HỌA SĨ TRẦN LƯU MỸ: “TRỪU TƯỢNG LÀ THỨ NGÔN NGỮ THUẦN KHIẾT”

Trước thềm triển lãm cá nhân của họa sĩ Trần Lưu Mỹ mang tên Khoảng Trống 2 tại Sài Gòn, Art Republik Vietnam đã có dịp đối thoại để lắng nghe những chia sẻ của ông về quan điểm nghệ thuật và thực hành sáng tạo.

Chân dung họa sĩ Trần Lưu Mỹ

Gặp gỡ họa sĩ Trần Lưu Mỹ vào một ngày Hà Nội trời mùa xuân đầy nắng, ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là dáng vẻ hiền lành nhưng đầy bụi bặm. Ông là thế hệ kế cận với người cha tài danh Trần Lưu Hậu – bậc tiền bối quyết xé rào thoát khỏi cái bóng hiện thực tiên phong đưa bút pháp trừu tượng vào nghệ thuật những năm 80. Khi nghe tôi giới thiệu rằng, mình là một nhà thơ, họa sĩ Trần Lưu Mỹ đã dành những lời tình cảm cho loại hình nghệ thuật của tôi. Ông chia sẻ rằng, nhà thơ là những người trời đất đẩy vào nghiệp chữ, vì họ luôn khao khát và quyết liệt vô cùng.

Vậy, trời đất có đẩy chú (tôi xin phép được thân mật gọi là chú) vào Mỹ thuật không?

Chắc có đấy! Tôi đã có tới 20 năm làm kiến trúc và thử một số những việc khác nữa. Nhưng rồi hội họa đối với tôi vẫn là điều quan trọng nhất. Thực ra, từ xưa tới nay, tôi vẫn luôn coi hội họa là thiêng liêng. Thế nên, tôi luôn cảm thấy được là chính mình nhất trong hội họa.

Chú có thể chia sẻ sâu hơn về cảm nhận thiêng liêng đó không?

Tôi luôn cho rằng, nghệ thuật là phần vô cùng quan trọng của cuộc sống này. Nó giống như tôn giáo vậy. Cả nghệ thuật và tôn giáo đều bù vào những khoảng thiếu hụt trong sâu thẳm của con người. Phần thiếu hụt đó tôi hay gọi là khoảng trống. Bởi trống rỗng như thế, nên ta luôn cần những điểm để tựa vào.

Dù trong thời buổi hiện nay, quan niệm về hội họa hay họa sĩ có phần khác biệt. Họ chuyên nghiệp hóa để có thể sống được bằng tranh. Điều đó là tốt, nhưng đôi khi người ta coi nó như dự án hay món hàng. Còn tôi, tôi giữ nguyên sự thiêng liêng với nó trong lòng.

Tác phẩm Mùa Hoa Phượng, 2022

Và họa sĩ Trần Lưu Mỹ đã dựa vào nghệ thuật để biểu đạt mình, cụ thể ở đây là hội họa trừu tượng?

Trong nghệ thuật có nhiều cách để người nghệ sĩ bộc lộ mình, mà tôi thường tóm gọn trong 3 phần chủ đạo cơ bản: Ca ngợi, phản kháng và khơi gợi cảm xúc khó gọi tên hay khó chạm tới. Đối với tôi, trừu tượng là phương thức để biểu đạt phần thứ 3.

Trừu tượng là ngôn ngữ tương đối thuần khiết. Nó thuần khiết vì không mô tả điều gì cụ thể, mà chỉ thúc đẩy những cái bên trong, để bộc lộ bao điều sâu thẳm thông qua cấu trúc, hình ảnh, mảng màu, để mang lại cảm giác cho người xem. Hội họa trừu tượng giống như nhạc không lời vậy. Khi nghe một bản nhạc, chỉ cần hợp âm hoặc giai điệu hay, là đã đánh thức và chạm vào cảm xúc của mình rồi. Thế nên, tôi thấy trừu tượng đặc biệt phù hợp với mình.

Họa sĩ Trần Lưu Mỹ tiếp tục mang tới công chúng các tác phẩm trừu tượng thông qua triển lãm Khoảng Trống 2. Chú gọi tên loại hình trừu tượng của mình là gì?

Trong trừu tượng đúng là có nhiều thể loại: Trừu tượng cấu trúc, trừu tượng biểu hiện, trừu tượng hình thể tự do hay trừu tượng thuỷ mặc… Nhưng thú thật, tôi cũng không định danh cụ thể các tác phẩm của tôi vào dòng nào. Tôi thích như vậy. Bởi khi cho nó một cái tên cụ thể thì tức là nó đã qua, đã xong, đã hoàn thiện rồi.

