Đóng góp của nữ giới và tâm linh trong nghệ thuật trừu tượng

Từ khoảnh khắc Hilma af Klint được phát hiện và công nhận rộng rãi, cộng đồng nghệ thuật bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các nữ họa sĩ nghiên cứu về tâm linh và đưa chúng vào tác phẩm. Vì tính chất công việc của mình và thời thế, không ít trong số này đã chấp nhận không công khai tác phẩm hoặc bị lưu lạc theo thời gian. Một số nghệ sĩ trong đó đã có phong cách đi trước rất nhiều so với các ghi chép lịch sử về nghệ thuật.

Nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của Thông Thiên Học đến nghệ thuật hiện đại đã châm ngòi từ những năm 1960, đặc biệt là sau cuốn sách Âm thanh của vũ trụ – Một nghiên cứu về chủ nghĩa tâm linh của Kandinsky và sự ra đời của hội họa trừu tượng (1970) của nhà nghiên cứu nghệ thuật Sixten Ringbom. Từ đó, một loạt các bài tiểu luận và nghiên cứu ra đời để nói về “những bùa mê trong hiện đại”. Mặc dù vẫn có bất đồng quan điểm về đến mức độ ảnh hưởng của Thông thiên học đối với nguồn gốc của nghệ thuật trừu tượng và sự phát triển của nghệ thuật tiên phong đầu thế kỷ 19, nhưng sẽ là một thiếu sót nếu các nhà sử học nghệ thuật ngày nay phủ nhận sự tồn tại của ảnh hưởng đó.

Helena Blavatsky (1831-1891)

Thông thiên học (Theosophy) là một tư tưởng tâm linh được thành lập ở Hoa Kỳ vào năm 1875. Trường phái tôn giáo này được thành lập chủ yếu do công của nhà Thần học người Nga – Helena Blavatsky. Bà gọi nó là sự truyền bá hiện đại của “tôn giáo phổ quát một thời” mà bà cho rằng đã tồn tại từ sâu thẳm trong quá khứ của con người. Mặc dù được các học giả phân loại là một phong trào tôn giáo, các nhóm Thông thiên học không gọi hệ thống của họ là một “tôn giáo”. Về bản chất, nó giống với Tân Plato và là một tư tưởng, chứ không gần với cấu trúc của một hệ thống tôn giáo.

Nhiều nguyên nhân đằng sau sự suy giảm về ảnh hưởng của Thông thiên học đối với nghệ thuật đương đại bắt đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Thứ nhất, mặc dù là một phong trào rất tiến bộ, đổi mới và ảnh hưởng vào đầu thế kỷ 20, song những người theo đuổi đã mất dần động lực dẫn đến giảm ảnh hưởng trong văn hóa lịch sử. Thứ hai, nghệ thuật đương đại vốn được nhìn nhận là thế tục và không quan tâm đến tôn giáo hay tâm linh. Một phần đúng là trong thời kỳ hậu chiến, phong trào có thể đã mất đi sức hấp dẫn mà trước đây từng ảnh hưởng các tầng lớp trí thức, nghệ sĩ và nhà văn nổi tiếng. Nhưng trong những năm gần đây, phong trào bắt đầu nhận được sự quan tâm mới từ các học giả cho đến các nghệ sĩ đương đại. Những ảnh hưởng này đơn giản bị gạt qua hoặc lãng quên vì chúng được coi là không liên quan, hoặc không phù hợp với một hình ảnh nghệ thuật ‘tiến bộ’ nào đó.

“Tượng trưng cho một suy nghĩ” (1993) là một trong những tác phẩm mà Paul Laffoley đưa lý thuyết của Thông thiên học vào tác phẩm.

