Hội họa Phùng Phẩm: Quỹ đạo của những khối hình lập phương

Họa sĩ Phùng Phẩm từng nói, “làm nghệ thuật khó như một người nghèo đi đào vàng. Nay đào chưa thấy, mai cũng chưa thấy. Có khi hết cả cuộc đời cũng chưa chắc đã thấy. Chỉ có lòng quyết tâm, lòng ham muốn, say mê, mong ra mới có thể tìm thấy nó. Nghệ thuật ấy mới là nghệ thuật đích thực.” Với gia tài hội họa đồ sộ trải dài suốt cuộc đời cầm cọ từ những năm niên thiếu cho đến nay, đã ngoài 90 tuổi, ông vẫn sống trọn với tâm tưởng ấy của mình.

Cuộc “gặp gỡ” Phùng Phẩm diễn ra đanh, chắc, và đầy choáng ngợp ngay trong những giây phút đầu tiên, khi bước chân vào không gian Thăng Long Gallery ở số 41 Hàng Gai, Hà Nội. Giữa không gian sâu hút được lấp đầy bởi những tác phẩm giá trị, bức “Hóng gió mát” của họa sĩ Phùng Phẩm vẫn án ngữ và tạo riêng cho mình một tiếng nói độc tôn. Một chân dung thiếu nữ không được họa nên từ những nét mềm mại và bay bổng như lụa, mà khúc chiết, mạnh mẽ với những đường thẳng thớm, nổi bật trên khung cảnh ước lệ cùng gam màu tối giản cốt tập trung ánh mắt của người nhìn vào nhân vật trung tâm. Thẩm mỹ ấn tượng, màu sắc trung tính cùng hình khối rõ nét như tạc tượng này không phải là điều thường thấy trong bối cảnh nền nghệ thuật hiện tại, mà tạo cảm giác đương đại hơn, vượt khỏi những quy chuẩn truyền thống.  Ấn tượng ấy có lẽ đủ để tạo cho người xem một hình dung sơ bộ về tư duy mỹ thuật của họa sĩ Phùng Phẩm, mà nói như Họa sĩ Đỗ Đức, “ai đã từng xem tranh Phùng Phẩm chỉ cần một lần thôi, thì lần sau đứng từ xa đã nhận ra ông, bất kỳ ông thể hiện trên chất liệu nào, khắc gỗ hay sơn mài.”

Hóng gió mát (2015, sơn mài, 160 x 120 cm), Sưu tập Thăng Long Gallery

Danh tiếng đến muộn từ một cuộc hồi hương của những tác phẩm

Ít ai biết Phùng Phẩm là em trai của nhà văn, nhà thơ Phùng Cung. Ông sinh năm 1932 và tham gia cách mạng từ năm mới 13 tuổi rồi sớm được cử đi học ở Khu Học xá tại Nam Ninh, Trung Quốc năm 1952. Tại đây, ông lần đầu được tiếp xúc với thế giới mỹ thuật dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Khang. Tình yêu hội họa trong ông được bồi đắp từ đó. Sau khi trở về nước không lâu, ông chính thức theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật, cùng lứa với những tên tuổi như Đường Ngọc Cảnh, Trương Đình Hào, Kim Bạch, Mộng Bích…

Trưởng thành trong giai đoạn biến động của đất nước, bản thân ông gặp nhiều trắc trở khi theo đuổi con đường hội họa của riêng mình. Thế nên, hàng chục năm sau khi ra trường, ông kiên trì làm việc tại một xưởng phim hoạt hình, gói gọn niềm đam mê nghệ thuật trong căn gác nhỏ tại nhà, nơi ông cải tạo để dùng làm xưởng vẽ. Đó cũng chính là nơi cho ra đời hàng trăm tác phẩm mang dấu ấn Phùng Phẩm, mà mãi đến sau này, giới yêu nghệ thuật Việt Nam mới có dịp biết đến nhân sự kiện bà Ellen Berends, cựu Phó Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, hiến tặng lại Bảo tàng Mỹ thuật hai bức “Kiêu hãnh” và “Những nụ hôn tình yêu”, sau hơn 20 năm chu du khắp thế giới. “Kiêu hãnh” là bức tranh sơn mài mô tả hình ảnh thiếu nữ trong trang phục truyền thống của một dân tộc miền núi phía Bắc. “Những nụ hôn tình yêu” là bức bình phong được làm từ sơn mài,khắc họa khoảnh khắc thân mật giữa một cặp đôi khác màu da, ngụ ý xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc. Cả hai nổi bật với tạo hình tinh tế, màu sắc hiện đại, những đường nét khúc chiết cùng bối cảnh đơn giản làm bật lên nhân vật trọng tâm. Đặc biệt, vẻ đẹp sang trọng của cô gái miền núi, cùng tình yêu vượt qua những lằn ranh chủng tộc của cặp đôi cho thấy tư duy và cách thức biểu đạt nghệ thuật của Phùng Phẩm khác biệt hẳn so với những nghệ sĩ khác cùng thời.

