Hai chữ “thuần Việt” thật sự quá nguy hiểm trong thế kỷ 21. Để tránh sa vào cái bẫy của việc tụng ca chủ nghĩa dân tộc và suy tôn những cộng đồng tưởng tượng (của Benedict Anderson), cần làm rõ một vài điều trước nhất. Sự thuần Việt bài viết này nhắc đến không nhằm mục đích nói rằng trên đời có tồn tại một đặc tính 100% Việt Nam. Thuật ngữ “thuần Việt” được sử dụng chỉ với một mục đích: phân định dòng chảy tư bản quốc tế với văn hóa bản xứ. Khi nói bộ phim Hoa Nhài thuần Việt hơn những bộ phim khác, ý tôi là Hoa Nhài thành công trong việc mô phỏng đời sống của con người tại mảnh đất gọi là Việt Nam. Câu chuyện của Hoa Nhài chỉ có thể được kể tại Việt Nam vì những chi tiết mà bộ phim đặt để rất mật thiết với nhau. Hay nói một cách tóm gọn hơn: Hoa Nhài khiến chúng ta tin rằng những câu chuyện trong phim là có thật và rất thật tại Việt Nam chứ không phải nơi khác.
Hoa Nhài quá hiểu những nỗi khổ của con người Việt. Một cậu bé miền quê len lỏi trốn lên phố thị để làm việc kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ, một cặp vợ chồng già bình thản đón nhận ngôi nhà đã gắn bó với mình cả đời bị giải thể, một cô gái chần chừ theo chân người chồng Việt kiều sang Pháp để đổi đời. Bên cạnh tuyến nhân vật chính, những nhân vật phụ cũng không kém phần “đời”. Là một cậu thanh niên muốn bắt kịp xu thế với kiểu tóc của David Beckham; là chị mẹ đơn thân tảo tần lo cho ba đứa con ở thôn quê; là cô vợ xa chồng đi “xuất khẩu lao động” trên Hà Nội để kiếm tiền lo cho gia đình.
Những mảnh đời tuy riêng nhưng lại rất chung tạo nên vẻ đẹp của Hoa Nhài: vẻ đẹp của thực tế con người Việt. Con người Việt trong Hoa Nhài không phải là những hào nhoáng tư bản hay những kiêu kỳ hội nhập mà là sự bình dân, gần gũi, và rất bản xứ. Người bình dân ở đâu cũng có, người khổ ở đâu cũng chẳng thiếu, thế nhưng tinh tế phát hiện được sự bình dân và những trở ngại mà người Việt đang hàng ngày đối diện, không phải ai và ở đâu cũng làm được.
Hoa Nhài là một bộ phim của những người yếu thế. Họ yếu thế không phải vì họ thua bất kì ai, nhưng họ là những người dễ bị xã hội và điện ảnh bỏ quên. Mở đầu phim đã là một sự hồi hộp của cậu bé Đức khi phải lẩn trốn chính sách đưa trẻ em trở về quê để ở lại Hà Nội. Tuy việc Đức làm xét về mặt pháp luật là không đúng, nhưng về cả lý lẫn tình đều có thể thông cảm được.
Trong phim, những nhân vật nhỏ bé như Đức được khai thác về chiều sâu, còn những nhân vật thuộc tầng lớp trung lưu sẽ chỉ xuất hiện thoáng qua. Bà lão bán trà đá, ông thợ cạo lỗi thời, dàn đồng ca khiếm thính, lão nhạc công lớn tuổi, chị giúp việc có chồng nghiện chơi đề,… tất cả đều có những câu chuyện đẹp của họ mà không phải lúc nào ta cũng được nhìn thấy. Phải chăng ta đã quá quen với những bộ phim kịch tính về những người giàu có? Bộ phim đã thành công trong việc đưa cuộc đời của những con người này lên màn ảnh rộng với một trái tim thấu cảm tột bậc, khắc họa những người yếu thế nhưng không yếu hèn.
Hoa Nhài là một đại diện cho nghệ thuật làm phim tử tế khi tác giả tỉ mỉ và tằn mằn đến từng chi tiết. Mỗi một nút thắt kịch bản, mỗi một chủ thể cảnh quay, mỗi một vụn vặt đạo cụ, đều cho thấy sự tính toán kỹ lưỡng và dụng ý của Đặng Nhật Minh. Những chi tiết này đặc biệt rất thuần Việt: là dàn đồng ca có em đeo khăn quàng đỏ, em không; là hộp bánh Danisa lấp ló ở dưới bàn; là chiếc áo thêu hoa tươm tất của người thôn nữ ngày đầu nhận việc ở thành phố. Tác giả không cần phải để diễn viên thoại về cái khăn quàng, hộp bánh, hay chiếc áo để giãi bày tâm tư của nhân vật. Nhưng nếu ta bỏ đi những tiểu tiết ấy, bộ phim sẽ mất đi phần lớn chiều sâu. Qua mỗi tiểu tiết trong phim, bộ phim Hoa Nhài hướng đến tái tạo một trải nghiệm điện ảnh đúng với hiện thực khi giảm yếu tố chính kịch (cường điệu hóa cảm xúc bên trong) và đậm yếu tố ký sự (mô phỏng lại phản ứng hàng ngày của con người).
