Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực kiến trúc và niềm đam mê sáng tạo những mặt tranh sống động, họa sĩ kỹ thuật số Gioele Amaro nay đã trở thành bậc thầy của nghệ thuật “biến dạng”.
Gioele Amaro là một nghệ sĩ đương đại Ý, nổi tiếng với những tác phẩm trừu tượng độc đáo nhờ phối hợp nhiều phương thức sáng tạo. Ở tuổi 37, tình yêu của anh dành cho kinh đô Paris vẫn hiện hữu song song bên trong tâm hồn Ý cội rễ. Cả hai truyền cho anh nguồn cảm hứng mãnh liệt để tái định nghĩa “hội họa” với những tác phẩm kỹ thuật số vượt khỏi lằn ranh thế giới ảo và trở thành vật thể vật chất – những “bức tranh”. Tác phẩm của Amaro một mặt khám phá những hình dáng biến thể phức tạp, mặt khác thể hiện sự am tường các lý thuyết màu sắc. Tự gọi mình là “nghệ sĩ kĩ thuật số”, anh nhấn mạnh hiện thực bị biến dạng qua ngôn ngữ nghệ thuật của mình. Amaro đã góp mặt trong nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm ở châu Âu và Trung Quốc. Đến với buổi phỏng vấn lần này, anh chia sẻ về hành trình nghệ thuật đã qua, cảm hứng sáng tạo cũng như làn sóng công nghệ đang ngày một định hình nghệ thuật.
Nguồn ảnh: Valentino
Trước khi đến với tranh kỹ thuật số, anh Amaro là một kiến trúc sư được đào tạo bài bản và đã có ba năm hợp tác với Jean Nouvel, vị kiến trúc sư người Pháp được kính nể với rất nhiều giải thưởng. Hành trình sáng tạo nghệ thuật của anh đã bắt đầu như thế nào?
Hầu hết các công đoạn thực hành kiến trúc đều gắn liền với kỹ thuật số. Nhờ vậy khi thử sức với hội họa, tôi dễ dàng “số hóa” thực hành của mình sau một thời gian gắn bó với những bản phác thảo và vẽ tay. Kiến trúc đã cho tôi một tiền đề toàn hảo để khai sâu thế giới kỹ thuật số.
Tác phẩm “Many Mooney Money” (Gieole Amaro, 2023), 120x97cm, mực và vecni trên canvas
Nguồn ảnh: HdM GALLERY and Gioele Amaro
Anh có thể chia sẻ thêm về trải nghiệm hợp tác với nghệ sĩ, nhà làm phim người Ý Francesco Vezzoli không?
Tôi vẫn luôn ngưỡng mộ cách mà anh ấy trong cùng một thời điểm vừa tràn đầy ý niệm và tính hình tượng, đồng thời cũng hoài cổ và giàu lòng thấu cảm. Trong một số công đoạn đặc biệt để hoàn thiện tác phẩm, Francesco truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều bằng tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt của anh khi xử lý và phát triển ý niệm.
Là một người Ý đem lòng si mê Paris, anh đã phát hiện những phẩm chất nghệ thuật nào trên mảnh đất của Kinh đô Ánh sáng?
Cũng như mọi thủ phủ văn hóa trên thế giới, Paris cho phép ta được là chính mình, được chinh phục ước mơ, chỉ cần ta tâm huyết và bên bỉ. Mọi cách tân xảy ra ở Paris là bởi nơi đây hội tụ nguồn năng lượng sáng tạo thuần túy không ngơi nghỉ.
Gioele Amaro và tác phẩm xuất hiện trên billboard trên Đại lộ L’Opéra, Paris. Nguồn ảnh: Valentino
Được biết gần đây, anh đã hợp tác với Valentino và có những tác phẩm xuất hiện trên tấm billboard trên Đại lộ L’Opéra. Lần hợp tác này mang lại cho anh trải nghiệm đặc biệt gì?
