Ánh trăng nỗi niềm trong tranh Trần Phúc Duyên

Và một đêm kia bỗng nhiên dài như bất tận, thức giấc mơ màng, kẻ xa quê nằm nghe ngoài xa đâu đó tiếng thở quê hương đi theo bóng trăng bình yên soi qua khung cửa…

Trần Phúc Duyên, “Dịu dàng” (1979), 40 x 69 cm. Tác phẩm thuộc bộ sưu tập tư nhân ở Thụy Sĩ.

Năm 1934, Hội An Nam Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ (Société Annamite d’Encouragement de l’Art et de l’Industrie, viết tắt là S.A.D.E.A.I.) ra đời tại Hà Nội, với Victor Tardieu là Hội trưởng [1]. Hội dựa theo khuôn mẫu của Hội Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ của nước Pháp, thành lập tại Paris năm 1889.

Trong một bức ảnh chụp các thành viên của Hội, chúng tôi lưu ý đến một cái tên: Trần Diễn Giệm. Lưu ý vì đây là một cái tên lạ, ngoài ra, Trần Diễn Giệm còn là một nhà làm mộc danh tiếng vào những năm đầu của thế kỷ 20 tại Hà Nội, dưới danh hiệu Phúc Mỹ [2].

Gia đình Phúc Mỹ có một người con theo học Trường Mỹ thuật Đông Dương, đó là họa sĩ Trần Phúc Duyên.

Thành viên sáng lập Hội An Nam Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ (Société Annamite d’Encouragement de l’Art et de l’Industrie, viết tắt là S.A.D.E.A.I.)

Tiểu sử Trần Phúc Duyên

Sinh ngày 16 tháng 2 năm 1923 tại Hà Nội, Trần Phúc Duyên lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu chuộng nghệ thuật. Thấm đẫm tình yêu cái đẹp dẫn dắt ông bước chân vào con đường hội họa, 19 tuổi ông quyết định thi vào Trường Mỹ thuật Đông Dương [3].

Nhiều tin tức về cuộc tuyển sinh này đã được thông báo trên truyền thông, với những chi tiết đáng lưu ý như thí sinh phải nộp đơn ứng tuyển trước ngày 5 tháng 6, và trong trường hợp liên quan đến Trần Phúc Duyên, ngày thi dành cho khoa Hội họa, Điêu khắc và Sơn mài bắt đầu từ 8 tháng 6 [4]. Đó là năm 1942, thuộc khóa 16.

Danh sách trúng tuyển đã được đăng trên nhật báo L’Echo Annamite số ra ngày 7 tháng 8 năm 1942 (trang 2), khoa Hội họa, Điêu khắc và Sơn mài gồm có 11 người : Võ Văn Lăng, Đinh Xuân Minh, Nguyễn Thành, Cao Xuân Hùng, Lê Văn Phả, Trần Phúc Duyên, Mlle Delsalle, Phan Văn Thông, Nguyễn Quang Phòng, Ly Foui Way (với tư cách ngoại quốc), Mlle Hou Simone (với tư cách ngoại quốc) [5].

Theo danh sách của sách “Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, 1925 – 1990” (trang 53) [6], đồng môn của Trần Phúc Duyên gồm Võ Lăng, Đinh Minh, Quang Phòng, Phan Thông, Lê Phả, Nguyễn Văn Thành, Cao Xuân Hùng, Jojette Delsalle (người Pháp), Housimme (Hoa kiều).

Trần Phúc Duyên bên bức tranh sơn mài “Phong cảnh Sài Sơn” (110 x 165 cm)

Trần Phúc Duyên không có cơ hội hoàn thành hết chương trình học 5 năm vì Trường Mỹ thuật Đông Dương phải đóng cửa vào năm 1945, sau ngày Nhật đảo chính Pháp. Tuy nhiên ông vẫn mở xưởng vẽ tại nhà riêng (146 Avenue de Grand Buddha – nay là đường Quán Thánh) và nhận được nhiều đơn đặt hàng.

Sau đó, trước những biến động lịch sử, Trần Phúc Duyên định cư tại Paris từ năm 1954, đến năm 1968 ông dời chỗ ở sang Thụy Sĩ. Cho đến khi qua đời vào năm 1993, ông không trở lại Việt Nam, tuy nhiên, trong tất cả các tranh của ông, linh hồn quê hương luôn hiện hữu, dù ông có dùng kỹ thuật cũng như phương pháp nào đi nữa.

Ở đây, chúng tôi không bàn về kỹ thuật trong sáng tác của Trần Phúc Duyên, mà qua một vài tác phẩm, thử đi vào tâm hồn của một con người nghệ sĩ tha hương. 

