Ngoài lĩnh vực giáo dục, Lê Minh Diệu còn có mối quan hệ gần gũi với nghệ thuật qua người anh vợ của mình, họa sỹ Vĩnh Khoa (bút danh VINK), một nghệ sỹ truyện tranh được biết đến tại châu Âu và Việt Nam. VINK từng là cộng tác viên của Nhà xuất bản Dargaud tại Pháp. Ông Lê Minh Diệu đã biên tập cuốn sách “VINK”, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của người họa sỹ này. Cuốn sách hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Huế và Đà Nẵng, phát hành dưới hình thức nội bộ.
Với kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh tại các trường Đại học tại Việt Nam, tình yêu với dịch thuật của bác bắt nguồn từ đâu?
Tôi đến với dịch thuật rất sớm trong lĩnh vực tiếng Anh. Tôi tốt nghiệp Trung học đúng vào năm Mỹ đổ quân lên Việt Nam tại bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Giám đốc Trung tâm Anh Ngữ thuộc Hội Việt Mỹ (VAA: Vietnamese-American Association) hay VAA và bây giờ gọi là VUS (Vietnam-US Society) ‘dụ’ tôi đi làm phiên dịch cho USMC (US Marine Corps: Lính Thủy Đánh Bộ Mỹ) với mức lương hậu hĩnh nhưng tôi đã từ chối không phải vì gia đình tôi một nửa ở phía Bắc mà vì tôi muốn tiếp tục học lên cấp đại học. Nhưng cũng trong thời gian đó một nhà thầu người Việt trong gia đình nhà tôi quen ở Đà Nẵng lúc đó đang thầu xây dựng cho các PX (Post Exchange, hay cửa hàng mua sắm cho lính Mỹ) của quân đội Mỹ ở sân bay nhờ tôi làm phiên dịch cho ông trong thời gian chờ ra Huế học đại học. Có thể nói tôi nằm trong số một trong số ít người đầu tiên đã làm công tác phiên dịch đầu tiên sau khi Mỹ đổ bộ lên Việt Nam vào năm 1966. Tôi làm để kiếm thêm tiền để chuẩn bị cho đi học đại học, và tôi chỉ làm trong một tháng thôi. Đó lần đầu tiên tôi làm công việc phiên dịch (interpretation). Lần làm công việc biên dịch (translation) là vào thời gian tôi là sinh viên năm thứ 3. Tôi dịch truyện ngắn và một số nội dung khác cho tờ các tờ Tuổi Ngọc, Kiến thức Ngày nay và Võ Thuật (Sài Gòn cũ).
Tốt nghiệp Đại học Văn Khoa Huế (Hue Faculty of Letters) tôi về lại Đà Nẵng làm giáo viên cho trường cũ là Trung học Phan Châu Trinh. Năm 1977 tôi được nhận về bộ môn Ngoại ngữ trường Đại học Y khoa Huế. Năm 1998 tôi chính thức làm trưởng bộ môn Ngoại ngữ chuyên ngành cho đến năm 2004 thì được đưa về làm trưởng khoa tiếng Anh chuyên ngành của trường Đại học Ngoại ngữ cho đến khi về hưu năm 2006.
Có lẽ tình yêu dịch thuật của tôi thực sự bắt đầu ở môi trường Y học, một môi trường tôi muốn theo học nhưng bất thành vì tôi không có duyên theo ngành khoa học tự nhiên ở cấp trung học. Trong gần 20 năm, ngoài công tác giảng dạy tôi đã làm công tác phiên dịch chuyên môn sâu cho các hội nghị, hội thảo chuyên ngành cho trường Đại học Y khoa Huế, Bệnh viện trung ương Huế, Bộ Y tế (tại Philippines), cho một dự án đào tạo nghề của Phần Lan tại tỉnh Quảng Trị và cả cho một số tổ chức khác trong đó có Joicep của Nhật, NARV của Đan Mạch. Tôi còn làm trợ lý cho Ủy ban Mỹ hợp tác với khoa học với Việt Nam (The US Committee for Scientific with Vietnam (1994 đến 2011). Thành công của tôi trong công việc đặc biệt khó khăn này củng cố tình yêu cho công tác phiên dịch chuyên môn ngành Y Dược.