Trung thực với lịch sử văn hóa của mảnh đất Việt Nam cũng là một yếu tố làm nên tính thuần Việt cho Hoa Nhài. Trung thực ở đây có nghĩa rằng những chi tiết mà tác giả lựa chọn đưa vào bộ phim có cùng chủ đích và không lạc lõng trong mạch phim. Chiếc bánh mì dài baguette và bức di ảnh của Nhà hát lớn Hà Nội thổi vào bộ phim linh hồn của văn hóa Pháp. Dĩa nộm, bát phở, hay ca nhạc thính phòng, lại là những sự kế thừa và phát triển văn hóa của chính người Việt. Việc đem những chi tiết rất đỗi bình dân thế này lên phim là một chuyện không khó, nhưng kết nối chúng với nhau sao cho chặt chẽ mới là thử thách cho thấy sự suy tính của tác giả.
Qua mỗi cảnh phim có sự xuất hiện của ẩm thực Hà Nội, ta luôn tìm thấy Đức – một cậu bé đầu phim phải chui nhủi ăn mì gói tạm ở nhà ông bà cụ cho đến lúc trở thành một đầu bếp chỉnh tề ở cuối phim. Qua mỗi cảnh phim có sự xuất hiện của phảng phất văn hóa Pháp, ta luôn tìm thấy lão nhạc công trong bộ âu phục và một tình yêu mãnh liệt với âm nhạc Opera. Việc kết nối từ đạo cụ, nhân vật, cảnh quay cho đến cốt truyện sao cho liên kết với nhau đã cho thấy tầm nhìn nghệ thuật của Hoa Nhài, đặc cách bộ phim lên một tầm cao khác với phim Việt thị trường.
Sự xung đột giữa cũ và mới được luận giải với một trái tim nhạy cảm và một tư duy phản biện đáng nể phục trong Hoa Nhài. Thay vì mắc kẹt trong cái bẫy nhị nguyên tốt – xấu, truyền thống – hiện đại, Hoa Nhài giải cấu trúc của các cặp đối trọng đó, lấy sự thấu cảm làm chân giá trị. Phân cảnh Đức bị ông lão dọa đuổi khỏi nhà sau khi cậu bán đôi giày ở tiệm cầm đồ để trả nợ đặc biệt cảm động. Ở một mặt, việc ông thợ cạo nổi giận bắt Đức trả lại đôi giày với lý do “Đói cho sạch, rách cho thơm” thể hiện quan niệm truyền thống của người Việt về việc coi trọng thể diện. Mặt khác, bộ phim cho thấy quyết định bán giày của Đức không hoàn toàn là xấu xa: do người khách đã vội vã đuổi theo bạn gái và chưa trả tiền đánh giày cho Đức, em hoàn toàn có thể nghĩ rằng việc giữ lại đôi giày cho xứng đáng với công sức mình bỏ ra là công bằng. Đặt để trong bối cảnh đất nước vừa bước sang thời kỳ kinh tế thị trường, hành động của Đức tiêu biểu cho một hệ giá trị mới: rạch ròi và sòng phẳng. Đứng trước sự xung đột của hai hệ giá trị, ta nên chọn cái nào?
Hoa Nhài đã lựa chọn sự thấu cảm. Thấu cảm khi ông thợ cạo hoài nghi số tiền lớn Đức có nhưng không vạch trần mà chọn âm thầm tìm hiểu sự việc; thấu cảm khi người bạn gái ân cần với Đức lúc em trả lại đôi giày; thấu cảm khi lão nhạc công quan sát mọi chuyện và tạo cơ hội cho Đức học nghề. Đến cuối cùng, bộ phim không hướng ta chọn theo giá trị truyền thống, nhưng hướng ta đến việc thấu hiểu cho hoàn cảnh của người khác. Đức bị phạt không hẳn do cậu không “đói cho sạch”, nhưng do cậu đã không hiểu và không cố gắng hiểu cho người bị mất đôi giày. Việc thể hiện tâm lý nhân vật bằng việc làm thay vì lời thoại đã tinh tế hóa giải một phân định ‘đúng – sai’ cứng nhắc và thay vào đó là sự thấu hiểu cho người khác: mỗi hành động đều có lý do đằng sau của nó.
Lời kết
Đương nhiên, Hoa Nhài chưa phải là hoàn hảo. Đôi lúc, lời bộc bạch của các nhân vật còn có chút cường điệu. Ở đôi chỗ, máy quay do lia thủ công nên còn hơn rung nhẹ. Tiếng đàn nhị được chèn chưa khéo vào bài Người Hà Nội do nhạc công và dàn đồng ca thực hiện có hơi lớn so với âm thanh trong phim (diegetic sound), khiến cho bộ phim bị chệch nhịp cảm xúc một chút. Tuy nhiên, đôi lỗi kỹ thuật không phá hỏng bộ phim, càng không phá hủy sự tinh tế trong mỗi ý tứ của phim. Ta càng nên thán phục đoàn làm phim độc lập với kinh phí ít ỏi, có thành viên trong đoàn chấp nhận làm miễn phí, không có kinh phí quảng cáo rình rang. Nhưng, họ đã tạo ra một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao đến mức dù doanh thu trăm tỷ cũng không thể mua được.