Bản thân tôi lại không phải là người hoàn toàn “ham” cái hình thức trừu tượng, mà với tôi, nó là một thể loại phù hợp nhất với việc biểu đạt nghệ thuật và tâm hồn. Như trong một bài bình luận của họa sĩ Lý Trực Sơn viết về tôi mang tên: “trừu tượng không hẳn trừu tượng”, tôi tâm đắc với nhận định đó.

Tất nhiên, làm gì ta cũng có nguyên tắc, nghệ thuật cũng vậy, ngoài nguyên tắc chung thì ai cũng có những nguyên tắc thực hành sáng tạo riêng của mình. Thế nhưng, tôi cho rằng bản chất của nghệ thuật thì muôn đời nữa cũng không ai đưa ra được cái cụ thể nào thật chính xác cả, nó tuỳ vào tinh thần cá nhân của mỗi người. Thế nên, tôi không mong muốn định danh loại hình trừu tượng của mình là vậy.

Quan điểm trong thực hành nghệ thuật của họa sĩ Trần Lưu Mỹ như thế nào, thưa chú? 

Với tôi, nghệ thuật quan trọng ở cái sự tư tự và cảm xúc. Phải luôn trung thực với cảm xúc mình. Trong thực hành sáng tác, tôi có 2 điều luôn để tâm, đó là “ngó nghiêng mà không ngó nghiêng” và “bất khả lập”.

Ở cái đầu tiên, ngó nghiêng là để biết dòng chảy nghệ thuật trong nước và thế giới đang đi đến đâu, các đồng nghiệp xung quanh mình đang làm gì, để mình có thể hiểu được những cái hay, nhưng “không ngó nghiêng” để tránh việc bị giống người khác.

Còn “bất khả lập” là sự thăng hoa. Người nghệ sĩ cần sự thăng hoa bởi có những đường nét, mảng khối, màu sắc mình vẽ ra, mà khi trở về trạng thái bình tĩnh, thì lại không nhận ra tại sao mình lại thực hiện như vậy. Điều đó có thể không làm lại được nữa, bởi nó nằm ngoài khung ý thức của mình. Nhưng nó tạo nên sự đặc biệt cho tác phẩm.

Các tác phẩm trong Khoảng Trống 2 được chú sáng tác trong bao lâu? Và sẽ khác biệt so với Khoảng Trống 1 như thế nào?

Tôi sáng tác trong khoảng gần 2 năm. Các tác phẩm trong triển lãm lần này ra đời chủ đạo trong năm 2022. Còn về sự khác biệt, thực chất thì nó là sự tiếp nối của triển lãm trước. Khoảng Trống 2 là cú đẩy sâu sắc thêm cả về chuyên môn nghề nghiệp, lẫn những ám ảnh, ẩn ức, vô định trong mình. Tôi lúc nào cũng tràn đầy những cảm giác vu vơ khi ngắm nhìn không gian, ví như cái ẩm ướt của Hà Nội mùa xuân; những cái lao xao, hoang vu của lá trong vườn mùa thu; cánh đồng bàng bạc mùa đông trắng xóa và cả bối cảnh chạng vạng buổi chiều.

Vậy để công chúng, đặc biệt là người trẻ, có thể hiểu hơn khi thưởng thức các tác phẩm trừu tượng của họa sĩ Trần Lưu Mỹ, chú sẽ chia sẻ điều gì?

Bạn nghĩ mà xem, bông hoa đẹp bởi vì nó đẹp, vậy thôi!. Trừu tượng cũng thế. Tôi không biết mình nên chia sẻ cụ thể điều gì, tôi chỉ muốn mọi người hãy cứ tin vào cảm nhận của mình. Mỗi người luôn nhìn mọi thứ theo cách của riêng, điều đó tạo nên sự đa chiều cho đời sống này, và cả trong nghệ thuật.

Xin cảm ơn những chia sẻ của họa sĩ Trần Lưu Mỹ, chúc họa sĩ nhiều sức khoẻ và triển lãm diễn ra thật thành công!

Nam Thi
“Khoảng Trống 2” của họa sĩ Trần Lưu Mỹ sẽ diễn ra tại không gian nghệ thuật Huyen Art House, số 8A Đặng Tất, Q.1, Tp Hồ Chí Minh từ ngày 10/03/2022 đến 19/03/2023. Triển lãm được kết nối bởi đơn vị tổ chức nghệ thuật MAI Gallery Hà Nội.