Mặc dù ra đời sau muộn nhưng điện ảnh vẫn thể hiện được uy thế và phẩm chất khi song hành cùng các loại hình nghệ thuật khác để khơi mở và khám phá cái Đẹp, chinh phục cái tôi bản thể và thiên tính nữ đậm đà.
Trong Trăng nơi đáy giếng, bằng những góc máy cận với những mảng màu sáng – tối bao lấy nhau, ta thấy một Hạnh hội tụ đầy đủ những phẩm chất thể hiện vẻ đẹp của thiên tính nữ: cô đảm đang, chu toàn và cung phụng chồng bằng tình thương yêu. Hạnh nuôi dưỡng tính nữ bằng tình yêu trinh nguyên nhất mà cô dành cho chồng: lo cơm nước sáng chiều, giặt giũ quần áo, ướp trà sen và pha trà. Lặp lại hành động ấy mỗi ngày nhưng chưa bao giờ khuôn miệng cô mất đi nụ cười với vẻ mãn nguyện và hài lòng.
Không chỉ khắc họa hình tượng người vợ đảm đang, tận tuỵ, đạo diễn còn cho thấy một Hạnh tự ý thức về vẻ đẹp thân thể và ngoại hình của mình: một vẻ đẹp dịu dàng và kín đáo. Ở trường đoạn đầu phim, khi lấy nước rửa mặt, Hạnh không ngồi rửa dưới bồn mà đem nước ra hứng ánh trăng, để soi chiếu gương mặt qua ánh trăng sáng rực. Góc máy cao từ trên xuống với khung hình rộng, kết hợp với ánh sáng vừa đủ của sớm mai, ánh trăng cứ thế mà soi xuống bóng nước lung linh, Hạnh hiện lên đẹp dịu dàng mà đầy nữ tính.
Hay những góc máy đặc tả gương mặt và vật thể với gam màu xanh lam huyễn hoặc bao phủ trong Mùa hè chiều thẳng đứng đã biến cuộc sống thường nhật của một gia đình trung lưu Hà Nội và thiên tính nữ của ba nhân vật chính trở nên quyến rũ và thanh khiết vô ngần.
Sương, Khanh và Liên là ba người phụ nữ hiện diện như ba bản thể của một căn tính nữ: khác biệt song lại trông rất giống nhau. Họ kiệm lời và chỉ biểu đạt mọi điều mình muốn, những điều mình nghĩ bằng hình ảnh biểu trưng thay cho ngôn từ đối thoại. Họ mang nét đẹp trang nhã và thanh lịch của mẫu hình phụ nữ truyền thống Hà Nội.
Bằng những thước phim cận cảnh, Trần Anh Hùng đã khéo léo biểu đạt vẻ đẹp của người phụ nữ qua làn da mướt, đôi môi mỏng, mái tóc đen tuyền óng ả,…để khơi mở luồng cảm xúc riêng biệt và gần như thiêng liêng nhất. Và rồi sau bao lặng im để cơ thể cất lời, ta hiểu rằng, bên trong vẻ đẹp nữ tính ấy luôn là một-điều-gì-đó rất khác: là khát khao ái tình đang rực lửa từng ngày, là ham mê khẳng định luôn được giấu kín.
Mùa hè chiều thẳng đứng của đạo diễn Trần Anh Hùng là sự tinh tế đến từng chi tiết nhỏ, tôi từng đọc đâu đó rằng: những hình ảnh đầy chất thơ hiện diện trong phim của Trần Anh Hùng luôn mang tính ẩn dụ. Liệu đó có phải sự biểu trưng của “nước”? – từ nước mưa đến nước biển, nước tắm đều mang nặng tính nữ. Nước ấy mà, là những gì mềm mại và uyển chuyển, nhẹ nhàng nhất. Nếu người em út Liên được đối sánh với những cơn mưa rào: có khi dữ dội và đầy bất chợt, có khi tí tách nhưng dai dẳng và say đắm mãi không thôi, thì nhân vật Khanh lại được Trần Anh Hùng lồng ghép qua nhiều phân cảnh giặt đồ bên cạnh nước giếng, cô ở đó với sự chăm sóc ân cần cho người chồng của mình. Cuối cùng là người chị Sương được ví như nước trong bể ở nhà, như cách tâm hồn cô bị giam hãm và luôn cố tìm kiếm một sự giải thoát, bằng việc dấn thân đầy đam mê với người tình của mình.
Nét đẹp của người phụ nữ qua đôi mắt của đạo diễn Trần Anh Hùng có lẽ còn được khẳng định bằng thiên chức làm mẹ, bằng bản năng duy trì và nối tiếp sự sống. Điều này được khắc họa rõ nét qua nhân vật Mùi trong Mùi đu đủ xanh hay Khanh trong Mùa hè chiều thẳng đứng với vẻ đẹp chín muồi, tươi tắn và đầy quyến rũ, hay chính hình ảnh của nhân vật Liên khi ngỡ mình sắp làm mẹ, luôn soi mình trước gương và mỉm cười rạng rỡ vì thiên chức cao cả ấy.