Hợp tác với Valentino mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm tích cực và lý thú. Các thương hiệu lớn vốn có cái nhìn chuẩn xác, quyết liệt và tường minh về những gì họ muốn. Song, thay vì đóng khung chúng tôi bằng những kỳ vọng đầy gượng ép, Valentino tạo ra một khoảng không tự do vô điều kiện nơi tôi say sưa thể hiện cá tính nghệ thuật của mình. Cũng từ đây, tôi nhận ra rằng thương hiệu đã đặt trọn niềm tin vào sức mạnh của sự sáng tạo, vượt lên cả những nguyên tắc thương mại. Món quà quý giá nhất dành cho một người nghệ sĩ không gì khác là cảm giác an toàn khi thử nghiệm mà không có bất kỳ hạn chế nào.
“Món quà quý giá nhất dành cho một người nghệ sĩ không gì khác là cảm giác an toàn khi thử nghiệm mà không có bất kỳ hạn chế nào.”
Nguồn ảnh: HdM GALLERY and Gioele Amaro
Anh đã trải qua những chuyển hóa quan trọng trên hành trình sáng tạo: bắt đầu với phương tiện nghệ thuật truyền thống như hội họa, nhiếp ảnh, để rồi chuyển sang máy tính, bảng vẽ điện tử và những cây cọ “ảo”. Liệu đây có phải hình dung thu nhỏ về một nghệ sĩ kỹ thuật số toàn năng?
Mỗi nghệ sĩ thực thụ tin vào trực giác của riêng mình, vốn gắn liền với trải nghiệm và hoàn cảnh cá nhân. Riêng tôi, tôi tin mình đang đi đúng hướng khi khai phá một quỹ đạo mới chưa có nhiều tiền lệ, đây cũng là cách duy nhất để tôi biểu đạt niềm tin và hệ giá trị. Những nghệ sĩ với tầm nhìn khác hẳn sẽ có những cách tiếp nhận khác. Dĩ nhiên, chất lượng của tác phẩm không chỉ xoay quanh phương thức biểu đạt mà còn ở việc ta gửi gắm gì trong tác phẩm và vì sao.
Nguồn ảnh: HdM GALLERY and Gioele Amaro
Lối tiếp cận trước nhất của anh mỗi khi sáng tạo là gì? Anh có thể mô tả một thực hành nghệ thuật điển hình của mình không?
Thực hành nghệ thuật của tôi là một hành trình không hồi kết với những khởi điểm đầy ngẫu hứng, thường là lúc tôi đang bận rộn với cuộc sống, hoặc ví như đang chờ một toa tàu. Phần thú vị nhất – ý tưởng – sẽ đến. Liền sau đó, tôi hân hoan nhận ra trực giác và hình dung của mình đang thành hình; hoặc đôi khi hình dung ấy sụp đổ, khiến tôi phải đối diện với thực cảnh. Cũng có những lúc tôi chỉ thấy tiềm năng của ý tưởng sáng lên khi bản thân nghiêm túc làm việc với chúng.
Cảm hứng sáng tạo của anh đến từ đâu?
Tôi không nghĩ cảm hứng phụ thuộc vào hoàn cảnh, càng không bao giờ tự đặt câu hỏi này. Nó là trạng thái khi tâm trí mình đã đủ cởi mở với những ước vọng, tầm nhìn và những ý tưởng kỳ thú dẫu chúng tìm đến tôi một cách tích cực hay tiêu cực. Dĩ nhiên phim ảnh, sách báo và đời sống ảo-thực sẽ là những ngôi đền, nhà xưởng “cách ngôn” để kích thích, khơi dòng sáng tạo.
Anh mong những tác phẩm của mình khơi gợi cảm xúc gì trong lòng người thưởng lãm?
Tôi không thích nghĩ về điều này. Nỗi ám ảnh quá mức với đánh giá của khán giả sẽ làm xao nhãng quy trình sáng tạo, trong khi các tác phẩm của tôi vẫn thường vô thức mong muốn khai mở những cách nhìn mới về vạn vật. Sáng tác trong vô định hóa ra là một phần quà.
“Sáng tác trong vô định hóa ra là một phần quà.”
Nguồn ảnh: HdM GALLERY and Gioele Amaro
Với anh, sáng tạo phải chăng là một quá trình đơn độc?
Đúng là tôi cần thời gian và không gian để ý tưởng nảy mầm trong tâm trí. Sau đó, cảm xúc của tôi trong một khoảng thời gian đủ tĩnh lặng để xoa dịu bản sắc gai góc bên ngoài sẽ đến và nuôi dưỡng những ý tưởng ấy.