Tuy nhiên, xét lại lịch sử, có sự hiện diện của những nghệ sĩ nổi tiếng hoạt động trong những năm 1950 hoặc 1960 được ghi nhận là có quan tâm đến Thông thiên học hoặc Nhân chủng học. Phần lớn là nam giới, một vài cái tên như: họa sĩ trừu tượng Jackson Pollock, nhà làm phim thử nghiệm và họa sĩ Harry Smith, nghệ sĩ thuộc phong trào Fluxus như Joseph Beuys, nghệ sĩ khái niệm Marcel Duchamp, họa sĩ kiêm kiến trúc sư Paul Laffoley... Riêng kiến trúc sư Paul Laffoley đã trực tiếp đề cập đến Thông thiên học trong tác phẩm của mình. Điều này cho thấy ông đã sử dụng khái niệm Thông thiên học về các hình thức tư duy từ những năm 1990, rất lâu trước khi khái niệm này được thế hệ nghệ sĩ trẻ tái khám phá.

Về phía nữ giới, học giả Marco Pasi đã viết trong nhiều bài luận và nghiên cứu rằng “Hilma af Klint đã đóng một vai trò điển hình trong ảnh hưởng này”. Trong khi một số nhà phê bình và sử gia nghệ thuật có ít muốn đề cập đến độ ảnh hưởng của Thông thiên học đối với những đại diện của nghệ thuật trừu tượng chẳng hạn như Wassily KandinskyPiet Mondrian, thì tác phẩm của Klint lại là một bằng chứng khó phủ nhận. Những ý tưởng từ Thông Thiên Học đóng vai trò quan trọng đến mức nếu không xem xét trên góc độ này thì sẽ không thể hiểu hết được bà đang làm gì trong tác phẩm. Theo lý thuyết của Thông thiên học, con người có bảy trạng thái ý thức. Họ tin vào sự tái sinh và cho rằng toàn bộ vũ trụ (từ nguyên tử đến thiên hà) là một đơn vị duy nhất — do đó “Vũ trụ vĩ mô” ngang bằng với “Vũ trụ vi mô”. Tất cả những khái niệm này đều được thể hiện trong những bức tranh trừu tượng của Klint.

Vòng xoáy và vỏ ốc là hai đặc điểm nhìn thấy nhiều nhất trong các tác phẩm của Klint, xuất phát từ thực hành tâm linh, đặc biệt là Thông thiên học, Chủ nghĩa Rosicruian và Chủ nghĩa Không tưởng.

Sau khi được phát hiện và triển lãm rộng rãi từ năm 1984, sự kiện đột phá thực sự là vào năm 1986 – triển lãm “Tâm linh trong nghệ thuật: Tranh trừu tượng 1890-1985” – được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Hạt Los Angeles. Klint càng được công nhận như một nhân vật chủ chốt của nghệ thuật đầu thế kỷ 20, cũng như đã gián tiếp giúp hiểu rõ hơn tầm quan trọng của Thông thiên học và tâm linh đổi mới đối với các nghệ sĩ cùng thời với bà.

Những thực hành tâm linh của phụ nữ trong nghệ thuật

Các cuộc tranh luận hiện nay về vấn đề thiên vị giới tính trong lịch sử truyền thống của nghệ thuật trừu tượng hiện đại ngày càng tập trung vào việc liên tục phớt lờ thành tựu của các nghệ sĩ nữ. Nhiều người trong số họ đã đi trước các phương pháp thực hành của nhóm Siêu Thực và phong cách Trừu tượng vài năm trước khi những người sáng lập trường phái xuất hiện.

Marco Pasi tiếp tục chỉ ra ba người phụ nữ đại diện cho ảnh hưởng từ Thông Thiên Học nhất bao gồm Georgiana Houghton (1814-1884), Ethel Le Rossignol (1873-1970) và Hilma af Klint (1862-1944). Trong khi Houghton và Klint vẽ theo phong cách phi tượng hình, Le Rossignol được coi là một ví dụ điển hình về nghệ thuật mô phạm minh họa các ý tưởng Thông Thiên Học được họa sĩ Reginald Machell thể hiện trong những năm đầu của học thuyết hiện đại.

