Diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, Art Basel Hong Kong lần thứ 11 quy tụ 242 phòng trưng bày nghệ thuật hàng đầu với hơn một nửa đến từ khu vực châu Á–Thái Bình Dương, ngoài ra còn có Châu Âu, Châu Mỹ, Trung Đông và Châu Phi. Trong đó, có đến 69 phòng trưng bày quay lại sau một khoảng thời gian gián đoạn và 23 phòng trưng bày lần đầu tham gia triển lãm. “Đây là một triển lãm không nhỏ, nội hàm tác phẩm cũng vô cùng dày dặn”, Giám đốc Art Basel Hong Kong Syiang-Le chia sẻ.
Theo thống kê, Art Basel Hong Kong 2024 đã đón tiếp hơn 75.000 du khách từ khắp nơi trên thế giới xuyên suốt các ngày tiền sự kiện cho khách VIP lẫn mở cửa công cộng. Hàng ngàn người đổ xô về thành phố tạo nên một quang cảnh rộn ràng như ngầm khẳng định rằng sự kiện đã trở lại thời kỳ đỉnh cao trước đại dịch COVID-19. Các nhà môi giới nghệ thuật cũng đồng tình rằng lượng khách năm nay đông hơn năm ngoái. Theo nhà sưu tập Edmond Chin (Hong Kong), anh đã chứng kiến “số người nói tiếng Hoa cũng nhiều như tiếng Quảng Đông vậy”, chứng tỏ rằng các nhà sưu tập từ Trung Quốc đại lục không quá quan ngại về đợt suy thoái kinh tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt.
Trải dài khắp hội chợ là những tác phẩm phong phú về chủ đề lẫn chiều sâu ý niệm đến từ các phòng trưng bày khắp Châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Hong Kong, v.v. Ngoài ra còn có sự góp mặt của những phòng trưng bày “lão làng” và sự trở lại của những tên tuổi lớn trong giới nghệ thuật. Victoria Miro (London) mang đến tác phẩm sắp đặt gương kinh điển của Yayoi Kusama, còn Gagosian và Hauser & Wirth (Thuỵ Sĩ) giới thiệu tác phẩm của những nghệ sĩ “gạo cội” mà giới mộ điệu thường gọi là “blue-chip artists”, nghĩa là những nghệ sĩ có bề dày uy tín, phù hợp để đầu tư bền vững.
Chiếm phần lớn không gian Pace Gallery là các tác phẩm của Alicja Kwade, một nhà điêu khắc người Ba Lan-Đức đang được săn đón nồng nhiệt tại Hong Kong. Thường kỳ tại Art Basel, các gallery cũng có xu hướng tôn vinh một nghệ sĩ duy nhất như thế. Đây là cách họ tổng hợp chiết trung những gương mặt hàng đầu, đồng thời giúp không gian thêm phần thoáng đãng, mang lại trải nghiệm tích cực cho khách tham quan.
Pace Gallery giới thiệu hai tác phẩm quan trọng của Alicja Kwade. Chuỗi tác phẩm đầu tiên mang tên Mono Mode gồm những chiếc ghế trắng nằm rải rác ở trung tâm trưng bày, thoạt trông như ghế nhựa trước hiên nhà. Xung quanh là những quả cầu đá granit khổng lồ, được gò đẽo lưng chừng giữa lòng ghế hay chênh vênh trên mặt đất.
Trong quá trình sáng tạo, Alicja Kwade đã điêu khắc ghế bằng đồng và phủ lên một lớp sơn trắng toát. Những chiếc ghế sản xuất hàng loạt là đặc điểm biểu trưng của xã hội tiêu dùng; mặt khác, hình ảnh tám quả cầu gợi liên tưởng đến các hành tinh trong Hệ Mặt Trời đang chênh chao giữa lòng ghế trắng. Lối sắp đặt này khiến chúng ta đối mặt với một câu hỏi sau cuối: Phải chăng chủ nghĩa tiêu dùng đã đẩy hành tinh xanh đến bờ vực của sự tan rã?
