Buổi phỏng vấn bộ đôi nhà sưu tầm Phạm Lê diễn ra vào ngày cuối cùng của triển lãm “Họa Duyên Tương Ngộ”, những giây phút chất chứa chiêm ngưỡng ánh trăng của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên đã đi đến hồi kết. Mở ra những bước tiếp cận non nớt của lớp người trẻ yêu nghệ thuật, về một người họa sĩ Đông Dương rời xa quê hương để theo đuổi lý tưởng nghệ thuật đầy nhân văn.
Tâm thế của chúng tôi lúc làm buổi phỏng vấn này rất ung dung, thong thả và tràn đầy cảm xúc. Bộ đôi nhà sưu tầm Phạm Lê mở đầu cuộc trò chuyện: “Đôi khi chúng tôi cảm tưởng như mình vẫn là đứa trẻ non nớt trên con đường nghệ thuật này, mọi thứ luôn thật mới mẻ. Lúc trước mình chỉ biết rằng 1+1=2, nhưng bây giờ thì 1+1 sẽ là con chim, hay một nhành hoa”.
Cuộc đời con người quanh quẩn đi tìm hàng trăm câu trả lời cho muôn vạn câu hỏi khác nhau, vì vốn dĩ chẳng điều gì cụ thể và chắc chắn như nó vốn-phải-là, tất cả đều do quy chuẩn mà chúng ta đặt ra để nó tồn tại như thế. Khẽ ngắm nhìn quãng đời làm nghệ thuật của cụ Trần Phúc Duyên làm chúng tôi ngộ ra phần nào về những câu hỏi tự sự này. Rằng, dù cho lời đáp từ cuộc sống và số phận sẽ có lúc không như mong đợi, nhưng tình yêu và lý tưởng sẽ là thứ xoa dịu ta trên quãng đường ấy.
Phóng chiếu chính mình trong cuộc sống của cụ Trần Phúc Duyên, triết lý về cái đẹp và những câu chuyện rất đỗi riêng tư của cố họa sĩ có mang đến sự đồng điệu và cảm hứng nghệ thuật cho anh không?
Bắt đầu từ cuộc phỏng vấn năm 1964, khi được hỏi vì sao lại rời Việt Nam sang Châu Âu, cố họa sĩ Trần Phúc Duyên đã trả lời rằng:
“Tôi rời đi để tìm kiếm những điều mới mẻ, những điều tôi có thể học hỏi. Nếu không tôi đã ở lại và lặng lẽ mưu sinh… Tôi muốn nâng tầm nghệ thuật sơn mài lên cùng đẳng cấp với sơn dầu.”.
Ban đầu khi đọc câu trả lời này, tôi không hiểu tại sao lại phải nâng tầm sơn mài. Sau khi tìm hiểu sâu hơn, tôi được biết rằng từ đời cụ ông (phụ thân cụ Trần Phúc Duyên) đã làm nghề sơn mài và có sự tương tác với hiệu trưởng của trường Mỹ Thuật Đông Dương, tất cả đã là mối lương duyên. Cụ đã được sống trong “hơi thở” ấy, sơn mài đã chảy trong gia đình một cách rất tự nhiên. Cũng vì thế mà tôi cảm tưởng như đối với cụ, sơn mài là chất liệu của quê hương, là một chất liệu của tâm hồn. Ngoài ra, còn có thể nói đây là chất bán dẫn cho cái tôi của người họa sĩ. Để một người có thể nói những câu như vậy, có thể nói gần như là một mục đích và lý tưởng sống, dường như cụ Duyên đã đặt bản thân (nhu cầu cá nhân) xuống, để đẩy mục đích dân tộc lên cao.
Điều đó làm tôi liên tưởng đến công việc hiện tại, rằng mình muốn sưu tập mang tính lan tỏa, giới thiệu những câu chuyện có tính lớp lang đến cộng đồng. Điểm đồng điệu giữa cụ và lý tưởng của Phạm Lê đã chạm đến cảm xúc của tôi.
Câu trả lời của cụ Duyên về việc muốn đặt vị thế của sơn mài Việt Nam được nói chuyện ngang hàng với đẳng cấp của sơn mài châu Âu, đúng như anh chia sẻ, cảm tưởng như đây là “một sự cố chấp đáng yêu” (trích theo nhận xét của nhà thơ, nhà nghiên cứu nghệ thuật Art Republik Lý Đợi).
