Hành trình giám định “Beautes a Tahiti”, một kiệt tác vừa được phát hiện của Paul Gauguin

Xuôi theo dòng chảy sưu tập nghệ thuật bí ẩn và kín đáo, tác phẩm Beautes a Tahiti đã âm thầm tồn tại trong hơn một thế kỷ. Tháng 4 năm 2024, trải qua một quy trình giám định kỹ lưỡng, bức tranh chính thức được công nhận là kiệt tác của Paul Gauguin và được giới thiệu đến công chúng đương thời.

Hoạ sĩ người Pháp Paul Gauguin (1848-1903) là một trong những đại diện hàng đầu của trường phái Hậu Ấn tượng. Ông đã để lại cho hậu thế những tác phẩm vô giá, thế nhưng đi kèm với đó cũng là sự lung lạc và mất mát thông tin. Bởi lẽ, thế hệ ngày nay không bao giờ chứng thực và hiểu hết những cuộc giao dịch các bức tranh Ấn tượng và Hậu Ấn tượng thời trước. Trong thế kỷ XX, có rất nhiều phòng trưng bày và những nhà môi giới ẩn danh đã giao dịch những tác phẩm danh tiếng. Sau đó, họ mất dấu cùng những kho tàng lưu trữ quan trọng giữa hai cuộc thế chiến cũng như hậu Thế chiến Thứ II.

Paul Gauguin, Tự hoạ “Les Miserables” (1888)

Bài viết này tri nhận những phát hiện quan trọng được đề xướng trong văn bản nghiên cứu của Giancarlo Graziani và Salvatore Prato đối với tính đích danh của Beautes a Tahiti, một tác phẩm thuộc bộ sưu tập tư nhân mà đến nay nhân loại đương thời mới biết đến và chiêm ngưỡng. Trong quá trình nghiên cứu, Graziani và Prato đã cố tình không tiết lộ những thông tin mật thiết về chủ sở hữu qua nhiều thời kỳ. Do đó, bài viết sẽ tập trung kiến giải nguồn gốc và lịch sử ra đời, đặc điểm kỹ thuật và nghệ thuật cũng như hành trình các nhà nghiên cứu đã giám định tuyệt tác này.

“Beautes a Tahiti – Source sur la mer”, bức tranh nguyên sơ từ một Gauguin mà ta chưa thấu hết.
Giancarlo Graziani và Salvatore Prato –

Paul Gauguin, Beautes a Tahiti – Source sur la mer (1891-1983)

Để hiểu thêm về bối cảnh bức tranh Beautes a Tahiti – Source sur la mer (Tạm dịch: Những người đẹp ở Tahiti – Mùa hạ trên biển), cần truy vết về những năm 1893, khi Gauguin trở về Rue Vercingetorix sau chuyến lưu trú dài ngày ở Tahiti, Pháp. Mỗi thứ Năm hàng tuần, ông lại tập hợp các nghệ sĩ Ấn tượng đến studio của mình, trong đó có cả cây bút trứ danh August Strindberg (1849-1912), cũng là một hoạ sĩ. 

Tác phẩm Beautes a Tahiti sử dụng loại toan vẽ đặc trưng được sản xuất ở Pháp vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ở góc dưới bên trái bức tranh, chữ ký của Gauguin vẫn còn rõ nét. Theo phỏng đoán của các nhà nghiên cứu, ông đã thực hiện tác phẩm trên hòn đảo hoang sơ Tahiti thuộc vùng đa đảo Polynesia của nước Pháp, ước chừng trong khoảng thời gian từ tháng 4, 1891 đến tháng 6, 1893.

Chữ ký P. Gauguin ở góc trái tác phẩm “Beautes a Tahiti”

Nhiều dữ liệu cho thấy rằng bức tranh đã từng được trưng bày trong những triển lãm mà Georges và Joseph Durand Ruel tổ chức cho Gauguin nhằm gây quỹ đưa ông trở về Polysenia vào tháng 7 năm 1895, cũng là chuyến đi cuối cùng của ông.

Mặt sau tác phẩm “Beautes a Tahiti”

In trên khung gỗ mặt sau bức tranh là dòng chữ:

“H Gairard (above) – Objects d’Art (in the center) – Paris 54[A]E”
(Fig 1)

Thông tin này gắn liền với một cửa hàng bán các loại toan vẽ ở Latin Quarter, Paris, cũng là nơi các hoạ sĩ thường lui tới để mua hoạ cụ. Chủ sở hữu cửa hàng thực chất chính là bạn bè, là người bảo trợ cho các hoạ sĩ. Nói đến đây, ta có thể nhắc tới Thasset et Lothe hay Alfred Binant. Lepoutre cũng từng được hoạ sĩ Amedeo Modigliani vẽ chân dung, hay Julien Tanguy được hoạ lại trong tác phẩm Portrait of Perè Tanguy bởi Van Gogh. Là chỗ quen thân, họ thường thuận ý cho các hoạ sĩ thanh toán hoạ cụ bằng chính tác phẩm của mình trong tình cảnh thiếu thốn. Năm 1894, khi Tanguy qua đời, nhiều bức tranh được tìm thấy trong cửa hàng của ông đã được mang đi đấu giá, trong đó có những tác phẩm của Gauguin.

