Nghệ thuật phái sinh: “Cách mạng với chính mình” qua góc nhìn Phan Tú Trân 

Phan Tú Trân (sinh năm 1990) khởi điểm là một họa sỹ minh họa, cô tốt nghiệp ngành Sư phạm tại Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 2012. Hiện tại cô thực hành nghệ thuật chủ yếu qua phong cách phái sinh, tạo nên các ý niệm, tầng lớp mới cho các hình tượng cũ. Cô ưu tiên các thử nghiệm với các chất liệu mới nhằm kể những câu chuyện vui tươi, đời thường tới công chúng. Cô đạt giải thưởng “Nghệ sỹ Triển vọng của Năm” tại cuộc thi UOB Painting of the Year năm 2024.

Nhân dịp nghệ sỹ Phan Tú Trân tổ chức showcase cá nhân đầu tay “My Little Dora” tại Lehem Artspace, Art Republik đã có dịp trò chuyện và lắng nghe về thực hành của cô.

Chúc mừng chị với buổi trưng bày “My Little Dora”! Chị có thể giới thiệu về ý tưởng của loạt tranh này cho các độc giả không?

Qua loạt tranh này tôi mong muốn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật kết hợp cả hai yếu tố cổ điển – hiện đại, và theo đó là những thông điệp vui tươi, ngộ nghĩnh phái sinh trong những chiều không gian – thời gian khác nhau đem lại cảm giác thú vị về một câu chuyện mới trong tranh. Mặt khác, tôi muốn đem những giá trị của nghệ thuật cổ điển đến gần hơn với người xem ở nhiều độ tuổi khác nhau một cách tự nhiên và dí dỏm nhất , bởi những thứ vui vẻ luôn khiến mọi người dễ dàng chấp nhận và khám phá.

Không gian trưng bày “My Little Dora” tại Lehem Artspace

Hình tượng chú mèo máy Doraemon không còn xa lạ với đại đa số người dân tại Việt Nam. Với loạt tranh này, Doraemon hầu hết được hóa trang thành một diện mạo khá nữ tính với các lớp trang điểm, cầm chiếc mặt nạ vô diện (trong phim Spirited Away) hay những bộ áo geisha (nghệ giả) của Nhật Bản. Liệu chị có thể diễn giải thêm về các chi tiết này?

Việc tạo hình Doraemon trong tranh với vẻ nữ tính xuất phát từ hai lý do chính. Trước hết, mặc dù Doraemon được biết đến như một nhân vật nam trong bộ truyện tranh cùng tên, tôi lại nhận thấy tính nữ trong bạn ấy rất rõ ràng. Điều này thể hiện qua cách Doraemon luôn chăm sóc Nobita và các nhân vật khác, rất tận tâm và chu đáo—một nét tính cách mà tôi thấy gần gũi và tương đồng với bản thân mình từ thời bé cho đến khi trưởng thành và có gia đình riêng.

Thứ hai, Doraemon vốn được thiết kế như một robot bảo mẫu, một hình tượng gắn liền với sự chăm sóc và bảo vệ. Điều này khiến tôi muốn phái sinh bạn ấy theo hướng nữ tính hơn, để kết nối với văn hóa mẫu hệ và những giá trị truyền thống của các nước Á Đông, đặc biệt là Việt Nam.

Trong từng tác phẩm, Doraemon đều mang một hình tượng riêng với những ý nghĩa sâu sắc. Chẳng hạn, bộ ba Bijin-ga Dora là nơi tôi phái sinh Doraemon thành hình tượng các mỹ nhân trong tranh vẽ cổ của Nhật Bản. Đây là cách tôi ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ và tôn vinh văn hóa Nhật Bản mà tôi rất yêu thích. Ngược lại, bộ tranh Tứ Quý lại mang hình ảnh Doraemon trong trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, lấy cảm hứng từ tranh dân gian. Những tác phẩm này gửi gắm thông điệp về niềm tin, hy vọng, tình yêu, và may mắn, nhưng được thể hiện qua ngôn ngữ pop art, tạo nên một sự phá cách sôi động và nhộn nhịp hơn.

Mục tiêu chung của tôi khi thực hiện những tác phẩm này là để ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ Á Đông, thông qua sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt và Nhật mà tôi luôn trân trọng.

Phan Tú Trân, Dora with Four of a Kind (tạm dịch: Bộ tranh Tứ Quý) (2024), 58 x 116 cm mỗi tấm, 4 tấm, chất liệu tổng hợp trên ván nhựa durabo

Trong các tác phẩm được trưng bày trong “My Little Dora” lần này, có thể dễ nhận thấy nhiều chất liệu đã được chị sử dụng, trong đó có chất liệu mặt gương. Khi sáng tác, chị đã cân bằng sự đa dạng về chất liệu và họa tiết ra sao?

