“Ceci N’est Pas Une Guerre” và những định kiến bó hẹp về chiến tranh

New York, NY, ngày 23 tháng 5 năm 2025 – Eli Klein Gallery hân hạnh giới thiệu triển lãm nhóm “Ceci N’est Pas Une Guerre – Đây không phải là một cuộc chiến”, quy tụ 17 nghệ sỹ Việt Nam với 24 tác phẩm được trưng bày.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm kết thúc Kháng chiến chống Mỹ, triển lãm mong muốn thách thức định kiến lâu dài bó hẹp nghệ thuật đương đại Việt Nam trong những khuôn khổ về chiến tranh, sang chấn và sự sinh tồn. Khán giả được mời gọi bước ra khỏi những câu chuyện mang tính kế thừa để trải nghiệm bề rộng, sự phức tạp và sức sống mãnh liệt của nghệ thuật đương đại Việt Nam ngày nay – không ràng buộc, đầy bất ngờ và tràn đầy năng lượng.

Triển lãm gợi mở một sự tái định hình cách mà văn hóa thị giác Việt Nam được giới thiệu trong bối cảnh toàn cầu. Dù các nghệ sỹ đã có những đối thoại sâu sắc với lịch sử 50 năm sau chiến tranh, tác phẩm của họ thường bị diễn giải qua lăng kính hậu chiến. Trong bối cảnh cải cách kinh tế sâu rộng của Việt Nam, các nghệ sỹ đã khai thác phê phán những chủ đề về bản sắc, kiểm duyệt và giới tính. Triển lãm tập trung vào thế hệ nghệ sỹ trẻ phản ánh về tính vật chất, ký ức và huyền thoại, tái tưởng tượng bản ngã và văn hóa vượt ra khỏi gánh nặng của những sang chấn lịch sử. Triển lãm cũng làm nổi bật các nghệ sỹ Việt sống ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, Pháp và Đức, với những tác phẩm đề cập đến sự dịch chuyển, sự lai tạo văn hóa và những đổi mới trong thực hành nghệ thuật. Giám tuyển bởi Đỗ Tường Linh, triển lãm tập hợp những tiếng nói thách thức quan niệm về “nghệ thuật Việt Nam” như một khái niệm đồng nhất, tạo nên một đối thoại nhiều lớp – vừa thơ ca vừa chính trị, vừa nội tâm vừa mang tính toàn cầu.

Xuất hiện sau Kháng chiến chống Mỹ và trong bối cảnh một thế hệ nghệ sỹ có tầm ảnh hưởng đang định hình, các thực hành nghệ thuật phản hồi với lịch sử, ký ức và ranh giới biến đổi của bản sắc và biểu đạt sâu sắc góc nhìn cá nhân. Tranh của Ca Lê Thắng mang tính thi vị trong bố cục, là một ghi chú lặng lẽ về cảnh quan thiên nhiên và tâm linh của miền Nam Việt Nam, thể hiện sự gắn bó cảm xúc sâu sắc với quê hương. Trần Lương kể lại một truyền thuyết dân gian bằng sự hài hước và biểu tượng, với cách trình bày nhẹ nhàng nhưng ngấm ngầm phản kháng, phản ánh những chuyển động xã hội và chính trị đầu thế kỷ 21 tại Việt Nam. Trương Tân – người được xem là nghệ sỹ công khai đồng tính đầu tiên ở Việt Nam – tạo ra những tác phẩm mang tính biểu tượng và tiên phong trong việc khám phá các chuẩn mực xã hội và các bản sắc bị gạt ra bên lề.

