[Pride Month] Tuổi trẻ ngưng đọng trong tranh Hernan Bas

Tôi ví tranh Hernan Bas như một viên nang thời gian, nơi thiên nhiên giăng phủ và thời gian thì toàn quyền thinh lặng. Đã hơn hai thập kỷ trôi qua, những chàng trai trong tranh Hernan Bas vẫn luôn mang vẻ ngoài lấp lửng tuổi đôi mươi, những khuôn mặt suy tư ái kỷ và thở làn hơi tính dục phôi pha.

HERNAN BAS VÀ THỜI THƠ ẤU NGHỊCH DỊ

Hernan Bas là một hoạ sĩ người Mỹ. Ông sinh năm 1978 trong một gia đình nhập cư từ Cuba đến vùng ngoại ô phía Bắc Florida. Cũng chính ở đây, hơi thở tự nhiên đã vận vào đời ông trong những ngày lang bạt đến các cánh rừng ở Ocala cùng anh chị trong gia đình. Tâm trí Bas giăng đầy những biểu tượng viễn tưởng: UFO, dấu chân khổng lồ hay những trang sách Oscar Wilde, Charles Baudelaire và Joris-Karl Huysman mà ông đắm chìm mê mệt trong kho tàng “Occult” (dòng văn học huyền bí) của thư viện địa phương. Nói cách khác, sáu năm đầu đời ở Miami mở ra trong Bas “một thế giới kỳ lạ và những khu rừng giữa hư không”, thứ sẽ định hình nên phong cách sáng tác của ông sau này.

Trưởng thành cùng cây xanh và hoa cỏ, thiên nhiên trở thành một chủ thể quan trọng trong trí tưởng tượng và về sau là trong các tác phẩm của Bas. Đó có thể là thảm thực vật phong phú như một khu rừng rậm nguyên sinh và toà nhà cổ trong The Dead Line (2011), có khi là hoa cỏ đơn thuần trong một không gian đã ngấm ngầm hơi thở thời hiện đại. Tông màu đậm kiểu Gothic gợi nên cảm khái về một vũ trụ huyền bí và siêu nhiên, nơi mà những chàng trai bảnh bao có phần ái nam ái nữ đứng trầm ngâm quan sát thế giới tự nhiên đầy hỗn loạn, xem thiên nhiên như một không gian đủ an toàn để phơi bày những biểu hiện uỷ mị và bản năng nhất.

Hernan Bas, “The Dead Line” (2011)

LẤP LỬNG TUỔI, LẤP LỬNG GIỚI, LẤP LỬNG ÁNH NHÌN

Xem tranh Hernan Bas, người xem nắm bắt một cảm xúc dày đặc, phong phú nhưng cũng ngập ngừng, trật khớp. Sở dĩ vậy là bởi những nhân vật nam chính của bức tranh luôn xuất hiện trong tâm thế đối lập với thiên nhiên. Thiên nhiên dày đặc và rực rỡ bao nhiêu, những chàng trai lại lấp lửng và phi thực bấy nhiêu – sự lấp lửng phản kháng lại những định kiến nam giới rập khuôn của thời đại.

Cuối thế kỷ XX, cộng đồng LGBTQ+ ở Mỹ một mặt vẫn là nạn nhân của sự phân biệt đối xử, bạo lực và áp bức. Mặt khác, các phong trào đấu tranh cho LGBTQ+ ngày càng nhận được đông đảo sự ủng hộ. Trong lĩnh vực nghệ thuật, nỗi trăn trở vẫn bủa vây Hernan Bas: “Tôi tự hỏi sao không ai vẽ về họ – những chàng trai tuổi 20 ấy, những chàng trai chưa định rõ giới tính? Cecil Beaton chụp ảnh họ, nhưng chỉ mỗi ông ấy.” Thế là Bas quyết định hướng cọ về những chàng trai song tính trong tuổi trẻ lưng chừng, đi ngược lại với kỳ vọng xã hội dành cho một thế hệ trẻ rõ nét hoài bão và rực sáng tương lai.

