Art Basel Hong Kong 2025: Tín hiệu khởi sắc của thị trường nghệ thuật châu Á

Art Basel là một hội chợ nghệ thuật đẳng cấp thế giới, được tổ chức hằng năm tại ba thành phố: Basel (Thụy Sỹ), bờ biển Miami (Hoa Kỳ) và Hồng Kông (thường được gọi là “Art Basel Hong Kong”). Trong tháng 03/2025, Art Basel Hong Kong 2025 là một trong những sự kiện quan trọng nhất của giới nghệ thuật châu Á, quy tụ 240 phòng trưng bày hàng đầu từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan, gồm những người yêu nghệ thuật từ khắp nơi trên thế giới. 

Một số triển lãm đáng chú ý bao gồm “How to Be Happy Together” tại Para Site* được lấy cảm hứng từ bộ phim kinh điển “Happy Together” (1997) của đạo diễn Vương Gia Vệ, nói về hành trình khám phá tình yêu, sự cô đơn và cảm giác lưu vong của những người con xa xứ. Với sự tham gia của 20 nghệ sỹ và nhóm nghệ sỹ từ Hồng Kông, Trung Quốc và Mỹ Latinh, “How to Be Happy Together” hứa hẹn mang đến những xúc cảm không thể quên với loạt tác phẩm từ hội họa, nhiếp ảnh, video, cho đến nghệ thuật sắp đặt và trình diễn.

Không gian triển lãm “How to Be Happy Together” tại Para Site – Trung tâm nghệ thuật đương đại hàng đầu của Hồng Kông và là một trong những tổ chức nghệ thuật độc lập lâu đời và năng động nhất tại châu Á. Ảnh: Felix SC Wong

Hay đến với triển lãm “Soft Landscape” của cố nghệ sỹ Louise Bourgeois, quý khách sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm đa chất liệu độc đáo như đồng, cao su, chì, nhôm, gỗ và đá cẩm thạch, trải dài từ thập niên 1960 cho đến khi tác giả qua đời vào năm 2010. Xoay quanh sự liên kết về chủ đề người mẹ từ bi, sự sinh sôi, bảo vệ, tổn thương và dòng chảy thời gian xuyên suốt sự nghiệp của Bourgeois, mở ra một không gian nơi quá khứ và hiện tại đan xen, tạo nên những đối thoại sâu lắng về ký ức, thời gian, cũng như ý nghĩa hiện sinh.

Không gian triển lãm “Soft Landscape” của Louise Bourgeois tại Hauser & Wirth Hong Kong. Ảnh: Hauser & Wirth Hong Kong

Không dừng lại ở đó, đến với Art Basel Hong Kong 2025, quý du khách còn có cơ hội để khám phá một thành phố năng động với nhiều hoạt động nghệ thuật và văn hóa phong phú, như là ghé thăm các bảo tàng hàng đầu như M+ (với bộ sưu tập nghệ thuật thị giác đương đại ấn tượng) hay Tai Kwun (trung tâm di sản và nghệ thuật), để có một góc nhìn sâu lắng hơn nghệ thuật địa phương. Bên cạnh việc tận hưởng nền ẩm thực phong phú và đa dạng của Hồng Kông, từ các món ăn đường phố đến các nhà hàng cao cấp đạt chuẩn sao Michelin, quý khách còn có thể đắm mình vào không gian tĩnh lặng khi dạo quanh Lok Man Rare Books – một hiệu sách lý tưởng để tìm kiếm các tài liệu nghệ thuật độc đáo.

Dù Art Basel Hong Kong 2025 diễn ra trong bối cảnh thị trường nghệ thuật châu Á đang trải qua nhiều biến động lớn do cuộc khủng hoảng bất động sản, thị trường chứng khoán lao dốc và chính sách kiểm soát tài chính chặt chẽ hơn từ Bắc Kinh. Các nhà đấu giá lớn đang chuyển hướng sang Singapore, Seoul cũng như Thượng Hải, và tổng doanh số đấu giá tại Sotheby’s và Christie’s tại Hồng Kông đã sụt giảm khoảng 40% so với phiên đấu giá cùng kỳ mùa xuân năm 2024. Tuy nhiên, tại Art Basel Hong Kong 2025, nhiều phòng trưng bày danh tiếng vẫn ghi nhận doanh số ấn tượng. 