Fig. 1: Vết mực in cung cấp thông tin cửa hàng bán hoạ cụ ở Latin Quarter, Paris

Cũng như các hoạ sĩ đương thời, Gauguin không dư dả là bao. Tranh của ông thường được cuộn lại thay vì căng lên khung để tiết kiệm 5 franc mỗi bức. Khi hoàn tất, Gauguin không đóng khung tranh mà sử dụng những miếng gỗ đơn giản tự chế, đôi khi sơn chúng bằng nhiều màu khác nhau.

Chỉ những nhà môi giới như Paul Durand Ruel và các nhà sưu tập giàu có thời bấy giờ mới có thể trang bị khung cho tranh của Gauguin. Là một thương gia có tiếng ở xứ Nga, Sergey Scukin sở hữu đến 15 tác phẩm của Gauguin trong phòng ăn tại dinh thự Trubetzkoy, Moscow và đóng khung chúng theo phong cách Rococo, một phong cách thịnh hành ở Pháp dưới thời vua Louis XV, nổi bật với những đường nét chạm khắc tinh xảo và mạ vàng. Khung tranh của Beautes a Taihiti cũng không phải ngoại lệ. Đây là lối trang trí phù hợp với những món đồ nội thất phổ biến cùng thời kỳ.

Khung tranh tác phẩm “Beautes a Tahiti”

Nhà môi giới nghệ thuật Alfred Portier tin rằng “khung tranh màu vàng đã phát huy hiệu quả của dải màu”. Bàn về khung tranh, Vincent Van Gogh cũng từng quả quyết:

“Tôi nhắc lại, bức tranh phải được đóng khung bằng thứ gì đó màu vàng. Một bức tranh đặt cạnh sắc vàng sẽ đạt đến độ sáng cân bằng giữa các điểm, đồng thời loại bỏ những hiệu ứng chói nếu không may chúng được treo trên những mảng tường đen hay mờ đục. Nói cách khác, ánh vàng sẽ làm hồi sinh bức tranh.

Cho đến nay, Beautes a Tahiti vẫn còn giữ được khung tranh trong trạng thái hoàn chỉnh – chiếc khung mà có lẽ chủ nhân đầu tiên, nhà sưu tập Van den Züe đến từ Paris, đã trang bị cho nó, góp phần hoàn thiện tính nguyên bản và những giá trị lịch sử, nghệ thuật gắn liền với tác phẩm.

Mặt sau của tác phẩm được dán hai miếng giấy đã ngả màu thời gian (Fig. 2 và Fig. 3). Có vẻ như chúng thuộc cùng thời với bức tranh, chứng thực rằng bức tranh đã trải qua nhiều triển lãm thương mại lẫn trưng bày thuần tuý trước khi đến tay nhà sưu tập tư nhân đầu tiên. 

Fig 2: Mảnh giấy dán đằng sau bức tranh nêu danh tính tác phẩm và nhà sưu tập Van den Züe

Nếu miếng giấy đầu tiên xác nhận chủ sở hữu “Collec. Wan den Züe…” đối với tác phẩm thì tờ giấy thứ hai giới thiệu tác phẩm với số hiệu 19 trong triển lãm “Exhibition of Art Treasures”, tất thảy đều tương đồng với những dấu vết được truy xuất.

Đặc biệt, nhãn hiệu “Exhibition of Art Treasures” (Fig. 3) mang đến những dữ liệu hoàn toàn trùng khớp với triển lãm “Manet and the Post-Impressionists”, một triển lãm thương mại diễn ra ở Grafton Galleries ở London từ ngày 8 tháng 11 năm 1910 đến ngày 11 tháng 1 năm 1911. Tại đây, 42 tác phẩm của Gauguin đã được trưng bày trong gian phòng lớn cùng với tác phẩm của Vincent van Gogh. Ngoại trừ 8 tác phẩm đã được công bố trên các tờ rơi quảng cáo, số còn lại vẫn chưa rõ danh tính1. Nhiều tác phẩm đến từ những bộ sưu tập tư nhân và các nhà môi giới ở Paris.

