Cung đường nghệ thuật Đà Lạt 2024: Mở rộng đường biên nhiếp ảnh

Năm nay, Cung đường nghệ thuật Đà Lạt lần thứ 2 lại mở ra với nhiều tác phẩm nhiếp ảnh in lớn chạy dọc con đường Lý Tự Trọng, trồi lên từ đất đá chân núi và giữa những rặng cây. Giấu mình trong vẻ ngoài thi vị của một thực hành triển lãm tận dụng cảnh quan địa phương là nỗ lực khéo léo để mở rộng đường biên sáng tác cho cộng đồng nhiếp ảnh trong nước…

Là một sự kiện diễn ra trong sự kết hợp tổ chức giữa không gian nghệ thuật Stop and Go và Uỷ ban Nhân Dân Thành phố Đà Lạt, được tư vấn chung bởi nghệ sĩ Phan Quang, giám tuyển Nguyễn Như Huy, hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn, và nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long, Cung đường nghệ thuật Đà Lạt kéo dài từ tháng 7/2024, cho đến đầu năm 2025.

Thu hút sự tham gia đông đảo, Cung đường nghệ thuật Đà Lạt là một nỗ lực với nhiều mục tiêu, từ quảng bá văn hoá – nghệ thuật Việt Nam với du khách, cho đến tạo môi trường cho cộng đồng địa phương tiếp xúc nhiều hơn với nhiếp ảnh như một loại hình nghệ thuật, tạo cơ hội giao lưu sáng tác giữa các nghệ sĩ miền Nam. Vì thế, bên cạnh hoạt động chính là triển lãm nhiếp ảnh, triển lãm còn có những sự kiện vệ tinh như trao đổi nghệ sĩ, biểu diễn văn nghệ đường phố, biểu diễn múa của dân tộc K’Ho cũng như trưng bày điêu khắc, sắp đặt cùng bộ sưu hiện vật văn hoá Tây Nguyên. 

Theo báo Tuổi trẻ, Phan Quang (người sáng lập không gian nghệ thuật Stop and Go) cho biết:

“Cung đường nghệ thuật Đà Lạt là một không gian nghệ thuật cởi mở, mang đến trải nghiệm văn hóa nghệ thuật đầy màu sắc và phi lợi nhuận cho tất cả mọi người, thúc đẩy Đà Lạt không chỉ là địa điểm nghỉ dưỡng mà còn là nơi hội tụ, giao lưu đa lĩnh vực cho các nghệ sĩ thị giác và là trung tâm nghệ thuật ở phía Nam”. 

Với kim chỉ nam chính là sự cởi mở trao đổi, triển lãm Cung đường nghệ thuật Đà Lạt lần này với sự lựa chọn tác phẩm, tác giả đa dạng cũng đã phần nào đánh dấu những đổi mới dù nhỏ lẻ trong xu hướng sáng tác nhiếp ảnh đương thời và thúc đẩy một thái độ cởi mở hơn với đa dạng nội dung, hình thức sáng tác từ những thể chế chính thống. 

Đoàn du khách Hàn Quốc cùng đại biểu và cư dân địa phương tham gia khai mạc triển lãm.

Nổi bật và thú vị trong Cung đường nghệ thuật chính là thực hành giám tuyển, tổ chức hiệu quả khi lựa chọn in lớn ảnh của các nghệ sĩ trong sắp đặt tương tác với một không gian rất “mở”. Bàn về hình thức, “trong” không gian biểu diễn hay triển lãm vốn là đường lộ này, xe vẫn chạy, ngựa vẫn đi, và ai xem tác phẩm vẫn tiếp tục xem tác phẩm. Không gian trưng bày như thế không tách rời với cuộc sống bên ngoài, mà tương tác trực tiếp với những quang cảnh sinh hoạt thường ngày cùng thiên nhiên. Các ảnh có yếu tố thiên nhiên được đặt trực tiếp trong những lùm cây, khu vực bóng đổ trên mặt ảnh cũng hô ứng trực tiếp với bóng đổ của tàn cây. Còn các ảnh về môi trường đô thị lại trực tiếp nằm trên đường chính, xe cộ qua lại.

