Giấc mộng hè trong hội hoạ thế kỷ XIX-XX

Cuối thế kỷ XIX, sự ra đời của trường phái Ấn tượng đã điều hướng hội hoạ đến với những rung động tinh tế của thiên nhiên, khắc hoạ thời khắc lung linh của sắc màu và ánh sáng. Mùa hè từ đây trở thành suối nguồn sáng tạo cho những bức hoạ trứ danh.

Vào những năm 1890, đôi bạn Claude Monet và Pierre-Auguste Renoir cùng ngồi bên dòng sông Seine xuôi chảy giữa mùa hè, thế nhưng lại nắm bắt những ấn tượng thị giác riêng biệt. Có thể ví mùa hè như một lớp kính tán sắc mà thông qua đó, mỗi nghệ sĩ lại soi chiếu những nét đẹp rất riêng. Trong lá thư gửi người em trai Theo van Gogh, Vincent van Gogh từng giãi bày những xao động trong lòng lúc giao mùa:

“Dù có hay không sự cho phép của chúng ta, đợt sương giá cuối cùng cũng kết thúc. Một buổi sáng, gió đổi chiều và băng tan, tôi nuôi hi vọng cho chính mình”.

Trong tiết hè tràn ngập không gian, hãy cùng Art Republik nhìn lại các tác phẩm nổi bật vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX xoay quanh chủ đề này.

1. “Summer” – Claude Monet (1874)

Claude Monet, “Summer” (1874)

Là cha đẻ của hội hoạ Ấn tượng và bậc thầy của hiệu ứng ánh sáng, Clauda Monet thường sáng tác theo lối “en plain air”, nghĩa là trực hoạ ngoài trời. Ông chìm mình trong chất sáng linh diệu của tự nhiên và vẽ những điều diễn ra như đôi mắt ta trông thấy.

Mùa hè năm 1874, gia đình Claude Monet cùng hai hoạ sĩ đương thời là Renoir và Manet dành nhiều ngày dừng chân tại Argenteuil bên bờ sông Seine. Họ cùng nhau vẽ để mài dũa bút pháp Ấn tượng. Ở đây, Monet đã hoạ nên tác phẩm Summer, một bức tranh ướt đẫm ánh nắng với những rặng núi ẩn hiện xa xăm. Người phụ nữ và cậu bé trong tranh chính là Camille và Jean, vợ và con của Monet, được khắc hoạ mơ hồ thảng hoặc cùng những tán cây lay động trong gió và vệt bóng đổ dài trên mặt cỏ.

Nhiều năm sau, mùa hè vẫn luôn là chủ đề quen thuộc trong tranh Monet. Năm 1882, trong chuyến dạo bộ trên mõm đá ở Pourville, ông đã vẽ bức The Cliff Walk at Pourville. Những nét cọ ngắn, nhanh và cong thảo nên bãi cỏ xanh rung chuyển tinh tế trong gió nhẹ. Sắc xanh lam, xanh lục hoà với những gợn trắng tạo nên đường sóng nhấp nhô, tất cả tựu về trong khoảnh khắc. Các nhà phê bình đã nhìn nhận chuẩn xác: Monet nắm bắt cái ấn tượng. Sau này, hoạ sĩ Hậu Ấn tượng Paul Cézanne phải thốt lên khi bàn luận về ông: “Monet đơn giản là dùng mắt của mình — nhưng ơn Chúa, ấy là đôi mắt của một thiên tài”

Claude Monet, “The Cliff Walk at Pourville” (1882)

2. “Luncheon of the Boating Party” – Pierre-Auguste Renoir, 1880

Pierre-Auguste Renoir, “Luncheon of the Boating Party” (1880)

Nếu những nghệ sĩ Ấn tượng đương thời có xu hướng phải lòng cảnh sắc của mùa hè thì Renoir lại hứng thú với vẻ đẹp con người. Trong tác phẩm nổi bật của nền nghệ thuật Pháp hiện đại Luncheon of the Boating Part, Renoir hoạ lại cuộc gặp gỡ hàn huyên cùng bạn bè trên ban công nhìn xuống dòng sông Seine ở vùng Chatou. Được vẽ từ điểm nhìn của hoạ sĩ, tác phẩm tạo lập một cấu trúc xuôi gom về phía hậu cảnh, từng lớp lang nô nức dáng người gợi nên bầu không khí rộn ràng và ấm cúng. Sử dụng bảng màu nóng thiên cam, hồng và những đường cọ bắt sáng gợi suy tưởng về chất vải mỏng mà các nhân vật đang khoác lên mình, Renoir đã khéo léo vẽ nên buổi trưa hè ngập tràn ánh nắng, nơi tầng lớp trung lưu và thượng lưu đang hưởng lạc nhàn nhã, tiêu dao.

