nghệ thuật Việt trong tương lai.

Không dừng lại ở đó, từ hồ sơ của 17 tham luận viên, có thể thấy rằng chúng ta đang có một nguồn nhân lực đầy sức trẻ, đa dạng và thú vị cho ngành giám tuyển, với rất nhiều các nữ giám tuyển đã đóng vai trò đầu tàu trong thị trường nghệ thuật cho đến thời điểm hiện tại. So với mức tuổi trung bình của giám tuyển là 43 đến 46 tuổi theo thống kê về thị trường lao động của Mỹ, Úc, Anh, ở Việt Nam ta lại gặp đa số là các giám tuyển rất trẻ của thế hệ 8X thậm chí là 9X như một lực lượng lao động nòng cốt của ngành giám tuyển.

Hơn nữa, hội thảo đã quy tụ và đồng vọng tiếng nói các giám tuyển đến từ nhiều nền tảng đa dạng thay vì chỉ đơn giản tập trung vào văn bằng thạc sĩ/tiến sĩ trong đúng lĩnh vực là nghiên cứu nghệ thuật hay lịch sử mỹ thuật, từ khắp 3 miền đất nước. Trong các diễn giả, có người là nghệ sĩ, có người bắt đầu với công việc dịch giả, có người có nền tảng là Khoa học chính trị, có người là giảng viên về các ngành Nghệ thuật, có người là nhà quản lý nghệ thuật, cũng có người chỉ giản dị giới thiệu mình là người đọc/viết/nghe/xem/ngắm với nghệ thuật – điện ảnh – văn chương, ở nhiều thị trường khác, những vai trò này không chồng lấp, giao thoa, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau. Sức trẻ cộng với sự đa dạng trong nền tảng văn hoá – nghệ thuật, căn tính của cộng đồng giám tuyển cho phép ta mang thêm nhiều kì vọng vào những trần thuật mới, những lối nhìn đa chiều bắt rễ từ đời sống văn hoá địa phương. Như vậy, ta cũng có quyền kì vọng vào một nền nghệ thuật đương đại không bị khoả lấp bởi tính hàn lâm và những diễn ngôn giấu mình trong kinh viện mà đến gần hơn với đại đồng. Các giám tuyển trong hội thảo vẫn luôn đau đáu với cộng đồng địa phương cũng như mong cầu được nói tiếng nói riêng trong thực hành giám tuyển của mình.

Hội thảo quy tụ các tham luận viên với đa dạng lứa tuổi, đa dạng vai trò trong hoạt động nghệ thuật

Kết lại phiên hội thảo đầy hi vọng, hào hứng cũng như căng thẳng tranh luận, song song với những kì vọng, ta cũng có thể cảm nhận được nhiều thách thức vẫn còn lừng lững. Đó là sự thiếu về tài nguyên kinh tế, sự phụ thuộc vào các tổ chức văn hoá nước ngoài cũng như quỹ đầu tư tư nhân với những chủ trương văn hoá cố định, khung hành lang pháp lý vẫn chưa được rõ nét của ngành, và sự thiếu của một nền giáo dục trọn vẹn về văn hoá nhìn – nghệ thuật cho cộng đồng…

Dẫu vậy, với thế hệ giám tuyển trẻ trung, đa dạng, đầy lửa nghề ở hội thảo, ta có toàn quyền hi vọng vào sự tháo gỡ những thách thức cũng như những phát kiến cho ngành trong một tương lai không xa.