Phong cách mỹ thuật Đông Dương

Khi thưởng thức những sáng tác của Trần Phúc Duyên, chúng ta liên tưởng ngay đến phong cách mỹ thuật Đông Dương, nơi xuất thân nghệ thuật của ông. 

Tâm tình của Trần Phúc Duyên tràn đầy lên những bức tranh với chủ đề phong cảnh quê hương Bắc bộ, đồng ruộng mênh mông vàng rực phì nhiêu trải dài dưới ánh nắng miền nhiệt đới, mây núi ngút ngàn, phong cảnh sông quê làng chài ẩn mình sau khóm trúc, nếp nhà sàn thấp thoáng dưới tàn phượng vỹ vút cao hay hàng hoa gạo rực đỏ, và những cô thôn nữ gánh lúa uyển chuyển nhịp nhàng trong tà áo bay, trên đường đê làng nhấp nhô… Ngoài ra, tiêu biểu nhất là những sáng tác phong cảnh chùa Thầy, hùng vĩ nhưng không kém phần nên thơ, lặng lẽ và êm đềm, dường như có thể nghe tiếng chuông vọng lên muôn ngàn tàu lá chuối biếc xanh, vấn vương trên mái hiên thủy đình dành cho múa rối nước nằm giữa hồ Long Trì… Đó là là những tác phẩm tiêu biểu nhất theo phong cách mỹ thuật Đông Dương.

Trần Phúc Duyên, “Bóng nước”, 110 x 176 cm. Tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Quang San.

Ngắm những bức tranh này, chúng ta không thể không nghĩ đến họa sĩ Joseph Inguimberty, người giáo sư gắn bó với Trường Mỹ thuật Đông Dương, từ ngày khai giảng đến lúc trường đóng cửa khi Nhật đảo chính Pháp vào năm 1945.

Trần Phúc Duyên, “Mùa gặt” (1965). 40 x 65 cm. Tác phẩm thuộc Bộ sưu tập Phạm Lê

Trần Phúc Duyên cũng như Inguimberty, những tác phẩm chủ đề đồng ruộng và dáng điệu thôn nữ quang gánh luôn toát ra những điều rất thật, rất gần gũi. Những sáng tác ấy không vì xuất thân từ trường Tây mà tỏ ra xa lạ cao siêu. Đó là những cảnh quan mà người dân thưởng mục thường nhật vào mùa gặt, một cách quá đỗi thân quen đến nỗi người ta không còn nhận biết nó có đẹp hay không. Mà nay xem tranh, nếu thấp thoáng cảm nhận đường nét trữ tình sang trọng không hề muốn, chính là những dáng điệu ấy bỗng nhiên trở thành mượt mà, linh động…, làm người xem chợt dấy lên lòng ngưỡng mộ bất ngờ.

Bóng trăng mê hoặc và nỗi nhớ cô đơn

Múc ánh trăng vàng…

Trong rất nhiều tranh sơn mài của Trần Phúc Duyên, chúng ta thường bắt gặp ánh trăng bàng bạc. Đó là mảnh trăng tròn ẩn mình trong khói sương, thấp thoáng từng mảng dát vàng rọi chiếu một ánh sáng u uẩn. 

Bóng trăng luôn màu nguyệt bạch, nhưng trong tranh của ông sắc vàng là chủ đạo. Màu vàng ở đây được dùng bằng vàng kim trong kỹ thuật sơn mài, tiếng Pháp gọi là “or”, là màu nóng. Tuy nhiên, sắc vàng của Trần Phúc Duyên lại đậm nhạt rưng rưng khung trời mờ sương, ấm lạnh man mác, và dường như trong khoảng không gian xa vắng ấy chan hòa tiếng đàn nhịp phách của vùng quê xa vời vợi, vọng về thổn thức đêm khuya…

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh / Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần / Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm / Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân…” (Xuân Diệu, “Nguyệt cầm”)

Trần Phúc Duyên, “Độc hành”, 30 x 41 cm. Tác phẩm thuộc Bộ sưu tập Phạm Lê

Vầng trăng ai xẻ làm đôi / Nửa soi đất khách, nửa soi quê nhà…

Phải chăng người xa quê ngắm vầng trăng kia và tự hỏi trăng nơi đây cũng là trăng quê nhà, an ủi rằng dù nghìn trùng xa cách nhưng mỗi nơi đều chung một bóng trăng, thì cái thăm thẳm ngăn sông cách núi kia có gần lại đôi chút? Và phải chăng ai có đi xa, thật xa…, mới thấy tiếng quê đồng vọng là thứ thiêng liêng không giả dối.