Hilma af Klint và nhóm The Five

Chân dung Hilma af Klint vào khoảng 1901.

Hilma af Klint (1862-1944) sinh ra ở Stockholm, Thụy Điển và từ nhỏ bà đã đọc mọi thứ về hình học và nghệ thuật, ảnh hưởng một phần từ cha là một giáo viên dạy toán. Năm 20 tuổi, bà vào Học viện Nghệ thuật Thụy Điển, một trong số ít trường nhận nữ sinh và là một phần của thế hệ họa sĩ châu Âu đầu tiên tổ chức triển lãm, và kiếm sống bằng hội họa. Trong thời gian này, tia X và sóng điện từ được phát hiện. Những sự kiện này đã thổi bùng tâm trí dẫn đến việc bà tự kết luận rằng các thế giới song song đang vô hình tồn tại. Bà quan tâm đến những thực tại thay thế và các mức độ nhận thức khác nhau, một phần vì những khóa học về tâm linh và triết học bà đã tham dự.

Năm 1880, bà bắt đầu nghiên cứu tâm linh sau khi người em gái qua đời, cũng như các thử nghiệm với chủ nghĩa trừu tượng và biểu tượng. Thực hành tâm linh vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 cũng đang rất phát triển trong giai đoạn này. Năm 1908, bà gặp Rudolf Steiner, người sáng lập Hiệp hội Nhân học, đã giới thiệu cho bà những lý thuyết của ông về nghệ thuật, từ đó ảnh hưởng đến những bức tranh của sau này.

Một bức vẽ minh họa sen cạn năm 1890. Về cuối đời, bà quay lại minh họa thực vật.

Bà đã dành riêng các ngày để vẽ tranh khách đặt và những ngày khác nhốt mình trong một ngôi nhà ở nông thôn để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo bí mật. Sau khi ở ẩn trong vài năm và vào ngày bà phải viết di chúc, bà đã đề tên cháu trai mình là Erick làm người thừa kế duy nhất, với điều kiện cháu phải giữ các bức tranh trong hộp gỗ, và chỉ được mở ra vào 20 năm sau khi bà qua đời. Nguyên nhân có lẽ bà đã coi những bức tranh này chỉ là góc nhìn thế giới của riêng mình; hoặc bà nghĩ rằng tác phẩm của mình hoàn toàn nằm ngoài quy tắc học thuật và việc công khai chúng sẽ kết thúc sự nghiệp thành công của mình. Tuy nhiên, Erick đã qua đời trước ngày có thể tiết lộ và 1200 bức tranh bị giấu trong nhiều năm cho đến khi một người nông dân dọn dẹp ngôi nhà hoang của mình và phát hiện ra.

Klint trong nhóm The Five

Trong thời gian theo học Học viện Mỹ thuật, Klint kết bạn với Anna Cassel, một trong những người cùng bà thành lập nhóm The Five (tên gốc ‘De Fem’) và các thành viên khác là Cornelia Cederberg, Sigrid HedmanMathilda Nilsson. Giai đoạn này, nhiều tác phẩm của Klint có sự tham gia của các thành viên The Five, nhưng ghi chép khác rời rạc. Như Anna Cassel giúp trong bộ tranh “Đền thờ”, Cornelia Cederberg là người đóng góp nhiều tranh nhất và có tham gia vào bộ tranh “Eros”… Không thể phủ nhận việc Klint dẫn dắt phần lớn các bộ tranh trong giai đoạn với The Five, nhưng chỉ có Anna Cassel là được bà công nhận như họa sĩ ngang hàng, còn lại thì bà chỉ viết họ là các phụ tá.

