Bức tranh cổ của Gustav Klimt tái xuất sau 100 năm thất lạc

Một trong những kiệt tác cuối đời của danh họa nước Áo Gustav Klimt đã thất lạc từ năm 1925, sẽ tái xuất và được bán đấu giá tại Kinsky ở Vienna với mức giá khổng lồ. Tác phẩm Bildnis Fraeulein Lieser dự kiến có thể được bán với mức giá lên đến 54 triệu USD tại cuộc đấu giá mùa xuân này. 

Gustav Klimt (1862 – 1918) là một trong những nghệ sĩ xuất chúng thuộc Trường phái nghệ thuật Art Nouveau và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến hội họa thế kỷ 20. Các tác phẩm do ông sáng tác thường chú trọng đến sự nữ tính, vận dụng linh hoạt các phong cách trang trí và hình ảnh mỹ thực phong phú. 

Chân dung danh hoạ Gustav Klimt

Chân dung của những người phụ nữ thường là đề tài nổi bật trong các tác phẩm của ông. Gần đây nhất là kỷ lục đấu giá 109 triệu đô la Mỹ với bức tranh Lady with a Fan cùng năm (1917–18) vào tháng 6/2023. Ngoài ra, tác phẩm Portrait of Adele Bloch-Bauer II  (1912) của ông cũng được bán với giá 88 triệu USD tại Christie’s New York, theo Cơ sở dữ liệu giá của Artnet.

“Lady with a fan” của Gustav Klimt đã tạo ra  kỷ lục đấu giá nghệ thuật Châu Âu năm 2023. Ảnh: The Arts Newspapper 

Trong bức chân dung Bildnis Fraeulein Lieser (Chân dung của nàng Lieser), chủ thể  Fräulein Lieser khoác lên mình chiếc áo choàng màu xanh sáng, tô điểm bằng những bông hoa màu cam, vàng và hồng rực rỡ trên nền đỏ rực. Song, ta chỉ được hình dung sự sống động và đầy màu sắc này của tác phẩm qua một bức ảnh đen trắng chụp vào năm 1925. Tất nhiên, bức ảnh ấy không thể nào truyền tải chính xác sắc thái và độ sâu của màu sắc như tác phẩm gốc. 

Màu sắc của tác phẩm “Bildnis Fraeulein Lieser” giữa hình chụp và tranh vẽ

Và phải đến một thế kỷ sau đó, kiệt tác này mới lại xuất hiện và được bán đấu giá tại Kinsky ở Vienna với mức giá khổng lồ, dự kiến dao động từ 30 triệu euro – 50 triệu euro (32,5 triệu – 55 triệu USD). Nhà đấu giá Kinsky ở Vienna (Áo) chia sẻ với báo chí rằng: “Việc phát hiện lại bức tranh này, một trong những bức chân dung đẹp nhất trong thời kỳ sáng tạo cuối cùng của Klimt, là một sự chấn động”. Bởi lẽ, tưởng chừng Bildnis Fraeulein Lieser đã thất lạc trong thời gian dài, nhưng gần đây bức tranh được tìm thấy trong bộ sưu tập cá nhân của một người Áo.

Chia sẻ về tác phẩm trong cuộc họp báo, Claudia Mörth-Gasser, người đứng đầu bộ phận nghệ thuật hiện đại của ngôi nhà, “Nó được bảo quản cực kì tốt, trong tình trạng nguyên bản”. 

Điều đáng chú ý là danh tính chủ thể trong bức chân dung, nhiều người cho rằng, Fraeulein Lieser là thành viên của đại gia đình Lieser gồm những nhà công nghiệp Do Thái thuộc tầng lớp thượng lưu. Các danh mục tác phẩm gần đây của Klimt (năm 2007 và năm 2012) đã xác định người được vẽ trong bức tranh là Margarethe Constance Lieser, 18 tuổi (sinh năm 1899), con gái của ông trùm công nghiệp Adolf Lieser ở đế quốc Áo-Hung.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới về xuất xứ bức tranh do nhà đấu giá lại cho thấy, bà Lilly, vợ của Justus Lieser (anh trai Adolf), đã thuê Klimt vẽ một trong hai cô con gái của mình. Tức, Helene Lieser (sinh năm 1898), con gái lớn của Henriette Amalie Lieser-Landau và Justus Lieser, hoặc con gái út của họ, Annie Lieser (sinh năm 1901).

Bức tranh “Bildnis Fraeulein Lieser” (Chân dung nàng Lieser) sẽ được đem ra rao bán trong tháng 4/2024.

Dù chưa rõ chủ thể của tác phẩm thực sự là ai nhưng nguyên mẫu đã đến thăm xưởng vẽ của Gustav Klimt 9 lần vào tháng 4 và tháng 5/1917. Ông thực hiện gần 25 nghiên cứu sơ bộ rồi bắt đầu đi những nét vẽ đầu tiên vào tháng 5 năm đó. 

“Họa sĩ đã chọn một bức chân dung ba phần tư để khắc họa và thể hiện người phụ nữ trong tư thế nghiêm chỉnh, hướng người về phía trước, sát với tiền cảnh với phông nền màu đỏ không xác định. Chiếc áo choàng của cô được trang trí rực rỡ bằng nhiều bông hoa quanh vai”.

– Nhà đấu giá chia sẻ. 

Tác phẩm được Gustav Klimt đi nét vẽ đầu tiên vào tháng 5/1917 và khi được tìm thấy tại xưởng vẽ vẫn còn một phần chưa được hoàn thành khi ông qua đời vì đột quỵ vào năm 1918. Sau đó nó được giao lại cho gia đình Lieser. Cũng theo Kinsky, các màu sắc mãnh liệt trong bức tranh và sự chuyển động hướng đến nét cọ mạnh mẽ, cởi mở cho thấy danh họa đang ở thời kỳ đỉnh cao của những năm cuối đời.

Lịch sử của tác phẩm này kể từ năm 1925 đến nay hầu như vẫn là một bí ẩn. Im Kinsky cho biết bức tranh được một người có quyền pháp lý mua lại vào những năm 1960. Sau đó, nó được kế thừa qua 3 đời di chúc cho đến chủ sở hữu hiện tại.

Im Kinsky là nhà đấu giá lớn thứ 2 ở Áo, trong một thông cáo báo chí, họ nhận xét: “Một bức tranh hiếm có mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật và giá trị như vậy đã không có mặt trên thị trường nghệ thuật ở Trung Âu suốt nhiều thập kỷ”. Theo đó, họ tuyên bố đã được người gửi hàng lựa chọn thay vì các công ty hàng đầu như như Sotheby’s hay Christie’s do “năng lực quốc tế của họ trong việc giải quyết ‘các vụ án nghệ thuật bị cướp đoạt’, tức là các tác phẩm bị tịch thu trong thời kỳ Đức Quốc xã”. 

Trước khi được đưa ra đấu giá trong Chương trình đấu giá Gustav Klimt vào ngày 24 tháng 4 năm 2024, “Chân dung của nàng Lieser” sẽ đi công lãm tới Thụy Sĩ, Đức, Vương quốc Anh và Hồng Kông.

Nguồn: artnet

Bài: Phương Uyên