Triển lãm Tropical Hallucinations gồm 2 phần, diễn ra tại 2 điểm khác nhau, như hai hòn đảo trong một quần đảo, rời rạc về địa lý nhưng vẫn giữ những liên kết chặt chẽ như chính địa-văn hóa của vùng Đông Nam Á. Sử dụng chính cliché về vùng khí hậu nhiệt đới thường bị các nhà du hành phương Tây lạm dụng trong nhiều văn bản viết về ‘vùng viễn Đông’, triển lãm vén bức màn exotic để người xem có thể nhận thức được thực tại đang tiếp diễn.
Nghệ sĩ Nguyễn Thị Châu-Giang (Việt Nam) tiếp tục thực hành trên lụa như một nghi thức tu tập. Tác phẩm của cô diễn giải một cách tinh tế những suy tư hàng ngày về cuộc sống của phụ nữ Việt Nam lên nhiều lớp tranh vẽ. Kỹ thuật truyền thống của Việt Nam trong hội họa trên lụa được gọi là “lụa rửa”, vốn do Nguyễn Phan Chánh ứng dụng và truyền lại. Với kỹ thuật này, màu vẽ sẽ được rửa nhiều lần bằng nước để phai nhạt bớt đi, rồi mới tiếp tục đặt lớp màu khác lên, như nhuộm nhiều lần, tạo ra hiệu ứng trong suốt mà vẫn nhiều lớp lang sâu thẳm. Cô đã tinh thông kỹ thuật này suốt hơn 20 năm. Sử dụng chính cơ thể của mình và những người phụ nữ gần gũi xung quanh, tranh của Châu-Giang bóc tách từng lớp hỗn loạn bên trong mình, tìm cách hòa giải với những biến cố lịch sử, giá trị xã hội và khao khát cá nhân.
Bên cạnh đó, chuỗi tác phẩm See through – See true (2017-2019), Imhathai Suwatthanasilp tập trung quan sát phản ứng của người dân bên trong và dư luận xung quanh bạo loạn ở miền Nam Thái Lan từ năm 2004 đến nay. Với 20 năm sáng tác bằng tóc người, cô sử dụng chất liệu đặc biệt này để tạo nên những cặp “mắt kính”. Tròng kính làm từ một màn tóc mỏng, đủ để nhìn xuyên qua nhưng không nhìn rõ. Trong bốn hộp đèn là những tấm ảnh chụp xuyên qua các “tròng kính” đó, sáng trưng như những bảng quảng cáo, bên tỏ bên mờ, giả lập cái “nhìn” hướng về các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của những cộng đồng người Thái, Hokkien và Mã Lai, bị liên lụy trong các vụ xung đột tôn giáo ở Patani : đền thờ Hồi giáo Krue Se, đền thờ nữ thần Lim Ko Niao, chùa và nhà tưởng niệm Haji Sulong, vị anh hùng của cộng đồng người Jawi ở Pattani (Nam Thái Lan) và Wat Chang Hai, đền thờ Phật giáo phái Theravada. Bên cạnh tác phẩm là chuỗi 25 ảnh chụp những người đã từng đeo “kính”, từng trò chuyện với nghệ sĩ và tương tác với tác phẩm. Tất cả họ đều mong một xã hội bình yên, nơi đức tin của họ không trở thành công cụ chính trị để gây thù hằn, xung đột.
Hòa với sắc màu của tôn giáo và tín ngưỡng thiêng liêng, nghệ sĩ Richie Nath “dệt” nên một câu chuyện hấp dẫn từ cách phối kết giữa thần thoại Hy Lạp, sử thi Ấn Độ và văn hóa pop để dẫn dắt người xem vào hành trình đi tìm bản ngã của mình, một người đồng tính lớn lên trong xã hội bảo thủ ở Miến Điện. Khởi đầu series bằng một bức chân dung tự họa Where Are You?, mô tả chính anh đang nhìn vào hình ảnh phản chiếu của mình trong gương. Bức tranh Was It All in Vain?, Nath lấy cảm hứng từ câu chuyện về Vua Rắn, một câu chuyện đầu tiên trong truyện cổ tích Jataka kể về tình yêu đồng tính, được mô tả qua cách ẩn dụ trong mối quan hệ giữa một vị thần rắn, hay còn gọi là vua rắn, và hai người anh em tu hành. Tình yêu đồng tính xuất hiện ngẫu nhiên như những rào cản đối với sự thành tựu tu hành. Nath mê hoặc ta với loạt tranh đầy màu sắc và biểu tượng, lai tạo giữa người và muôn thú, giữa Đông và Tây.