Nhóm The Five được tái hiện trong bộ phim tiểu sử Hilma (2022)

Mỗi cuộc họp của họ đều bắt đầu bằng một lời cầu nguyện, thiền định và bài giảng trước bàn thờ có hình tam giác và cây thánh giá với bông hồng ở giữa – biểu tượng Rosicrucian. Cả nhóm phân tích một văn bản Tân Ước, sau đó là một buổi lên đồng mà họ tiếp xúc với các linh hồn. The Five hoạt động từ năm 1896 đến năm 1908, ghi lại các thông điệp từ cõi linh hồn được gọi là “Đấng tối cao”. Ở trạng thái thôi miên, nhóm tin rằng họ có thể giao tiếp với những sinh vật thần bí bằng những cái tên như Amaliel, Ananda và Gregor – được hiểu là người trung gian của Đấng tối cao – ghi lại thông điệp của họ thông qua viết và vẽ tự động (automatic drawing).

Vẽ tự động là một phương pháp sáng tạo của nhiều nghệ sĩ Siêu thực, họ ngăn chặn sự kiểm soát có ý thức đối với quá trình và đưa bản thân vào trạng thái nửa nhận thức. Những người theo chủ nghĩa Dada đầu thế kỷ 20, chẳng hạn như Hans Arp, đã sử dụng một số phương pháp này thông qua các hoạt động tình cờ. Tuy nhiên, nữ họa sĩ tâm linh Anna Mary Howitt được ghi nhận là người đầu tiên thực hành và Klint có ảnh hưởng.

Trong thời gian với The Five, các thử nghiệm của Klint đưa bà đến với một ngôn ngữ hình học sáng tạo có khả năng khái niệm hóa các lực vô hình của cả thế giới bên trong và bên ngoài. Bà khám phá các tôn giáo trên thế giới, nguyên tử, và thế giới thực vật và viết rất nhiều về những khám phá của mình. Khi bà trở nên quen thuộc hơn, năm 1907, bà nhận được thông điệp bên kia rằng bà nên là thủ lĩnh nhóm The Five, nhưng các thành viên còn lại không đồng ý và họ dần tan rã sau đó. Các Đấng tối cao sau đó giao nhiệm vụ cho bà tạo ra tuyệt tác “Ngôi đền” – tuy nhiên bà chưa bao giờ hiểu “Ngôi đền” này ám chỉ điều gì.

“Những bức tranh được vẽ trực tiếp thông qua tôi, không cần bất kỳ bản vẽ sơ bộ nào và có lực hút rất lớn. Tôi không biết chúng miêu tả điều gì; tuy nhiên tôi đã làm việc nhanh chóng và chắc chắn không thay đổi một nét vẽ nào.” Klint viết trong sổ tay của mình về việc được “cầm tay” vẽ các ngôi đền. Tổng cộng 111 bức vẽ về “ngôi đền” được thực hiện trong hai năm liên tiếp cùng với đồng nghiệp là Anna Cassel, nhưng bà chính thức hoàn thành hẳn là vào năm 1915 với tổng cộng là 193 bức.

Khi bà hoàn thành công việc xây dựng “Đền thờ” thì các hướng dẫn tâm linh kết thúc. Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục theo đuổi hội họa trừu tượng khi không còn ảnh hưởng “bên kia” nữa. Những bức tranh sau này có kích thước nhỏ hơn đáng kể và kết hợp thêm màu nước. Bà đã vẽ cùng với những người khác một loạt tranh mô tả quan điểm của các tôn giáo khác nhau ở các giai đoạn khác nhau trong lịch sử, cũng như những sự thể hiện về tính hai mặt giữa thực thể vật chất và sự tương đương của nó ở cấp độ bí truyền. Có thể nhận thấy một nguồn cảm hứng nhất định từ các lý thuyết nghệ thuật do Hiệp hội Nhân học phát triển từ năm 1920 trở đi.

Trong suốt cuộc đời của mình, bà luôn tìm cách hiểu những bí ẩn mà mình đã tiếp xúc qua công việc. Tổng cộng hơn 150 cuốn sổ tay ghi chép lại suy nghĩ và phát hiện cá nhân của bà.