Trên dải tường trắng vây quanh Mono Mode (2024) là tác phẩm bìa cứng được gắn hàng trăm kim đồng hồ, toát lên vẻ trang nhã và tinh tế theo chủ nghĩa tối giản. Với chuỗi tác phẩm Memory này, Alicja Awade đã tước đi chức năng đo lường thời gian của kim đồng hồ—cô tuyệt nhiên không để một con số ngày giờ nào hiển hiện trên bảng biểu. Thay vào đó, Alicja dùng kim đồng hồ để tính toán độ dài theo centimet, nghĩa là biến kim đồng hồ thành thước đo không gian vật lý. Tác phẩm là một cuộc chất vấn những hệ thống nhị nguyên và xác tín của nhân loại, tiêu biểu là thời gian, để lại kim đồng hồ trơ trọi giữa tứ phương tám hướng.
Với chuỗi tác phẩm mang tên Nook of a Hazy Dream (tạm dịch: Trong ngõ mộng mù sương) do nghệ sĩ Tan Jing đến từ Quảng Đông tạo tác, phòng trưng bày Mangrove (Thâm Quyến) đã tạo nên một trải nghiệm uyển chuyển đa giác quan cho khách ghé thăm. Đoạn video từng được trình chiếu tại Bảo tàng Nghệ thuật Rockbund nay được dịp trình hiện ở Art Basel Hong Kong 2024—ta có thêm một cơ hội để hiểu vì sao tác phẩm được tuyển chọn.
Chuỗi tác phẩm là hành trình Tan Jing tái hình dung và hư cấu hoá hình tượng ông nội mình, Lap Hung, một người Thái từng di cư sang Trung Quốc những năm 1950 và không thể trở lại quê hương trong nhiều thập kỷ sau đó do hậu quả của cuộc Cách mạng Văn hoá. Xuôi theo video, câu chuyện phi tuyến tính dần hé mở: ta bắt gặp những cuộc chuyện trò giữa Tan và Lap Hung, cuộc phỏng vấn của Tan trong những ngày trở về Thái Lan tìm lại người quen của ông mình, xen kẽ với những nơi chốn cũ ở Thái Lan mà thuở ấu thơ ông nội Tan thường lui tới.
Thay vì trình chiếu trên khung hình phẳng, Tan Jing chiếu video lên những tấm kính mờ chạm nổi giọt nước và hoa văn thu hải đường, khiến quá khứ trông nhạt nhoà hơn, cũng cá nhân hơn. Ba tấm kính đều được treo thẳng đứng, giống như ô cửa sổ nhìn ra những khung cảnh khác nhau. Khuôn hình dọc với cảm giác chật hẹp buộc người ta phải đến gần, kiên nhẫn dõi theo những mẩu chuyện nhỏ về Lap Hung và khẽ bước vào ký ức cá nhân của Tan Jing. Những cảnh quay đơn điệu lắm lúc chậm rãi, chao đảo, lặp đi lặp lại và tắt đột ngột; những cuộc trò chuyện bằng tiếng Quảng Đông thỉnh thoảng chuyển sang tiếng Thái giữa những người hải ngoại được cô phỏng vấn cũng bị can thiệp bởi những câu chuyện hư cấu xung quanh Lap Hung. Quá khứ – nhất là đối với những người mãi ám ảnh, bám víu vào nó – có lẽ không gì khác hơn là một giấc mơ hay sự tưởng tượng mà ta khát khao biến thành thực.
Ở trung tâm của không gian là Floor Tiles and Flowers (tạm dịch: Gạch lát sàn và Hoa) (2023), nơi Tan Jing chọn lọc các loại gia vị hàng ngày trong ẩm thực Thái Lan như sả và lá chanh kaffir rồi trộn chúng vào những viên gạch xanh trải trên sàn trưng bày. Sự hoà trộn này gợi nhắc đến quê hương của Lap Hung, bởi lẽ dù đã đến định cư tại Trung Quốc, ông vẫn thường dùng các loại gia vị này khi chế biến món ăn. Những mùi hương dung dị nay được biểu tượng hoá, gói gọn nỗi nhớ dai dẳng về một người.
Những bông hoa vải gấp nằm rải rác gợi nên một khung cảnh đường phố điển hình ở Thái Lan, trong khi đó, những viên gạch hoa màu xanh lá cây lại phổ biến ở khu dân cư Lĩnh Nam thế kỷ trước. Một số viên gạch được Tan Jing chủ đích thiết kế sao cho dễ vỡ nên chúng sẽ ngày một vỡ tan theo từng bước đi của du khách. Cứ thế, nghệ sĩ tái hiện sự mong manh, dễ tổn thương của ký ức: không gian thân mật vẫy gọi khách tham quan bước vào nhưng sau đó lại tạo ra cảm giác bất an với vết nứt bên dưới chân họ.
