Hà Châu Bảo Nhi và sự khám phá ranh giới giữa hai thế giới

Hà Châu Bảo Nhi (sinh năm 1995) là một nghệ sỹ đa ngành. Sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ Mỹ thuật tại LASALLE, Singapore, hiện cô nhận học bổng từ chính phủ Nhật Bản để làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tsukuba, Nhật Bản. Lấy cảm hứng từ các tín ngưỡng tâm linh Việt Nam và tư tưởng triết học Á Đông, cô làm việc với nhiều chất liệu khác nhau để khám phá các mặt đối lập trong sự tồn tại – âm và dương, sống và chết, quá khứ và hiện tại. 

Vào tháng 11 vừa qua, Hà Châu Bảo Nhi đã tổ chức triển lãm cá nhân mang tên “幻となる – Into Thin Air” sau 3 tháng lưu trú tại Koganecho Art Center, Yokohama, Nhật Bản. Tựa triển lãm “幻となる” (phiên âm: Maboroshi to naru, tạm dịch: Trở thành ảo ảnh) là một câu nói phổ biến trong xã hội Nhật Bản, nhằm chỉ một cảm giác giữa hư vô và thực tại, phù du trong tiềm thức. Các tác phẩm của cô là những diễn biến mang tính tự hủy, phân rã, với các chất liệu được tìm thấy trong chính không gian sống của bản thân. 

Art Republik đã có dịp trao đổi và lắng nghe nghệ sỹ Hà Châu Bảo Nhi chia sẻ về thực hành của mình.

Poster triển lãm “幻となる – Into Thin Air” – nghệ sỹ Hà Châu Bảo Nhi

Chúc mừng Hà Châu Bảo Nhi với triển lãm cá nhân tại Nhật! Chị có thể giải thích về cái tên “幻となる” không? Thực hành của chị liệu có thể được bao quát bởi câu nói này?

幻となる nghĩa là trở thành ảo ảnh, những điều mỏng manh, thoáng qua, những gì đang có ở thực tại lại biến mất. 

Tôi cũng chưa từng thử bao quát thực hành của mình bởi những từ hay cụm từ nào cả. Tuy nhiên tôi có một số chủ đề xuyên suốt từ trước đến giờ là: sự khám phá giữa 2 thế giới (Between two worlds), tính vô thường/ hiện hữu rồi biến mất (幻となる).

Không gian triển lãm là một căn nhà nhỏ trong hẻm, dễ bị bỏ qua nếu không để ý. Bên trong ngôi nhà, thiết kế cũng tạo nhiều góc khuất. Chị có thể giải thích về lựa chọn này thay vì một phòng tranh tiêu chuẩn?

Lúc lên kế hoạch triển lãm thì tôi có lựa chọn làm ở không gian phòng tranh nhưng không gian đấy chưa phù hợp cho những tác phẩm mình thử nghiệm ở lần lưu trú này. Cá nhân tôi thấy những tác phẩm lần này khi được đặt đúng không gian, chúng mới có thể giao tiếp hiệu quả nhất.

Vô tình đúng thời gian dự kiến triển lãm, có 1 không gian trống, cái hay của không gian này là nó nằm ở 1 đường nhỏ kẹp giữa 2 đường chính, bản thân không gian cũng nhỏ nhắn, thường hay bị ngó lơ. Kiến trúc của không gian này cũng nửa hở nửa kín. Hở vừa đủ để khoe ra những thứ cần khoe và đủ kín đáo để giấu đi những gì phải giấu. Điều này vừa vặn với những gì tôi muốn truyền tải trong tác phẩm. Những tác phẩm yên lặng, ẩn náu, đang cố gắng làm tốt công việc nó phải làm. Với triển lãm này, tôi quan niệm nếu có ai nhìn thấy triển lãm, đi đến không gian và không bỏ qua nó mà bước vào, dạo một vòng xem tác phẩm, thì xem như tôi và người xem có duyên với nhau. 

Phía ngoài không gian triển lãm “幻となる – Into Thin Air”. Ảnh: Liu Shujia

Từ không gian này, chị đã lựa chọn và sắp đặt các tác phẩm của mình ra sao? Chị có thể diễn giải thêm về tính tương tác trong tác phẩm “Women’s faces on the floor” (Những gương mặt phụ nữ trên sàn) được không?