Kết hợp nghiên cứu lịch sử với nghệ thuật ý niệm – vốn không được giảng dạy trong hệ thống giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam – Bùi Công Khánh vừa hài hước vừa phê phán khi chất vấn các hệ thống vinh danh chính thống bằng cách kết hợp phù hiệu quân sự bằng sứ từ nhiều quốc gia khác nhau. Sơn mài Việt là chất liệu cốt lõi trong thực hành của Oanh Phi Phi, qua đó cô khám phá sự truyền tải ký ức, lý thuyết hình ảnh và khả năng thể nghiệm về quy mô và kỹ thuật. Bùi Thanh Tâm kết hợp tinh thần tinh tế của truyền thống dân gian Việt với sự quyến rũ táo bạo của văn hóa tiêu dùng và pop art, tạo ra các tác phẩm vừa quyến rũ vừa đầy thách thức.

Tiếp nối mạch lịch sử này, thế hệ nghệ sỹ trẻ hơn hướng đến các thực hành chất liệu, ngôn ngữ mỉa mai và phương pháp liên ngành để đối thoại với các vấn đề xã hội đương đại, từ giới, chính trị đến ký ức văn hóa trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ. Phạm Tuấn Tú kết hợp yếu tố nguyên thuỷ và tính hài hước với kỹ thuật chế tác tinh xảo và chất liệu đa dạng để khắc họa những phức tạp của xã hội đương đại. Nguyễn Phương Linh đan cài ký ức cá nhân trong bối cảnh văn hóa rộng lớn, biến hóa các vật liệu và đồ vật tìm thấy để làm hiện rõ sự mong manh của thân phận người phụ nữ trong xã hội Việt Nam.

Kết hợp chủ đề chính trị với mỹ học khoa học viễn tưởng, Arlette Quỳnh-Anh Trần xây dựng những câu chuyện phi tuyến tính và phi lý về lịch sử hiện đại, thách thức các khung lý thuyết hậu Chiến tranh Lạnh đang chi phối nhìn nhận về các quốc gia Nam bán cầu. Đoàn Văn Toại và Lê Hoàng Bích Phượng cùng khai thác nhịp điệu đương đại của các chất liệu truyền thống. Toại dệt pixel kỹ thuật số vào lụa và vải để phản ánh mối quan hệ tinh vi giữa con người và thiên nhiên, trong khi Phượng sử dụng lụa mỏng để pha trộn chủ nghĩa siêu thực với sự lặng lẽ nhưng sâu sắc trong phản kháng, đặt câu hỏi về giới tính, dị biệt và chuẩn mực xã hội.

Thực hành nghệ thuật tiếp tục mở rộng đến giao điểm của truyền thông mới, các tự sự suy đoán và quy trình kỹ thuật số, tái tưởng tượng và kiến tạo lại truyền thống và bản sắc. Nghệ thuật Việt Nam giờ đây định hình một cảm thức hướng về tương lai, tạo dựng những đối thoại và kết nối mới giữa trải nghiệm cá nhân và bối cảnh toàn cầu. Mỹ-Lan Hoàng-Thùy tái định nghĩa mối quan hệ giữa nghệ sỹ và chất liệu, sử dụng những giọt acrylic như một “tấm toan” để kết hợp hội họa và nhiếp ảnh cá nhân, tạo ra một ngôn ngữ thị giác nơi sự thân mật, ngẫu hứng và tưởng tượng giao thoa. Hà Ninh Phạm khám phá việc kiến tạo lãnh thổ và tri giác qua vẽ và điêu khắc, tạo ra những thế giới tưởng tượng vận hành theo logic riêng và cảm thức hoài nghi nền tảng. Vũ Minh Dũng khâu lụa nhuộm màu lên toan để tạo ra đối thoại giữa bề mặt chất liệu và kết cấu thị giác, khám phá ánh sáng, bóng tối và tri giác.

Nguyễn Xuân-Lam đưa nghệ thuật dân gian Việt Nam đã bị lãng quên vào bối cảnh đương đại, tập trung vào nhiếp ảnh Đông Dương mang tính phương Đông học và các di vật bị thất tán, pha trộn yếu tố tự truyện với bản sắc queer để tạo nên các tự sự lỗi, biến dị – cung cấp một phản biện năng động tại giao điểm của bản sắc và lịch sử. Tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Thuỳ Anh khám phá mối liên hệ giữa trạng thái cảm xúc và cơ thể con người. Qua việc số hóa và biến đổi các vật dụng gia đình Việt Nam thường nhật, Vân Khánh tạo ra các phiên bản giả bằng sợi, tồn tại giữa hiện thực vật lý và giấc mơ kỹ thuật số, tái hiện truyền thống và thần thoại trong các tự sự chuyển giới.