Đáng chú ý là việc David Zwirner đã bán tác phẩm “INFINITY-NETS [ORUPX]” của Yayoi Kusama với giá 3,5 triệu USD, một tác phẩm của Michaël Borremans với giá 1,6 triệu USD, và tác phẩm của Elizabeth Peyton và Félix González-Torres với mỗi tác phẩm 900.000 USD. Bên cạnh đó, Thaddaeus Ropac đạt doanh thu hơn 5 triệu USD chỉ trong hai ngày đầu, bao gồm một bức tranh của Georg Baselitz trị giá 1,3 triệu USD, một tác phẩm của Daniel Richter giá 450.000 USD, và một bản in lụa của Roy Lichtenstein giá 1,5 triệu USD.​

Yayoi Kusama, “INFINITY-NETS [ORUPX]” (2013), acrylic trên toan.
Tác phẩm được bán với giá 3,5 triệu USD ngay trong ngày khai mạc Art Basel Hong Kong 2025. Ảnh: © Art Basel.

Nhà sáng lập Thaddaeus Ropac nhận định đây là khởi đầu thuận lợi cho hội chợ khi lượng khách quốc tế, đặc biệt là từ châu Âu, đang tăng dần, cũng như doanh số đang được ghi nhận khá lạc quan. 

Khách ghé thăm Art Basel Hong Kong 2025. Ảnh: © Art Basel

Tuy nhiên, không phải tất cả các phòng trưng bày đều đạt được kết quả tương tự, bởi thị trường nghệ thuật vẫn đang chịu ảnh hưởng từ bất ổn kinh tế và sự thay đổi về nhân khẩu học ở khách hàng. Theo phòng tranh Galerie Urs Meile, những nhà sưu tầm ngày nay không còn vội vã như thời kỳ bùng nổ nghệ thuật những năm 2010. Họ có xu hướng trẻ hoá, đề cao tri thức và mong muốn hiểu sâu về giá trị nội tại trước khi sở hữu một tác phẩm, thay vì chỉ tập trung vào tên tuổi nghệ sỹ. Đây cũng có thể coi là một tín hiệu tích cực cho thị trường.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của những tác phẩm kỹ thuật số đã phản ánh xu hướng mới trong gu thẩm mỹ của thế hệ trẻ, với hàng loạt các tác phẩm của Jon Rafman, Frank Wang Yefeng, Alison Nguyen và Lu Yang. 

Nhìn chung, Art Basel Hong Kong 2025 đã phản ánh sự sôi động của thị trường nghệ thuật, nơi các nhà sưu tầm tìm kiếm không chỉ là tên tuổi lớn mà còn là những tác phẩm có nội dung sâu sắc và ý nghĩa. Với vai trò thúc đẩy các giao dịch nghệ thuật, Art Basel Hong Kong 2025 đã khép lại thành công tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hong Kong (HKCEC), thu hút tổng cộng 91.000 lượt khách tham quan trong những ngày VIP và mở cửa công chúng, khẳng định vị thế là điểm đến quan trọng trong nghệ thuật đương đại đẳng cấp thế giới ở châu Á, đồng thời mang đến hy vọng về sự thay đổi tích cực về tình hình thị trường nghệ thuật hiện nay.

___

*Para Site là trung tâm nghệ thuật đương đại hàng đầu của Hồng Kông và là một trong những tổ chức nghệ thuật độc lập lâu đời và năng động nhất tại châu Á.

___

Ảnh cover: © Art Basel

Bài tổng hợp từ Art Basel, The New York Times, Ocula, Beijing Times, Forbes, Para Site, Hauser & Wirth, v.v.