HCBN: Như tôi đã chia sẻ ở trên, vì bộ tác phẩm cũng có tính ẩn náu, từ trong chất liệu sáng tác đến hình hài của tác phẩm, nên lúc sắp đặt trong không gian, tôi cũng chủ ý để người xem phải tự khám phá. Tác phẩm “Women’s faces on the floor” (Những gương mặt phụ nữ trên sàn) là điển hình của việc này. 

Với tác phẩm này, mặc dù tôi đưa cho người xem lựa chọn dẫm hoặc không dẫm vào những gương mặt, nhưng những gương mặt được bố trí dày đặc, nên dù gì người xem cũng phải dẫm vào và càng dẫm nhiều, những gương mặt sẽ càng mờ đi. 

Theo quan sát của bản thân, nếu là người nước ngoài vào xem triển lãm, ban đầu họ sẽ bước vào luôn và không để ý trên sàn có rất nhiều khuôn mặt. Đi một hồi hoặc vô tình đọc được tuyên ngôn tác phẩm, họ sẽ bắt đầu nhận ra và thận trọng chọn lựa: có nên bước lên khuôn mặt hay tránh những khuôn mặt ra. Với người Nhật thì họ sẽ nhìn sàn nhà trước, rồi nói “お邪魔します”(xin phép vào nhà) hoặc  “すみません”(xin lỗi) trước khi bước vào không gian, có lẽ đây là sự khác biệt về văn hoá. 

Hà Châu Bảo Nhi, “Women faces on the floor” (Những gương mặt phụ nữ trên sàn), 2024, màu sáp trên sàn. Ảnh: Liu Shujia

“Between two worlds” (Giữa hai thế giới) nói về ranh giới thế giới của sự sống và cái chết. Loạt tác phẩm đặt ra những suy tư về những đối lập như hữu hình và vô hình – để từ đó hướng tới một nhận thức về nơi những sự đối lập đó được làm mờ và hòa tan. Những tác phẩm nào theo chị nêu rõ được tinh thần này nhất?

Nếu mà nói gói gọn trong những tác phẩm của triển lãm 幻となる – Into Thin Air lần này, thì tôi nghĩ là tác phẩm “Tò he – Vietnamese short-lived toy” (トーヘー ― ベトナムの儚いおもちゃ). 

Thay vì sắp đặt “Tò he – Vietnamese short – lived toy” như cách chúng vẫn được bán, tôi đặt nó vào hũ, với ý định để cất giữ nó được lâu hơn. Nhưng cũng chính vì hành động đặt vào hũ mà Tò he lên mốc nhanh hơn. 

Hà Châu Bảo Nhi, “Tò he – Vietnamese short-lived toy” (tạm dịch: Tò he – món đồ chơi Việt Nam ngắn hạn), 2024, bột gạo trong hũ đậy kín. Ảnh: Liu Shujia

Còn xuyên suốt trong những tác phẩm tôi đã làm, thì có tác phẩm sắp đặt ánh sáng/ trình chiếu cùng tên “Between two worlds” (Giữa hai thế giới) cũng thể hiện tư duy này. Tác phẩm là sự đối lập giữa cái ảo và thực. Cùng là những cái bóng, cái bóng ảo là hình ảnh được chiếu lên tường, cái bóng thực là bóng của người xem tác phẩm. Tác phẩm tạo ra sự đối lập giữa không gian 3 chiều ảo –  không gian của những chiếc bóng đằng sau cái rèm (bản thân cái rèm cũng chỉ là hình ảnh), khiến cho người xem tác phẩm tìm cách đi ra sau tấm rèm chỉ để nhận ra tất cả là ảo ảnh – và không gian 3 chiều thật. Tất cả những sự đối lập này được thống nhất trên một khung nền 2D – nhưng chiếc bóng của thế giới ảo ảnh hoà làm một với những chiếc bóng của thế giới thật. 

Hà Châu Bảo Nhi, “Between two worlds” (Giữa hai thế giới), 2023, sắp đặt trình chiếu/ánh sáng, Lasalle Singapore. Ảnh: tư liệu nghệ sỹ

Hay có tác phẩm “The Offerings” (tạm dịch: Bàn Cúng) tôi thực hiện ở Starch, Singapore hồi tháng 4 năm nay. Tác phẩm là nến dưới dạng những thức ăn được bày ở bàn cúng tháng 7 âm lịch, khi đốt nến lên, nến sẽ có mùi hương của đồ ăn. Dụng ý hành động đốt và ngửi mùi hương đó sẽ chuyển điểm nhìn của chúng ta thành điểm nhìn của những hình bóng không có cơ thể vật lý, chúng ta sẽ trải nghiệm điều mà những hình bóng đó trải nghiệm. 

