Avant-Garde Art:  Đẩy lùi những ranh giới

Sự táo bạo, cởi mở và những đổi mới mang tính thử nghiệm, đây những từ ngữ nhằm mô tả một khái niệm nghệ thuật với sức bật mạnh mẽ vượt qua mọi ranh giới – Nghệ thuật tiên phong (Avant-garde). 

Nguồn gốc của Nghệ thuật tiên phong

Avant-garde, theo thuật ngữ tiếng Pháp là “tiên phong” trong quân đoàn, gắn liền với các lý tưởng xã hội và chính trị. Khái niệm tiên phong sau đó đi vào từ điển nghệ thuật đầu thế kỷ 19 bởi cha đẻ Henri de Saint-Sinmon, một nhà tư tưởng xã hội người Pháp. Avant-garde minh họa bản chất tự nhiên của sự tiên phong, đẩy lùi những ranh giới cố cựu, vẽ ra những bước đi vượt thời đại của những người thực hành nghệ thuật muốn tìm lối đi riêng, vượt khỏi mọi quy chuẩn của xã hội.

Theo nghĩa này, những cá nhân đấu tranh cho sự cấp tiến trong quá khứ đã mở ra những cơ hội cho xu hướng nghệ thuật đương đại tồn tại. 

Khái niệm “tiên phong” thường gắn liền với sự khởi đầu của nghệ thuật hiện đại và được nhiều người nhận định rằng, Avant-garde chỉ liên quan đến Chủ nghĩa hiện đại và khởi xướng các phong trào nghệ thuật mới, giữa cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Từ đó, nguồn gốc của nghệ thuật tiên phong cũng là nguồn gốc của khái niệm hiện đại về một “cuộc cách mạng văn hóa”. Sở dĩ, nghệ thuật tiên phong hướng đến mục đích gây sốc cho khán giả, nhằm nâng cao ý thức về thực trạng tha hóa của xã hội, xoay chuyển mối quan tâm của công chúng về với hiện thực, thứ đáng được quan hoài.

Theo nhà triết học hiện đại Alain Badiou, “Hầu hết nghệ thuật thế kỷ 20 đều mang vai trò tiên phong cho các phong trào nghệ thuật”.

Mặc dù có vô số nhận định khác nhau về sự ảnh hưởng của Avant-garde tác động lên văn hóa và lịch sử của nền mỹ thuật phương Tây, thế nhưng một số phong trào trong lịch sử hội họa được coi như tiên phong trong việc phá vỡ các ranh giới được cả thế giới công nhận và biết đến. Thậm chí sự tiên phong mạnh mẽ ấy đã phát triển và tồn tại mạnh mẽ, truyền cảm hứng sâu sắc đến nền nghệ thuật, kiến trúc, điện ảnh và thời trang hiện đại.

Chủ nghĩa biểu hiện – Expressionism

Chủ nghĩa Biểu hiện có thể mô tả một cách ngắn gọn là nghệ thuật truyền tải các trạng thái cảm xúc và tâm lý của nghệ sĩ, thay vì chú trọng tính thực tế. Trong hội họa, thời kỳ then chốt của Chủ nghĩa Biểu hiện là đầu thế kỷ XX và đặc biệt hưng thịnh tại Đức. Các nghệ sĩ thường sử dụng bút pháp nhấn mạnh thực thể bởi màu sắc rực rỡ và cảm giác kinh hoàng, hay điềm báo trong cuộc sống méo mó đầy phóng đại. Đại diện cho của dòng nghệ thuật Biển hiện là Monet với những tác phẩm mô tả về khu vườn nên thơ, hay những khung cảnh đời thượng lưu ở đô thị của Degas. 

“Coquelicots, La promenade (Poppies)” bởi Claude Monet (1873)
“At the Races” bởi Edgar Degas (1877–1880)

Ngoài ra, vào những năm 1920, điện ảnh theo trường phái Biểu hiện bắt đầu phát triển như một loại hình nghệ thuật mới, khởi tạo một dòng phim khác biệt với các phương pháp sản xuất thịnh hành của Hollywood thời bấy giờ. Các đạo diễn đã áp dụng các kỹ thuật như sử dụng góc phóng đại, thiết kế bối cảnh phi tự nhiên và khai thác các chủ đề đen tối khiến điện ảnh xa rời với hiện thực. Một trong những tác phẩm đầu tiên có sự ảnh hưởng của Chủ nghĩa Biểu hiện là The Cabinet of Dr. Caligari (1920) của đạo diễn Robert Wiene. Bộ phim cho thấy nền điện ảnh từ thuở bình minh đã hấp thụ những cảm hứng mạnh mẽ của nghệ thuật thị giác trong hội họa, như một cách tiếp cận mới cho nghệ thuật kể chuyện trong điện ảnh. Tạo tiền đề cho các tác phẩm đương đại nổi tiếng của đạo diễn Tim Burton, tiêu biểu như Edward Scissorhands (1990).