Hernan Bas, “The Sunday snail race” (2015)
Hernan Bas, “Bobbing” (2015)

Trong tranh của Bas, sự ái nam ái nữ được thể hiện qua nhiều lớp lang: từ ngoại hình, dáng vẻ cho đến ý thức nội tâm. Hầu hết các chàng trai đều có khuôn mặt thanh tú mềm mại, ngoại hình này tuy phổ biến với các chiến dịch quảng cáo thời nay nhưng hẳn không mấy quen thuộc trong hơn hai thập kỷ trước. Bên cạnh đó, những cử chỉ mềm mại, yểu điệu cũng được khắc hoạ rõ nét, ví như những ngón tay cong cong điệu đàng trong Memphis Living (2014) hay dáng ngồi bó gối đầy u sầu trong Sunburnt after sundown (2021). Vẻ song tính còn được biểu hiện qua sự gắn bó mật thiết của các chàng trai với hoa – thứ mà trong hàng thế kỷ đã được dán nhãn là “món quà tạo hoá ban tặng cho phái nữ” – ví như anh chàng đang nâng niu bông súng trong Conceptual artist #17 (2019).

Chính trong lúc viết những dòng này, bản thân người viết cũng cảm thấy gượng gạo khi phải luận bàn tính nam, tính nữ trong tâm thế đối lập nhị nguyên. Cũng như hai nửa âm dương tương hỗ lẫn nhau – trong âm có dương, trong dương có âm – ban đầu, những tính từ được sinh ra để định tính vốn không mang tính phân biệt, chỉ trích. Thế nhưng, thực tế này đã dần biến dạng do sự ngạo nghễ của con người, do nhu cầu con người muốn phân loại những gì họ tri nhận mà thành. Cũng vì vậy, trong một buổi chia sẻ, khi được hỏi rằng: “Điều gì khiến những chàng trai trong tranh ông ái nam ái nữ?”, Hernan chỉ cười trừ:

“Tôi cũng không rõ. Những chàng trai tôi vẽ cũng là con người, có dáng vẻ và cảm xúc thế thôi. Còn ái nam ái nữ, chính điều này phải hỏi ngược lại các bạn, vì các bạn mới là khán giả xem tranh.”

Hernan Bas, “Memphis Living” (2014)

Sau tất cả, sự lấp lửng của những chàng trai được cô đúc từ cảm xúc trầm ngâm và u hoài. Trong những bức tranh, các chàng trai xuất hiện một mình hoặc theo nhóm. Thế nhưng, điểm chung giữa họ là luôn trình hiện một dáng bộ bị động, không mảy may kết nối với nhau kể cả trong bố cục tranh hay tương tác giữa các nhân vật (cái nhìn, động thái, cử chỉ). Hernan Bas gọi đó là “fag limbo” (tình trạng lấp lửng), khi cuộc khủng hoảng tuổi vị thành niên ngày càng nặng trĩu trong tâm can những chàng trai trẻ tuổi. Chịu ảnh hưởng bởi cái nhìn lưng chừng tồn hiện trong tranh của Edward Hopper, nhân vật của Bas ít khi nhìn thẳng vào khán giả mà nhìn vào một góc ngoại biên – ngoài sân khấu, ngoài ống kính máy ảnh, ngoài rìa bức hoạ. Rốt cuộc, một nỗi hoang mang vây hãm lấy ta, điều hướng ta đến với thứ chênh chao hơn cả thân phận người trong tranh. 

