Triển lãm mang đến một cái nhìn thấu đáo về thực hành in ấn của Warhol và sự thật thú vị về thế giới quan của người nghệ sĩ bí ẩn này.
Triển lãm “Beyond the Brand” (Tạm dịch: Hơn cả một thương hiệu) của Andy Warhol tại Halcyon Gallery
Ngày 18 tháng 1 vừa qua, Halcyon Gallery đã chào đón khách tham quan đến với triển lãm mới nhất của Andy Warhol, nghệ sĩ Pop Art Mỹ lừng danh và là người tiên phong trong văn hóa đại chúng toàn cầu. Triển lãm mang tên “Beyond the Brand” (tạm dịch: Hơn cả một thương hiệu) trưng bày trọn bộ các tác phẩm của Warhol, trong đó có chuỗi tác phẩm Ads nguyên bản lần đầu được giới thiệu đến công chúng Vương quốc Anh ở cả hai hình thức sáng tác: bộ tác phẩm in và bộ mười bức vẽ trên canvas. Xuôi dòng Pop Art vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, Andy Warhol đã đóng vai trò chủ chốt với những tác phẩm giao biên giữa hai miền nghệ thuật và thương mại. Sáng tác của ông là sự tái hình dung các chiến dịch quảng cáo tiêu biểu như quảng cáo máy tính Apple, xe Volkswagen hay nước hoa Chanel No. 5 – tất thảy đã được Warhol kết xuất với gam màu rực rỡ và chuyển hóa thành những tác phẩm nghệ thuật đầy quyền năng.
Tác phẩm đồ họa Chanel No. 5 của Andy Warhol tại không gian Halcyon Gallery
Khách tham quan sẽ có cái nhìn toàn cảnh về thiên tài sáng tạo Andy Warhol và cuộc đời ông cống hiến cho nghệ thuật – từ bản vẽ đồ họa đầu tiên cho đến tác phẩm cuối cùng ông phóng tác, trọn vẹn sự nghiệp người nghệ sĩ nay cô đọng trong không gian ấm cúng. Cùng với chuỗi tác phẩm Ads, rất nhiều tác phẩm in nổi tiếng của Warhol cũng được trưng bày như Marilyn Monroe, Queen Elizabeth II, Chairman Mao, Muhammad Ali và bộ sưu tập Endangered Species (tạm dịch: Loài có nguy cơ tuyệt chủng).
Andy Warhol nhận được sự hoan nghênh đặc biệt vào cuối những năm 1960 khi biến động chính trị, xã hội và công nghệ đã lên đến đỉnh điểm. Lúc này, phong trào dân chủ hóa nghệ thuật diễn ra quyết liệt đặt nền móng cho sự công nhận giá trị của Pop Art, đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng thay vì chỉ dậm chân ở khuôn phép của giới thượng lưu. Thực hành Pop Art, người nghệ sĩ lấy cảm hứng từ dấu ấn văn hóa và những nhân vật quảng cáo danh tiếng thời bấy giờ để đám đông dễ dàng nhận biết. Phong cách táo bạo, phi truyền thống này đã thách thức quan niệm cố hữu về chủ nghĩa tư bản và thay đổi góc nhìn về nghệ thuật toàn cầu, đồng thời tự do mổ xẻ các chủ đề về chủ nghĩa quốc tế, công nghệ, ngôi sao điện ảnh, quyền lực chính trị, sự thanh lịch hay sang trọng.
7 tháng 2 năm 1980: Họa sĩ, nhà làm phim người Mỹ và một trong những người dẫn đầu phong trào Pop Art – Andy Warhol (1928-1987). (Ảnh chụp bởi John Minihan/Evening Standard/Getty Images)
Không phải ngẫu nhiên mà triển lãm diễn ra ở London. Từng là tâm điểm của phong trào thanh niên Swinging Sixties và là thánh địa của thời trang, nghệ thuật và âm nhạc trên toàn thế giới, London hội tụ những phẩm chất phóng khoáng và nổi loạn cần thiết để chứng thực buổi triển lãm năng động này. Cũng không phải ngẫu nhiên mà triển lãm được tổ chức tại Halcyon Gallery, nơi có lịch sử lâu đời mở cửa miễn phí những buổi triển lãm tầm cỡ thế giới cho công chúng. “Beyond the Brand” chính là diễn ngôn lan tỏa di sản và nghệ thuật của Andy Warhol, vốn vẫn còn vang vọng qua lớp lớp người và thế hệ trong nhiều thập kỷ sau khi ông qua đời. Bên cạnh đó, triển lãm diễn ra vào thời điểm nhạy cảm và sâu cay khi giới nghệ thuật đang ngày một biến thiên dưới tác động của đổi mới công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), đặt ra những trăn trở về tính xác thực và sự tam sao thất bản trong sáng tạo. Không chỉ góp phần định hình nên diện mạo nghệ thuật của New York, Andy Warhol cũng in dấu ảnh hưởng đáng kể lên những nghệ sĩ Pop Art cùng thời như Keith Haring và Jean Michel-Basquiat.
Campbell’s Soup Cans (1962) (Tạm dịch: Những lon soup Campbell), bộ sưu tập nổi tiếng của Andy Warhol
Triển lãm “Beyond the Brand” đang diễn ra tại Halcyon Gallery, trải rộng ở cả hai chi nhánh Mayfair của phòng trưng bày tại số 29 và 148, New Bond Street, London. Triển lãm kéo dài từ 18 tháng 1 đến hết ngày 24 tháng 3 năm 2024.
NGUỒN BÀI VIẾT: LUXUO.COM