Bác có đề cập việc mình đã tham gia vào khâu biên tập của nhiều bộ sách giáo khoa tiếng anh về chuyên ngành Y học, âm nhạc, hội họa và du lịch. Vậy bác có thể chia sẻ thêm về các hoạt động giảng dạy và dịch thuật của bác ở Huế không?
Tôi có cơ duyên làm công tác giảng dạy tiếng Anh trong lĩnh vực Y Dược nên có cơ hội viết trên 15 cuốn sách giáo khoa dạy và học tiếng Anh chuyên ngành và sách tham khảo tiếng Anh trong các lĩnh vực Y, Dược, Răng Hàm Mặt và Điều dưỡng không những cho trường Đại học Y-Dược Huế mà còn cho Khoa Sức khỏe của Đại học Duy Tân Đà Nẵng và Đại học Buôn Ma Thuột. Có thể nói đây là lĩnh vực tôi khá thành công và thành công để đời của tôi là cuốn Từ điển Thuật ngữ thiết yếu Y học Anh-Việt (NXB Đại học Huế, 2006) do trường Đại học Y dược Huế phát hành.
Bác có thể kể lại một kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình phiên dịch-biên dịch của mình?
Những năm tháng làm phiên dịch của tôi kéo dài và nhiều thử thách hơn so với công việc biên dịch. Phiên dịch đòi hỏi không chỉ kiến thức chuyên ngành mà còn kỹ năng ngôn ngữ linh hoạt và khả năng xử lý tình huống. Tôi đã theo đuổi công việc “nghề phụ mà chính” này hơn 15 năm. Khó khăn nhất là phiên dịch trong các hội thảo và hội nghị chuyên ngành y học, nơi yêu cầu độ sâu về chuyên môn, đặc biệt khi đối tượng phục vụ là các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước. Người phiên dịch phải chịu trách nhiệm lớn về tính chính xác của thông tin được truyền tải.
Năm 1988, tôi đảm nhận vai trò phiên dịch cho Bộ Y tế tại Philippines trong chương trình Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu. Công việc kéo dài một tháng, hỗ trợ nhóm bác sỹ Việt Nam nghiên cứu cách triển khai chương trình này. Lúc đó, tôi hoàn toàn chưa có kinh nghiệm về phiên dịch chuyên ngành, nên đã tìm đến một người từng làm phiên dịch trong các cuộc đàm phán Việt-Mỹ tại Camp David trước năm 1975. Tuy nhiên, những chia sẻ của ông không giúp ích nhiều cho tôi. Để chuẩn bị, tôi đến Thư viện Quốc gia Hà Nội, đọc toàn bộ cuốn sách về Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu của Giáo sư, Thứ trưởng Hoàng Đình Cầu trong một tuần. Nhờ sự nỗ lực đó, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chuyến công tác.
Tuy nhiên, khoảng 10 năm sau, tại một hội thảo nhỏ của Bộ Y tế về HIV/AIDS, tôi gặp thất bại. Chuyên môn sâu và giọng nói khó hiểu của chuyên gia người Úc (Australian accent) đã khiến tôi không theo kịp nội dung. Đó là lần thất bại khiến tôi nhớ mãi và làm tôi nhụt chí trong một vài nhiệm vụ phiên dịch sau đó.
Ngược lại, công việc biên dịch (translation) với tôi lại không quá khó khăn, bởi tôi tự tin vào kỹ năng ngôn ngữ Anh-Việt của mình. Bản dịch đầu tiên của tôi là truyện ngắn “The Snow Image” của Nathaniel Hawthorne, thực hiện khi tôi đang là sinh viên năm ba ngành Ngôn ngữ Anh. Tôi gửi bản dịch đến tạp chí Tuổi Ngọc, một ấn phẩm nổi tiếng ở Sài Gòn thời đó, mà không kỳ vọng gì nhiều. Hai tháng sau, khi ghé một hiệu sách lớn, tôi tình cờ phát hiện bản dịch của mình đã được đăng. Quá mừng rỡ, tôi mua ngay một tờ, phóng xe đến tặng cô gái Đồng Khánh tôi yêu, với niềm hân hoan không thể diễn tả.