Hernan Bas, “All eyes on him” (2021)
Cái nhìn lấp lửng trong “Morning Sun” (Edward Hopper, 1952)

Đến đây, vẻ lấp lửng nhuốm màu đen tối của Bas làm vọng về một cảm quan Gothic của miền Nam nước Mỹ, vốn ra đời vào thế kỷ XX trên tiền đề của Chủ nghĩa Lãng mạn U ám (Dark Romanticism) thế kỷ XIX. Tuổi thơ của Hernan Bas chìm đắm trong dòng văn học này, trong đó có những áng văn của Allen Poe. Nếu tác giả Poe thường đẩy nhân vật của mình vào trận chiến với con quỷ nội tâm, hoặc những sinh vật siêu nhiên đại diện cho nỗi sợ và dục vọng sâu thẳm của con người, thì ở Bas, sự rối loạn tâm thức cũng được khắc hoạ song song với biểu tượng siêu nhiên, ám chỉ thế giới nội tâm phức tạp, đa chiều kích của con người. Tranh của Hernan Bas khiến tôi nhớ lại phần mở đầu trong Sự sụp đổ của dòng họ Usher, một tác phẩm của Allen Poe mà chính Hernan cũng yêu mến nhiều phần.

“Tôi nhìn vào khung cảnh trước mắt – nhìn ngôi nhà đơn sơ, nhìn bức tường ảm đạm, nhìn những ô cửa trống hoác như con mắt mở to và những thân cây trắng mờ đã mục nát. Tôi nhìn tất thảy với cõi lòng chán nản tột độ, một cảm giác khó so sánh với bất kỳ xúc cảm trần ai nào hơn là cơn choàng tỉnh của tên nghiện thuốc phiện – một nỗi cay đắng thường nhật, sự dỡ bỏ tấm mạng che mặt gớm ghiếc.”
– Edgar Allen Poe, “Sự sụp đổ của dòng họ Usher”, 1839

MỘT THOÁNG TRƯỞNG THÀNH

Chỉ cần xem xét năm bảy năm trở lại đây, nét vẽ của Hernan Bass đã trau chuốt và tinh xảo hơn nhiều phần. Còn những chàng trai mãi mãi tuổi hai mươi, tâm thức của họ liệu có thay đổi?

Trong triển lãm Creature Comforts năm 2020 tại Perrotin (Paris), Hernan Bas giới thiệu những sáng tác trong giai đoạn giãn cách xã hội do COVID-19. Motif đặt tên các tác phẩm kết thúc bằng chữ “Enthusiasts”, chứng tỏ niềm đam mê và tâm thế chủ động hơn từ nội hàm nhân vật. Sự trưởng thành của người nghệ sĩ kéo theo những đổi thay trong ý niệm biểu đạt. Với Hernan Bas, đó là cảm xúc thoả mãn, chấp nhận những ý tưởng kỳ quặc như một phản ứng hồi đáp với thực tại cởi mở và những cuộc khủng hoảng căn tính phổ biến như ngả rạ. Trong Nectar (Or the Hummingbird Enthusiast) (2020), một chàng trai trẻ đang say mê vắt vẻo trên cành để mớm chất lỏng cô đặc như máu cho chim ruồi. Hay một người đàn ông mớm mầm cây bằng thớ thịt; những chàng trai si mê rắn và mèo; những kẻ mải miết mày mò những di vật còn sót lại sau cái chết của Andy Warhol.

“Hai mươi năm trôi qua, tôi thích việc các nhân vật không còn mày mò tìm hiểu như trong quá khứ. Giờ đây, họ nắm bắt được những điều huyền bí. Họ trưởng thành hơn bởi tận hưởng sự kỳ quặc riêng của mình”.
– Hernan Bas –

Hernan Bas, Nectar (Or the Hummingbird Enthusiast) (2020)
Hernan Bas, “An Aversion to Arrows (Tunnel of Love)” (2020)

Hai thế kỷ trôi, tuổi trẻ vẫn ngưng đọng trong tranh Hernan Bas, thế nhưng tâm hồn các chàng trai đã trải qua một hành trình chuyển biến để tự tin hơn, rạo rực hơn. Với tôi, Cái Đẹp của sự lưng chừng đã chạm đến thời điểm chín muồi. Thay vì tranh cãi về cực đoan hay lấp lửng, những bức hoạ của Bas khiến ta ngẫm nhiều hơn về sự đa dạng, về việc sống là chính mình.