Fig 3: Mảnh giấy dán đằng sau bức tranh về một triển lãm nơi “Beautes a Haiti” từng được trưng bày

Theo Augustus John, một hoạ sĩ người Anh nổi tiếng thời bấy giờ, vào cuối triển lãm “Manet and the Post-Impressionists”, một số tác phẩm của Gauguin đã được bổ sung để giới thiệu đến công chúng quan tâm. Trong đó, một tác phẩm có tiêu đề Two Maori women in a landscape (Tạm dịch: Hai thiếu nữ Maori trong khung cảnh), bất ngờ thay lại hoàn toàn trùng khớp với chủ đề của bức Beautes a Tahiti.

Nhiều tác phẩm trưng bày trong dịp này về sau đã được chuyển đến Triển lãm Nghệ thuật Hiện đại và Hậu Ấn tượng diễn ra từ ngày 4 tháng 3 đến 1 tháng 4 năm 1911 tại Liverpool. Cũng tại đây, xuất hiện một tác phẩm với tiêu đề Maori Women và số hiệu 19 — hoàn toàn đồng nhất với nhãn hiệu ở mặt sau tác phẩm Beautes a Tahati (Fig 3).

Dẫu vậy, ngày nay cách gọi “Maori” không còn được dùng để chỉ người Polynesia trong các tác phẩm của Gauguin, bởi lẽ nhiều người có gốc gác này đã đến cư trú tại New Zealand. Thay vào đó, cách gọi “Tahitian” (người Tahiti) trở nên phổ biến hơn. Thỉnh thoảng, cả hai từ được sử dụng thay phiên và đồng nghĩa.

Vào tháng 11, tháng 12 năm 1911 và tháng 1 năm 1912, tranh của Gauguin được trưng bày tại Stafford Gallery ở London. Thật ra, ở một miền đất hoang sơ như Polynesia, mọi hoạt động nghệ thuật của Gauguin đều rất đỗi bấp bênh với sự giúp đỡ của bạn bè, ví như họa sĩ George Daniel de Monfreid, người đã từng gửi Gauguin một ít tiền lẫn hoạ cụ. Khi Gauguin vẽ xong tranh ở Polynesia, ông cuộn chúng theo lô và gửi đến Châu Âu, sau đó đóng khung để bày bán.

Xuôi tuyến hàng hải, các tác phẩm trong quá trình vận chuyển thường gặp nhiều hư hại. Bạn bè của ông gồm George Daniel de Monfreid và Georges Alfred Chadet sau đó sẽ giúp chỉnh sửa những vết hỏng trên mặt tranh.

Trong một bức thư gửi Van Gogh, Gauguin đã phàn nàn về sự hư hao sắc trắng trong tranh sau những chuyến tàu xa: “Bức tranh phủ đầy vết xước, nhiều mảng trắng đã bị trầy tróc”. Về sau, ông nỗ lực khắc phục vấn đề này bằng cách dán các tờ báo lên trên cùng với những tấm bạt được phết bột mì, sau đó dùng bàn là để tạo sức nóng trên bề mặt.

Xét trong bối cảnh của thế kỷ XX, khi các giao dịch tranh chưa được quản lý chặt chẽ như ngày nay, thật bất ngờ (và đáng quý) rằng sự thay đổi trong lộ trình cũng như quyền sở hữu của các bức tranh lại được ghi chú kỹ lưỡng đến thế. Và cũng nhạo báng thay khi con người đương thời phải sử dụng các văn bản quy định nghiêm ngặt về hành vi chỉ vì sự suy đồi các hệ giá trị.

Paul Gauguin (1848-1903) và Vincent van Gogh (1853-1890) từng có một tình bạn nhiều biến cố

Các tác phẩm của Paul Gauguin khắc hoạ hòn đảo Tahiti rất được săn đón trên thị trường nghệ thuật với giá trị luỹ tiến sau mỗi lượt sở hữu bởi chúng cực kỳ hiếm. Năm 2015, bức Nafea Faa Ipoipo được mua với giá 300 triệu USD, tương đương 265 triệu euro. Trước đó một năm, năm 2014, một tác phẩm khác kém hoàn thiện hơn và nhỏ hơn của Gauguin mang tên “Otahi” đã chạm đến mức 120 triệu USD. Thực chất, sự tăng trưởng giá trị này đã khởi phát từ năm 2007, khi bức Te Poipoi của ông được trả khoảng 40 triệu USD.

Paul Gauguin, Te Poipoi (1892)

Trước đó, không phải lúc nào các nhà môi giới và nhà sưu tập cũng đánh giá cao tranh của Gauguin. Trong triển lãm tranh của ông năm 1895 tại Paris, chính Te Poipoi Otahi là hai tác phẩm không bán được dù định giá lúc ấy chỉ vào khoảng 500 và 400 franc.