Georgiana Houghton

Chân dung Georgiana Houghton năm 1882

Georgiana Houghton (1814-1984) sinh ra ở Tây Ban Nha, nhưng sau đó chuyển đến Luân Đôn, Anh. Bà đã tạo ra những tác phẩm trừu tượng đầu tiên của mình, sau đó chúng được gọi là những bức vẽ ‘linh hồn’ vào năm 1859 tại các buổi lễ triệu hồn kín. Bà bắt đầu tạo ra những hình ảnh linh hồn của mình bằng cách vẽ và thử nghiệm với màu nước. Cũng như các nghệ sĩ nghiên cứu tâm linh, bà cũng mô tả tác phẩm của mình được chỉ đạo bởi các linh hồn. Những tác phẩm được biết đến sớm nhất của bà mô tả những bông hoa và trái cây cực kỳ cách điệu. Sau một thời gian thử nghiệm chính thức, Houghton đã phát triển một phong cách hoàn toàn trừu tượng hoặc không khách quan.

Vào cuối những năm 1860, sự trừu tượng của Houghton tương quan với bản chất siêu nhiên với các đối tượng của bà. Bà không mô tả các vật thể của thế giới tự nhiên mà miêu tả như một trải nghiệm tâm linh. Đối với bà, nghệ thuật là một cách để tiếp xúc với Chúa. Khi bà tiếp tục vẽ, các hình ảnh trở nên phức tạp hơn, thể hiện số lượng lớp màu, màu sắc và chi tiết nhỏ ngày càng tăng. Vào thế kỷ 19, “trừu tượng” vẫn chưa phải là một khái niệm, do đó, thái độ tiếp nhận phê bình đối với các bức tranh trở nên đáng ngạc nhiên. Bà mô tả những hình dạng và màu sắc dường như không mang tính tham khảo trong các bức tranh của mình như một hệ thống “biểu tượng thiêng liêng”, trong đó mỗi yếu tố hình thức đều mang một ý nghĩa riêng.

Chân dung của Jesus Christ, 1862

Là một người theo đạo Cơ Đốc, bà không gặp xung đột nào giữa thuyết tâm linh và đức tin mình. Đúng hơn, những điều mặc khải của Chúa được thể hiện qua những bức vẽ tâm linh đó. Hầu hết với các tác phẩm, bà khẳng định rằng chúng được các linh hồn dẫn dắt, bao gồm cả hai người chị gái và anh trai yêu quý đã khuất. Từ những tác phẩm trừu tượng đơn giản, bà tiếp cận một thứ bà tự gọi là “chủ nghĩa biểu tượng thiêng liêng”, thông qua các lớp màu kính vạn hoa nhằm truyền tải “những thuộc tính kỳ diệu” của Chúa. Chúng thường được bao phủ bởi những chuỗi mạng lưới gồm những chấm trắng cực nhỏ quấn quanh các bức tranh như thể ghi lại một góc nhìn phù du về sự siêu việt thần thánh.

Để tiếp cận lượng khán giả rộng hơn và hy vọng truyền cảm hứng cho những người khác trở thành những người theo chủ nghĩa Tâm linh, bà đã một mình tổ chức một cuộc triển lãm cá nhân vào năm 1871. Mặc dù được một số nghệ sĩ truyền thống hoan nghênh, nhưng nhìn chung bà vẫn nhận nhiều đánh giá trái chiều. Chỉ có một tác phẩm được mua, có thể vì tác phẩm được coi là quá hiện đại so với thị hiếu của nước Anh thời Victoria, hoặc có lẽ do mức giá cắt cổ.

Hầu hết các tác phẩm của bà đã bị thất lạc, 46 tác phẩm còn sót lại hiện đang nằm rải rác trong các hội tâm linh, trong đó có Trường Cao đẳng Nghiên cứu Tâm linh ở Anh.

