“Artistry Unbound”: Điểm giao của thể hiện sáng tạo

Vào ngày 15 tháng 9 vừa qua, 11:11 d’Artistes đã mở cửa triển lãm “Artistry Unbound” (Tạm dịch: Giải phóng nghệ thuật). Triển lãm trưng bày hơn các tác phẩm mới của những nghệ sĩ trẻ với chủ đề “Điểm giao của thể hiện sáng tạo”.

Với chủ đề “Artistry Unbound”, 4 nghệ sĩ với 4 tính cách khác nhau, thông qua nghệ thuật, họ sẽ gặp nhau ở điểm giao để truyền tải thông điệp thẩm mỹ đến người yêu nghệ thuật: sáng tạo nghệ thuật là giải phóng tâm trí, vượt xa khỏi những chuẩn mực và thể hiện bản ngã chân thật nhất trong tâm hồn. 

Trong thế giới tràn đầy cảm hứng sáng tạo, từ con người, cảnh vật, thiên nhiên cho đến lịch sử nhân loại, người nghệ sĩ đôi lúc bắt gặp mình ở ngã tư, nơi họ tự vấn rằng: “Đâu sẽ là cách riêng, con đường của tôi để thể hiện sự sáng tạo?”.

Có những người chọn “ý thơ” từ những điều vô cùng căn bản trong ngày thường của họ, một số lại đi xa hơn, đến với một hiện tại không có thật để xây dựng một thế giới hoàn toàn mới. Cho dù là chọn gì đi chăng nữa, họ cùng có một điểm chung: mở ra trí tưởng tượng, thúc đẩy bản thân vượt qua ranh giới, để sáng tạo.

Tôn Thị Lam Giang (2001)

Nguồn cảm hứng sáng tác nghệ thuật của mình thường bắt đầu từ việc quan sát cuộc sống, trải nghiệm và tiếp xúc với từng cá nhân gần gũi với mình nhất. Mình luôn để những hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí của mình kể chuyện, ghi lại và khắc họa chúng. Đó có thể là khoảnh khắc mình đắm chìm trong những suy nghĩ miên man, vô định hay là lúc mình quan sát mọi người, mình sẽ vội vàng ghi chép lại hình ảnh đó, khi ấy đối tượng đó đang làm gì, nó cho mình cảm giác gì, họ đang buồn bã, vui vẻ, mệt mỏi hay u buồn? Sau đó mình sẽ đi tìm những thứ gần gũi nhất với điều cảm nhận để sáng tác. Thông thường, chủ đề của mình luôn xoay quanh con người và nhân sinh quan. Những bức tranh của mình có sự kết hợp giữa trường phái hiện thực và siêu thực, như vậy mình sẽ thỏa mãn được trí óc tưởng tượng và cho bản thân cơ hội để mày mò về kỹ thuật cổ điển. 

Với mình, mỗi cá thể đều có những câu chuyện riêng, đều để lại cho mình những xúc cảm riêng. Vì thế, mình muốn cho mọi người thấy được những khía cạnh tinh tế từ những thứ nhỏ nhất trong từng bức tranh và để người xem có sự tò mò và chiêm nghiệm nhất định về điều gì đó bên trong thế giới nội tâm của mỗi nhân vật. 

Các tác phẩm lần này là tổng kết quá trình những gì mà mình đã khám phá không những chỉ cuộc sống mà còn là về bản thân mình, có chi phối ít nhiều về những suy nghĩ tâm tư, cảm xúc cá nhân trong từng giai đoạn phát triển nên sẽ tựa như một cuốn nhật kí được ghi lại bằng trí tưởng tượng. 

Nguyen Kim Tuyền (1997)

Là một người yêu thích chủ nghĩa hiện đại, trong giai đoạn này tôi muốn đi sâu tìm hiểu nhu cầu của bản thân và cũng muốn được thực hành nhiều hơn các khía cạnh của nghệ thuật sơn dầu. Đây là phương tiện để tôi truyền tải sở thích của mình. Với tôi, canvas là một sân khấu truyền tải các ngôn ngữ thị giác. Thực hành nghệ thuật cho tôi cái nhìn và tư duy sâu sắc hơn trong quá trình tìm hiểu các nền tảng nghệ thuật, đó cũng là bàn đạp giúp tôi tiếp thu và trưởng thành trong cái nôi văn hóa mà bản thân được sinh ra. 