Với các trải nghiệm phong phú như vậy, bác có thể chia sẻ góc nhìn cá nhân của mình về nền nghệ thuật Việt Nam qua lăng kính về ngôn ngữ và tư tưởng ở bối cảnh Huế không?
Chia sẻ góc nhìn về nền nghệ thuật Việt Nam thông qua lăng kính ngôn ngữ và tư tưởng trong bối cảnh Huế là một nhiệm vụ không dễ dàng đối với tôi, bởi hai lý do: Thứ nhất, khái niệm “nghệ thuật” (arts) có nội hàm rất rộng so với “mỹ thuật” (fine arts). Thứ hai, tôi chỉ là một người đam mê tìm hiểu, không phải là một nhà nghiên cứu chuyên sâu. Vì vậy, tôi chỉ xin bày tỏ quan điểm từ vị trí của một người thưởng ngoạn mỹ thuật thông thường.
Theo cách hiểu của tôi, nghệ thuật Việt Nam được thể hiện qua nhiều lĩnh vực như kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, hội họa, thi ca, điện ảnh, ca múa… Trong khi đó, mỹ thuật thường được gắn liền với các loại hình như hội họa, điêu khắc, gốm sứ, đất nung.
Nghệ thuật Việt Nam theo tôi gần như chưa có cái riêng và qua những giai đoạn từ thuở lập quốc đến cận đại đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của nghệ thuật Trung Quốc, Ấn Độ và phương Tây, nhất là Pháp.
Xét về nghệ thuật cận đại và khi so sánh với tiến trình phát triển nghệ thuật của phương Tây, nền nghệ thuật của hiện đại Việt Nam còn non trẻ khi điểm khởi đầu của là năm Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời (1925). Tôi cũng có cảm giác rằng các nghệ sỹ nước ta đã đứt đoạn với truyền thống và theo các trường phái nghệ thuật phương Tây. Gần 100 năm qua, nghệ thuật Việt Nam luôn tiếp nhận ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại. Thập kỷ 1990-2000 là giai đoạn tưng bừng nhất của nghệ thuật Việt Nam đương đại, được thế giới biết đến. Những thành công của tranh Việt Nam trên trường quốc tế chỉ đếm được trên đầu ngón tay với các tác giả thuộc về các thập niên 50 và trước đó như bộ tứ Đông Dương: Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu, bốn họa sỹ Việt Nam đầu tiên xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương đã thành danh ở Pháp.
Sự bùng nổ của thị trường nghệ thuật trong thập niên 1990 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng dẫn đến tình trạng thương mại hóa. Đây có lẽ là một trong những yếu tố kìm hãm sự phát triển của hội họa thời kỳ đổi mới, khiến nghệ thuật rơi vào ngõ cụt với sự lặp lại chính mình. Gần đây, nghệ thuật vị nghệ thuật đã có những bước tiến tích cực hơn, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức, như khó khăn trong việc mưu sinh của nghệ sỹ, thiếu các bảo tàng sưu tập các sáng tác trẻ, thiếu các nhà phê bình và nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật hiện tại. Yếu tố thực dụng và vị nhân sinh cũng là rào cản, dẫn đến sự sụt giảm số lượng người tham gia các lĩnh vực nghệ thuật, ngoại trừ mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước phương Tây.
Một điều nữa là có vẽ như trong số nhiều nghệ sỹ Việt Nam ít người có tư tưởng chủ đạo bền vững và cũng không nhất theo một trường phái nghệ thuật nào kể cả những danh họa như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Lê Phổ của phía Bắc hay các họa sỹ Tôn Thất Đào, Lê Yên, Phạm Đăng Trí. Tôn Thất Văn, Vink của Huế.
