Gặp lại Văn Ngọc trong sắp đặt vô biên “Tường Biển”

Con sóng đập mạnh vào bờ đá, sức mạnh của nó vỡ tung, văng ra nhiều mảnh… “Tường Biển” như một sắp đặt “lồng” trong sắp đặt. Tranh sắp đặt bề mặt. Tường sắp đặt tranh. Không gian là một khối sắp đặt từ sàn tràn lên tường.

Không còn những chất liệu làm liên tưởng tính bản địa như những gì chúng ta từng biết về Văn Ngọc. “Tường Biển” là một màu bê tông xám rộng hơn ngàn mét vuông, không có điểm bắt đầu, cũng không có điểm kết thúc. Người xem có thể bắt đầu với “Tường Biển” từ bất kỳ góc nào. Bởi mỗi tác phẩm đa chất liệu, cả các hình khối xếp đặt, trọn không gian trưng bày, đều mang tên “Tường Biển”.

Giữa những vụn vỡ tường trần, xi măng, xà bần, cùng các tác phẩm trắng bạc xám, đồng nhất về chủng loại vật liệu và gam màu, “Tường Biển” phơi bày con người nghệ sĩ, theo lối “kể chuyện” chỉ riêng ở Văn Ngọc: mạnh mẽ, tươi mới, nguyên bản, không gọt giũa, không pha trộn, và… xuất phát từ cuộc sống.

Chọn ra từ khoảng 100 tác phẩm được Văn Ngọc thực hiện trong 3 năm liên tiếp, không gian nghệ thuật “Tường Biển” là sự tiếp nối tâm thức của Văn Ngọc về các tác động của biển đến đời sống con người. Nhen nhóm từ “Dư Chấn” – một sắp đặt ngoài trời ở Vũng Tàu năm 2005, và là tác phẩm từng khiến Hội Mỹ thuật Việt Nam mở ra một giải thưởng chưa có tiền lệ: Giải thưởng dành cho các tác phẩm sắp đặt; ngót nghét 20 năm, nếu như “Dư Chấn” biểu hiện mạnh mẽ nỗi trắc ẩn của một tâm hồn nghệ sĩ trước thảm họa động đất và sóng thần Ấn Độ Dương 2004, thì “Tường Biển”, là những biểu đạt giàu xúc cảm từ cuộc sống thường nhật ở Vũng Tàu, nơi gia đình nghệ sĩ định cư và gắn bó suốt 30 năm qua.

Bỏ lối suy nghĩ hiển nhiên về “ánh sáng trưng bày” nghệ thuật, tôn trọng sự tiếp giáp mập mờ giữa ánh sáng trời với đèn neon và huỳnh quang; cộng hưởng muôn vạn hình mảnh tối giản vỡ bung từ những con sóng bạc trắng, mang theo vật thể khi va đập vào bê tông; “Tường Biển” hiện diện như một tác phẩm sắp đặt “lồng” trong sắp đặt. Tranh có bề mặt sắp đặt. Tường sắp đặt tranh. Không gian là một khối sắp đặt từ sàn lên tường. Đậm đặc tính đương đại.

Văn Ngọc chú trọng vật liệu, hay nói đúng hơn là chú trọng việc tạo ra bề mặt giàu mỹ cảm lẫn xúc cảm: “Cái đẹp không nhất định phải có hình hài, hình tượng, hình thù cụ thể. Cái đẹp có thể chỉ là bề mặt của chất liệu tương tác với nhau. Bề mặt là ‘chất tiếp xúc’ đầu tiên với thị giác người xem. Có thể chưa hiểu gì, chưa biết họa sĩ muốn nói gì, tác phẩm truyền đạt gì, nhưng có thể tác động cảm giác và kích thích trí tưởng tượng, đặt câu hỏi”.

Truyền cảm là tính đại chúng của “Tường Biển”. Bởi câu chuyện của nó là một phần “sự sống” có ý thức không thuộc về một quốc gia, khu vực, vùng miền nào.

Một lần nữa, với quan điểm (mà ông luôn không chịu nhận là “tuyên ngôn nghệ thuật Văn Ngọc”): “Nghệ thuật không giải thích. Tôi làm nghệ thuật bắt đầu từ những cảm giác của tôi về cuộc sống”, Văn Ngọc tiếp tục khơi gợi người xem những luồng ý niệm đa chiều về “tự do thẩm mỹ” song song thách thức người xem suy ngẫm về vai trò của con người trong mối liên hệ sâu sắc với biển.

THÔNG TIN TRIỂN LÃM

“Tường Biển” trưng bày hơn 60 tác phẩm tranh và sắp đặt đa chất liệu, ghép nhiều kích cỡ (phần nhiều là 122 x 244 cm); mở cửa miễn phí từ ngày 15 tháng 11 và kéo dài đến hết tháng 12 năm 2024, tại tầng 1, chung cư Hodeco, 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 3, thành phố Vũng Tàu (đối diện Bến xe khách Vũng Tàu).

VỀ NGHỆ SĨ

Nghệ sĩ Văn Ngọc sinh năm 1959 tại tỉnh Phú Thọ, Việt Nam. Ông từng theo học trung cấp mỹ thuật ở quê nhà, sau đó vào bộ đội vào năm 1983 và tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam. Sau khi xuất ngũ, ông học tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1986–1992). Năm 1993, Văn Ngọc cùng vợ chuyển vào Nam và định cư ở Vũng Tàu cho đến nay.