Francisco Goya: Và chẳng còn cách nào khác

Bài viết này kể về bức tranh mang tên “Và chẳng còn cách nào khác” (Y no hay remedio) của Francisco Goya, một phần trong bộ sưu tập “Thảm họa Chiến tranh” (Los desastres de la guerra).

Và chẳng còn cách nào khác…

Bức tranh khắc họa hình ảnh một người đàn ông bịt mắt, cúi gằm mặt và bị trói chặt vào một cột gỗ. Và dù cho khoác lên mình bộ quần áo nom khá rách rưới nhưng anh vẫn tỏa ra ánh sáng lạ kỳ, dù dáng người nghiêng ngả, lệch lạc như biểu lộ sự thất bại và bất lực nhưng anh vẫn tràn đầy vẻ hào hùng, tựa như một hóa thân khác của Chúa Jesus (Alter Christus). 

Trên mặt đất, trước mặt anh là một xác chết với thân hình co quắp, cột sống vặn vẹo và tay chân dang rộng ra tứ phía. Gương mặt gớm ghiếc của anh nhìn chằm chằm ra khỏi bức tranh với đôi mắt đờ đẫn, trong khi máu và chất xám não vẫn đang trào ra từ hộp sọ và tụ lại xung quanh đầu. Chỉ mới mấy giây trước, người đàn ông này vẫn còn sống. Xa hơn về phía bên trái người anh hùng, những người đàn ông khác cũng bị trói chặt vào cọc gỗ. 

Bên phải anh ta chính là nguyên nhân dẫn đến cảnh tàn sát: một hàng lính chỉnh tề đang chĩa súng vào những người bị trói, nòng súng của họ biến mất khuất sau hông của người anh hùng. Tuy nhiên, phần còn lại của khẩu súng vẫn không bị che khuất. Bất ngờ hơn, ở một vị trí quá đỗi rõ ràng đến mức khiến người ta phải tự vấn vì sao mình không nhìn thấy chúng trước đó – ba khẩu súng xuất hiện từ mép phải bức tranh, nhắm thẳng vào nhân vật chính. Không chỉ sắp sửa chết, mà những kẻ hành quyết anh ta còn xuất hiện khắp mọi nơi. Như dòng chú thích trong bức tranh: “Y no hay remedio” (Và chẳng còn cách nào khác).

Francisco Goya, Và chẳng còn cách nào khác (Y no hai remedio), mảnh 15 trong loạt tranh thuộc The Disasters of War, 1810, 14 x 16.7 cm

Francisco Goya đã phác họa bộ tranh khắc “The Disasters of War” (Thảm họa Chiến tranh) từ năm 1810 đến năm 1820. 82 hình ảnh xuất hiện trong bộ sưu tập như một bản cao trạng trực quan và một tuyên ngôn phản đối cuộc chiếm đóng Tây Ban Nha của quân đội Pháp dưới thời Napoléon Bonaparte. Hoàng đế Pháp đã kiểm soát đất nước vào năm 1807 sau khi lừa Quốc vương Tây Ban Nha, Charles IV, cho phép quân đội của Napoléon đi qua biên giới dưới cái cớ giúp Charles xâm lược Bồ Đào Nha. Nhưng Napoléon đã không làm điều đó, ông chiếm đoạt ngai vàng và đưa em trai mình – Joseph Bonaparte, lên làm vua Tây Ban Nha. Ngay sau đó, một cuộc nổi dậy đẫm máu nổ ra, vô số người Tây Ban Nha bị tàn sát ở các thành phố lớn và cả vùng nông thôn Tây Ban Nha. Dù Tây Ban Nha cuối cùng cũng trục xuất quân Pháp vào năm 1814 sau Chiến tranh Bán đảo nhưng cuộc xung đột quân sự dai dẳng này vẫn làm điếng đảo và kinh hoàng cả hai quốc gia. 

Tiến trình hoàn thiện

Loạt tranh “The Disasters of War” được Goya sử dụng kỹ thuật khắc axit (etching) và in khắc lõm (drypoint). Bằng kỹ thuật này, họa sĩ có thể tạo ra những sắc thái nông sâu, sáng tối tinh tế và nắm bắt kịp thời cường độ cảm xúc mạnh mẽ của những cảnh tượng kinh hoàng trong chiến tranh. 

