Christopher Isherwood – Một hành trình tìm hiểu và chấp nhận bản dạng giới

Là một trong những tên tuổi tiêu biểu của dòng văn học đồng tính thế kỷ XX, giới là vấn đề tương đối nổi bật trong các thực hành văn chương của Christopher Isherwood. Với Isherwood, khao khát biểu hành giới gắn liền với ý nghĩa cho sự tồn tại của kiếp người.

Định hình căn cước – bắt đầu một hành trình tha hương

Lần theo tiểu sử của Christopher Isherwood, dễ thấy rằng, giới là nỗi trăn trở suốt đời của nhà văn. Đây cũng nguyên nhân thôi thúc Isherwood dấn thân vào hành trình lưu lạc để định hình căn cước thật sự. Dù sinh ra tại Anh, nhưng ông dành phần lớn thời gian ở Mỹ và Đức. Đặc biệt, Đức là quốc gia mà Isherwood dành nhiều tình cảm nhất, cụ thể là Berlin. Bởi với Isherwood: “Berlin gắn liền với những cậu chàng”.

Nhà văn Christopher Isherwood – một trong những tên tuổi tiêu biểu của dòng văn học đồng tính thế kỷ XX

Trong chuyến đi thứ ba tới Đức vào ngày 29 tháng 11 năm 1929, người kiểm tra hộ chiếu hỏi Isherwood mục đích chuyến đi, ông đã trả lời: “I’m looking for my homeland and I’ve come to find out if this is it”.[1] Vì sao sinh ra ở Anh nhưng phải tìm kiếm “homeland”? Vì ở Anh, Isherwood không thể bộc lộ và thoải mái tìm kiếm bản ngã khi cái nhìn với người đồng tính hãy còn nặng nề. Do vậy, “homeland” mà Isherwood đề cập không chỉ là quê hương, là nơi đặt chân, nơi để trở về hay tìm về, mà còn là “cái sở thuộc” (belonging to), tức nghĩa, vừa là cái để thuộc về, vừa là cái thuộc về. Nó (it) không chỉ tồn tại ở thể bị động mà còn tồn tại cả ở thể chủ động và thì tiếp diễn – “trở thành” (becoming). Bản thân nó luôn có một sự dịch chuyển, tạo tác không ngừng, gắn liền với đặc điểm của chủ thể – sự dịch chuyển liên tục và căn cước lai ghép của Isherwood. Nơi nào có thể sống đúng với bản ngã của mình, nơi đó chính là “homeland” mà Isherwood đang tìm kiếm.

Hành trình tìm hiểu để khẳng định bản dạng giới của Isherwood là một hành trình thú vị. Đặt các thực hành văn chương của ông trong một tổng thể, ta sẽ thấy Đức là bối cảnh thân thuộc, là quốc gia mà Isherwood dành nhiều tình cảm nhất, cũng là địa điểm thường xuyên xuất hiện trong phần lớn các tác phẩm của ông. Từ Người chuyển tàu (Mr. Norris Changes Train) đến Từ biệt Berlin (Goodbye to Berlin) rồi Hoa tím ngày xưa (Prater Violet), đất nước ấy luôn là bối cảnh để ông ghi lại những biến động chính trị, những điều mắt thấy tai nghe trên hành trình ngao du.

Giới trong các thực hành văn chương của Isherwood không chỉ biểu hiện trực tiếp qua nhân vật, mà còn qua nơi chốn. Như với Berlin, Isherwood đã phái tính hóa Berlin – một thành phố, thành sinh thể có bản dạng giới riêng. Berlin hiện lên qua suy tưởng của Isherwood không đơn thuần là một tổ hợp vô tri của bê tông và cốt thép, mà mang dáng hình và hơi ấm của những cậu trai. Những điều này về sau sẽ được đề cập trong cuốn tự truyện Christopher Isherwood and His Kind xuất bản năm 1976. Theo đó, với Christopher Isherwood, định hình căn cước gắn liền với hành trình tìm hiểu và chấp nhận bản dạng giới. Hành trình này được ghi lại một cách rải rác trong các tác phẩm đã được đề cập bên trên, và là tiền đề cho một công trình được xếp vào hàng kinh điển cho văn học đồng tính sau này – Một con người (A Single Man).

Từ chính trị phái tính đến chính trị phản kháng

Trong số các tác phẩm đã xuất bản của Christopher Isherwood ở Việt Nam, Một con người là tiểu thuyết đề cập trực tiếp nhất đến vấn đề giới, và cũng là một trong những công trình thành công nhất trong sự nghiệp của ông. Dù được xếp vào thể loại hư cấu, nhưng tác phẩm mang dáng dấp của tự truyện mà trong đó, nhân vật giáo sư George là Christopher Isherwood, còn Jim – người yêu của George được lấy nguyên mẫu từ Don Bachardy – bạn đời của ông.

Christopher Isherwood và Don Bachardy

Một con người là sự dồn nén khủng khiếp về ẩn ức xuất phát từ nỗi đau vô thừa nhận của người đồng tính. Nếu với Từ biệt Berlin, tình yêu của họ chỉ được Isherwood điểm qua bằng mối quan hệ của hai nhân vật qua đường thì Một con người lại là đòn đánh trực diện vào chính ông và hệ hình thống trị dị tính đang cản trở khao khát được sống đúng như là sống.