Nổi bật trong khoảng giữa của bức tranh là một thiếu nữ tựa mình vào ban công. Một luồng sáng thanh khiết vây quanh làn da mỏng mảnh như thể ánh nắng đã toả tràn gương mặt, đôi tay, thân thể cô. Trong tương giao với sắc trắng, bụi cỏ phía sau cũng trở nên hỗn loạn hơn — những đường phẩy cọ ngẫu hứng và thoăn thoắt chớp lấy lá cỏ lay động trong làn gió. Luncheon of the Boating Party gợi liên tưởng đến bức hoạ La Grenouillère mà Renoir vẽ nên năm 1869, cũng là sự tái hiện rất mực tinh tế vẻ đẹp long lanh của tia nắng xuyên qua kẽ lá soi bóng xuống dòng sông.

Pierre-Auguste Renoir, “La Grenouillère” (1869)

3. “Summer Night” – Winslow Homer (1890)

Winslow Homer, “Summer Night” (1890)

Không phải là khu vườn đầy nắng hay cánh đồng bất tận, mùa hạ trong Summer Night là cảnh biển đêm Maine rì rào sóng vỗ. Khoác lên mình vẻ đẹp bí ẩn và liêu trai, tác phẩm hoạ lại hai người phụ nữ đang dìu nhau trong điệu khiêu vũ lãng mạn bên bãi biển, thể hiện một góc nhìn đi giữa lưng chừng Chủ nghĩa Hiện thực và Tượng trưng. Nói như nhà sử học nghệ thuật Mỹ Martha Tedeschi, cái tài của Homer là khả năng vượt lên thực cảnh để nắm bắt hào quang và cảm thức của khung cảnh. Với tác phẩm này, hình ảnh hai thiếu nữ khiêu vũ gợi lên trong tâm trí người xem những âm giai lả lướt hoà cùng tiếng sóng vỗ. Trên thực tế, bức tranh ban đầu đã được đặt tên theo ca khúc nổi tiếng Buffalo Gals, càng khiến người xem dễ ngân nga câu hát trong tiềm thức:

 “Buffalo gals won’t you come out tonight, and we’ll dance by the light of the moon.”
(Tạm dịch: Những cô gái liệu có ra ngoài hôm nay, ta sẽ cùng khiêu vũ dưới ánh trăng)

Những diễn dịch bí ẩn của ánh sáng cũng là một nhân tố khác cuốn hút trong tranh. Ánh sáng hắt lên tầm eo của người phụ nữ thầm khẳng định rằng nguồn sáng toả ra từ gian nhà nơi hoạ sĩ đang ngắm nhìn khung cảnh. Hoặc chăng, những phản sáng lấp loáng trên mặt biển được hắt đến từ vầng trăng lẳng lặng khuất tầm. Và nếu quan sát kỹ lưỡng, ta sẽ thấy một chấm đỏ rất nhỏ ở đường chân trời phía bên phải của toan vẽ—ngọn hải đăng. Những nguồn sáng không tường minh mà âm thầm ẩn hiện tạo nên một cảm thức huyền bí lãng mạn, một nét trữ tình đậm chất Mỹ.

4. “Bather in the Woods” –  Camille Pissarro, 1895

Camille Pissarro, Bather in the Woods (1895)

Camille Pissarro là hoạ sĩ tiêu biểu người Pháp gốc Đan Mạch thuộc trường phái Hậu Ấn tượng. Trong sự nghiệp của mình, ông đã hướng dẫn cho nhiều hoạ sĩ trứ danh, trong đó có Paul Gauguin, nên thường được biết đến là “Father Pissaro”.

Mùa hè năm 1893, trong lá thư viết cho người con trai Lucien, Pissaro tâm tình rằng ông muốn vẽ loạt tranh phụ nữ khoả thân tắm bên dòng suối, dẫu biết rằng thật khó để tìm người mẫu ở nông thôn Eragny. Trong hai năm sau đó, tác phẩm Bather in the Woods The Bather đã ra đời, chuyển tải vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên, vẻ đẹp nữ tính, mềm mại của thân mình thiếu nữ và cảm thức tĩnh lặng an bình. 

Lưu tâm đến sự dịch chuyển ánh sáng đặc trưng của trường phái Ấn tượng, Pissaro đã khéo léo khắc hoạ tia nắng trong veo rải lên tấm lưng thiếu nữ và bãi cỏ dài. Bên cạnh đó, ông có tài dụng màu—bức tranh sống động chỉ tập trung sử dụng màu xanh lục làm chủ đạo. Pissaro vẽ bờ suối mà không mảy may cần đến màu xanh của nước, chỉ với sắc xanh lục đã có thể nắm bắt những cảnh vật ven bờ phản chiếu lấp loáng trên mặt suối.

Camille Pissarro, The Bather (1895)

5. “The Reader” – Frank Weston Benson, 1906

Frank Weston Benson, The Reader ( 1906)

Tiếp biến từ Claude Monet những nét tiêu biểu của trường phái Ấn tượng, Benson đã giao hoà chúng với lối vẽ hàn lâm hơn về mặt hình thức của riêng mình để tạo ra dấu ấn cá nhân sâu đậm trong lịch sử Ấn tượng Mỹ. Năm 1901, khi ghé thăm hòn đảo North Heaven tại Main, ông đã nhìn sang vợ con và mỉm cười: “Đây là nơi tôi muốn vẽ cô ấy, vẽ các con”.