Bước đầu tiên, Goya khắc axit lên bản in. Việc này được thực hiện bằng cách phủ một lớp sáp lên tấm đồng, sau đó dùng mũi nhọn tạo đường rãnh cho lớp sáp để lộ lớp kim loại bên dưới. Tấm đồng sau đó cũng được nhúng vào bồn axit, từ đây, axit ăn mòn kim loại ở những vị trí hở (phần còn lại của tấm đồng được lớp sáp bảo vệ). Kế đến, rửa sạch axit và tấm đồng được nung nóng cho lớp sáp mềm ra, dễ dàng lau sạch. Sau cùng, trên tấm đồng có những đường rãnh lõm, láng mịn và đồng đều được axit ăn mòn theo những nét vẽ của Goya.

Bước tiếp theo, in khắc lõm nhằm tạo ra các đường nét theo một phương pháp khác. Goya dùng mũi nhọn cào trực tiếp vào bề mặt tấm đồng bằng chiếc bút stylus. Điều này tạo nên những đường nét không đồng đều vì mỗi vết cào sẽ để lại một gờ lởm chởm ở hai bên đường nét. Nhưng gờ nhỏ này cũng giữ lại mực in và tạo nên các đường nét mềm mại, nhất là khi in ấn. Song, do những gờ này rất mỏng manh và dễ bị nghiền nát khi liên tục bị cho vào máy in nên các bản in đầu tiên thường có giá trị cao hơn. 

Cuối cùng, họa sĩ bôi mực vào tấm đồng và lau sạch mọi phần thừa sao cho mực chỉ còn bám trên những vùng kim loại bị axit ăn mòn hoặc những nơi mũi nhọn cào lên bề mặt. Tấm đồng và giấy ẩm sau đó được xếp chồng lên nhau và cho vào máy in. Giấy, giờ đây đã trở thành một bản in, hút mực từ kim loại và trở thành bản sao của tấm đồng.

Chiến tranh thực sự là một cuộc thảm họa

Bộ tranh đầu tiên của Goya, trong đó có tác phẩm “Và chẳng còn cách nào khác” (Y no hay remedio), cho thấy những hậu quả tàn khốc của cuộc xung đột giữa quân đội Pháp và dân thường Tây Ban Nha. Nhóm tranh thứ hai ghi lại hậu quả của nạn đói hoành hành ở Tây Ban Nha vào năm 1811-1812, cuối thời kỳ cai trị của Pháp. 

Loạt tranh cuối cùng mô tả sự thất vọng và suy sụp tinh thần của các chiến binh Tây Ban Nha, những người sau khi đánh bại quân Pháp, nhận ra chế độ quân chủ mới của họ sẽ không chấp nhận bất kỳ cải cách chính trị nào. Mặc dù họ đã trục xuất Bonaparte,ngai vàng của Tây Ban Nha vẫn bị một kẻ bạo ngược khác chiếm giữ. Và lần này, họ đã chiến đấu để đưa hắn lên nắm quyền.

“The Disasters of War” là loạt tranh thứ hai của Goya, được sáng tác sau bộ “Los Caprichos” nổi tiếng trước đó. Loạt tranh cũng là một lời phê phán thế giới đương thời, châm biếm hệ thống kinh tế – xã hội ở Tây Ban Nha, khiến hầu hết người dân sống trong nghèo đói và buộc họ phải hành động vô đạo đức để sinh tồn. Goya lên án mọi tầng lớp xã hội, từ gái mại dâm đến giáo sĩ.