Đúng là như thế. Có một điều xảy ra rất tự nhiên, là trong quá trình nghiên cứu các chất liệu sơn mài, một trong những biến cố trong lịch sử làm nghệ thuật của cụ, là các nguyên liệu Việt Nam không thể mang sang nước ngoài. Nhưng cụ Duyên vẫn tiếp tục hành trình sơn mài của mình.
Dù sáng tác trong cái khó khăn nhưng cụ vẫn luôn làm mới mình, bằng việc nghiên cứu những vật liệu mới để khởi tạo một trường phái rất “Trần Phúc Duyên”. Trong quá trình nghiên cứu, cụ hiểu được chất liệu nào cần ứng dụng, phản ứng hóa học các chất sẽ ra sao, và hiểu nó tới mức độ có thể tạo ra được hiệu ứng đúng với ý chủ quan khi sáng tác.
Điều đó làm tôi cảm thấy cụ Duyên “tìm” bản thân rất sâu sắc, vượt ngưỡng có thể tưởng được. Dù cho phần xác (chất liệu) có thay đổi thì tâm hồn nhớ về quê hương vẫn luôn thấm đẫm từng vệt sơn, rằng “tôi lột tả cảm xúc bằng kỹ thuật sơn mài tinh hoa của phương Đông bằng nguyên liệu phương Tây”. Đến giai đoạn lặn sâu hơn vào tranh của cụ, tôi như thấy các tác phẩm được phủ làn sương của nhớ nhung, cảm tưởng như đó là sự níu kéo hình ảnh quê hương bị phai dần theo năm tháng cách biệt.
Nên vì thế mà “Họa Duyên Tương Ngộ” có 3 lớp lang đại diện cho 3 giai đoạn sáng tác của cụ Duyên. Đầu tiên giai đoạn phong cảnh (ngắm) với những bức tranh phong cảnh đẹp và thơ mông. Tiếp theo là thủy mặc (cảm), giai đoạn mà cụ Duyên tập trung diễn đạt tình cảm, tình yêu và nỗi nhớ quê da diết, một chút nỗi buồn bảng lảng, niềm cô đơn thanh tịnh của mình trong sáng tác, lược bỏ các chi tiết và đi vào các hình ảnh mang tính biểu tượng của quê hương, như cây cau, ánh trăng… Và cuối cùng là trường phái trừu tượng, giai đoạn biểu đạt tư duy (suy tư, quán chiếu).
Sự kết nối với bản thân (ở giai đoạn đi qua phần đời đến lúc chạm kết) và cách truyền đạt của cụ qua tác phẩm ở giai đoạn này được rất nhiều bạn trẻ ấn tượng, vì đâu đó có sự đồng cảm những suy tư về cuộc đời. Những tác phẩm trừu tượng ấy lột tả hình ảnh một con người tìm thấy chính mình, tìm được câu trả lời cho quãng đời và chạm đến chữ “Ngộ”. Đối với tôi, cụ đã rất can đảm thay đổi phong cách sáng tác của mình, qua việc đặt Duyên 1 sang một bên, để tìm lấy Duyên 2 và Duyên 3. Giai đoạn thủy mặc và trừu tượng đã trả lời được cho câu “tôi ra đi để nâng tầm sơn mài Việt”.
Có nghe anh nhắc đến việc cố họa sĩ Trần Phúc Duyên sử dụng các chất liệu từ phương Tây, tuy nhiên sơn mài là loại hình nghệ thuật khó chiều. Vậy có những nguyên liệu phương Tây đặc biệt nào mà cụ đã sử dụng để thực hành sơn mài?
Dựa trên quá trình nghiên cứu phong cách của cụ Duyên, chúng tôi nhận ra các tác phẩm thường chủ yếu ứng dụng vàng mỹ thuật, như vàng trắng, vàng hồng, vàng chanh và vàng vàng, để tạo đa sắc thái khác nhau. Cụ áp dụng kỹ thuật thuần túy của Việt Nam, xếp các lớp và mài. Đặc biệt là hiệu ứng sơn mài sáng (ánh kim) của các bức hàng cau, khi đẩy các độ sáng khác nhau thì ánh sáng trong tranh sẽ “chạy”, tạo sự kết nối phần cảm xúc và hiệu ứng không gian. Chỉ với 3-4 mảng màu nhưng lại tạo ra hàng trăm hiệu ứng trên tác phẩm. Điều đó thể hiện khả năng hiểu thấu chất liệu và hiệu ứng cụ muốn truyền tải, trong chủ ý kiểm soát được.