The Reader hoạ lại cô con gái lớn của Benson là Elanor đang ngồi đọc sách với một chiếc ô che nắng hạ. Đây là một tuyệt tác trong cuộc chơi với ánh sáng của hoạ sĩ, rằng nói như các nhà phê bình, “không ai có thể nhầm lẫn cách Benson vương nắng lên mái tóc và y phục của những nhân vật ngoài trời”. Sử dụng một ít sắc tố trắng, ông phác thảo nên những tia nắng lấp lánh sau gáy Elanor và những mảng sáng nổi bật trên tóc, váy, từ đó gợi lên rõ nét cái nắng gay gắt của mùa hè. Dẫu vậy, màu xanh tươi và những gam màu mát dưới bóng ô mang lại cảm giác thư giãn, râm mát trong chiều hè oi bức.

Ở phía hậu cảnh, những bông hoa đỏ làm tăng thêm sự thi vị về mặt thị giác cho bảng màu chủ yếu là xanh lá cây và vàng. Trong cuốn sách “Frank W. Benson the Impressionist Years”, các nhà phê bình đã bàn về bút pháp của ông: “Benson hòa trộn người thiếu nữ với bạt ngàn hoa xung quanh, chính là biến cô ấy trở thành một bông hoa rực rỡ giữa vườn hoa.”

6. “The Quiet Hour” – Dod Procter, 1935 

Dod Procter, The Quiet Hour (1935)

Trái với những hoạ sĩ si và yêu mùa hè qua sự quan sát ngoại cảnh đầy tỉ mẩn, những hình dung của Dod Procter về mùa hè lại gắn liền với hình ảnh của hoa cỏ, phụ nữ và trẻ em, ví như trong The Quiet Hour, một bé gái đang đọc sách nhàn nhã và yên bình.

Tác phẩm là một khung cảnh vô cùng dịu mắt được khéo léo dụng màu. Thấm đẫm lên má trái của bé gái, trên chiếc khăn bàn và những món đồ sứ là chất sáng dịu dàng, ám hiệu rằng ánh sáng đến từ phía bên phải của bức tranh. Thế nhưng, Dod Procter không khiến tia nắng vàng trở nên gắt gỏng mà gia giảm trong một tiết độ vừa phải, xanh mướt. Bên cạnh đó, những món đồ tĩnh vật trong góc bếp cũng được khắc hoạ trong sắc thái mờ nhoè với nét vẽ đậm âm hưởng Ấn tượng.

Yêu mến vẻ đẹp của tác phẩm, mãi sau này, nhà thơ Gerald Kells đã chắp bút nên những dòng thơ The Quiet Hour:

she leans out bored
in her pastel blue kitchen,
book propped on milk jug
speckled with the sea

a woman who’ll return,
her gaze unsparing
on the cold calm of childhood
before she was free

cô bé nằm nhoài
trong căn bếp xanh mơ,
cuốn sách tựa vào bình sữa
lốm đốm màu biển

rồi sẽ trở lại một thiếu nữ
không tiếc nuối nhìn về
tuổi thơ yên bình lạnh lẽo

trước khi cô bé được tự do.

7. “Two Women Running on the Beach (The Race)” – Pablo Picasso, 1922

Pablo Picasso, “Two Women Running on the Beach (The Race)” (1922)

Kết thúc Thế chiến Thứ Nhất, Pablo Picasso đã vẫy vùng đủ nhiều với Trường phái Lập thể. Năm 1917, ông ghé thăm Pompeii và những bảo tàng nghệ thuật cổ điển Ý, từ đó mở ra một thời kỳ trở lại với trường phái tượng hình và Chủ nghĩa Tân Cổ điển. Đầu những năm 1920, xuất hiện trên toan vẽ của ông là những người phụ nữ có dáng hình to lớn, ví như trong tác phẩm Two Women Running on the Beach (The Race).

Picasso không từ bỏ thủ pháp bóp méo cơ thể người đặc trưng. Thế nhưng, không còn những bóng dáng thất thần, ủ dột của Thời Kỳ Xanh và những nghệ sĩ hài của Thời Kỳ Hồng, Piccasso giờ đây khắc hoạ người phụ nữ ở bản dạng rất mực thuần khiết. Trong bức tranh, thân mình to lớn của hai cô gái cùng những bước chân cao năng động và một bên ngực trần mang đến vẻ đẹp nguyên sơ, thuần thực và khai phóng. Mùa hè của Picasso vì thế không còn là sự quan sát và thưởng ngoạn đơn thuần — ông ký thác thông điệp về cuộc sống trọn vẹn, thấm đẫm tinh thần nhân văn trong tương quan đối nghịch với thời kỳ chiến sự khổ ải và đau thương.