Họa sĩ Phùng Phẩm (bên trái) và Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (bên phải) cùng tác phẩm “Kiêu hãnh”  (1993, sơn mài, 88 x 54.5cm), hiện thuộc sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Họa sĩ Phùng Phẩm bên tác phẩm “Những Nụ Hôn Tình Yêu” (1995, bình phong sơn mài 4 tấm, 150 x 198,5 cm), hiện thuộc sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Ellen Berends nói: “Chúng tôi chưa bao giờ gặp Phùng Phẩm nhưng đã sống với các tác phẩm của ông một phần tư thế kỷ. Chúng tôi rất vui khi họa sĩ đích thân đón tranh của ông về Việt Nam. Vẻ đẹp trong tranh của ông đã tạo nên một phần gắn bó trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Phùng Phẩm là một điển hình đáng tự hào về sự giàu có của văn hóa Việt Nam.”

Đó là sự thừa nhận và tôn vinh đúng mực, dẫu có đôi phần muộn màng vì những đổi thay của thời cuộc, nhưng vẫn rất cần thiết để ghi dấu một họa sĩ tài hoa tuổi đã ngoài 90Nói đi cũng phải nói lại, hàng chục năm âm thầm trong xưởng phim hoạt hình có lẽ không mang lại cho Phùng Phẩm danh tiếng họa sĩ như ông đáng được hưởng, nhưng mang đến cho ông góc nhìn và cách thể hiện đặc biệt: tính động và yếu tố đồ họa. Càng đặc biệt hơn khi ông gần như chỉ sử dụng đường thẳng để khắc họa tính động cùng với yếu tố đồ họa ấy. Tranh Phùng Phẩm mang đến nhiều góc nhìn đa dạng, như từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ sau ra trước, hay từ trái sang phải, thay vì cố định trong một góc toàn chính diện, tạo cảm giác như một khung hình trau chuốt được cắt ra từ thước phim hoạt hình. Tạo hình trong tranh ông cũng vì thế mà đa dạng bố cục. Ta có thấy rõ điều đó trong cả hai tác phẩm “Kiêu hãnh”, khi cô gái đứng quay người lệch hẳn về một bên, hướng ánh mắt của người nhìn vào tấm lưng kiều diễm và gương mặt nhìn nghiêng; hay “Những nụ hôn tình yêu”, khi các nhân vật thể hiện đủ các trạng thái yêu đương theo hướng chính diện, xoay nghiêng, với những cử chỉ ôm ấp mạnh mẽ, đầy sinh động.

Chống hạn (1977, in khắc gỗ, 44 x 57 cm), Sưu tập Thăng Long Gallery

Tuy vậy, chưa cần nói đến hai tác phẩm này, Phùng Phẩm từ những năm 1970 đã có cho mình phong cách riêng độc đáo, được thể hiện qua hàng loạt tác phẩm như “Chống hạn”, “Nước bạc cơm vàng”, hay sau đó là “Bản nhỏ”, “Lớp học miền núi”… Những tác phẩm mà nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương đã nhận xét “chỉ hai màu đen trắng thuần túy, giản dị, được cất lên bởi những giai điệu của đường nét. Ở đây, đường nét là chủ đạo. Đường nét tạo giai điệu, nhịp điệu, tạo chuyển động, tạo ánh sáng, sóng nước, tạo các chi tiết trang trí luyến láy trong bố cục, trong nền, mảng. Đường nét làm nên tất cả. Màu dựa vào đó mà ngân theo.” Cũng theo đó, “tư duy đường nét và bố cục của Phùng Phẩm linh hoạt, rộng mở, ít khi lặp lại. Có những nét trang trí được khai thác từ kết cấu phên tre, mành mành, vân gỗ cho đến các loại motif hoa lá khác nhau, đa dạng. […] Thay đổi và thách thức cách nhìn liên tục, một tính cách xuyên suốt cho đến thời kỳ sơn mài sau này của Phùng Phẩm.”

Và thế là, nhờ một cuộc hồi hương tình cờ của hai tác phẩm đến từ nhà sưu tầm ngoại quốc, giới mộ điệu trong nước mới có dịp biết đến nhiều hơn một họa sĩ kỳ tài bấy lâu nay giấu mình trong xưởng vẽ hoạt hình, và miệt mài theo đuổi con đường nghệ thuật riêng trên căn gác xép nhỏ.