Mọi người vẫn thường được giới thiệu và biết đến cảm hứng mỹ thuật (the muse) lớn nhất của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên là quê hương, là cảm hứng từ phương Đông. Vậy có tác phẩm hay bản thảo nào của cụ thoát ly khỏi tinh thần Á Đông chứ?
Nếu nhìn lại toàn bộ sự nghiệp của cụ Duyên, hay các họa sĩ xuất thân từ trường đại học Mỹ Thuật Đông Dương, ta có thể thấy được sự ảnh hưởng sâu sắc của phương Tây. Trước kia thường đa phần các tác phẩm được vẽ cách nhìn theo 2 chiều: nhìn hàng ngang (thượng mã), chạy hàng dọc (điểu khám). Thì khi tiếp cận và học tại trường mỹ thuật Đông Dương, những kiến thức như luật xa gần và đổ bóng sáng tối bắt đầu được đưa vào thực hành một cách khoa học hơn theo hệ thống giáo dục châu Âu. Cụ Duyên đã theo học chuyên ngành sơn mài của trường Mỹ Thuật Đông Dương nên là cách nhìn và nét Á Đông vẫn luôn tồn tại bởi chất liệu ta, dù ảnh hưởng của phương Tây luôn hiện hữu.
Và có một điều làm tôi rất ngạc nhiên ở những giây phút cuối cùng trước khi triển lãm ra mắt, đó là khi gia đình cụ Duyên đưa vào 6 bức tranh được sáng tác năm 1948 đến năm 1952 tại Hà Nội. Khi nhìn vào, tôi ngỡ ngàng trước ngôn ngữ pop-art từng thấy ở Andy Warhol, đây không còn là phong cảnh nên thơ nữa mà hoàn toàn biểu đạt hơi thở hiện đại.
Chia sẻ ngoài lề, cụ Trần Phúc Duyên cũng vô cùng yêu thích nhạc pop và jazz, cô Vân (cháu cụ) cho biết món ăn yêu thích nhất của cố họa sĩ là các món pho-mát và bánh mì, cùng rất nhiều trứng (để làm nguyên liệu tranh sơn mài).
Cũng vì thế mà trục giao lưu giữa Á và Âu của cụ Duyên rất sâu và quá mực nhuần nhuyễn khiến người xem cảm tưởng như đây chỉ là sự hài hòa, mà chẳng có sự khác biệt rằng: “lúc này thì Á, lúc kia thì Âu nữa”.
Tình trạng sơ khai của tác phẩm như thế nào và giai đoạn phục chế được diễn ra sao?
Tôi vẫn nhớ ngày đầu đến nhà cô Vân vào tháng 10 năm 2007 để đặt vấn đề xin được mua lại bộ sưu tập. Cô giới thiệu cuốn catalog của cụ trong đó có 2 tác phẩm đại phong cảnh khổ lớn, là bức “Sương Thu” và bức “Chùa Thầy”. Bức “Chùa Thầy” là tác phẩm khiến tôi không thể quên được ấn tượng đầu tiên, gần như mỗi nét chạm đều không khỏi khiến tôi thốt lên rằng: “Ôi mình chưa từng thấy một chùa Thầy như trên cõi niết bàn thế này”.
Vì phong cảnh chùa Thầy là đề tài thường được khai phá trong các bài tập ở trường Mỹ Thuật Đông Dương (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tiến Chung, v.v… đều vẽ). Thế nhưng cũng là phong cảnh chùa Thầy ấy, nhưng bảng màu của cụ Duyên hoàn toàn thay đổi, một bảng màu vàng không còn sự tương phản. Từ đất trời, nước non, cây cối, tất cả như hòa quyện với nhau, và được bao phủ bởi lớp sương mờ, nhưng nói đúng hơn là một tấm màn của nỗi nhớ.
May mắn rằng trong số 100 bức tranh còn lại thì “Chùa Thầy” vẫn đang được lưu giữ. Nhưng tác phẩm trong tình trạng cần được cứu ngay lập tức, vì theo thời gian mà một số chỗ bị xốp bề mặt. Chúng tôi đã phải liên hệ ngay cho nhà phục chế người Thụy Sĩ để chữa dù chưa được sở hữu tác phẩm này.
Vậy điều khó khăn nhất khi mang các tác phẩm về lại cố hương là gì?