Trèo lên cây khế nửa ngày / Ai làm chua xót lòng này khế ơi / Mặt trăng sánh với mặt trời / Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng / Mình đi có nhớ ta chăng? / Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời” (ca dao)

Trong bầu không khí thủy tinh ấy, với những mảng màu gần như độc điệu, chúng ta có hay không cảm thấy tác giả quặn lên nỗi nhớ nhà, chan hòa giữa cái đẹp đơn thuần mà lặng lẽ? Đó như một bài thơ cô độc, mà chỉ có những ai xa quê mới cảm nhận được nỗi nhớ nhà dâng trào lên tranh.

Những bức tranh gây ấn tượng mạnh là những tác phẩm rất ít chi tiết, chỉ là những khoảng không rộng mở và vài nét chấm phá, nhưng đẹp một cách não nùng. Người xem tranh nhận ngay ra rằng sự quạnh hiu ấy là nỗi niềm cô đơn trùng điệp. Đó là tình yêu quê hương của người viễn xứ, như tiếng kêu lên một mình giữa xứ người, vô vọng, vây quanh là những náo nhiệt của cuộc đời mà xa quê thì chỉ mình ta với ta…

Trần Phúc Duyên, “Vọng Nguyệt”, 40 x 26 cm. Tác phẩm thuộc Bộ sưu tập Phạm Lê

Niềm cô đơn tuyệt mỹ

Hình như không thấy trăng khuyết trong tranh Trần Phúc Duyên. Phải chăng sự tròn đầy và ánh sáng kia soi rõ hơn nguồn cội cô đơn của người viễn xứ? Và một đêm kia bỗng nhiên dài như bất tận, thức giấc mơ màng, kẻ xa quê nằm nghe ngoài xa đâu đó tiếng thở quê hương đi theo bóng trăng bình yên soi qua khung cửa, len lén bước vào phòng, soi rõ tận giường nằm, khe khẽ đánh thức giấc ngủ giống như những đêm trăng sáng tại quê hương… Lòng nhớ nhà tha thiết quá, ngồi dậy phác họa nét đẹp quê, tuy xa xôi dịu vợi như chợt gần gũi qua ánh trăng vằng vặc…

Bấy lâu thức nhắp mơ màng / Bên rèm tiếng gió, đầu giường bóng trăng” (ca dao).

Nỗi cô đơn ấy thoáng nét buồn, nhưng người nghệ sĩ phải đạt được chiều sâu của cảm xúc, đưa tâm tình truyền cảm lên tranh mới có thể đi đến con tim người thưởng thức. Mỗi tác phẩm, dù là hội họa, âm nhạc hay văn chương, phải chuyên chở một nỗi niềm. Riêng về Trần Phúc Duyên, nếu không có “nỗi buồn” chất chứa sâu thẳm bên trong, để bộc bạnh lên niềm cô đơn như lời ca bất tận, thì những bức tranh trăng kia còn có nghĩa gì đâu!

Trần Phúc Duyên, “Tung cánh” (1978), 87 x 31 cm. Tác phẩm thuộc Bộ sưu tập Phạm Lê

Sơn mài chuyên chở tình quê

Nỗi nhớ quê cũng thể hiện trong chất liệu được sử dụng. Phải là sơn mài, tràn đầy tính Á Đông, như dòng máu chảy trong huyết quản. Làm như nỗi nhớ đó sẽ không trọn vẹn nếu dùng sơn dầu để diễn tả, mặc dù sơn dầu có thể minh họa tâm tình với muôn trùng cung bậc trong khi sơn mài lại rất hạn chế! 

Những tác phẩm sơn mài này tuy được thực hiện tại hải ngoại, nhưng luôn là phong cảnh quê nhà. Rất hiếm khi chúng ta thấy Trần Phúc Duyên diễn tả đề tài tha hương đất khách. Tuy là chất liệu sơn mài Á đông nhưng bố cục và phong cách trong tranh Trần Phúc Duyên tràn đầy tính Tây phương, ảnh hưởng rất nhiều hình thức “nghệ thuật trang trí” (art décoratif) đã học được từ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Rặng tre, xóm vắng, xa xa thấp thoáng núi non sau cánh đồng bạt ngàn, và nhịp cầu tre dẫn lối cho dăm con hạc trắng bay về bồng lai…, và cùng lúc là nỗi nhớ quê được cách điệu nghệ thuật hóa, để cái đẹp đi thẳng vào lòng người bằng những bước chân duyên dáng nhất.