Francisco Goya, The Third of May, 1808, 1814–15, sơn dầu trên canvas, 268 x 347 cm

Tuy nhiên, “The Disasters of War” không phải lần cuối cùng Goya đề cập đến chủ đề về những nỗi kinh hoàng của Chiến tranh Bán đảo. Năm 1814, sau khi hoàn thành bộ tranh này, Goya đã sáng tác kiệt tác “The Third of May, 1808”, miêu tả hậu quả của cuộc nổi dậy ban đầu của người Tây Ban Nha chống lại Pháp, ngay sau khi Napoleon chiếm quyền. Bức tranh này, đôi khi được gọi là “Bức tranh hiện đại đầu tiên” vì có sự tương đồng không thể phủ nhận với “Và chẳng còn cách nào khác”. Trong tranh, một nhân vật giống Chúa Giê-su đứng trước firing squad (đội xử bắn) và chờ đợi cái chết. Hàng lính này gần như giống hệt những kẻ sát nhân trong tác phẩm khắc axit. Trong “Third of May, 1808”, số lượng sát nhân và nạn nhân không thể đếm được, một lần nữa, cho thấy, “và chẳng còn cách nào khác”. Dù không thể xác định chính xác bản khắc hay bức tranh ra đời trước, nhưng sự lặp lại của hình ảnh này là bằng chứng cho thấy chủ đề này – sự tàn nhẫn không thể tránh khỏi của một nhóm người đối với nhóm khác – là mối bận tâm hàng đầu của hoạ sĩ, người mà hình ảnh của ông ta ngày càng trở nên đen tối hơn theo tuổi tác.

Goya, This is worse (Esto es peor), mảnh 37 trong The Disasters of War (Los Desastres de La Guerra), 1810, 15.3 x 20.2 cm

Mặc dù “Và chẳng còn cách nào khác” có thể đã làm rõ chủ đề của “The Disasters of War”, nhưng nó không phải là tác phẩm kinh hoàng nhất. Danh hiệu này có thể thuộc về bản khắc “Điều này còn tồi tệ hơn” (Esto es peor), ghi lại cuộc thảm sát thực sự của quân đội Pháp với  dân thường Tây Ban Nha vào năm 1808. Trong hình ảnh rùng rợn, Goya đã sao chép một mảnh vỡ Hy Lạp nổi tiếng từ thời kỳ Hy Lạp hóa – Tượng bán thân Belvedere, để tạo ra thi thể của nạn nhân. Giống như mảnh vỡ cổ xưa, nạn nhân không có cánh tay, nhưng điều này là do quân Pháp đã cắt xén cơ thể của người đó, vốn bị đâm vào một cái cây xuyên qua hậu môn và vai. Cũng giống như trong “Và chẳng còn cách nào khác”, khuôn mặt của xác chết nhìn chằm chằm vào người xem, buộc người xem phải đối mặt với tội lỗi của chính mình khi cho phép vụ thảm sát xảy ra. Tác phẩm này cũng có thể được so sánh với “No se puede mirar” (Không thể nhìn), trong đó cùng một hàng binh lính vô danh chĩa súng vào một nhóm phụ nữ và đàn ông sắp, những người sắp chết.

Tượng bán thân Belvedere

Bộ tranh “The Disasters of War” của Goya không được in cho đến 35 năm sau khi họa sĩ qua đời, cho đến khi những quan điểm chính trị của ông được an toàn để được công chúng biết đến. Những hình ảnh này vẫn gây sốc cho đến ngày nay, và thậm chí ảnh hưởng đến tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng người Mỹ Ernest Hemingway, “For Whom the Bell Tolls” (Chuông nguyện tử cho ai), một cuốn sách về bạo lực và sự vô nhân đạo trong Nội chiến Tây Ban Nha. 

Francisco Goya, One can’t look (No se puede mirar), mảnh 26 trong loạt tranh The Disasters of War (Los Desastres de la Guerra), 1810–20, 14.5 x 21 cm

Giống như Goya thể hiện trong Thảm họa chiến tranh, Hemingway tin rằng chiến tranh, dù có chính đáng đến đâu, đều kích động bản chất tàn bạo trong con người, biến chúng ta thành những con thú dữ. Và với cả hai nghệ sĩ, những kẻ chỉ đứng nhìn những xác người bị xé nát trong tranh khắc đồng đen hoặc đọc những miêu tả rùng rợn về cảnh giết người mà không làm gì để ngăn chặn, thì cũng đồng lõa trong bạo lực chẳng khác gì kẻ sát nhân.

Bài: Phương Uyên