Hội họa Phùng Phẩm: Chiều sâu trong tâm tưởng

Năm 2021, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức “Dấu ấn 2021”, triển lãm đầu tiên dành riêng cho họa sĩ cao tuổi. Phùng Phẩm góp mặt với tác phẩm “Thiếu nữ”, 2020 (trổ giấy, 65 x 41 cm), bên cạnh các họa sĩ khác như Nguyễn Minh Mỹ, Hà Cắm Dì, Chu Thị Thánh, Trần Huy Oánh, Phạm Thị Nguyệt Nga, Lê Tuyết, Lê Kim Mỹ, Nguyễn Bằng Lâm, Nguyễn Mai San… Điểm chung của những tác phẩm xuất hiện trong triển lãm này chính là đều tập trung khắc họa vẻ đẹp và sự bình yên của cuộc sống, đơn giản hóa cách nghĩ, nhẹ nhàng hóa cách thức biểu hiện. Những khổ đau, giằng xé, quyết liệt hay trăn trở với thời cuộc, vốn là đề tài được người trẻ ưa chuộng, dường như đã lùi xa. Chính vì vậy mà ngoài yếu tố thẩm mỹ, loạt tác phẩm của những người cao tuổi còn mang đến những xúc cảm nhẹ nhàng, dễ cảm và dễ thấm. Không phô trương kỹ thuật hay tìm đến những đề tài “nặng ký”, những nghệ sĩ cao tuổi có độ đằm của cảm xúc, thể hiện điều gì cũng tinh tế, một sự tinh tế có chiều sâu.

Phùng Phẩm cũng thế. Trải qua tất thảy sóng gió cuộc đời, tranh ông không còn đi sâu vào những nỗi khổ đau, mà tập trung khắc họa vẻ đẹp và tình yêu của cuộc sống. Chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm của ông chính là nét đẹp lao động, phụ nữ, và tình yêu đôi lứa. Nếu có chăng trăn trở, thì nó cũng nằm dưới hình hài của cái đẹp, như bức “Đứa con riêng”, thể hiện lại cảnh một người mẹ đang tắm cho đứa con da màu, dư âm còn lại sau chiến tranh, hay cũng là sự trớ trêu đau buồn của số phận, nhưng tất cả được tái hiện qua vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng. Ông nói: “Trong các tranh tôi vẽ, phụ nữ chiếm đa số, với những nét sinh hoạt bình thường: chải tóc, soi gương, ngồi đợi người yêu… Việc nam nữ yêu nhau có từ hàng ngàn đời. Tình yêu nam nữ ở đâu cũng có. Con người biết yêu thương nhau là con người có văn hóa. Tranh sơn mài hay tranh khắc gỗ tôi đều thích đề tài này.”

Đứa con riêng (2005, sơn mài, 140 x 240 cm), Sưu tập Thăng Long Gallery

Thế giới mỹ thuật trong mắt của Phùng Phẩm thẳng tắp trong những hình khối lập thể, nhưng ông chưa bao giờ đặt nặng tính kỹ thuật, mà để mọi thứ trôi đi theo cảm xúc. Lập thể như một trong số các phương tiện mà ông chọn để diễn đạt, tôn lên vẻ đẹp mà ông muốn thể hiện. Phùng Phẩm ngoài đời là một người trầm lặng và khép kín, ông thu mình vào tranh, và giãi bày mọi cảm xúc trong tranh. Thế nên, ẩn dưới những đường nét chân phương là những chi tiết tiềm ẩn và lắng đọng, buộc người xem phải nghiêng mình suy ngẫm. Cái ẩn ý sâu xa nằm trong từng chi tiết nhỏ nhặt tưởng là vô tình mà hữu ý: như màu xanh lá của người thanh niên trong bức “Cuộc gặp ở bến Mê”, tỏ rằng cặp đôi đã âm dương cách trở; hay hơi thở đẫm sương của chú ngựa vùng cao trong bức tranh “Qua đèo”, cho thấy sự nhọc mệt giữa tiết trời giá buốt. Ở đây, sự kiệm màu cũng là một chủ ý, dù ông đã đôi lần chuyển hóa thể loại từ khắc gỗ sang sơn mài và sơn khắc chỉ vì sự hạn hẹp trong biên độ màu sắc. Nếu như với loạt tranh khắc gỗ, ông thể hiện chủ yếu qua mảng, nét và hình ảnh ước lệ, kể cả trong trang phục và tạo hình nhân vật; thì với tranh sơn mài hay đôi khi sơn khắc, ông cũng giản lược màu sắc đến tối đa, chỉ để lại vài ba sắc xanh, vàng cùng những sắc độ liên quan. Với sơn mài, ông dùng chủ yếu là sơn ta, kết hợp cùng kỹ thuật đặc biệt của riêng mình để tạo nên những mảng màu vừa đủ độ sắc, vừa đủ độ lớp lang để tạo nên chiều sâu cho tác phẩm, giúp tác phẩm khoác lên nét sang trọng mà giản dị rất khác với lối trưng trổ lộng lẫy thường thấy trong nghệ thuật sơn mài. Tất cả tạo nên một nét riêng trong phong cách Phùng Phẩm, một phong cách Việt Nam trong tư duy đương đại, tiệm cận với những nghệ sĩ quốc tế.

