Góc nhìn của một “du khách” lần đầu đến Đại Nội Huế

Bộ ảnh Đại Nội Huế của Bảo Nguyễn (Paor)  – một nhiếp ảnh gia tự do, ghi lại vẻ đẹp di sản hơn 100 năm tuổi của Huế bằng góc nhìn của một “du khách”.

Trong gần 400 năm (1558–1945), trải qua 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, từng là kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi tiếp tục là kinh đô của 13 triều vua Nguyễn, Cố đô Huế ngày nay là nơi bảo lưu những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vốn chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Là một phần trong Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (vào ngày 11 tháng 12 năm 1993), Đại Nội Huế bao gồm hai khu vực: Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Hoàng Thành là nơi vua thiết triều và làm việc, bao gồm Cổng Ngọ Môn và Điện Thái Hòa. Tử Cấm Thành là khu vực dành riêng cho vua và hoàng tộc, gồm Đại Cung Môn, Tả Vu và Hữu Vu, Điện Cần Chánh, Thái Bình Lâu, Cung Diên Thọ, v.v.. [*]

Đối với Bảo Nguyễn (Paor) – vốn từ một sinh viên ngành Thiết kế Nội thất bén duyên với nhiếp ảnh và tiếp tục thực hành nhiếp ảnh trong hơn 10 năm – khi lần đầu tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đại Nội, một di sản mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc của dân tộc, không khỏi trầm trồ và tò mò với mọi ngóc ngách, mọi dấu vết hoàng cung. Đã trải nghiệm nhiều thể loại nhiếp ảnh khác nhau, cũng hiểu rằng nhiếp ảnh phong cảnh và kiến trúc đòi hỏi nhiều về mặt bố cục, nhưng Paor đã chụp ảnh Đại Nội Huế bằng góc nhìn của một “du khách”, với tinh thần thoải mái, không đặt nặng kỹ thuật, đơn thuần tận hưởng sự “rung động” của bản thân trước mọi vẻ đẹp dù tráng lệ hay hoang tàn.

Tay cầm máy ảnh như một người bạn tri kỷ thay vì là một công việc, thỏa thích ngẩng nhìn và cúi chụp mọi thứ mà Paor muốn chia sẻ với mọi người về Đại Nội. Bộ ảnh Đại Nội Huế gửi gắm tình cảm cá nhân của Paor đối với Huế, đóng vai trò “lưu niệm” nhân một chuyến công tác ngắn ngày tại Huế, đồng thời tự gợi nhắc về giá trị và ý nghĩa nguyên sơ khi đến với nhiếp ảnh. 

[*] Theo Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.