Vào ngày 27 tháng 7 năm 2024 theo giờ địa phương, Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ đã chính thức công bố danh sách những Di sản Thế giới được xét duyệt năm 2024. Danh sách này bao gồm 24 Di sản mới, trong đó có 19 Di sản Văn hoá, 4 Di sản Thiên nhiên và 1 di sản là sự kết hợp của cả hai thể loại. Công bố trên đã nâng tổng số Di sản Thế giới lên đến 1223 di sản trên toàn cầu.
Bài viết tập trung giới thiệu một số công trình kiến trúc và điêu khắc tiêu biểu trong danh sách. Trải qua bao đế chế và triều đại, chúng trở thành chứng nhân của thời gian cùng những giá trị văn hoá, lịch sử phi biểu hình.
Trục trung tâm Bắc Kinh là một quần thể chạy dọc theo hướng Nam-Bắc của trung tâm Bắc Kinh. Được xây dựng từ năm 1271 và hoàn thiện vào thế kỷ 16, quần thể này bao gồm cung điện lẫn vườn hoàng gia cũ, các công trình lễ tế và toà nhà công cộng. Trải qua nhiều thế kỷ, Trục trung tâm Bắc Kinh không ngừng phát triển và ngày nay là trục trong thành phố dài nhất thế giới với tổng chiều dài lên đến 7,8 km.
Theo UNESCO, “Sự lựa chọn vị trí, bố cục, hình thái và thiết kế thành phố đã trình hiện một mô hình đô thị lý tưởng như được ghi trong cuốn ‘Chu Lễ – Khảo Công Ký’, thể hiện truyền thống quy hoạch thành phố cổ đại của Trung Quốc. Công trình này là chứng nhân cho sự phát triển và diễn biến của thành phố Bắc Kinh, đồng thời là một biểu tượng quan trọng, thể hiện những đặc tính nổi bật của văn minh Trung Hoa.”.
Constantin Brâncuși là một trong những nhà điêu khắc có sức ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 và là nghệ sĩ tiên phong của Chủ nghĩa Hiện đại. Từ năm 1937 đến năm 1938, ông thực hiện các tác phẩm điêu khắc đặt tại Târgu Jiutừ nhằm vinh danh những người đã hy sinh thân mình để bảo vệ thành phố trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Bao quanh Nhà thờ Thánh tông đồ Peter và Paul là các tác phẩm điêu khắc của Brâncuși được sắp đặt đầy dụng ý. Trong đó, nổi bật nhất là The Endless Column, một tác phẩm điêu khắc cao 30 mét chọc thủng bầu trời.
Theo UNESCO, “sự kết hợp đáng chú ý kiến trúc cảnh quan, quy hoạch đô thị và những tác phẩm điêu khắc trừu tượng của Constantin Brâncuși đã vượt lên bối cảnh thời chiến địa phương, mang đến một tầm nhìn độc đáo về tình cảnh con người thời bấy giờ”.
Umm Al-Jimāl là một khu vực nông thôn ở phía Bắc Jordan, trước đây đươc người La Mã định cư từ khoảng thế kỷ 5 đến thế kỷ 8. Nơi đây lưu dấu các công trình kiến trúc bazan từ thưở sơ khai của Byzantine và Hồi giáo, cũng là đại diện cho phong cách kiến trúc tiêu biểu vùng Hauran; cùng với đó là một số tòa nhà quân sự La Mã đã được cư dân địa phương cải tạo.
Các công trình kiến trúc sớm nhất được phát hiện tại Umm Al-Jimāl có niên đại từ thế kỷ 1, khi khu vực này trở thành một phần của Vương quốc Nabataean. Tại đây, người ta đã khai quật được một kho tàng văn tự cổ phong phú bằng tiếng Hy Lạp, Nabataean, Safaitic, Latin và Ả Rập. Chúng hàm chứa những hiểu biết sâu sắc về lịch sử địa phương lẫn những thay đổi về tôn giáo, tín ngưỡng trên mảnh đất này.
Toạ lạc trên một cồn cát ven biển thành phố Nuseirat, Tu viện Saint Hilarion/Tell Umm Amer, nay chỉ còn lại tàn tích, là một trong những tu viện lâu đời nhất Trung Đông, có niên đại từ thế kỷ 4. Được thành lập bởi Thánh Hilarion, khởi điểm của tu việc là những ẩn sĩ đơn độc cùng chung sống, phát triển thành cộng đồng. Đây là cộng đồng tu viện đầu tiên ở Đất Thánh, đặt nền móng cho sự lan truyền các hoạt động tôn giáo trong khu vực.
Ngự tại ngã tư giao thương và liên lạc giữa châu Á và châu Phi, tu viện đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động trao đổi tôn giáo, văn hóa và kinh tế, đồng thời là minh chứng cho sự phát triển thịnh vượng của các tu viện trên sa mạc vào thời kỳ Byzantine lúc bấy giờ.
Quần thể Dinh thự Schwerin được thiết kế cho Đại công tước Mecklenburg-Schwerin vào thế kỷ 19 và được biết đến là đỉnh cao của kiến trúc lâu đài châu Âu. Nơi đây bao gồm cung điện và dinh thự của Đại công tước, các toà nhà văn hoá và nghi lễ như nhà hát, bảo tàng, nhà thờ, đồng thời tích hợp cả doanh trại pháo binh để đảm bảo an ninh quốc phòng.
UNESCO nhận định: “Thông qua sự phong phú và đa dạng của các đặc điểm kiến trúc lẫn cảnh quan, Quần thể Dinh thự Schewerin thể hiện toàn bộ quang phổ của lịch sử, trải dài từ thời kỳ Tân Phục Hưng mới, Tân Baroque cho đến Tân Cổ Điển, Tân Gothic và phong cách địa phương mang tên ‘Johann-Albrecht’.”
Nằm ở chân đồi của dãy núi Patkai ở phía đông Assam, khu đất này là nơi xây dựng nghĩa trang hoàng gia của người Tai-Ahom. Người Tai-Ahom đến Assam vào thế kỷ 13, sau đó thành lập thành phố Charaideo và đặt để nghĩa trang hoàng gia tại đây, lưu dấu những giá trị văn hoá và tâm linh quan trọng nhất của dân tộc.
Trong 600 năm từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19, người Tai-Ahom đã xây dựng nên các moidam, hay còn gọi là “ngôi nhà linh hồn”, bằng cách sử dụng các yếu tố tự nhiên như đồi, rừng và nước để tạo ra một chỉnh thể thiêng liêng về mặt địa lý. Tin rằng mỗi vị vua chính là một vị thần, người Tai-Ahom phát triển nên một quy trình tang lễ riêng biệt dành cho các vị trong hoàng thất. Những gò chôn cất ban đầu được xây dựng bằng gỗ, sau đó bằng đá và gạch nung, như được ghi chép trong Changrung Phukan, áng văn kinh điển của người Ahom. Các nghi lễ hỏa táng của hoàng gia được tiến hành đầy trang trọng, phản ánh sự phân cấp xã hội trong đời sống của người Tai-Ahom.