Cuộc gặp ở bến Mê (2007, sơn mài, 104 x 122 cm), Sưu tập Thăng Long Gallery

Trong tranh của Phùng Phẩm, hiển hiện rõ nét những dấu vết của điển tích, điển cố, của đời sống dân dã, những hệ quả chiến tranh, và vẻ đẹp cuộc sống từ đồng bằng cho đến vùng núi cao. Đó chính là Việt Nam, trong mắt của một người Việt Nam dưới ảnh hưởng sâu rộng của rất nhiều trường phái nghệ thuật và tư tưởng mà ông đã tiếp nhận trong suốt cuộc đời dài. Kể cả những nhân vật trong tranh của Phùng Phẩm, từ cô gái hong tóc bên hiên nhà, người vợ khóc tiễn chồng ra trận, người lính đang trên đường hành quân, ngư dân quăng lưới xuống lòng sông, hay cụ bà hát xẩm trong những đêm hội hè… dường như là những hóa thân của chính ông, mang trong lòng những ưu tư, trăn trở, hạnh phúc, hay hy vọng của ông. Ông hòa mình vào trong những bức tranh, để từ đó khắc họa thế giới quan của mình. Cõi họa của nghệ sĩ, từ đó mà được mở rộng ra, phong phú đến vô cùng.

Triển lãm cá nhân Phùng Phẩm tháng 10 sắp tới

15 năm sau lần tham dự triển lãm cá nhân của họa sĩ Phùng Phẩm tại số 29 Hàng Bài năm 2008, vốn dành cho các hội viên Mỹ thuật, ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Thăng Long Gallery vẫn giữ những bức tranh mua được từ triển lãm năm ấy. Đó cũng chính là khởi đầu cho bộ sưu tập những tác phẩm của họa sĩ Phùng Phẩm được sưu tầm trong suốt thời gian  qua. Trong số những người yêu tranh của Phùng Phẩm, có lẽ Thăng Long Gallery đã dành tâm huyết lớn nhất, tâm huyết đến mức phòng tranh quyết định tổ chức một triển lãm cá nhân quy mô cho họa sĩ, như một sự vinh danh muộn màng nhưng cần thiết.

Triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Phùng Phẩm thuộc chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Thăng Long Gallery, nhằm giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật các tác phẩm sơn mài quý hiếm của họa sĩ. Đặc biệt có tác phẩm “Chống hạn”, một chủ đề mà họa sĩ Phùng Phẩm từng làm bằng kỹ thuật khắc gỗ, đến sơn mài, sau đó chuyển sang gò đồng để tìm thêm hiệu quả thẩm mỹ mới. Hay hai phiên bản khác trong tổng cộng bốn phiên bản “Tự hào” (tên gốc của bức tranh “Kiêu hãnh”) vừa được tặng lại cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong đó có phiên bản cuối cùng, hoàn chỉnh nhất với kích thước lớn nhất, được làm từ sơn khắc (khắc gỗ và sơn mài trên cùng một bức tranh) – kỹ thuật mà nhiều người đánh giá là rất tốt của Phùng Phẩm.

Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 10 tới ngày 28 tháng 10 tại Thăng Long Gallery, 41 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhân dịp này, phòng tranh sẽ ra mắt cuốn sách mang tới cái nhìn khái quát về cuộc đời cũng như quá trình sáng tác của họa sĩ Phùng Phẩm cùng các tác phẩm sơn mài hầu như chưa từng được trưng bày rộng rãi trước đây.

Thăng Long Gallery

Bài: Hải Yến

Thông tin chi tiết triển lãm:

Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 10 tới ngày 28 tháng 10 tại Thăng Long Gallery, 41 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội.