Triển lãm nhóm “Moon River” quy tụ bảy nghệ sĩ, trong đó có sáu nghệ sĩ người Việt, và một nghệ sĩ nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Họ là những chứng nhân của thời gian, đã chiêm nghiệm thấy một giai đoạn sâu sắc trong lịch sử nghệ thuật nước nhà do những thay đổi kinh tế-xã hội. Các tác phẩm trưng bày đa dạng, từ thực hành kỹ thuật số (digital art) của Jo Ngo đến những sáng tác chất liệu truyền thống (sơn dầu, acrylic,…) của các nghệ sĩ đương đại như Phạm Thị Hồng Sâm, Hà Huy Hiệp, Hà Huy Mười và Đào Duy Hùng, cũng như chất liệu tổng hợp của Lê Văn Trọng and Laurent Judge. Triển lãm đề cao sự giao tiếp đa thế hệ từ những nghệ sĩ tham gia, khám phá những câu chuyện đa dạng dựa trên sự quan sát những bối cảnh xã hội và đời sống đô thị của Việt Nam, và cách những trải nghiệm đó ảnh hưởng đến kỹ thuật và triết lý của người nghệ sĩ.
Triển lãm nhóm “Moon River” chào đón khách tham quan từ 30/07 đến 02/09/2024 với 2 tầng trưng bày.
“Moon River” lấy cảm hứng từ bài hát trong Breakfast at Tiffany’s và thông điệp về những cảm xúc sầu muộn nhưng đẹp đẽ của tuổi trẻ, phản ánh hành trình của những nghệ sĩ Việt Nam trong việc tìm con đường của riêng mình giữa một thế giới thay đổi nhanh chóng. Bộ tác phẩm khám phá những thực hành đa dạng các nghệ sĩ thể hiện trên bối cảnh Việt Nam: các kỹ thuật và triết lý truyền thống, đưa vào nghệ thuật của họ.
Một số điểm nhấn đương đại trong triển lãm bao gồm những tác phẩm bởi những nghệ sĩ Việt có những mối quan tâm đến những kỹ thuật bút pháp Á Đông, và đưa chính những cử chỉ thư pháp đó vào trong thực hành của chính mình, thậm chí là trừu tượng hóa chúng: ví dụ như tác phẩm Cha và con (2023) của tác giả Phạm Thị Hồng Sâm. Laurent Judge lấy cảm hứng và diễn giải lại nghệ thuật đường phố graffiti, từ đó tạo ra những tác phẩm đa sắc của mình để phản ánh giấc mơ và ý thức.
Một điểm nhấn khác đó là bộ tác phẩm của Hà Huy Hiệp, với chất liệu chủ yếu là sơn dầu. Là một người mù màu, anh quan sát môi trường xung quanh mình, cô đọng lại thành những hình khối qua tư duy hình thể, và khắc họa chúng lên bề mặt toan vẽ để tạo nên những tác phẩm có yếu tố điêu khắc trên bề mặt phẳng, tương phản cao, đơn sắc như Thân Tâm (2023). Mặt khác, Hà Huy Mười, em trai của Hiệp, tránh sự lãng mạn hóa bằng cách tạo ra những hình ảnh hài hước, kỳ ảo, nhưng vẫn lấy cảm hứng từ chủ nghĩa siêu thực. Thực hành của Lê Văn Trọng khám phá nội tâm bên trong từ những giấc mơ của mình và tạo ra những cảnh mơ có phần đượm buồn.
Với Jo Ngo, cô cho biết: “Lý tưởng nhất, tôi muốn tạo ra sự cân bằng trong tác phẩm bằng cách sử dụng những biểu tượng Á Đông như tượng nghê, tượng rồng, nhưng nghệ thuật của tôi chịu ảnh hưởng lớn từ thẩm mỹ Tây phương. Tuy nhiên, tôi lựa chọn những bảng màu ảnh hưởng từ yếu tố thẩm mỹ Á Đông như sắc vàng đất, hoặc sự phối hợp giữa đỏ, vàng, và đen, chính là những bảng màu trong những tác phẩm sơn mài. Sự gặp gỡ Đông – Tây, quá khứ – hiện tại, chính là mục tiêu của tôi. Là một nghệ sĩ vẽ máy, tôi vẫn rất đề cao những chất liệu truyền thống.”
Những nghệ sĩ đại diện cho một thế hệ đang điều hướng chính mình giữa những sự thay đổi khi đang tự tìm kiếm những ý nghĩa và bản sắc. Áp dụng tiền đề giám tuyển vượt lên trên thời gian và địa lý, “Moon River” biểu dương năng lực sáng tạo lấy tiền đề từ những mối quan hệ sáng tác phi thế hệ và phi địa lý.
Tâm Huỳnh, giám tuyển triển lãm, tốt nghiệp Đại học Panthéon-Sorbonne, nơi anh là một trong số ít sinh viên gốc Việt. “Thay vì việc phải cố tìm ra những điểm tương đồng giữa những tác phẩm và từ đó sắp xếp theo chủ đề, triển lãm ‘Moon River’ nên là một sự tôn vinh của những nền văn hóa đa dạng, được sáng tác và bày tỏ bản sắc một cách thật tự do của nghệ thuật Hiện đại và Đương đại Việt Nam.” giám tuyển Tâm Huỳnh cho biết.
“Tôi muốn tổ chức một triển lãm có khả năng lấp đầy sự tìm tòi của công chúng. Những tác phẩm được trưng bày ở không gian được sáng tác từ một nguồn năng lượng sáng tạo biểu hiện mới và đa dạng, có lẽ sẽ khác hơn so với những gu thẩm mỹ bình thường của những nhà sưu tầm từ Việt Nam, và hy vọng sẽ cho công chúng một cái nhìn mới hơn.”
Gate Gate Gallery hướng đến một không gian nghệ thuật đương đại hàng đầu tại Hà Nội với hai tầng trưng bày, nơi giới thiệu những tác phẩm/kiệt tác nghệ thuật tới công chúng được tuyển chọn bởi những giám tuyển uy tín, nơi trao đổi đối thoại, giáo dục định hướng tới những nhà sưu tập có trách nhiệm, và đặc biệt, trở thành một phần không thể thiếu của hệ sinh thái nghệ thuật – thúc đẩy giao lưu nghệ thuật Việt Nam đương đại tới các hợp tác quốc tế.
Thời gian: 10:00 – 19:00 từ Thứ Ba đến Chủ Nhật, ngày 30/07 đến 02/09/2024 tại Gate Gate Gallery
Địa chỉ: 55 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội
Vé vào cửa miễn phí.