Bến tàu điện – Không gian nghệ thuật ngầm của New York

Những bến tàu điện ở New York (Mỹ) không chỉ đơn thuần vận chuyển hành khách đi khắp nơi, mà còn là nơi trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.

Thành phố New York có hai đời sống: Một trên mặt đất và một trong hệ thống tàu điện ngầm. Mỗi ngày, khoảng 1,5 đến 2 triệu người di chuyển dọc ngang lòng đất đô thị này. Cũng là bấy nhiêu con người ngày ngày lướt qua những tác phẩm nghệ thuật ẩn mình trong những ngóc ngách của các bến tàu. Vì lẽ đó, không gian nghệ thuật rộng nhất, có nhiều khách “tham quan” nhất ở thành phố New York không phải các tên tuổi như MoMA hay The Met Museum, mà đó là mạng lưới bến tàu điện ngầm nơi đây.

Các tác phẩm nghệ thuật này nằm trong khuôn khổ chương trình MTA Arts & Design, được Uỷ ban Giao thông Đô thị (MTA) trích ngân sách thường niên để đầu tư. Chương trình nhầm mục tiêu kiến tạo một không gian hấp dẫn và giàu cảm hứng hơn cho người đi tàu. Kể từ khi ra đời vào năm 1985, MTA Arts & Design đã lắp đặt hơn 370 tác phẩm khắp các bến tàu của thành phố. Các tác phẩm này rất đa dạng về hình thức và thể loại, từ tranh khảm đến tượng điêu khắc, từ nhiếp ảnh đến digital art. 

“WHAT IS HAPPENING” (2020) tác phẩm digital art của Sarah Rothberg & Marina Zurkow tại bến Trung tâm Fulton
Nguồn: MTA/Trent Reeves.

Chẳng hạn, bến tàu Phố 42 – Quảng trường Thời đại hiện đang lưu giữ 5 tác phẩm nghệ thuật khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất là bức tranh tường của Roy Lichtenstein. Tác phẩm trải dài hơn 15 mét này kết hợp những yếu tố Art Déco với ấn tượng của truyện tranh Hoa Kỳ. Lichtenstein như đang ngắm nhìn những đoàn tàu vụt qua dưới tầng tầng lớp lớp phố xá nhộn nhịp. Dấu ấn hậu hiện đại của Lichtenstein – chút trào phúng hòa cùng chút vị lai hoài cổ – không thể lẫn vào đâu trong bức tranh tường này.

Times Square Mural (chế tác năm 1994, ra mắt năm 2002) của Roy Lichtenstein
Nguồn: MTA / Rob Wilson

Đôi khi các tác phẩm còn gắn liền với địa danh hoặc nhân vật xung quanh bến tàu đó. Cách nơi ở của Yoko Ono không xa, bến tàu Phố 72 chào đón hành khách bằng tác phẩm SKY của chính bà. Những ai quan tâm Ono hẳn không lạ gì cảm hứng dồi dào của bà với bầu trời. Lần này, Ono muốn mang bầu trời xuống lòng đất, mang cái rộng mở vào không gian tù túng, tối tăm, ẩm thấp của những bến tàu. Trên nền trời trong xanh ấy, những dòng “Imagine peace” và “Remember love” nhắc nhớ đến người chồng tài hoa quá cố của Ono.

SKY (2018, trích đoạn) của Yoko Ono
Nguồn: MTA / Patrick J. Cashin

Khác với các bến kể trên ở Manhattan, đa số các bến tàu ở The Bronx, Brooklyn, Queens và Đảo Staten nằm trên cao. Để chống chịu được thời tiết, các tác phẩm ở đây thường là chế tác bằng kính hoặc kim loại. Đơn cử như tác phẩm My Coney Island Baby của Robert Wilson tại bến tàu Đảo Coney – Đại lộ Stillwell. Đứa con tinh thần này của Wilson được thực hiện bằng cách in lụa (silkscreen) trên vách gạch kính của bến tàu. Với những hình ảnh sinh động, rực rỡ trong nắng như bắt trọn những gì làm nên danh tiếng của đảo Coney: bờ biển Đại Tây Dương, một công viên giải trí nhộn nhịp và một cộng đồng giàu bản sắc.

My Coney Island Baby (2004, trích đoạn) của Robert Wilson
Nguồn: MTA / Rob Wilson

Hình thức thể hiện của tác phẩm không chỉ dừng lại ở nghệ thuật thị giác. Khi đến bến tàu Phố 34 – Quảng trường Herald, bạn có thể bắt gặp nhiều người với tay lên một khối kim loại màu xanh to dài ở thềm tàu. Đó là tác phẩm Reach New York, An Urban Musical Instrument của Christipher Janney. Khi một người chạm tay vào đầu này, thì âm thanh vui tai sẽ phát ra ở đầu ngược lại cho một người khác nghe. Với ý tưởng này, Janney tinh nghịch đặt những người xa lạ đến gần nhau hơn.

Reach New York, An Urban Musical Instrument (1996) của Christopher Janney
Nguồn: MTA / Gregory Heisler

Vào năm 1992, MTA bắt tay cùng Hội Thơ Mỹ để thực hiện dự án Poetry in Motion, mang thơ theo chân hành khách. Khi bước lên tàu điện, hành khách có thể bắt gặp những bài thơ trên poster treo dọc theo toa tàu. Từ bốn bài thơ đầu tiên của Walt Whitman, Emily Dickinson, W. B. Yeats và Lucille Clifton, đã có lúc chương trình giới thiệu lên đến 200 bài thơ đến người dân New York. Hiện nay, Poetry in Motion sẽ mang đến 2 bài thơ mới mỗi quý. Các poster thơ cũng được làm bắt mắt hơn với phần nền là hình ảnh các tác phẩm nghệ thuật tại bến tàu. Nhờ tiếng vang lớn, Poetry in Motion hiện đã được nhân rộng ra nhiều thành phố khác của Mỹ.

Bài thơ The Lovers của Timothy Liu trên nền tranh khảm Artemis, Acrobats, Divas and Dancers (2001, trích đoạn) của Nancy Spero, vốn xuất hiện tại bến tàu Phố 66 – Trung tâm Lincoln
Nguồn: MTA Arts & Design

MTA Arts & Design mang các tác phẩm nghệ thuật rải khắp mạng lưới bến tàu dày đặt của thành phố New York. Từ những tên tuổi lừng lẫy đến các nghệ sĩ mới nổi, tác phẩm của họ đã góp phần tạo nên diện mạo đô thị của thành phố này. Nếu bạn có dịp ghé thăm thành phố New York, hãy bước chậm lại mỗi khi đến bến tàu điện, vì biết đâu bạn vừa lướt qua một tác phẩm nghệ thuật vô cùng đặc sắc.