Hà Châu Bảo Nhi, The Offerings (tạm dịch: Bàn Cúng), 2024, nến thơm, Starch, Singapore. Ảnh: Edmund Kerk và tư liệu nghệ sỹ

Với tác phẩm “The Offerings”, có thể cho rằng chị đang phỏng đoán về một trải nghiệm mình chưa trực tiếp trải qua. Đó là một trải nghiệm hướng tới tinh thần nhiều hơn vật chất, chị có thể chia sẻ thêm về cách chị quan sát và chiêm nghiệm những sự kiện mang tính tâm linh này không?

Cũng bắt nguồn từ câu hỏi vu vơ trong đầu của tôi: nếu chỉ là linh hồn thì tức là không có cơ thể vật lý, vậy những linh hồn tiêu thụ thức ăn cúng thế nào?… Sau đó tôi đi đọc tài liệu, tìm xem những câu chuyện “li kì” rồi tưởng tượng nếu mình là một trong những linh hồn lạc lõng đấy. Tôi nghĩ mấu chốt của việc tạo nên những tác phẩm thế này là đặt mình vào điểm nhìn của linh hồn rồi tưởng tượng toàn bộ thế giới quan từ điểm nhìn ấy. 

Cá nhân tôi khi thực hiện các tác phẩm, tôi không chủ đích đặt trọng tâm vào ý nghĩa tâm linh. Chỉ nghĩ đơn giản nếu tôi có thể, dù chỉ một chút thôi, cảm nhận và trải nghiệm những điều mình không thể trải nghiệm thì sẽ thế nào. Nhưng ở một góc độ khác, tôi nghĩ linh hồn từng là người, cũng trải qua những hỉ nộ ái ố như người, nên việc tưởng tượng này của tôi cũng có thể nói là tưởng tượng bằng điểm nhìn của những người khác.

Hà Châu Bảo Nhi, “I’m Here To Disappear” (Tạm dịch: Tôi đến để hòa vào hư không), 2024, nến trong suốt. Ảnh: Liu Shujia

Với lối thực hành đa phương tiện, chị sẽ có những cách tiếp cận khác so với các nghệ sỹ được đào tạo về mỹ thuật truyền thống ra sao?

Thật ra mà nói tôi nghĩ về cơ bản là như nhau. Tôi quan niệm mọi thứ phải đi từ nền tảng mà lên. Ví dụ như để làm nhạc tốt thì phải nắm chắc nhạc lý, để làm tác phẩm thị giác/ ý niệm tốt cũng phải vẽ tốt đã. Vẽ/ phác hoạ là bước đầu tiên để hình hóa những ý tưởng trong đầu. Và cũng như những nghệ khác – nghiên cứu đào sâu về chủ đề mình muốn khai thác, tìm ra ngôn ngữ riêng cho mình. 

Cái khác ở đây chắc là tôi sẽ phải làm việc, thử nghiệm nhiều chất liệu sáng tác khác nhau, nên trong thực hành của bản thân, tôi sẽ ưu tiên chọn những chất liệu làm sao cho nó phù hợp nhất với ý niệm của từng tác phẩm. Tất nhiên trong quá trình thực hành tôi gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với những chất liệu quá mới nằm ngoài vùng an toàn của bản thân. Nhưng đó cũng chính là niềm vui khi thực hành đa phương tiện, tôi thấy hứng khởi với quá trình được mò mẫm này. 

Hà Châu Bảo Nhi, “幻となる – Into Thin Air” (tạm dịch: Trở thành ảo ảnh), 2024, bánh tráng. Ảnh: Liu Shujia

Với thực hành nghiên cứu về New Media Arts, chị đã ứng dụng các nghiên cứu vào tác phẩm “Between two worlds” (trong triển lãm Mind & Machine thuộc khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Việt Nam 2023) ra sao? Điều gì khiến chị hứng thú với phong cách thực hành này?