   

Về giám tuyển

Là giám tuyển hiện sống và làm việc tại Hà Nội (Việt Nam) và New York (Hoa Kỳ), Đỗ Tường Linh có bằng Cử nhân Lịch sử và phê bình nghệ thuật từ Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Thạc sỹ Nghệ thuật đương đại và lý thuyết nghệ thuật châu Á – châu Phi tại SOAS (Đại học London, Vương quốc Anh) với học bổng danh giá Alphawood. Cô hiện là học viên chương trình Curatorial Studies tại Bard College (khóa 2025) và từng tham gia nhóm giám tuyển Biennale Berlin lần thứ 12.

Đỗ Tường Linh đã tham gia nhiều triển lãm và dự án nghệ thuật ở Đông Nam Á, châu Âu và các khu vực khác từ năm 2005. Cô từng tham gia các chương trình quốc tế như Le 18 Curator In Residency 2024, Asia Cultural Council Research Fellowship 2023, Ljubljana Graphic Art Biennial 2019, Slovenia; Hội nghị Hiệp hội Giám tuyển Bảo tàng Quốc tế, New York, Hoa Kỳ; Mekong Cultural Hub 2018 – 2019, Đài Loan; Workshop Bảo tàng Quốc tế CIMAM 2018, Oslo, Na Uy; Asia Culture Center (Gwangju, Hàn Quốc) 2018; Tate Intensive 2018, Tate Modern Museum, UK; French Encounter at Art Basel ở Hong Kong 2018 và nhiều chương trình khác.

Một số triển lãm tiêu biểu do cô giám tuyển gồm: “Who is Weaving the Sky Net” (Singapore), “Means of Production 2024” (New York), “Photo Hanoi 2023” (Hà Nội), “Berlin Biennial 2022” (Đức), “Công dân Trái Đất 2020” (Hà Nội), “Toả 3” (2019, VCCA, Hà Nội), “Geo-Resilience of the All-world” tại La Colonie (2018, Pháp), triển lãm “No War, No Vietnam” tại Galerie Nord (2018, Berlin) và “SEAcurrents” (2017, London, UK).

   

Một số tác phẩm trong khuôn khổ triển lãm

Phi Phi Oanh, “Scry – Conceits” (2025), sơn mài trên gỗ, được đặt trong khung với kính phóng đại, (50 x 55 x 10 cm)
Bùi Công Khánh, “Những chiếc huy chương sứ (Porcelain Medals)” (2018), 140 mề đay sứ được vẽ bằng tay, một trong năm phiên bản
Arlette Quynh-Anh Tran, “Moon Dance and Her Besiege” (2024), cắt dán kỹ thuật số và in lenticular, (36 x 120 cm), phiên bản số 2 trong 5. Bản quyền thuộc nghệ sỹ Medium Gallery và Eli Klein Gallery © Arlette Quynh-Anh Tran

Đoàn Văn Tới, “Mediation” (2024), lụa thêu, vải, màu nước, 60 x 80 cm. Bản quyền thuộc nghệ sỹ, Indochine House và Eli Klein Gallery © Doan Van Toi
Ca Lê Thắng, “Đồng chìm đáy nước #3 (Beneath Deep Rivers, Field Submerged No. 3)” (2024), sơn dầu, acrylic và đa phương tiện trên toan, 100 x 170 cm. Bản quyền thuộc nghệ sỹ, Salon Wiking và Eli Klein Gallery © Ca Le Thang

Thông tin chi tiết, vui lòng xem tại Eli Klein Gallery.