Đối với tôi, tất cả tác phẩm nghệ thuật đều có giá trị tinh thần cao, bất kể được sáng tác bởi họa sĩ nào hay mức độ hiện kim ra sao, đều cần được nâng niu và quý trọng vì nó cũng là đứa con tinh thần của một người nào đấy. Giá trị tài chính là do thị trường định, nhưng giá trị tinh thần là mình tự trân quý đặt ra. Chúng tôi đã thuê người làm từng thùng, từng hộp cho mỗi tác phẩm, cùng hệ thống chống rung sốc, chống ẩm và bọc bằng giấy chống axit. Không quá khó khăn hay cầu kỳ nhưng cần cẩn thận để hạn chế tối đa mọi rủi ro.
Theo anh, các tác phẩm của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên giá trị và thu hút ở kỹ thuật hay ở thông điệp và giá trị cảm xúc?
Khi mới bắt đầu tiếp cận tranh và sưu tầm các tác phẩm của cụ Duyên, chúng tôi như thể đứa bé vỡ lòng học việc. Lúc ấy tôi nghĩ rằng cái đẹp phải là thứ luôn sẵn sàng và dễ cảm nhận. Vì thế nên ban đầu tôi ưu ái tranh phong cảnh của cụ. Chúng tôi bị mê hoặc bởi bố cục xa gần, choáng ngợp bởi chi tiết của lá tre, bông hoa vô cùng tỉ mỉ.
Về sau hiểu và đọc sâu hơn về cụ, thì tôi bắt đầu thấy được những suy tư rất riêng, sơn mài thủy mặc của cụ rất lạ thế nhưng chưa thấy đẹp. Đến khi treo lên tường, một ngôn ngữ phương Đông được chắt lọc dần hiện ra, dù các nét vẽ rất ít, không biểu diễn sự vật, hiện tượng như nó vốn có, mà chỉ là những hình tượng trừu tượng cô đọng. Vì cụ thiền mỗi ngày, nên sự chiêm nghiệm ấy được đưa vào tranh rất sâu. Lúc ấy tôi mới hiểu được những giá trị của cảm xúc trong nghệ thuật.
Có những tác phẩm trừu tượng của cụ, mà lúc đầu có nhiều người bảo rằng tranh chưa hoàn thiện, chỉ là bản nháp. Nhưng linh tính của tôi nghĩ rằng những thứ này cần được bảo toàn, đến sau này mới nhận ra rằng những tác phẩm này đã thật sự hoàn thiện. Có những tác phẩm cụ khắc hàng trăm đường rạch khác nhau trên bề mặt, có những tác phẩm không vẽ mà chỉ có màu sắc và các đường cắt, đòi hỏi người xem đào sâu suy nghĩ. Chúng tôi phải dùng chữ “ngộ” để hình dung. Và đến những ngày cuối cùng chuẩn bị cho triển lãm mới thật sự thấu cảm và đủ sức để hiểu được chiều sâu tranh trừu tượng của cụ Duyên.
Cảm xúc là thứ vô hình, không thể dùng tiền mà mua được. Cái vẻ đẹp ấy phải tiết ra từ câu chuyện được vẽ thành bức tranh. Vì để chạm đến cái đẹp không phải điều khó, khi mình thấy đẹp thì cái gì cũng có thể trở thành vẻ đẹp. Nhưng một bức tranh đẹp, ngoài tính mỹ thuật thì tính kể chuyện và vai trò lịch sử của nó đã đóng góp những gì cho nghệ thuật cũng là yếu tố quan trọng.
Lại nói về tranh của cụ Duyên ở giai đoạn phong cảnh, thấy rất đẹp. Đến thời kỳ sau lại thấy buồn, nhưng là nỗi buồn man mác thơ mộng, an nhiên, tự tại. Có thể nói đó là nỗi buồn “tôi cảm thấy buồn vì tôi nhớ quê hương nhưng đồng thời tôi cũng bằng lòng với những gì tôi đang có hiện tại”. Và đến cuối cùng gần như là “tôi không còn gì nữa cả, tôi không còn những vướng mắc hay lo lắng của cõi đời này nữa”. Cụ Duyên vẽ như thể với tâm thế “tôi vẽ hình ảnh nào cụ thể, cũng không để phục vụ mục đích nào cả”. Thì tự thân các tác phẩm đó như một “phương tiện” để gửi gắm tâm tư, để trò chuyện và tâm tình với người chiêm ngưỡng. Điều đó cũng như việc tác giả đồng sáng tác với người xem tranh và mỗi người sẽ có một cách “nhìn” khác nhau, để cuộc sống này muôn màu, muôn vẻ hơn. Thì đó cũng là mục đích của nghệ thuật rồi.