Nguyễn Thị Châu-Giang (sn. 1975 tại Hà Nội, Việt Nam) chuyển đến TP. Hồ Chí Minh cùng gia đình khi cô mới 8 tuổi. Cô là cựu sinh viên chuyên ngành tranh sơn dầu tại Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Vào năm 2011, Châu Giang đã chuyển sang sử dụng lụa làm phương tiện sáng tạo của mình do bị thu hút bởi sự nhẹ nhàng của lụa và cách các hình tượng nữ trên tranh của cô trở nên mạnh mẽ hơn, cách mà màu nước diễn đạt một cách tính tế hơn so với sơn dầu. Tài năng của Châu Giang được thể hiện qua cách cô sử dụng màu vẽ, việc sử dụng màu sắc rộng và khả năng tạo trọng lượng cho các đối tượng gợi nhớ đến bức tranh hình tượng của họa sĩ Frida Kahlo; trong khi những đường nét và hoa văn tinh tế gợi nhớ đến sự tượng trưng của chu kỳ sinh-tử trong tự nhiên.
Sức sáng tạo của Châu Giang trải dài qua nhiều lĩnh vực: hội họa, trình diễn, sắp đặt và cả văn chương. Cô đã xuất bản truyện ngắn đầu tiên khi mới 8 tuổi. Đến nay, Châu Giang đã xuất bản 15 cuốn tiểu thuyết và tập truyện ngắn bằng tiếng Việt, cùng với sự nghiệp là nghệ sĩ hình ảnh, Châu Giang ghi tên mình vào danh sách một trong những nghệ sĩ thế hệ mới nổi tiếng của Việt Nam. Các tác phẩm của cô nằm trong bộ sưu tập của các bảo tàng như Bảo tàng Hermitage (Nga), Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (Singapore), Bảo tàng Nghệ thuật Nhật Bản Fukuoka (Nhật Bản) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Việt Nam).
Một số triển lãm đáng chú ý bao gồm: There Is No Lonesome Wave, POUSH, Aubervilliers, Pháp, 2023; Asian Pacific Triennial 10 (APT 10), Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Queensland, Úc, 2021; Ẩn Hoa 2, Craig Thomas Gallery, TP.HCM, Việt Nam, 2020; Bên trong chúng ta, Vin Gallery, TP.HCM, Việt Nam, 2019; Art Taipei, Vin Gallery, Đài Bắc, Đài Loan, 2017; Women in between: Asian Women Artists, Bảo tàng Mỹ thuật Tỉnh Tochigi, Tochigi, Nhật Bản, 2013.
Imhathai Suwatthanasilp (sn. 1981 tại Bangkok, Thái Lan)
Cô nhận bằng Cử nhân về Nghệ thuật Thái Lan loại xuất sắc hạng 2 và bằng Thạc sĩ về Nghệ thuật Thái Lan tại Đại học Silpakorn, Bangkok. Kể từ triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 2008, Imhathai đã tìm thấy cho mình một con đường đường nghệ nghệ thuật độc đáo, sử dụng tóc người, thường là của chính cô, để dệt, móc, thêu hoặc kết thành các tác phẩm hai và ba chiều. Tác phẩm của cô phản ánh bản chất của mối quan hệ, cuộc sống gia đình, cơ thể phụ nữ và bản sắc phụ nữ.
Các tác phẩm của Imhathai đã được triển lãm tại nhiều sự kiện và bảo tàng quốc tế, như International Women Artists Biennale, 2009, Inch, Hàn Quốc; Busan Biennale, 2010, Busan, Hàn Quốc; Nghệ thuật đương đại NCA Nichido, 2010, Tokyo, Nhật Bản; Bảo tàng Nghệ thuật Coreana, Space*C, 2011,Seoul, Hàn Quốc; Bảo tàng Nghệ thuật và Thiết kế Đương đại, 2011, Manila, Philippines; Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, 2012, Singapore; Jakarta Biennale, 2017, Indonesia. Cô đã được chọn tham gia Bangkok Art Biennale 2018. Năm 2019, các tác phẩm của cô đã được trình bày tại Songkhla Pavilion, Venice Biennale. Cô cũng tham gia Biennale of Sydney lần thứ 23 vào năm 2022.
