Ghé mắt nhìn cảnh quan nội tâm qua “cánh cổng” của Ando Saeko

Portal nghĩa là cánh cổng. Portal cũng là tên của sự kiện triển lãm tranh sơn mài đương đại mà nghệ sĩ người Nhật Ando Saeko đang trưng bày tại TP. Hồ Chí Minh. Những vi điểm trên mặt tranh tạo thành không gian trừu tượng, mà khi ta ghé mắt nhìn như bước vào một cánh cổng, cảnh quan nội tâm lần lượt hiện diện.

Ando Saeko là nghệ sĩ đương đại người Nhật Bản, bà đã sống và sáng tác hơn 30 năm tại Việt Nam. Ando Saeko đặc biệt có niềm yêu thích với hội họa sơn mài, đặc biệt là ứng dụng chất liệu sơn ta trên đa chất liệu khác nhau. Trong triển lãm Portal lần này (triển lãm cá nhân thứ 7 của cô tại Việt Nam), thay vì sử dụng nền vóc gỗ như thường lệ, nữ họa sĩ thể nghiệm thực hành trên nền chất liệu mica (acrylic). Với hơn 23 tác phẩm thuộc bộ sưu tập Specimen (Tiêu bản), trong đó có 2 tác phẩm lớn là OsmosisPhotosynthesis, tạo nên một sự ấn tượng thị giác đặc biệt, mà như Ando Saeko chia sẻ rằng, đó là một cuộc phiêu lưu đầy thử thách.

Chân dung nghệ sĩ đương đại Ando Saeko

Trong cuộc triển lãm lần này, có 2 yếu tố về mặt nội dung và thẩm mỹ nghệ thuật mà nghệ sĩ Ando Saeko truyền tải. Đầu tiên, người xem đi trực tiếp từ tác phẩm. Với tên gọi Specimen (tiêu bản), nguồn cảm hứng sáng tác đến từ sự tương tác của công chúng và nghệ thuật. Tiêu bản là những mẫu vật còn bảo tồn nguyên dạng, nằm dưới các lớp vật chất đó là những điều mà mắt thường không thể thấy, chỉ có thể tiếp nhận bằng thấu kính hiển vi. Ando Saeko đã phóng đại những chiều kích của một vật thể nào đó, để giờ đây cái ta thưởng thức vốn là nội hàm của nó.

Động tác nhắm một mắt và ghé nhìn vào kính giúp ta được giải phóng khỏi sự hiện diện của chính mình, vì khi đó mọi thứ xung quanh đều biến mất. Từ đây, ta chạm vào yếu tố thứ 2, đó là “Portal”, tức là một “cánh cổng” để nhìn vào tranh, cũng như đang nhìn vào một thế giới trừu tượng của cảnh quan nội tâm.

Mặt trước của tác phẩm Osmosis

Saeko chia sẻ rằng, cô rất mê cái cấu trúc (texture) mà kỹ thuật sơn mài Việt Nam có thể tạo ra. Khi thực hành sơn ta trên bề mặt sơn ta, độ loang của sơn tạo thành những hình thái rất đặc biệt. Và điều quan trọng, sơn mài mang tới độ chuyển động của màu sắc và kết cấu tự do. Saeko vẽ tranh bằng cách xếp lớp sơn và phải tính toán, ghi nhớ khi mài tranh sẽ xuất hiện màu nào, ánh sáng xuyên qua như thế nào. Người nghệ sĩ sau khi mài mới có thể biết chính xác màu sắc và hình khối cuối cùng, điều đó tràn đầy ngẫu hứng và tính thăng hoa trong sáng tạo. Sự tự do đó đi từ tác giả, đi vào tác phẩm và truyền đạt tới người xem. Nghệ thuật của Saeko đạt tới sự bất kỳ, đó có thể là một con vật, vũ trụ, cánh đồng hay bãi biển… tuỳ vào cảnh quan nội tâm của mỗi người.

Tác phẩm Photosynthesis

Phần lớn các tác phẩm trong bộ sưu tập Specimen không được đặt tên riêng mà chỉ được đánh số. Chúng ta thường xem các tác phẩm nghệ thuật và cố gắng hiểu ý nghĩa của chúng bằng cách giải thích tiêu đề của chúng. Saeko chọn không áp đặt bất kỳ diễn giải nào đối với người xem. Cô cố tình chừa ra những khoảng trống để người xem tham gia vào trải nghiệm sáng tạo này. Saeko hy vọng người xem sẽ khám phá những tầng sâu tâm trí mà người xem chưa từng đặt chân đến và tự gọi tên chúng.

Một trong những tác phẩm trong BST Specimen của Ando Saeko

Một trong những điều thú vị nữa khi nghệ sĩ đương đại Ando Saeko thực hành sơn mài trên mica đó là tính hai mặt của tác phẩm. Một bức tranh trong bộ sưu tập Specimen có thể nhìn ở phía, mỗi phía lại cho ra một sắc độ và hình khối khác nhau. Cũng chính vì vậy, điều khó khăn nhất đối với nữ họa sĩ mà phải cực kỳ cẩn thận để không để làm vết xước ở mặt hậu của tác phẩm. Bên cạnh đó, không chỉ đánh bóng và làm sạch tác phẩm mà còn cả khung tranh nữa. Tổng thể quả là một chuyến phiêu lưu của người sáng tác.

Không gian triển lãm Portal

Chúng ta đều biết rằng, sơn mài ra đời trong thời kỳ Đông Dương. Các hoạ sĩ Việt Nam là những người đã đưa kỹ thuật sơn thếp của Á Đông, từ trang trí nâng tầm thành hội hoạ. Thuật ngữ “sơn mài” ra đời từ đây, và được coi là “quốc hoạ” của Việt Nam. Tuy nhiên, vì thế mà nhiều người luôn gắn định nghĩa truyền thống cho thể loại hội hoạ này. Với Ando Saeko, cô mong muốn cho công chúng thấy rằng, tính vị lai (futuristic) của sơn mài rất cao, và thông qua triển lãm Portal này, công chúng có thể thấy được bầu không khí đương đại tràn ngập khắp không gian tranh và cả cảm xúc thẩm mỹ của người thưởng thức.

Thông tin triển lãm:

Triển lãm Portal by Ando Saeko được tổ chức bởi Tongla Art
Thời gian: 23.04 – 02.05.2023
Địa điểm: De La Sól – Sun Life Flagship, 244 Pasteur, Q.3. TP. HCM