So với những họa sĩ khác theo trường phái Hậu Ấn tượng như Cezanne và Van Gogh, giá trị tranh của Gauguin vốn không cao. Mãi đến năm 1950, sáng tác của ông mới có dấu hiệu tăng trưởng trong dòng chảy thương mại và dần đạt đến mức ấn tượng. Ngày 25 tháng 11 năm 1959, bức Te Tai Na Ve I Te Rata được bán với giá 130 nghìn bảng Anh ở London, tương đương 364 nghìn USD. Từ năm 1930 đến năm 1960, giá tranh của Gauguin đã tăng 126 lần và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt.

Beautes a Tahiti có nhiều nét tương đồng với ba tác phẩm kể trên. Riêng về mặt kích thước, tác phẩm có kích cỡ tương đương với bức Nafea Faa Ipoipo (105×77,5 cm) trong khi Otahi nhỏ hơn đáng kể (50×73 cm) – tất thảy đều được vẽ trong chuyến thăm Polynesia lần đầu của người nghệ sĩ từ năm 1891 đến 1893. Nhờ được bảo tồn một cách tối ưu, các bức tranh thể hiện được sự vượt trội về quan điểm sáng tác lẫn chất lượng tác phẩm.

Sự xuất hiện của một cô gái ở cả ba tác phẩm cũng rất đỗi quen thân. Nếu ở Beautes a Tahati, cô đang khom mình lấy nước ở tiền cảnh thì ở Nafea Faa Ipoipo, cô lại chính là nhân vật trung tâm với những đường nét khuôn mặt hoàn toàn tương đồng. Sau cùng, ở Otahi, cô khoác lên mình chiếc pareo đỏ cùng những bông hoa cách điệu pha màu vàng trắng y hệt như trong bức Beautes a Tahati.

Cô gái là nhân vật trung tâm trong “Nafea Faa Ipoipo” (1892)
Cô gái trong bức tranh “Otahi” (1893) cùng chiếc khăn đỏ giống với bức “Beautes a Haiti”

Dẫu vậy, tạo dáng của người mẫu trong ba bức tranh hoàn toàn khác nhau. Trong Beautes a Tahiti, người phụ nữ đang đứng với đôi mắt nhìn phía xa xăm. Hình ảnh này gợi liên tưởng đến một tác phẩm không đề của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Grenoble.

So với hai bức tranh còn lại, bố cục của Beautes a Tahiti đạt đến sự chặt chẽ, hoàn chỉnh nhờ chuỗi chủ thể và khách thể nối tiếp nhau đến biển trời xa xăm. Chúng tạo nên những khuôn hình lớp lang cho hai người phụ nữ, thảm thực vật trải dài lẫn con ngựa ở phía sau – một chủ thể quen thuộc trong tranh của Gauguin. Bức tranh còn có sự tái lặp sắc đỏ mà Gauguin thường dùng trong những bức hoạ của mình.

Bên cạnh đó, nghiên cứu bản chụp X-quang cho thấy rằng ban đầu, Gauguin phác thảo hai người phụ nữ ở những vị trí khác nhau, với những đặc điểm khác ít nhiều thay đổi so với phiên bản sau cùng. Người phụ nữ bên trái vốn dĩ được khắc hoạ từ góc nghiêng rõ nét, cánh tay cũng có phần thon gọn hơn.

Bên phải bức tranh là một cô gái đang miệt mài lấy nước từ dòng chảy. Thay đổi lớn nhất trong phác thảo về cô có lẽ chính là độ dài của sarong – ban đầu chỉ chạm lưng nửa đùi, để lộ đầu gối và chân, về sau đã được kéo dài ra để che phủ phần lớn đôi chân cô, lại điểm xuyết thêm những bông hoa trắng.

Bản chụp X-quang của “Beautes a Haiti” tiết lộ những chi tiết ban đầu khác biệt với tác phẩm hiện tại

Lại bàn về cô gái múc nước với gương mặt quen thuộc, người xem dễ dàng nhận ra cô đã từng xuất hiện cũng với chiếc sarong ấy trong bức Two Tahitian Women on the Beach (1891) hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Orsay, Paris, và bức Two Tahitian Women Sitting (1892) hiện trưng bày ở Neue Meister, Gemaldegalerie (Dresden). Một nàng thơ của Gauguin – nếu ta nói không ngoa.

Cô gái lấy nước trong tác phẩm “Beautes a Haiti”
  1. Anna Gruetzner Robins, “Manet and the Post-Impressionists”: a checklist of exhibits, in Burlington Magazine, 152, 2010, pp. 782-793 ↩︎