Những nhân vật nào đã để lại dấu ấn nghệ thuật trong bác?
Trong số những họa sỹ tôi quen biết thuộc khá nhiều thế hệ khác nhau ở Huế trong đó có các họa sỹ Vĩnh Phối, (nguyên hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật Huế, Đỗ Kỳ Hoàng, Bửu Chỉ (bạn cùng thời), Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Nguyễn Hữu Ngô, Lê Văn Nhường, Tô Trần Bích Thúy, Nguyễn Thị Dư Dư, Phan Hải Bằng, Đặng Mậu Tựu, Hoàng Đăng Nhuận, Nguyễn Trọng Khôi và một số khác trong giới họa sỹ trẻ hiện nay có thể nhắc những cái tên như Nguyễn Văn Hè,… Mỗi họa sỹ đều để lại một dấu ấn riêng ở tôi ở trong tôi vì những sắc thái riêng biệt của họ. Chẳng hạn như Đỗ Kỳ Hoàng (người tiên phong về sơn mài của Huế) và Trương Bé gây cho tôi những ấn tượng lớn về sơn mài cả về chất và về kích thước hay Phạm Đăng Trí (người nghiên cứu bảng màu pháp lam Huế và vận dụng thành công đĩa màu ngũ sắc Huế, đưa vào sáng tác những tác phẩm chất liệu lụa. Tranh ông vẽ đã để lại là một bài học lớn cho sự nghiệp hội họa các giai đoạn tiếp theo ở Việt Nam…).
Dẫu vậy tôi vẫn thích tranh của Bửu Chi nhất. Ở Huế, tên tuổi của Bửu Chỉ gắn liền với tranh vẽ về đề tài chiến tranh và hòa bình. Anh không chỉ vẽ tranh mà còn dấn thân quyết liệt cho phong trào phản chiến, yêu nước ở Huế và các đô thị khác ở miền Nam. Trong phong trào đấu tranh ở đô thị Huế cũng như các thành thị miền Nam những năm 1966 – 1975 những người thuộc thế hệ tôi không ai là không biết Bửu Chỉ. Ông là một họa sỹ với những bức tranh bút sắt, mực đen, với tư duy về không gian, thời gian, về thân phận con người trầm luân, khổ đau, hạnh phúc… Bút pháp của Bửu Chỉ lạ, thể hiện sự tìm tòi cái mới trong hình thức để chuyển tải tinh tế nội dung giàu tính nhân văn trong từng tác phẩm. Dòng tranh bút sắt của anh cũng được tiếp tục thể hiện những nội dung sâu sắc về cái thiện, cái ác cũng như mạnh mẽ lên án mọi sự giả hình trong xã hội.
Riêng tranh của các bậc tiền bối tạo ấn tượng nhiều hơn với tôi vẫn là bộ tứ Đông Dương: Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu và sau này có thêm Bùi Xuân Phái. Ấn tượng đó là do tôi tìm thấy ở nội dung lẫn bút pháp và bố cục chặt chẽ khiến tranh của họ có được vẽ đẹp sâu lắng, nhẹ nhàng và gần gũi với người thưởng ngoạn.
Hiện tại, bác có nhận xét gì về thế hệ nghệ sỹ đang thực hành tại Huế?
Thế hệ nghệ sỹ trẻ ở Huế, bao gồm những cái tên như Lê Hữu Long, Lê Minh Phong, Lê Hòa, Nguyễn Thành Trung, đang dần khẳng định dấu ấn riêng của mình. Đồng hành cùng họ là các nghệ sỹ giàu kinh nghiệm như Tô Trần Bích Thúy, Phan Hải Bằng, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Văn Hè, Lê Việt Trung, Lê Thị Minh Nguyệt… Nhờ sự kết hợp này, cộng đồng nghệ thuật cố đô đã đạt được những thành công đáng khích lệ. Đặc biệt, tại giải thưởng hội họa chuyên nghiệp thường niên cấp khu vực “UOB Painting of the Year” năm 2024, các nghệ sỹ Huế đã giành được giải Vàng và Đồng ở hạng mục Nghệ sỹ thành danh và Nghệ sỹ triển vọng, khẳng định tài năng và nỗ lực của họ. Đây chính là nguồn động lực lớn giúp họ tiếp tục con đường sáng tạo nghệ thuật.