Trưởng thành trên thảo nguyên Mông Cổ thiêng liêng và khắc nghiệt, các tác phẩm điêu khắc của Jantsankhorol Erdenebayar vừa kiên cường, cũng vừa mong manh và vi tế. Thực hành của Erdenebayar đi sâu vào mối quan hệ tổ tiên và ký ức cá nhân gắn liền với những câu chuyện, tục ngữ, câu đố và tín ngưỡng người Mông Cổ. Thông qua các tác phẩm điêu khắc gắn liền với sinh thể con người, Erdenebayar tái nhìn nhận hành động phản kháng và khái niệm tái sinh ở nhiều trạng thái khác nhau, cuối cùng gửi gắm niềm hi vọng cho nền văn hoá Mông Cổ đang tàn lụi dần dà.
Nổi bật trong không gian trưng bày là Vigousse iii (2024), một chiếc tai ngoại cỡ bằng đồng với cụm sừng mọc ra từ phía sau. Chiếc tai này phỏng theo một tác phẩm điêu khắc thạch cao của Học viện Mỹ thuật Mông Cổ, được tạo hình theo nguyên tắc nghệ thuật hàn lâm Nga. Theo anh, “đôi tai là biểu tượng cho sự ảnh hưởng của chế độ Xô Viết đối với đất nước và những tàn tích thời ấy còn sót lại, còn chiếc sừng tượng trưng cho tinh thần của người dân Mông Cổ. Chúng ngụ ý về sự trôi chảy của thời gian—những chiếc sừng vẫn âm thầm phát triển, tuy chậm rãi nhưng kiên cường phòng thủ”.
Thú vị ở chỗ, gia đình Erdenebayar có một dòng dõi nghệ thuật vô cùng đặc biệt. Năm 2019, anh đại diện Mông Cổ tại Venice Biennale lần thứ 58 và đến năm 2022, mẹ của anh, Munkhtsetseg Jalkhaajav, một nghệ sĩ đương đại hàng đầu Mông Cổ cũng tiếp bước vinh dự này.
Điểm đặc biệt của Art Basel Hong Kong năm nay là khu vực Insights, nơi các phòng trưng bày giới thiệu một hoặc hai nghệ sĩ gắn liền với những bước tiến quan trọng của nghệ thuật Châu Á trong 100 năm qua. Có rất nhiều phần trình bày chỉn chu với quy mô hệt những tiểu-triển-lãm-trong-bảo-tàng, nhưng hơn cả là của Hiệp hội Nghệ thuật Rin (Nhật Bản) khi trình hiện lại phiên bản rút gọn của Big Flood. Năm 2023, triển lãm này đã từng thu hút lượng lớn khách tham quan ghé thăm tác phẩm hậu chiến của hoạ sĩ Keiji Usami.
Usami là một hoạ sĩ được đánh giá cao trong giới nghệ thuật Nhật Bản những năm 1970 với các tác phẩm lấy cảm hứng từ biểu tình và bạo loạn. Quan niệm rằng hình ảnh bản thể người đang chạy, cúi luồn, ném đá hay quằn quại đều là sự gói gọn “những vướng mắc của thân phận con người” (dịch từ “Usami Keiji: From Sign to Form”, 1985), Usami khắc hoạ lại những dáng hình ấy trong dạng thức trừu tượng cao, mổ xẻ và xếp chồng các tư thế thành biến thể phức tạp tựa cái bóng. Thế nhưng, hiểu biết của công chúng về ông ngày một thuyên giảm—năm 2017, Đại học Tokyo mang bỏ đi một tác phẩm lớn của Usami bởi nghĩ rằng nó chẳng có giá trị nào. Thế mà trong năm năm qua, như thể có một làn sóng hồi sinh xoay quanh Usami và các tác phẩm của ông sau khi ông mất.