Sau khi thực hiện tác phẩm trình chiếu/ sắp đặt ánh sáng “Giữa hai thế giới”, tôi có suy nghĩ: Người cổ đại tin rằng chỉ cần hình ảnh hay công trình cuộc đời họ được lưu lại sau khi mất đi, thì linh hồn họ sẽ sống mãi. Nên các vị vua cổ đại cho xây tượng. Vậy nếu linh hồn là những gì còn lại từ suy nghĩ, cảm xúc và ký ức của con người, thì một phần ký ức, cảm xúc đấy của chúng ta vẫn có thể được lưu giữ trong các cơ sở dữ liệu sau khi ta rời khỏi thế giới này. Liệu đây chính là cách chúng ta sẽ mãi hiện hữu ở thế giới hiện đại này? Suy nghĩ này đã dẫn tôi đến thực hiện tác phẩm “Giữa hai thế giới” bằng công nghệ. 

Việc thực hiện các tác phẩm New Media Arts – được tạm định nghĩa là những tác phẩm sử dụng công nghệ số – mở ra cho tôi nhiều câu hỏi và suy tưởng thú vị. Mặc dù quá trình để tôi nghiên cứu và cho ra một tác phẩm New Media Arts là lâu hơn rất nhiều so với các chất liệu khác, vì thời gian làm quen lâu hơn. Như năm nay tôi chưa hoàn thiện được tác phẩm New Media Arts mới nào (cười). Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi được cập nhật với thế giới số.

Về những suy tưởng mới mà tôi nhắc đến, đó là một thế giới số – nơi lưu giữ dấu vết và bản thể của mỗi người, có thể xem như một không gian chứa đựng một phần linh hồn của chúng ta. Tôi muốn khơi gợi tâm hồn từ những vật vô tri – đây là chủ đề tôi muốn khám phá sâu hơn trong những tác phẩm tương lai. Ngoài ra, cá nhân tôi thấy thực hành New Media Arts còn có điểm hay nữa là tính phóng to thu nhỏ linh hoạt của tác phẩm. Như tác phẩm “Giữa hai thế giới” tại triển lãm cá nhân “Đánh mất và Tìm thấy” của tôi tại Chau & Co Gallery với máy tính cỡ bé, đồng thời được thực hiện ở triển lãm Mind & Machine với trình chiếu cỡ lớn hơn. Và thậm chí, tác phẩm có thể trình chiếu ở quy mô lớn, nhân bản cùng lúc ở nhiều nơi – đây chính là một trong những đặc thù tôi thấy rất thú vị của New Media Arts. 

Đối với chị, khi nào tác phẩm được coi là hoàn thiện?

Tôi quan niệm một tác phẩm chỉ thực sự hoàn thiện khi nó hoàn chỉnh cả về ý lẫn hình. Trong quá trình sáng tác, tôi thường bắt đầu từ ý tưởng, rồi đào sâu để tìm ra hình hài phù hợp nhất cho ý tưởng đó, sau đó mới nghiên cứu và chọn lựa chất liệu thích hợp. Khi ý tưởng và chất liệu được thực hiện (execution) tốt, được đặt trong đúng không gian, tác phẩm sẽ tự mình nói lên được điều cần nói – mà với tôi, điều quan trọng nhất của tác phẩm là khả năng đặt ra những câu hỏi – lúc đó tác phẩm mới thực sự hoàn thiện.

Chân dung nghệ sỹ Hà Châu Bảo Nhi. Ảnh: Liu Shujia

Chị sẽ tiếp tục phát triển dự án “Between two worlds” này như thế nào?

Trước tiên là tôi cần những khoảng nghỉ, vì tôi cần thời gian tìm tòi và thử nghiệm thêm. Hiện tại tôi vẫn đang hứng thú với cách tiếp cận ý niệm về tính hiện hữu và biến mất, cũng như cách tiếp cận những chất liệu hơi lạ (như tóc đốt lên để làm màu vẽ), trong tương lai gần tôi sẽ cố gắng thử nghiệm thêm nhiều chất liệu nữa, đồng thời nghiên cứu đào sâu thêm chủ đề hiện tại để có thêm nhiều điểm nhìn hơn. 

Hà Châu Bảo Nhi, “The trace I left behind” (Tạm dịch: Dấu vết mà tôi để lại), 2024, màu sáp làm từ tóc nghệ sỹ. Ảnh: Liu Shujia

Cảm ơn nghệ sỹ Hà Châu Bảo Nhi đã dành thời gian chia sẻ với Art Republik. Mong rằng khán giả Việt Nam sẽ sớm có cơ hội chiêm ngưỡng các tác phẩm mới của chị!

Thực hiện: Trao