Isherwood đã thực hiện một cuộc giải phẫu với nhân vật George. Ở phần mở đầu của tiểu thuyết, George chỉ xuất hiện dưới dạng “một nửa”, với sự chia cắt có chủ đích giữa thể xác và tâm thức. Một điều thú vị là các chất vấn của Isherwood thường trực tiếp hướng tới (1) Hệ hình dị tính và (2) Các chuẩn định sinh học.

Cần chú ý rằng trong suốt cuốn sách, Isherwood nhiều lần đề cập đến các dây thần kinh và vỏ não, đó là một cách để ông chất vấn với tính sinh học mà người ta vẫn thường gắn chặt với nguyên nhân “nảy sinh” sự đồng tính. Căn cước của một cá nhân không thể chỉ được biểu hiện bằng những dấu hiệu như vân tay, mã gen, giới tính; mà còn được biểu hiện bằng hành động và các tác nhân văn hóa mà qua đó ta được nhận diện, song cũng cần triệt để tuân theo các quy phạm xã hội. Điều này đúng không chỉ với người đồng tính mà còn đúng với cả người dị tính. 

Nhưng chúng ta lại luôn bị trói buộc bởi một tấm thẻ căn cước bằng vật chất lạnh băng, có cơ bản mọi đặc điểm sinh học: giới tính, dấu vân tay, dấu vết đặc biệt… Và thế là từ những đặc điểm tưởng như là thuộc về ta, chúng lại như không còn thuộc về ta nữa, mà trở thành đồng minh của phe thống trị, trói cứng ta vào một nhận dạng cá nhân nào đó mà ta không có quyền bác bỏ.

Từ đây ta thấy được một câu hỏi khác đặt ra trong Một con người: Phái tính có tính sinh học hay là một kiến tạo xã hội?

Có hai sự kiện đáng lưu ý ở nửa cuối sách, đó là công cuộc “vượt thoát” của George với cậu học trò Kenny, và cái chết đột ngột của George. Hai sự kiện này tương ứng với hai ẩn dụ về chính trị phản kháng mà Isherwood đặt ra để thực hiện hoá chính trị phái tính của mình. Với hành động trút bỏ quần áo của George ở phần cuối của tiểu thuyết, Isherwood như ngầm đưa ra một phương thức đấu tranh: cần bỏ đi những thiết chế, cần tái lập lại các chuẩn mực xã hội. Không thể cứ đóng khung cá nhân trong các thiết chế, chuẩn mực cố định, mà cần thay đổi các thiết chế, chuẩn mực ấy cho phù hợp. Nhưng như vậy dường như vẫn không đủ. Nên ta có cái chết của George.

Cái chết của George đã giúp cuộc phân li tâm thức và thể xác ở đầu tiểu thuyết đi tới hồi kết. Tâm thức đã thoát khỏi phần cơ thể luôn phải ăn mặc, hành động cho ra dáng để được hòa nhập với xã hội dị tính.

Giới, căn nguyên của lẽ sống và tồn tại

Như vậy, cho cùng, thứ còn sót lại và quý giá nhất, không phải cơ thể, mà là tâm thức. Là suy nghĩ của chúng ta, cảm xúc của chúng ta – không phải một cơ thể được nhìn nhận như một tạo vật sinh học và chịu sự khuôn đúc của các thiết định xã hội. Việc tâm thức của George được giải phóng thực ra cũng không phải là cái kết đẹp cho gã. Vì dường như Isherwood chỉ đang “thử nghiệm” một phương thức đấu tranh dành cho người đồng tính: cần thoát khỏi các “chuẩn sinh học”, thậm chí dù làm như vậy, người ta phải trả một cái giá rất đắt. Isherwood không chủ trương thông qua cái chết để truyền bá một phương thức đấu tranh cực đoan, mà muốn thông qua cái chết để đối thoại và chất vấn cái thường kiến xã hội, thể hiện quan điểm trong chính trị phái tính của mình.

Nhà văn Christopher Isherwood

Phản kháng không chỉ đơn giản là để tránh quá trình chủ thể hóa, phản kháng còn là hành động truy vấn tận cùng bản chất của các thiết chế, phát hiện những sai phạm và mắc mứu của nó trong hệ thống xã hội đa thành phần. Và như vậy thì từ Kenny, suy nghĩ và ý tưởng của George có thể sẽ được phóng đại thêm, qua một ai đó mà Kenny nói chuyện, hay qua một bài viết, một bài diễn thuyết nào đó của cậu ta. Chúng có thể thay đổi một phần nào đó trong suy nghĩ của mọi người, góp phần khiến các thiết chế xã hội lung lay; và khi đến thời điểm chín muồi, chúng có thể đứng trước bờ vực sụp đổ.

Rõ ràng là chiến lược của Isherwood đã có tác dụng. George đã cách li, hội nhập, đồng thời giễu nhại; và rồi gã được giải phóng, dẫu sự giải phóng ấy chỉ tồn tại trong giây phút ngắn ngủi.

Giới không hoàn toàn là căn nguyên của tồn tại, nhưng lại là sự thừa nhận tất yếu phải có để đánh dấu lẽ sống. Sau bao năm, Christopher Isherwood vẫn là nhà văn có cách thể hiện vấn đề này ấn tượng nhất trong lòng người viết.

Bài: Thư Vũ