Hình họa Tarot: Khi tâm linh biểu đạt bằng thị giác

“Giao diện” của bộ bài Tarot đến hiện tại có nhiều biến hóa không ngừng bởi sự hòa nhập văn hóa khi “đặt chân” đến các vùng đất mới cùng sự giao thoa hội họa đương đại được thể hiện qua hình vẽ của những lá bài.

Bộ “Tarot of Pagan Cats” của tác giả Lola Airaghi, Magdelina Messina

Tarot là bộ bài “tiên tri” với 78 lá, thường được dùng để dự đoán tương lai. Người trẻ hay đùa nhau rằng, từ khi biết đến Tarot, dù là định hướng công việc trong tương lai hay người yêu cũ đang làm gì, họ đều sẽ có câu trả lời cho những băn khoăn của mình.

Nhưng chẳng mấy ai thật sự hiểu hay quan tâm đến giá trị nghệ thuật đằng sau lá bài khi thông điệp từ Tarot mới là thứ họ quan tâm nhất. Nhà triết học Hegel từng nói: “Nghệ thuật là sự nhân đôi mình lên của con người”, khi dành thời gian thấu hiểu cảm xúc của bản thân và đồng cảm với những hình ảnh trên lá bài, tính tâm linh của Tarot sẽ dần chuyển hoá thành các thước phim thú vị, đầy thực tế mà đời người ai cũng trải qua.

Cũng vì thế, để tiếp cận với Tarot, người xem cần cảm nhận những hình ảnh và nhân vật trong lá bài bằng sự thuần khiết như tâm hồn của đứa trẻ. Ví dụ như lá “The Death” gây sợ hãi trong bộ Rider-Waite kinh điển, hình ảnh người tóc bạc nằm xuống và những đứa trẻ ngây thơ đang nghe tiếng cầu kinh của vị giáo Hoàng, như ẩn dụ cho mỗi kết thúc đều sẽ dẫn đến những khởi đầu mới đầy hy vọng. Đây là sự kỳ bí và thu hút riêng biệt của bài Tarot, từng lá bài và hình ảnh đều mang lịch sử của riêng nó, như những điển tích, điển cố nằm ẩn sâu trong những câu thơ. 

Lá The Death (Cái Chết) trong bộ Rider-Waite (1909)

Xuất hiện khoảng thế kỷ 14-15 tại châu Âu, ban đầu Tarot vốn là một bộ bài trò chơi nhưng sự huyền bí của các hình ảnh trừu tượng với tính kết nối cao dần biến chúng thành công cụ để bói toán. Không thuộc thời Trung Cổ hay Phục Hưng, Tarot được sinh ra giữa cả thời kỳ mang dòng chảy khủng khiếp và đầy mâu thuẫn này. Sự tàn phá của chiến tranh, các phát minh mới, những ý niệm nghệ thuật mới nổi cùng với tri thức bị chôn vùi trong quá khứ đã khiến hình ảnh lá bài Tarot luôn ngập tràn quyền lực của các vị vua và nữ hoàng, tình yêu của chàng kỵ sĩ trẻ xen lẫn yếu tố năng lượng đất trời qua các lá The Sun, The Moon. 

Bốn hoàng hậu trong bộ bài đại diện những tính cách và hoàn cảnh riêng biệt

Tuy nhiên, về sau các nguồn gốc của Tarot vẫn gây nhiều tranh luận về lịch sử thật sự của “vị tiên tri” này. Rằng người di-gan yểm những “bí thuật” vào các lá bài và mang đến châu Âu, hay những lá ẩn chính bắt nguồn từ Ai Cập cổ đại. Thậm chí nhiều người tin rằng Tarot là tàn dư còn sót lại của Lục Địa Atlantis đã chìm vào đại dương. Những lời đồn thổi cùng lịch sử không rõ ràng càng khiến Tarot thêm kỳ bí và khó lý giải hơn. Thành thật mà nói, những thứ càng khó tìm ra lời giải thích (tất nhiên không phải thứ vớ vẩn, vô nghĩa) càng có xu hướng khiến người khác tin tưởng hơn, đặc biệt trong lĩnh vực huyền học.

Lá bài Tarot tiếp cận với các thế hệ như cách tôn giáo “hóa” mình để đồng điệu cùng văn hóa của các nước. Dù xuất thân từ phương Tây, các bộ bài đã có cách “thích nghi” với nhu cầu của người sử dụng qua phương thức truyền đạt bằng hình ảnh, thậm chí các yếu tố tôn giáo như bộ bài Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay đạo Hồi cũng được mang vào các thiết kế, từ đó truyền tải tinh thần dân tộc, tín ngưỡng qua hình ảnh để “tìm sự đồng cảm” ở người xem bài.

Buddha Wisdom, Shakti Power của tác giả Laura Santi

Tarot Kiều – họa sĩ minh họa Tú Ngô

Cũng qua sự đa dạng muôn vẻ ấy, nhiều nhà huyền học cho rằng, dù có sáng tạo đến đâu thì những hình tượng như “Ông Vua”, “Hoàng hậu” vẫn phải được giữ nguyên để các câu chuyện, nhân vật của lịch sử được “sống” vào với thế giới đương đại. Đôi khi những sáng tạo quá đà với các nét vẽ hiện đại đã làm mất đi tinh thần chủ đạo và tính tâm linh của Tarot. Họ cho rằng các nhân vật và sự vật trong bộ bài cổ điển đã là nền tảng và quy tụ những đặc điểm tâm-sinh-lý của loài người, mà loài người thì “thời nào cũng đi hai chân” giống nhau, sự yêu ghét và những mong cầu của thế giới đều gói gọn vào 78 lá. Việc sáng tạo hay thay đổi ông Vua thành ông Sếp là không cần thiết.

Bộ bài Visconti-Sforza xuất hiện từ thế kỷ 15

Nhưng không vì thế mà tính cá nhân hóa bị xóa nhòa khi mỗi chủ nhân của bộ bài đều có cách diễn đạt cá tính và mục đích cá nhân riêng. Sở dĩ yếu tố chính trị cũng như đời sống của người hiện đại không còn quá quen thuộc với hình ảnh Vua Chúa và các chàng hiệp sĩ nên việc hiện đại hóa cũng là yếu tố cần thiết để dễ dàng tiếp cận với lối sống của những người trẻ, đặc biệt Gen Z, nhóm người có thể nói phần nào đã làm “sống dậy” Tarot đầy nét đương đại. Mang đến cách tiếp cận mới so với các kiểu bói toán truyền thống của người Việt như bói bài tây, bổ cau hay đọc lá trầu mang tính tâm linh “căn quả”.  

Bộ bài Morden Witch Tarot của tác giả Lisa Sterle được “biến tấu” thời trang hiện đại

Bộ Gentle Thrills Tarot của tác giả Isa Beniston phá bỏ mọi quy tắc

Bói toán, tâm linh là lĩnh vực huyền bí học mà thế giới mất rất nhiều thời gian và các dự án nghiên cứu để giải đáp hiện tượng “nhìn thấy trước tương lai”. Việc phụ thuộc vào bói toán là hình thức giúp người đang “rối óc” tìm được thành thơi, có người thì chỉ đến tìm sự đồng cảm, thậm chí cần người nói chuyện phiếm. Tựu trung, điều gì đến sẽ đến, nếu bạn chưa biết đến bói toán thì người yêu vẫn sẽ xuất hiện thôi, dù chẳng lá bài nào bảo, “6 tháng nữa có người đến nhé”. 

Bài: Hà Chu