Thanh khiết và tinh khôi, mềm mỏng và nền nã đến thế, nhưng ba chị em trong Mùa hè chiều thẳng đứng chưa bao giờ ngừng quyết liệt trong việc thể hiện nhu cầu và mong muốn của mình: Sương đặt ra luật lệ với người tình và không để anh dễ dàng nắm bắt được cô; Khanh luôn chủ động ôm lấy thế giới của chồng bằng dấu ấn mềm mại và sự yêu chiều dịu dàng của riêng cô; Liên lại nới lỏng sự tồn tại của mình trong mối quan hệ gần gũi đặc biệt với anh trai – bất chấp mọi quy chuẩn về đạo đức và dư luận xã hội.
Như đã từng đề cập trong bài viết trước đó, thiên tính nữ Việt trong Hạnh (Trăng nơi đáy giếng) là những gì nhẹ nhàng và toàn vẹn nhất song lại không mất đi tiếng nói cá nhân. Bởi cô biết chủ động tìm kiếm hạnh phúc cho mình (mặc dù sự chủ động ấy vốn không mấy tích cực), nhưng việc làm đó của Hạnh cho thấy ý thức muốn thay đổi đời sống bi kịch của mình. Mà với đạo diễn và một bộ phận khán giả, việc Hạnh náu mình trong thế giới tâm linh không mang ý nghĩa của sự trốn chạy mà hơn thế là một Hạnh biết tìm kiếm ai đó, để cô yêu, cô chăm sóc và nâng niu, để cô nuôi dưỡng căn tính giàu đẹp nhất của một người phụ nữ, vậy là đủ.
Mọi điều vốn đã không còn quá quan trọng khi ở kết phim, Hạnh chọn cách sống cuộc đời của riêng mình, bỏ mặc những đổi thay bên ngoài đời sống, cô chọn bảo vệ tình yêu của mình với người chồng âm và hai đứa con, để tiếp tục hy sinh chân thành như một lẽ sống của đời mình.
Nếu Trăng nơi đáy giếng, những trường đoạn về nhu cầu thể xác được miêu tả kín đáo và chỉ gợi liên tưởng ở khán giả, đồng thời cũng thể hiện sự bị động của Hạnh qua các hành động tự vén màn lên giường, cởi đồ và nằm xuống thì người phụ nữ trong Cánh đồng bất tận lại táo bạo và tự chủ trong nhu cầu của mình. Điển hình là nhân vật Sương, cô chủ động trong các mối quan hệ, để người đàn ông bị cuốn hút và tiếp nhận một cách bị động. Một chi tiết đắt giá mà đạo diễn Quang Bình đã khéo léo khắc họa để thể hiện sự tự chủ của Sương chính là khi ân ái, Sương bắt bằng được Út Vũ hôn môi mình, cô chọn cách cảm hóa người đàn ông luôn tàn nhẫn với phụ nữ bằng cái hôn đắm say và nồng đượm. Sương còn tự hào khoe rằng: “Chị bước ra khỏi chòi, khoan khoái vươn vai”. Trường đoạn này đã thể hiện sự phô bày khát khao bản năng của người phụ nữ mà nhiều người phụ nữ truyền thống không dám bộc lộ.
Người phụ nữ trong Bi, đừng sợ! mặc dù được đạo diễn Phan Đăng Di khắc họa với cách ứng xử truyền thống với gia đình bởi sự đảm đang, chịu khó nhưng lại rất hiện đại trong cách ứng xử với chính mình, họ có những khát khao và thèm muốn từ bản năng và không ngần ngại đòi hỏi điều đó từ người đàn ông. Bằng cách miêu tả trực diện và táo bạo, đạo diễn đã diễn đạt trọn vẹn tinh thần thời đại khi những cái tôi bản thể – dù là đàn ông và phụ nữ, đều tự chủ và muốn được sống đúng với bản năng, với chính mình.
Trong những điện ảnh đương đại, nhiều nhân vật nữ được thể hiện với cá tính mãnh liệt và táo bạo. Dù đúng hay sai, dù thể hiện bằng cách nào, cách người phụ nữ sống tự chủ trong suy nghĩ và khao khát thể hiện nhu cầu bản năng là sự thể hiện ý thức phái tính mạnh mẽ và một thiên tính nữ rất đỗi đẹp đẽ.
Khi chỉ ra những biểu hiện về căn tính nữ Việt qua hình tượng thẩm mỹ và diễn ngôn điện ảnh, tôi cho rằng đó là những khám phá bước đầu và không chủ đích áp đặt đó là những biểu hiện cố hữu, không bao giờ thay đổi. Có những người phụ nữ chọn bảo lưu toàn vẹn phẩm chất truyền thống, có những người lại muốn nằm ngoài đường biên của chuẩn mực để sống đúng với bản thể của mình. Qua thời gian, chân dung của người phụ nữ Việt Nam có khi là vẻ đẹp nền nã, dịu dàng, cũng có khi được bao phủ bởi nét tân thời với sự tự do và năng động.
Căn tính nữ luôn trong tiến trình dự phóng, những ý thức phái tính mới vẫn đang trỗi dậy và không lẽ gì không tin vào một tương lai với những tác phẩm của các nhà sáng tạo thể hiện sự chiêm nghiệm, suy tư và ngữ pháp điện ảnh đầy mới lạ.