Xuất phát điểm từ việc khai thác cảm xúc nội tâm, tôi định hình những cảm xúc đó rồi từ đó rồi biến nó từ một dạng tinh thần sang một dạng vật chất. Đối với tôi, vẽ là miêu tả trực quan sống động thế giới của chính mình. Khi đưa hết mọi thứ cảm xúc trên toan, đó cũng là lúc tôi tìm ra được nhiều khía cạnh mới trong cuộc sống mà tôi chưa được nhìn thấy. Cho nên nhiều lúc tôi đi sâu nghiên về hình thái biểu hiện và cảm xúc màu nhiều hơn, trực giác cho tôi nắm bắt nhanh các sự kiện và buộc tôi phải mô tả chúng lại nhanh nhất có thể. Sau đó, tôi lại tiếp tục lặp đi lặp lại trải nghiệm qua các lớp sơn dày hơn, nặng hơn, đến khi điểm dừng hoàn hảo kết thúc vào một thời điểm quan trọng. 

Tôi đặt vấn đề nhiều về không gian, đường nét và hình mảng mà mình theo đuổi.Vậy nên nhiều lúc tôi băn khoăn: “Liệu nó có phản ánh đúng suy nghĩ của tôi không?”. Thực hành vẽ là một quá trình chinh phục chiều sâu của kinh nghiệm. Khi bắt đầu, các bức tranh ám ảnh về việc mô tả lại hiện thực về cuộc sống thiên nhiên nhưng về sau nó lại đòi hỏi cái tôi và ý niệm đằng sau. 

Trần Văn Hiếu (2001)

Tôi thường vẽ người và phong cảnh mà tôi đã thấy, vì tôi luôn có xúc cảm với những đề tài đó. Mỗi khi tôi ngồi và nhìn ngắm khung cảnh trước mắt, đeo tai nghe, bật một bài nhạc. Những xúc cảm trào dâng khó khiến tôi cưỡng lại việc cầm bút vẽ, nguệch ngoạc vài nét trên sổ sketch tôi như đắm chìm vào thế giới ấy, nơi mà những giai điệu, những hình ảnh sống động như trong không gian đa chiều. Cảm hứng luôn đến với tôi như vậy.

Thông điệp của những tác phẩm này là thế giới mà con người sống trong đó. Sống động, sống dậy và sống lại. Sống đa sắc màu qua cảm xúc, hình hài, khuôn mẫu, những điều bình thường trước mắt chúng ta. Tôi muốn truyền tải hình ảnh – tạo hình mà tôi nhìn thấy từ những chủ thể tôi muốn thể hiện lên trên bức tranh của mình (cái cây, tiệm cà phê, chân dung và dáng người). 

Tôi đưa những màu sắc đặc trưng nhất của từng đối tượng. Tôi cường điệu đối tượng hơn những gì bản thân nhìn thấy để tạo nên những tác phẩm chứa đựng cảm xúc mãnh liệt. Từ đó mà bạn có thể cảm nhận cách tôi nhìn cuộc đời, cách mà tôi sống, âm nhạc mà tôi nghe. Tôi là một cá thể và bạn cũng vậy, bạn cũng có thể thể hiện mình qua cách mà bạn sống. 

Christian Gazia (1986) 

Hành trình giáo dục đa dạng của Christian Gazia đã khơi dậy sự tò mò sâu sắc về khám phá văn hóa và theo đuổi nghệ thuật. Christian Gazia không ngừng tìm kiếm lĩnh vực nghệ thuật lý tưởng để khắc họa những câu chuyện trong bộ sưu tập của mình. Tính linh hoạt và cách truyền tải câu chuyện chân thật đã giúp anh ấy có thể mang đến một loạt tác phẩm với nhiều cách tiếp cận sáng tạo khác nhau.

Trong bối cảnh hiện đại, khi Gen Z định hình bản sắc cá nhân của họ thông qua sự tác động qua lại, vượt ra ngoài dòng chảy văn hóa của họ. Đáng chú ý, họ lấy cảm hứng từ sự đa dạng của cộng đồng mà họ tự hào thuộc về. Sự hợp nhất này mang đến một cách giải thích mới mẻ và đầy trôi chảy về bản sắc. Trong nỗ lực tái hiện bản sắc văn hóa hiện đại này, Christian Gazia đã mạo hiểm bước vào lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo. 

Thông qua sự khám phá sáng tạo của mình, anh đã khéo léo đan xen các chủ đề về di sản văn hóa và các tiểu văn hóa sôi động. Kết quả là một sự thể hiện quyến rũ gói gọn bản chất đặc biệt của Thế hệ Z.

Thông tin chi tiết về triển lãm:

Triển lãm “Artistry Unbound” diễn ra từ ngày 15/9 đến 15/10/2023 tại tầng 7, toà nhà Amanaki – Số 10 Nguyễn Đăng Giai, Phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM. Tham quan triển lãm tự do hằng ngày.