“The Cabinet of Dr. Caligari” của Đạo diễn Robert Wiene (1920)
Tác phẩm điện ảnh “Edward Scissorhands” của đạo diễn lừng danh Tim Burton (1990)

Chủ nghĩa lập thể – Cubism

Năm 1907 tại thủ đô Paris, cuộc viếng thăm của Georges Braque đến xưởng vẽ của Pablo Picasso đã đánh dấu sự khởi đầu của một tình bạn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến lịch sử nghệ thuật. Hai danh họa vĩ đại đã phát triển một phong cách hội họa mới mang tính cách mạng, biến thế giới thành các dạng hình học, nghệ thuật Lập thể. 

Trường phái này được truyền cảm hứng từ nhiều nguồn khác nhau như nghệ thuật nguyên thủy của châu Phi và các nền văn hóa phi-phương-Tây (non-Western) xa lạ. Danh họa Picasso từng chia sẻ rằng, ông tìm chất liệu sáng tạo từ những chiếc mặt nạ bộ lạc châu Phi có tính chất cách điệu cao, trái ngược với các đặc điểm tự nhiên của con người để sáng tác Les Demoiselles d’ đầy “biến dạng”.

“Les Demoiselles d’Avignon” bởi danh họa Picasso (1907)

Archipenko là một trong những nghệ sĩ đầu tiên áp dụng các nguyên tắc của trường phái Lập thể, nhằm biểu diễn những chuyển động trong các tác phẩm điêu khắc. Bức tượng Woman Walking (1912-1918) nổi tiếng của ông diễn tả dáng người phụ nữ uyển chuyển đi về phía trước, là một ví dụ hoàn hảo về việc không gian phi vật chất là một hình dạng ảo, đại diện cho sự thay đổi không ngừng của vũ trụ và năng lượng tâm linh.

“Woman Walking” bởi Alexander Archipenko (1912)

Trường phái Dada – Dadaism

Ra đời bởi những phản ứng trước sự trỗi dậy của văn hóa tư bản, chiến tranh và sự xuống cấp của nghệ thuật, các nghệ sĩ vào đầu những năm 1910 bắt đầu khám phá một phong trào nghệ thuật mới, hay còn gọi là phong trào “phản nghệ thuật”, như Marcel Duchamp mô tả về Trường phái Dada. Họ muốn suy ngẫm về định nghĩa “thật sự” của nghệ thuật và đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về vai trò của nghệ thuật trong đời sống hiện đại.

“Le Violin d’Ingres” của Nhiếp ảnh gia Man Ray (1924)

Đại diện cho bước đi tiên phong của Dadaist, nghệ sĩ Man Ray đã vẽ các lỗ khí của nhạc cụ có dây lên bức ảnh in trắng đen của người mẫu khỏa thân Kiki de Montparnasse. Ngụ ý cơ thể phụ nữ biến thành một nhạc cụ với tiêu đề Le Violin d’Ingres, một thành ngữ tiếng Pháp có nghĩa là “sở thích”.

“Cut with the Kitchen Knife Dada Through the Last Weimar Beer-Belly Cultural Epoch of Germany” bởi Hannah Höch (1919)

Tác phẩm của họa sĩ Hannah Höch được tạo thành bởi những đoạn cắt từ báo và tạp chí (Collage), đây cũng là thể loại đặc trưng của Trường phái Dada. Tràn ngập bức tranh là những hình ảnh thời sự được kết hợp với nhau, thể hiện quan điểm của Höch về nước Đức, chủ nghĩa Dada và vai trò của phụ nữ trong cuộc sống thường nhật.

Nhiều nam nghệ sĩ theo chủ nghĩa Dada có tư tưởng tân tiến và ủng hộ những cuộc đấu tranh bình đẳng giới qua các tác phẩm nghệ thuật, lên án những lý thuyết “hô hào” về một thế giới không phân biệt giới tính và giai cấp được tô vẽ hào nhoáng với thực tế đầy thất vọng. Đây cũng có thể xem như những cú sốc Avant-garde đem lại cho xã hội thời bấy giờ, những góc nhìn và tư tưởng khác biệt mang tính tuyên chiến với những định kiến bó buộc.

Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng – Abstract Expressionism

Vào những năm 1940 và 1950 ở New York, khi những người nghệ sĩ dần chán ghét việc vẽ các cảnh tượng khủng khiếp của chiến tranh và cái chết. Họ đã phải tìm đến Chủ nghĩa Trừu tượng như một nơi trú ẩn mới, một loại hình nghệ thuật nhằm khơi gợi và biểu đạt cảm xúc thông qua các trường màu mang tính trừu tượng, khuyến khích tập trung vào bản thân và hướng đến nội tâm. Những người theo chủ nghĩa này thường bị ảnh hưởng sâu sắc bởi khám phá về vô thức ngự trị trong Chủ nghĩa Siêu thực, của các nhà triết học hiện sinh như Jean-Paul Sartre và nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Carl Jung.

“Number 1A” bởi họa sĩ Jackson Pollock (1948)
“Onement (I)” bởi Barnett Newman (1948)

Kế thừa từ các tác phẩm kinh điển của những người họa sĩ gạo cội, nghệ sĩ đương đại ngày nay đã trải dài thêm những loại hình nghệ thuật mới, khiến Trường phái Trừu tượng như một công cụ để phơi bày sự hoài nghi và tự đối chất. Tiêu biểu như nhiếp ảnh gia Robert Madden, người được biết đến với các bức ảnh trừu tượng tinh tế, các chi tiết và chủ thể như được phủ bởi các chất liệu hội họa. Những tác phẩm của anh thường xoay quanh tiếng độc thoại nội tâm, sự cô độc và những ánh sáng le lói của hy vọng. 

Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Trừu tượng đương đại Robert Madd

Chủ nghĩa vị lai – Futurism

Những người theo chủ nghĩa Vị lai thường tìm cách “quét sạch” những gì họ cho là lỗi thời bởi màu sắc ánh kim (metallic) của thời đại máy móc. Do đó, họ thường miêu tả cảnh quan đô thị và các công nghệ mới qua các tác phẩm, nhằm tôn vinh dòng chảy của cuộc sống (thời gian, không gian và ánh sáng) và các tầng lớp lao động trong xã hội, với niềm tin rằng họ sẽ thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ đến thực tế nhàm chán.

Để đạt được sự chuyển động và năng động trong nghệ thuật, những người theo Chủ nghĩa Vị lai đã áp dụng các kỹ thuật để thể hiện tốc độ và sự dịch chuyển. Những kỹ thuật này bao gồm làm mờ và lặp lại. Họ cũng sử dụng các đường lực – một phương pháp được lấy cảm hứng từ chủ nghĩa Lập thể.

Tấc phẩm “Funeral of the Anarchist Galli” bởi Carlo Carrà (1910-1)

Avant-garde và Futurism trải rộng trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, thời trang là một trong số đó. Thời trang của chủ nghĩa vị lai thường sử dụng các loại vải, thiết kế, màu sắc và đường cắt thể hiện sự táo bạo của chuyển động. Ví dụ như những bộ cánh mang tính tiên phong gây sốc của ca sĩ Lady Gaga đem về nhiều phản ứng trái chiều của một “tương lai” khó thể… hình dung. Thế nhưng, cú sốc của cộng đồng cũng chính là thành công của những tác phẩm này. 

Ca sĩ Lady Gaga với thiết kế chất liệu metallic mang âm hưởng vị lai

Và không thể không kể đến ảnh hưởng sâu sắc của Chủ nghĩa Vị lai đến thế giới kiến trúc đương đại. Đây cũng là phong cách làm nên tên tuổi của “phù thủy kiến trúc” Zaha Hadid với những tòa nhà “chuyển động” được gọi là tuyệt tác của thế kỷ 21. Đã có một thời gian nhà hát opera nhìn ra sông Châu Giang tại Quảng Châu (Trung Quốc) gây bão cho giới kiến trúc sư khắp thế giới bởi hiệu ứng chuyển động bất tận, vòng lặp của những đường cong không ngắt quãng như bước ra từ tương lai, gây choáng ngợp về thị giác. 

Tuyệt tác kiến trúc của Zaha Hadid

Kết

Sự khởi đầu của nghệ thuật Tiên phong (Avant-garde) tác động sâu sắc đến sự tồn tại của các loại hình nghệ thuật đương đại, tạo tiền đề cho các phong trào và chủ nghĩa trong nền văn hóa – nghệ thuật, nhằm kích thích con người bứt phá đến giới hạn cuối cùng, vượt qua khỏi những quan niệm thông thường của xã hội. 

Avant-garde thường thúc đẩy những người yêu nghệ thuật đặt câu hỏi: “Đâu mới là điểm dừng của sự sáng tạo và khi nào con người mới đi đến tận cùng của nghệ thuật?” 

Bài: Hà Chu

Nguồn ảnh: Internet