Những ảnh chụp trưng bày đều được in với khổ lớn, dựng thẳng, tạo cảm giác chìm đắm trực tiếp cho người nhìn cũng như đảm bảo hiệu quả khi nhìn từ xa. Những giá dựng ảnh cũng được sắp xếp khéo léo nên về tổng thể tạo cảm giác như hình ảnh đang trôi theo các triền núi. Các tác phẩm nhiếp ảnh cũng được “xâu chuỗi” một cách có dụng ý. Những ảnh phong cảnh thiên nhiên và sinh hoạt có phần truyền thống và đặc trưng được in lớn và có thể thấy rõ từ xa khi dựng thẳng trên trục đường chính. Trong khi đó những ảnh có góc nhìn đương đại và tính ý niệm cùng đề tài thân mật hơn được in nhỏ thành những cụm ảnh kể chuyện dọc theo đường dốc dẫn thẳng vào không gian nghệ thuật phía trong.

Bên cạnh đó, không gian nghệ thuật bên trong cũng là một không gian nhà cũ trên đồi được trưng dụng lại cho thực hành triển lãm. Ảnh được treo những mảng tường loang lổ không mượt mà, trắng tinh, nhưng lại khá hiệu quả trong tương quan với tác phẩm. 

Tác phẩm nhiếp ảnh nổi lên từ triền núi
Tác phẩm bên dốc lên đồi dẫn vào không gian nghệ thuật Stop and Go.
Triển lãm ảnh nude yoga Nắng sau rèm của Thái Phiên trong không gian nghệ thuật Stop and Go.

Bên cạnh định dạng giám tuyển, tổ chức tận dụng hiệu quả cảnh quan địa phương, về mặt nội dung hình ảnh cũng có nhiều điểm mới tiềm năng, cho phép chúng ta kì vọng vào một thái độ cởi mở hơn từ những thể chế chính thống với nội dung nhiếp ảnh triển lãm. Thứ nhất, dù nội dung cùng phong cách sáng tác có thể là một điểm tranh luận, nhưng ta cũng phải nhìn nhận đây là một trong những sự kiện chính thống hiếm hoi với nhiếp ảnh nude được triển lãm như một nội dung trung tâm với tần suất lớn. Thứ hai, trong số đó, có nhiều ảnh với nội dung có tính queer cũng được lựa chọn trong triển lãm kéo dài gần một năm với tính đại diện cùng độ phủ sóng cao này.

Triển lãm như thế cũng có thể được xem là một trình hiện đa dạng và phổ quát về tính chất của cộng đồng nhiếp ảnh trong nước khi triển lãm cùng lúc nhiều thể loại nhiếp ảnh, từ ảnh phóng sự báo chí, thiên nhiên, văn hoá, cho tới các ảnh có xu hướng ý niệm, thể nghiệm hơn về cả hình thái và nội dung. Các nhiếp ảnh gia được lựa chọn cũng đa dạng về nền tảng, định giới. Có người là nhiếp ảnh gia đã được sự công nhận từ nhiều hiệp hội nhiếp ảnh trong và ngoài nước, có nhiếp ảnh gia được đào tạo bài bản cũng có những nhiếp ảnh gia rất trẻ vừa mới bắt đầu trên hành trình sáng tác của mình hay các nhiếp ảnh gia không thông qua các hệ thống đào tạo chính thống.

Loạt ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Trần Vũ.  
Tác phẩm SACRIFICE (tạm dịch: Sự hi sinh) của NAG Nguyễn Đức Tú. 
Tác phẩm Đỏ từ chuỗi ảnh Thành phẩm của NAG Nguyên Phương
Một phần trong bộ sưu tập hiện vật văn hoá Tây Nguyên đồ sộ của Nguyễn Quốc Dũng.

Với quyết tâm tìm kiếm những màu sáng tác lạ hơn, đương đại hơn, quyết tâm tránh xa những lối trình hiện có phần sáo mòn của ban tổ chức, năm nay Cung đường nghệ thuật đã có sự đa dạng hoá thấy rõ về chân dung tác giả lẫn phong cách thực hành. Như vậy, triển lãm này đã trở thành một trong những sự kiện ta có thể kỳ vọng khi góp phần cơi nới đường biên của thẩm mỹ sáng tác cho thực hành nhiếp ảnh trong nước. 

Người viết & Hình ảnh: An Tử