Richie Nath (sn. 1995 tại Yangon, Myanmar)
Sống và làm việc tại Paris từ năm 2021, anh lớn lên ở Myanmar và tốt nghiệp Đại học Thời trang London (2017). Nath là thành viên của agency of artists in exile (đại diện các nghệ sĩ sống lưu vong). Các bức họa của anh khám phá các chủ đề về cộng đồng queer thông qua sự phản tư, chất vấn bản sắc và phân tích giấc mơ.
Nath kết hợp minh họa và hội họa trên thảm màu rực rỡ với các hình dạng cầu kì, đi sâu vào sự phức tạp của cơ thể con người, chủ nghĩa khêu gợi và tính chính trị trong bối cảnh trải nghiệm của chính anh với tư cách là một người trẻ sống trong một xã hội bảo thủ. Nath nghiên cứu những điều phức tạp trong tâm hồn con người và bị thôi thúc bởi thần thoại, các vị thần Ai Cập và văn hóa dân gian Phật giáo. Những bức tranh của Nath đóng vai trò như một cánh cổng dẫn đến thế giới nội tâm của anh.
Các triển lãm gần đây : Mère D’Exil – Regards D’Artistes, La Cité Miroir, Liège, Bỉ (2023); This Too Shall Pass, Spinello Projects, Miami, Mỹ (2023); EXPOSITION STOP WARS, Magasins Généraux, Paris, Pháp (2022); Fighting Fear, 16 Albemarle, Úc (2021); Notes From The Motherland, Aicon Contemporary, New York, Mỹ (2020); The Foot Beneath The Flower: camp, Kitsch Art tại Đông Nam Á, NTU ADM Gallery, Singapore (2020).
Galerie BAQ chính thức mở cửa vào tháng 4 năm 2023, dưới sự điều hành của Lê Thiên-Bảo và Quinnie SG Tan. Giám đốc nghệ thuật Lê Thiên-Bảo đến từ Việt Nam, có hơn 10 năm hoạt động ở Đông Nam Á. Hiện nay đặt trụ sở tại Paris, Galerie BAQ ủng hộ và thúc đẩy nghệ thuật đương đại từ các trung tâm sáng tạo mới nổi trên thế giới, làm việc trực tiếp và tập hợp các nghệ sĩ và chuyên gia có liên quan đến Đông Nam Á và cộng đồng gốc này trên khắp nơi. Ngoài ra, Galerie BAQ tìm hiểu về các hình thức sản xuất văn hóa và sáng tạo liên quan đến lịch sử và bản sắc phức tạp, tái tưởng tượng lại truyền thống và thách thức các tư tưởng chủ nghĩa thống trị.
Asia NOW là hội chợ nghệ thuật đầu tiên giới thiệu sự đa dạng của nền nghệ thuật đương đại châu Á tại Paris. Sau gần một thập kỷ hình thành và phát triển, Asia NOW khẳng định tên tuổi và chất lượng của mình qua mạng lưới liên kết nghệ sĩ, các bảo tàng, các bộ sưu tập công cộng và tư nhân, nhà nghiên cứu và giám tuyển. Các đối tác của Asia NOW gồm bảo tàng Monnaie de Paris, Bộ Văn hóa Pháp, bảo tàng Guimet và bằng hữu, nhà đấu giá Christie’s, Viện Pháp, Viện Goethe, Foundation France Asie, Samdani Art Foundation, v.v.
Phiên bản thứ 9 của Asia NOW diễn ra từ 20-22 tháng 10 năm 2023, tại bảo tàng Monnaie de Paris, chọn ra 65 phòng trưng bày nghệ thuật đương đại hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới, giới thiệu hơn 220 nghệ sĩ đến từ 26 vùng lãnh thổ trên khắp Châu Á và cộng đồng hải ngoại, trải dài từ Trung Á đến Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Tây, Nam, Đông Nam và Đông Á.
Triển lãm Tropical Hallucinations (Ảo Giác Nhiệt Đới) diễn ra vào ngày 19-22 tháng 10 năm 2023 tại bảo tàng Monnaie de Paris, 11 Quai de Conti, 75006 Paris, https://www.asianowparis.com/