Hội Văn Nghệ Huế thường xuyên tổ chức các triển lãm định kỳ để giới thiệu những tài năng. Họa sỹ Đặng Mậu Tựu, nguyên Chủ tịch Hội Văn Nghệ Thừa Thiên-Huế, là một trong những nghệ sỹ có số lượng tác phẩm sáng tác lớn với ba triển lãm chất lượng không chỉ ở Huế mà còn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, và Quy Nhơn, quê nhà ông. Trong khi đó, họa sỹ Hoàng Thanh Phong cùng vợ, họa sỹ Nguyễn Thị Huệ, đã chuyển hướng sang lĩnh vực gốm. Năm 2024, dưới sự hỗ trợ của Tiến sỹ Thái Thị Kim Lan, họ đã tổ chức một triển lãm gây ấn tượng mạnh với những tác phẩm độc đáo. Tranh của Nguyễn Thị Huệ đã được triển lãm tại Ấn Độ, Mỹ, và sắp tới là Pháp, Thụy sỹ, Đức. Cặp đôi họa sỹ Lê Việt Trung – Lê Thị Minh Nguyệt, người đoạt giải Đồng của “UOB Painting of the Year 2024”, gần đây cũng được mời tham gia hội trại sáng tác tại Thái Lan trong tháng 11.
Tôi tin rằng những tài năng trẻ và các hạt nhân nghệ thuật chín muồi này sẽ từng bước đưa nghệ thuật Huế tiếp cận gần hơn với thế giới, ít nhất là trong khu vực, để giới thiệu những tác phẩm chất lượng và mang đậm bản sắc cố đô.
Sau khi nghỉ hưu, bác đã dành thời gian cho những công việc gì?
Tôi là người thuận tay trái, nên có cơ hội trải nghiệm và hoạt động trong nhiều lĩnh vực: Âm nhạc, Hội họa, Nhiếp ảnh, và Võ thuật. Khi về hưu, tôi dành phần lớn thời gian cho việc viết và biên tập sách, đặc biệt là các sách giáo khoa, sách tham khảo, và sách thực hành tiếng Anh. Tôi tập trung vào cả tiếng Anh giao tiếp thông thường và tiếng Anh chuyên ngành Y, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực như tôn giáo, âm nhạc, và lịch sử.
Bên cạnh việc viết sách, tôi dành nhiều thời gian cho nhiếp ảnh và hội họa, hai niềm đam mê lớn khác trong cuộc sống. Tôi chụp ảnh khá tốt, đặc biệt là chân dung. Hội họa với tôi mang tính nghiệp dư, chủ yếu tập trung vào vẽ chân dung. Bức chân dung đầu tiên tôi vẽ vào năm 1976 là hình ảnh Bác Hồ trong chiến dịch, và năm 1979 tôi hoàn thành bức chân dung Bác Hồ hút thuốc lá. Nói là “vẽ” nhưng thực chất tôi dựa trên những bức ảnh đã có, rồi phát triển thành tác phẩm hội họa của mình, bởi tôi chưa từng qua trường lớp về kỹ thuật hội họa cơ bản.
Việc tiếp tục viết sách, cùng với nhiếp ảnh và hội họa, trở thành những thú vui giúp tôi tận hưởng tuổi già, như một cách vừa học hỏi, vừa sáng tạo, để cuộc sống thêm phần ý nghĩa.
Cảm ơn bác Lê Minh Diệu về những chia sẻ chân tình và mong bác tiếp tục giữ cho bản thân niềm đam mê với dịch thuật và nghệ thuật!
Thực hiện: Trao