Trần Phúc Duyên, “Hoài cố” (1977), 100 x 50 cm. Tác phẩm thuộc Bộ sưu tập Phạm Lê

***

Phải chăng mỗi người con xa quê đều mang theo trong tim một bóng trăng vằng vặc, dõi xa tận cõi nào trong tâm ảnh tưởng chừng hư vô, nhưng thật ra là một hiện hữu có thể nắm bắt được. Và mỗi khi tâm can ngũ uẩn thổn thức những chấp niệm không gì an ủi, thì vầng trăng kia mở rộng vừng soi bao phủ vỗ về, như vòng tay người mẹ hiền, mang đến cõi lòng bao nỗi ấm áp nhẹ nhàng để ta tìm về yên bình soi bóng mình dưới ánh trăng quê.

“…thân ta bụi cát trăng sao / chân không diệu hữu vẫy chào tịch nhiên“. (Thơ Kiệt Tấn)

NGÔ Kim-Khôi

(Trích từ sách “Duyên” sắp phát hành)

Chú thích

[1] Chủ tịch Danh dự là Toàn quyền Robin và Thống sứ Bắc Kỳ Tholance. (Báo L’Avenir du Tonkin, số ra ngày 26/10/1934, trang 1)

[2] Cửa hàng Phúc Mỹ nằm tại số 1 đường Dieulefils (Lưu trữ “Victor Tardieu”, Institut National d’Histoire de l’Art (INHA), Paris, coll. Jacques Doucet, “Correspondance Elèves et Amis”, N° 125-06), ngày nay là phố Đặng Dung. Xưởng gia công nhiều sản phẩm đa dạng như bàn ghế, giường tủ theo lối Art Deco và kiểu truyền thống. Sản phẩm đặc biệt nổi tiếng là guốc Phi Mã cao gót dành cho phụ nữ, được quảng cáo trên báo chí những năm 1940 – “Bấy lâu đáy bể mò kim / Kiểu giày phi mã nay tìm đã ra”.

Ngày 5 tháng 1 năm 1931, một nghị định đăng trên Tập san Thành phố Hà Nội (Bulletin Municipal de la Ville de Hanoi), trang 3, cho phép nhà Phúc Mỹ dựng một xưởng mộc tại số 96 đường Jambert (nay là phố Nguyễn Trường Tộ).

[3] Lúc này Trường Mỹ thuật Đông Dương đã trở thành Trường Mỹ thuật và Nghệ thuật Ứng dụng Đông Dương (École des Beaux-Arts et des Arts Appliqués de l’Indochine) theo nghị định của Toàn quyền Brévié, ký ngày 25/4/1938.

[4] Nhật báo L’Echo annamite, số ra ngày 20/5/1942, trang 2.

[5] Khoa đồ mộc (meuble): Võ Văn Tu, Trương Vinh, Phạm Kinh. Khoa kiến trúc: Trương Ngọc Hớn, Nguyễn Sanh Kha, Courtois Robert, René Dumaine, Trương Ngọc Hân, Tô Công Vân, Nguyễn Quang Nhạc, Nguyễn Văn Lý, Phạm Văn Châu, Nghiêm Thẩm, Vương Quốc Mỹ, Nguyễn Bá Lung. Khoa đồ gốm: Nguyễn Trí Sanh, La Văn Đẩu. (L’Echo annamite, số ra ngày 07/8/1942, trang 2).

[6] Chịu trách nhiệm: Nguyễn Thụ. Chủ biên: Lê Quốc Bảo. Hội đồng biên tập: Trần Đình Thọ, Nguyễn Thụ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tiểu Bạch, Thế Hùng, Dương Viên, Đặng Quý Khoa, Lê Quốc Bảo. In 1.700 cuốn tại xưởng in Viện Quy hoạch rừng, nộp lưu chiểu tháng 12 năm 1990.

— * — 

Nhân kỷ niệm 100 năm sinh ra đời của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên (16.02.1923 – 09.09.1993), triển lãm hồi cố “Họa Duyên Tương Ngộ” được đồng tổ chức bởi hai nhà sáng lập Bộ sưu tập Phạm Lê, gia đình cố họa sĩ Trần Phúc Duyên và Bảo tàng Nghệ thuật Quang San. Với sự cố vấn của nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi. Giám tuyển bởi nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê dưới sự bảo trợ của Lân Tinh Foundation. ASA Lighting studio và UNIOS Việt Nam tư vấn ánh sáng. Đồng hành truyền thông bởi Art Republik Vietnam và LUXUO Vietnam.

THÔNG TIN CHI TIẾT

– Địa điểm: Bảo tàng Nghệ thuật Quang San – 189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Quận 2, Thủ Đức, TP. HCM

– Thời gian: 22.07.2023 – 06.08.2023 / từ 09:00 đến 17:00 hằng ngày

– Liên hệ & đặt vé: https://quangsanartmuseum.com.vn/dat-lich-mua-ve