Riêng với phần trình bày tại Art Basel, Hiệp hội Nghệ thuật Rin giới thiệu rất nhiều tác phẩm cuối đời của Usami. Lúc này, ông bị chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối, gần với thời điểm xảy ra trận động đất Tohoku năm 2011 và thảm hoạ hạt nhân Fukushima. Chính ở đây, mượn A Deluge của Leonardo da Vinci làm khởi điểm, Usami khắc hoạ con người trong dáng hình xoắn ốc và tan biến thành những hình thù đậm chất ấn tượng. Các tác phẩm vĩ mô của Usami được Hiệp hội Nghệ thuật Rin tuyển chọn và thay đổi luân phiên từng ngày xuyên suốt Art Basel. Chúng chiếm gần như toàn bộ không gian trưng bày của Rin và xứng đáng nhận được sự chú ý của muôn khách tham quan.
Tác phẩm Cut Piece (1964) của Yoko Ono từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào của Fuyuhiko Takata, một nghệ sĩ người Nhật được biết đến với những video bán tường thuật có xu hướng uốn cong giới tính do chính anh viết kịch bản, đạo diễn và đóng vai. Năm 2022, anh ra mắt The Butterfly Dream, một video ngắn gợi liên tưởng đến tích Giấc mơ của bướm của Trang Chu (Trung Quốc) năm xưa, đồng thời cũng liên đới đến tác phẩm của Ono như một dạng thức vô định.
Tại Art Basel Hong Kong 2024, The Butterfly Dream được tái trình hiện trong không gian trưng bày của Gallery Waitingroom (Tokyo), song song với một video mới hơn cũng liên đới với Ono. Với tiêu đề Cut Suits (Tạm dịch: Những Âu phục cắt nát), tác phẩm mới này của Takata đảo ngược giới tính và những mối nguy hiểm ở trung tâm tác phẩm Cut Piece trước đây. Một nhóm thanh niên vui vẻ cắt bỏ y phục doanh nghiệp chỉnh tề của nhau cho đến khi họ gần như khoả thân giữa một phông nền hồng.
Trong phiên bản sắp đặt, ngay trước màn hình LED chữ nhật là những bộ Âu phục bị cắt xẻ chất thành đống trông như nấm mồ vùi lấp vẻ nam tính đã bị tước bỏ. Thế nhưng, ẩn đằng sau vẻ ngây ngất của những người đàn ông trong video là những gì nguyên bản nhất của Fuyuhiko với trọn vẹn hàm ý bất đồng về sự gò bó giới tính và quyền tự quyết.
Gallery A Thousand Plateaus (Thành Đô) mang đến khu vực Kabinett một tác phẩm sắp đặt ấn tượng mang tên A Quatrefoil Patterned Door · Reflection (tạm dịch: Cửa hoạ tiết bốn cánh: Một phản tư) (2024), thực hiện bởi nghệ sĩ Thượng Hải Bi Rongrong.
Sớm được đào tạo để trở thành hoạ sĩ tranh phong cảnh Trung Quốc, Bi Rongrong lùng sục khắp thành phố để kiếm tìm mẫu trang trí và hoạ tiết kiến trúc, từ đây ứng dụng lên các tác phẩm dệt may, tranh vẽ, hoạt hình video và sắp đặt nhập vai dưới dạng thức trừu tượng. Cô đã tinh tế vượt qua độ rỗng của những ranh giới, cho phép các nền văn hoá phong nhiêu gặp gỡ, va chạm và dung hoà trong các tác phẩm của mình.
Tác phẩm của Bi Rongrong toả ra từ phía trung tâm, nơi cô sắp đặt dạng hoa văn có màu ngả vàng nâu hình chữ thập trông như bốn cánh hoa (hoặc lá) mà cô từng khám phá được trên cánh cửa Ý thế kỷ 16 tại Bảo tàng V&A. Thú vị ở chỗ, hoạ tiết này cũng từng xuất hiện trên đồ gốm thời kỳ đồ đá mới ở Trung Quốc và cả trong nền văn minh Assyria cổ đại để tái hiện tứ phương trời đất, ánh nắng mặt trời hoặc cây hoa hướng dương. Các dạng thức hoạ tiết và thẩm mỹ vốn dĩ luôn chảy trôi trong một quá trình giao tiếp và trao đổi không hồi kết, liên tục tạo sinh như một thể ngôn ngữ đặc biệt.