Sáu chữ để miêu tả nghệ thuật của anh?
“Coloured tiles that bare the soul” (Tạm dịch: Những ô màu phơi trần tâm hồn).
Rất nhiều lần anh chia sẻ mong muốn được đi đến tận cùng khả năng vô biên của đổi mới kỹ thuật số. Có khó khăn nào trên hành trình này mà anh vẫn thường phải đối mặt không?
Mỗi một hơi thở vào-ra cũng là biểu hiện của sự oxy hóa cơ thể. Hay những bậc thang nhắc ta nhớ rằng chúng ta không thể bay lên. Khó khăn vừa mang tính thách thức và cũng là một dạng thức thỏa mãn, cảm giác như khi ta thăng cấp trong trò chơi Super Mario Bros.
Giới mộ điệu và những nhà sưu tập nghệ thuật nên trông đợi gì ở anh tại gian hàng HdM Art Gallery trong hội chợ ART SG 2024?
Hội chợ nghệ thuật thật sự đã thay đổi cách công chúng tiếp cận và trở thành một phần của quang cảnh nghệ thuật đương đại. Hàng ngàn người giờ đây có thể khám phá tác phẩm của ta với hàng tỷ phương cách tiếp nhận khác nhau. Hiện diện trong đám đông là bước đầu tiên để nhìn nhận phản ứng của người thưởng lãm, bất kể phản ứng ấy tiêu cực hay tích cực. Quan trọng nhất, phải hiểu rõ những điều mình làm.
Tôi đã đào xới chính mình đến vô tận nhờ lắng nghe suy nghĩ của mọi người, để rồi hiểu rằng người nghệ sĩ xem mình là trung tâm tức là sa vào cạm bẫy. Hãy lắng nghe – cá nhân tôi không cố tình tạo dựng cảm xúc nào trong lòng khán giả nhưng vẫn thường thấy hạnh phúc khi lắng nghe chia sẻ của họ. Rốt cuộc, tài năng hay sự độc đáo không phải là thứ để người nghệ sĩ chủ trương kiếm tìm. Chúng là những địa hạt mà phải chính tác phẩm của ta, với mọi hãi sợ và khao khát của ta, độc lập khởi hành và đặt chân khám phá, thầm lặng khơi mào nơi khán giả những suy ngẫm phong nhiêu.
Trong bối cảnh nghệ thuật đương đại gần đây, có nghệ sĩ nào truyền cảm hứng cho anh không?
Tôi nghĩ điều này khá nhạy cảm. Với một số nghệ sĩ, tôi thích tính cách của họ, số khác thì kỹ thuật, số khác nữa thì hình thức. Kể hết tên của họ dễ sẽ khiến tôi tự gắn mình với họ một cách sai lệch. Dù sao, tôi thường thích những tác phẩm mang sắc thái hài hước và mỉa mai. Tôi cũng thích những tác phẩm nhẹ nhàng, êm ái nữa.
Nguồn ảnh: HdM GALLERY and Gioele Amaro
Là một nghệ sĩ, anh có quan điểm gì về hệ thống nghệ thuật đương đại hiện nay?
Tôi e rằng thế giới và con người đương thời đang dịch chuyển quá nhanh để đúc rút một quan điểm tĩnh độc đáo. Quan điểm và sự thật đổi thay từng giây phút. Khả năng báo đoán tương lai mới là điều làm nên khác biệt. NFT, hội chợ nghệ thuật, số hóa nghệ thuật, những con số, những vụ bê bối, thị hiếu, chính trị, cái đẹp, AI; những tác nhân này thiếu ổn định đến mức ta không thể quyết đoán điều gì. Dẫu vậy, tôi rất hứng thú với ý tưởng rằng một nghệ sĩ “vô danh” ngày nay có thể dễ dàng được biết đến nhờ Instagram – họ có một nền tảng để thể hiện bản thân mà thậm chí không cần đến gallery hỗ trợ.
Anh nghĩ gì về vai trò của nghệ sĩ trong xã hội?
Để “gạch chân” những giả thuyết.
Vậy món quà lớn nhất khi được làm nghệ sĩ là gì?
Những cuộc phỏng vấn hàng giờ.
NGUỒN BÀI VIẾT: LUXUO.COM