Cụ Duyên từng chia sẻ, rằng không có sự hoàn thiện, cũng không có cái đẹp nào hoàn chỉnh, mà ta tìm cái đẹp trong cái sự không hoàn thiện ấy. Làm tôi liên tưởng đến một tác phẩm cụ vẽ quang cảnh sau cơn bão, nhưng không hề thấy cơn bão, vì bão ở bên ngoài kia, còn trong lòng mình đã an yên thì cơn bão ấy chỉ đi qua, mình đã “trên” được cơn bão ấy rồi. Và cuộc đời này sẽ có nhiều cơn bão đến với mình, sẽ có những lúc khó khăn, nhưng quan trọng rằng một ngày về đến nhà, chiêm ngưỡng cái đẹp sẽ làm tôi cảm thấy tìm được bình yên. Đó là những giá trị tinh thần vô hình mà nghệ thuật mang lại cho cuộc sống. Ví dụ như tác phẩm cụ vẽ người nông dân thời kỳ đầu những năm 20-30, nhưng sao lại làm người xem ám ảnh đến vậy. Thì tôi mới nhận ra rằng cụ vẽ cả tinh thần và tâm hồn của thời đại.
Có lẽ cụ Duyên cũng cảm nhận được những ngày cuối cùng của mình đang đến.
Cụ thiền mỗi ngày vào giai đoạn cuối đời. Và 7 tháng trước ngày đi đến hồi kết, cụ có viết thư cho cháu của cụ: “J’en suis complé” (tạm dịch: Chú cảm thấy viên mãn). Có thể thấy con đường của cụ đã trọn vẹn, viên mãn. Cụ đã ngộ, không còn tư vương và sẵn sàng cho bước tiếp theo của mình. Cuộc đời đã xem như dâng hiến toàn bộ cho nghệ thuật. Có thể diễn giải cho hình tượng ánh trăng trong tranh của cụ. Vì cụ đã kết nối cảm xúc của mình với ánh trăng và ánh trăng phủ kín mọi nơi, vì ở đâu có tia sáng dịu dàng thì nơi ấy là nhà, luôn tròn đầy vì tình yêu và lòng nhớ nhung. Điều này cũng trả lời cho mục đích xa xứ của cụ, rằng tôi ra đi vì một lý tưởng, nhưng giờ đây lý tưởng ấy đã bao la và rộng lớn hơn thế.
Tôi cảm tưởng như cụ truyền năng lượng vào từng bức tranh, cụ vẫn buồn vì chưa được về nhà. Đặc biệt cụ có quote trong cuốn catalog của mình: “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương” (“Tĩnh dạ tứ”, Lý Bạch). Và đó cũng là lí do vì sao cụ chọn hình tượng ánh trăng, vì ánh trăng không quá rực rỡ như mặt trời, thường sẽ cô đơn hơn. Ánh trăng dẫn lối cho con chim bay về tổ. Tất cả hình tượng ấy gói gọn tính tự sự rất cao. Đó cũng là lí do vì sao chúng tôi mong muốn và quyết tâm đưa cụ “về” cố hương, bằng tinh thần, tâm hồn và những tác phẩm.
Sau triển lãm này, anh có kế hoạch gì cho “Hoạ Duyên”?
Dịp này chúng tôi đã giới thiệu phần lớn bộ sưu tập tới công chúng, phần còn lại bao gồm khá nhiều tranh trừu tượng và rất nhiều phác thảo. Điều may mắn của chúng tôi là được nhìn những bản thảo để hiểu ý tưởng của cụ sâu hơn, và hiểu được quá trình làm việc của một người họa sĩ. Chúng tôi hy vọng nếu có điều kiện sẽ có dịp phù hợp giới thiệu tới công chúng thêm những tác phẩm này. Hiện chúng tôi đang tập trung vào việc hoàn thành cuốn sách Duyên – để ra mắt công chúng trong năm 2023.
“Họa Duyên Tương Ngộ” không phải dấu chấm mà là dấu phẩy, mở ra một cơ hội mới để nhiều người nhìn nhận và quán chiếu bản thân, cũng như được truyền cảm hứng từ cụ Duyên, giống như chúng tôi.
Bài: Hà Chu
Ảnh: RabHuu