Ethel Le Rossignol

Chân dung Ethel Le Rossignol và khoảng thập niên 1930. Ảnh: Eileen Agar

Ethel Le Rossignol (1873-1970) sinh ra ở Argentina nhưng sau đó, gia đình bà quay trở lại Luân Đôn, nơi bà được đào tạo chính quy về nghệ thuật. Bà làm y tá trong trong Thế chiến thứ nhất và hay viết thư tay với anh trai Arthur, đi kèm với hơn một trăm bức ảnh. Đại học Notre Dame của Mỹ đã mua lại các tài liệu lịch sử này như một phần của bộ sưu tập Thế chiến thứ nhất của họ, họ đã không biết rằng nữ y tá hồi đó đã trở thành một họa sĩ nổi tiếng.

Như nhiều người Anh khác từng trải qua bi kịch của chiến tranh, Ethel cũng thực hành tâm linh. Năm 1920, bà bắt đầu liên hệ được một linh hồn viết tắt là J.P.F. và thực hiện những bức tranh mà bà không ký tên, nhấn mạnh rằng J.P.F. mới là tác giả thực sự. Linh hồn cũng truyền tải cho bà những lời răn của một nhóm linh hồn cao cấp, những người đã giải thích ý nghĩa của chúng. Những lời răn này được thu thập vào năm 1933 trong cuốn sách “Người đồng hành” do Ethel tự xuất bản.

Các tác phẩm của bà thỉnh thoảng xuất hiện trong các cuộc đấu giá công khai, nhưng số lượng khá hạn chế và cực kỳ hiếm. Trong số 44 bức tranh do Ethel thực hiện, hay như bà khẳng định – bởi linh hồn, 21 bức đã được tặng vào năm 1968 hiện cũng đang nằm ở trường Cao đẳng Nghiên cứu Tâm linh ở Anh. Phong cách của tác phẩm có các yếu tố nghệ thuật ảo giác psychedelic, mặc dù đến thập niên 1960 mới là giai đoạn bùng nổ. Chúng cũng kết hợp các đặc điểm của Art Deco, Mạn-đà-la và chủ nghĩa thần bí phương Đông, và một phần nhỏ của văn hóa Nam Mỹ.

Trường Cao đẳng Nghiên cứu Tâm linh

Mặc dù không gặp nhau, nhưng cả Georgiana Houghton và Ethel Le Rossignol đều đến Luân Đôn và tác phẩm đều nằm trong bộ sưu tập của trường Cao đẳng Nghiên cứu Tâm linh. Nếu đã nghiên cứu về tính tâm linh trong nghệ thuật thì không thể bỏ qua những nghiên cứu của ngôi trường này. Vì đây là một nơi ảnh hưởng các phụ nữ đương thời ở Anh trong việc thực hành tâm linh của họ. Được thành lập vào năm 1883 bởi nhà tâm linh William Stainton Moses, tiền thân là Liên minh Tâm linh Luân Đôn, trường đã đi đầu trong lĩnh vực tâm linh ở Anh trong 135 năm qua.

Một điều thú vị là tiểu thuyết gia Arthur Conan Doyle từng làm hiệu trưởng vào những năm 1925, nhờ tên tuổi của ông mà ngôi trường đã được khuyên góp một khoản để phát triển cơ sở vật chất. Ngoài tiểu thuyết, Conan Doyle còn là một nhà tâm linh học và là người ủng hộ nhiệt thành cho tang quyến trong Thế chiến thứ nhất. Vào thời ông tại vị, ngôi trường đã chứng kiến ​​những người phụ nữ tuyệt vọng đăng kí học vì muốn liên lạc với những người thân đã mất của họ trong chiến tranh.

Ngôi trường cũng sở hữu một lượng lớn các tác phẩm mang tính tâm linh của các nghệ sĩ như Anna Mary Howitt, Emma Kunz, Aleksandra Ionowa, Helen Duncan,…

Tham khảo:

  • After Hilma af Klint: the influence of Theosophy on contemporary art, Marco Pasi, 2020
  • How Did Theosophy Influence Modern Art?, Rosie Lesso, 2022
  • The Divine Messages of a Victorian Spiritualist’s Drawings, Jessica Freeman-Attwood, 2016