Những khúc ruột quấn theo cột sứ treo lơ lửng trên không trung, trái tim phủ đầy rêu xanh trong chậu cá; trên màn hình, ta thấy những bước đi lần mò trong cái tối tăm của lục phủ ngũ tạng. Cứ thế ta thấy chính mình ở khắp nơi trong không gian này, những khúc ruột thê lương, trái tim còn nóng hổi, lý trí như chìm trong màn sương dày, liệu ta đã thấy những thứ này ở nơi đâu?
Bùi Công Khánh (sn. 1972) là một trong những người tiên phong trong trường phái nghệ thuật ý niệm của Việt Nam, người nghệ sĩ có một niềm say mê sâu sắc với những giả định xã hội về di sản văn hóa. Các tác phẩm của Bùi Công Khánh giống như những cuộc khai quật khảo cổ, đào sâu vào những lớp trầm tích văn hóa để tìm kiếm những giá trị ẩn giấu. Ông đặc biệt quan tâm đến những giả định xã hội về di sản văn hóa, những quan niệm đã ăn sâu vào tiềm thức con người. Qua những tác phẩm của mình, người nghệ sĩ phơi bày và thách thức người xem phản tư về những giá trị xã hội làm cho con người quên lãng đi mối liên kết thân mật và cảm xúc cá nhân.
“Chín chiều ruột đau” (An Anatomy of Sadness) đem đến cho khán giả một góc nhìn thẳng thắn và gai góc về cái chết. Định nghĩa sự băng hoại, người nghệ sĩ chạm khắc những khúc ruột và nội tạng cơ thể lên những mảnh gốm sứ trắng, những khúc gỗ vô tri, biến chúng thành những thực thể sống. Không gian trưng bày trở thành một căn phòng phẫu thuật, Bùi Công Khánh xẻ nhỏ những lớp lang mà con người đắp lên mình trên con đường đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, mở ra cái nhìn trần trụi lên cơ thể ruột thịt. Trái tim nóng hổi hiện ra, những khúc ruột thê lương hiện hữu như một ngôi đền linh thiêng trong cơ thể của người mẹ đã sinh ra đứa trẻ.
Những tác phẩm xuyên suốt căn phòng hiện diện cho những cuộc sống sinh sôi từ hư vô, khi rời bụng mẹ cho đến khi cái chết dần dần hiện hữu xung quanh, đem đi tất cả những ai ta từng biết. Cái chết thật thê lương, bi thảm, một nỗi buồn xuyên thấu khi bộ não dần dần học cách tiếp nhận cái kết của mình. Những tác phẩm điêu khắc từ gỗ, từ gốm nung của Bùi Công Khánh đem lại sự chân thật và gai góc.
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.”
Vượt qua khỏi kí tự chữ viết, những tác phẩm của Bùi Công Khánh lột tả nỗi buồn đa diện qua ngôn ngữ mẹ đẻ, là mối liên kết thiêng liêng giữa người mẹ và đứa trẻ của mình, qua từng thớ ruột quặn đau. Mở tung cơ thể ra, những dấu ấn của sự sống hiện rõ mồn một trong mắt khán giả, người nghệ sĩ gọi tên nỗi buồn về cái chết không xa đâu ngoài chính cơ thể băng hoại của con người, gạt đi những đức tin mù quáng và sự hoan lạc xa xôi, ý niệm về cuộc sống và cái chết được thể hiện qua những điêu khắc sắp đặt, những mảnh gốm sứ, trong căn buồng với những cái tên được đặt từ thuở khai sinh mẹ đẻ.
Bước vào không gian trưng bày, khán giả được mời gọi để tham gia vào một cuộc đối thoại thẳng thắn với người nghệ sĩ về ý nghĩa cuộc sống và hành trình chữa lành khỏi sự ám ảnh của cái chết. Bằng cách tiếp nhận nỗi buồn từ trong chính bản thân mình, người xem có cơ hội được phản tư với bản thân qua những hình ảnh quen thuộc từ chính cơ thể trần trụi, vốn bị che dấu bởi những lớp lang xác thịt và quên lãng trong hành trình trốn tránh cái chết.
Thảo Phương
THÔNG TIN TRIỂN LÃM:
Thời gian: 15.11.2024 – 15.02.2025
Giờ mở cửa: T3-T7, 11h-18h
Địa điểm: Sàn Art, Millennium Masteri, B6.17 & B6.16, 132 Bến Vân Đồn, Quận 4, TP Hồ Chí Minh.