Bi cũng sử dụng loại giấy bốn lớp của Áo với các hoạ tiết truyền thống Trung Quốc đa chất liệu, đặc biệt là cấu trúc ba tầng phủ lên thép không gỉ cắt bằng laze, một tấm nhôm và vải treo.
“Bi Rongrong kết hợp những hoạ tiết này để trình hiện sự dịch chuyển văn hoá giữa các quốc gia, vùng miền khác nhau—Đông phương và Tây phương—cũng như cách chúng giao hoà”, Yiling Wu, Giám đốc vùng của Gallery chia sẻ. “Cách cô ấy diễn giải và kết hợp hoạ tiết liên văn hoá tạo nên những điều mới mẻ”.
Đến với không gian của Gallery Bangkok CityCity trong khu vực Discoveries chính là đến gần với não trạng dị thường của Nawin Nuthong. Theo Akapol Sudasna, Nhà sáng lập Gallery Bangkok CityCity, nghệ sĩ Thái Lan Nawin Nuthong vốn dĩ khởi đầu hành trình nghệ thuật với tư cách là một giám tuyển, sau đó nhờ sự động viên của Sudasna mà chuyển hướng sang thực hành nghệ thuật. Tuy nhiên, phông kinh nghiệm thực hành giám tuyển vẫn đâu đó vang vọng trong những hứng thú cá nhân và phong cách sáng tác của anh, mang đến Art Basel một phần trình hiện như một tiểu-triển-lãm gọi tên là Culture is Flux (tạm dịch: Văn hoá là Dòng chảy).
Trải dài từ hội hoạ, điêu khắc, bản in lụa, tranh vẽ cho đến hội hoạ kỹ thuật số, Culture is Flux ứng dụng các biểu tượng trong văn hoá đại chúng, truyện tranh, văn hoá meme và trò chơi điện tử để khám phá những chủ đề căn cốt như chiến tranh, bản đồ, di sản quốc gia và đạo đức của thực hành viết sử. Rất nhiều hình ảnh Nuthong sử dụng và tái cấu trúc trong những tân bối cảnh rồi sẽ trở nên quen thuộc với bất kỳ “game thủ” nào, từ biểu tượng game “Civilization V” trong tác phẩm He Heard Leaf Crawl (tạm dịch: Anh Nghe Chiếc Lá Trườn) (2024) cho đến bản đồ địa hình chiến lược trong Smiling Map (tạm dịch: Bản Đồ Cười) (2024).
“Nuthong ứng dụng kỹ thuật và lối tư duy của trò chơi điện tử để tái nhìn nhận lịch sử. Anh ta có thể thấy cả những điều ta chưa thấy bao giờ”, Sudasna chia sẻ. Tác phẩm của anh đan bện chặt chẽ với ngôn ngữ hình ảnh năm 2024, nghĩa là một thế giới kỹ thuật số phân cực về mặt chính trị, đầy rẫy sự bất kính và đạt đến độ bão hòa về mặt hình ảnh.
____
Với những không gian trưng bày quy mô lớn và hàng loạt tác phẩm có chất lượng cao, Art Basel Hong Kong 2024 đã ghi nhận sự ủng hộ tích cực từ phía công chúng lẫn tín hiệu khả quan từ phía các nhà sưu tập, ví như Gallery Hauser & Wirth bán được 16 tác phẩm chỉ trong ngày đầu tiền sự kiện cho các khách hàng VIP. Cũng trong vài giờ đầu khai mạc, Gallery 10 Chancery Lane (Hong Kong) đã bán ra tác phẩm Hai goá phụ (2024) của hoạ sĩ người Mỹ gốc Việt Lê Quang Đỉnh. Tác phẩm khắc hoạ hai nữ nhân Jacqueline Kennedy Onassis và Madame Nhu, được bán với giá 65.000 € cho một nhà sưu tập đến từ Châu Âu.
Với những tác phẩm đa dạng, dày dặn về chất lượng, có tính liên văn hoá và ý niệm cao, Art Basel Hong Kong đã mở ra một góc nhìn hết sức lạc quan, “là điểm tựa quan trọng trong bối cảnh nghệ thuật Châu Á ngày càng phát triển, đồng thời xác lập một khoảng thời gian quan trọng trong lịch trình thương mại nghệ thuật toàn cầu”, theo Giám đốc Art Basel Hong Kong Syiang-Le.