Phan Tú Trân, Finding Dora (tạm dịch: Đi tìm Dora) (2024), 100×120 cm, chất liệu tổng hợp trên ván nhựa durabo

Thật ra, trong tranh của tôi, có rất nhiều chất liệu được sử dụng trên bề mặt tác phẩm, cùng với ý tưởng và họa tiết. Tôi thường ví tổng thể chúng như những gia vị trong một món ăn ngon—tất cả đều có giá trị như nhau, dù liều lượng có thể khác nhau. Để cân bằng được các yếu tố này, cần đến một “đầu bếp” giỏi. Với hội họa, điều đó đòi hỏi người họa sỹ phải có kỹ năng cân bằng thị giác tốt.  

Việc cân bằng sự đa dạng về chất liệu là yếu tố rất quan trọng. Tôi đã dành nhiều thời gian tìm tòi và học hỏi để có thể kết hợp các loại chất liệu lại với nhau, vừa đảm bảo độ bền chặt vừa giữ được sự trong trẻo của chất liệu gương. Quá trình này khá vất vả bởi gương có độ phản chiếu cao, khi kết hợp với giấy trang kim, nếu không xử lý khéo léo, sẽ dễ gây lóa mắt. Vì vậy, tôi rất cẩn trọng trong việc sắp đặt các chi tiết sao cho hợp lý nhất.  

Có thể nói, việc sử dụng đa chất liệu không chỉ là một phương pháp sáng tạo mà còn là cả một quá trình nghiên cứu và đào sâu. Mỗi chất liệu đều có những đặc tính thú vị riêng, và khi càng khám phá, tôi càng nhận ra còn rất nhiều chất liệu khác chờ đợi mình tìm hiểu và thử nghiệm. 

Có người cho rằng, phong cách phái sinh thiếu đi sự sáng tạo và dễ gây nhàm chán. Khi sử dụng phong cách này, chị đã tái tiếp cận đối tượng trong tranh và truyền tải những thông điệp gì qua tác phẩm của mình?

Nếu ai cho rằng phái sinh thiếu sáng tạo và dễ gây nhàm chán, có lẽ chính cuộc sống của họ đang thiếu sự mới mẻ. Khi hiểu rõ về khái niệm liên văn bản, chúng ta sẽ mở lòng hơn và biết trân trọng phái sinh, pop art, cũng như nghệ thuật đại chúng. Trong những lĩnh vực này, nghệ sỹ không chỉ sáng tạo mà còn phải làm mới những giá trị cũ, đôi khi đến mức “làm cách mạng với chính mình” để tạo ra tác phẩm có sức hút. Ngược lại, nếu không làm được điều đó, bất kỳ trường phái nào cũng có thể trở nên nhàm chán.

Với loạt tranh này, tôi muốn truyền tải một thông điệp duy nhất: sự tươi trẻ. Doraemon là nguồn cảm hứng lớn, nhưng tôi không tái hiện hình tượng nguyên bản mà vẽ về một Doraemon trong ký ức tuổi thơ của mình—một hình tượng được tôi tưởng tượng và biến hóa theo mong muốn cá nhân.

Tôi không thường so sánh mình với những nghệ sỹ khác, bởi mỗi người có thế giới riêng và giá trị riêng. Với bộ tranh phái sinh này, tôi mong mang lại sự trong trẻo, ngây thơ, và hồn nhiên nhất trong tâm hồn mình đến với người xem. Hy vọng rằng những tác phẩm ấy có thể lan tỏa phần nào năng lượng tích cực trong cuộc sống.

Phan Tú Trân, Dora with lily (tạm dịch: Dora bên hoa huệ) (2024), 70 x 100cm, chất liệu tổng hợp trên ván nhựa durabo

Đánh dấu sự trở lại của mình bằng việc tham gia cuộc thi UOB Painting of the Year 2 năm liên tiếp tại Việt Nam, chị có thể chia sẻ trải nghiệm của bản thân và những điều chị đã học hỏi được sau cuộc thi này hay không?

Cuộc thi UOB Painting of the Year giúp tôi tự tin hơn trong việc tìm ra lối đi cho sự nghiệp sáng tác của mình. Lối đi ấy tuy nhỏ, nhưng đủ để tôi cảm thấy đây thực sự là con đường dành riêng cho mình và tiếp tục bước đi với niềm tin mạnh mẽ. Một điều quý giá khác mà tôi nhận được từ cuộc thi là cơ hội cọ xát, học hỏi từ các đồng nghiệp đi trước, cùng với đó là sự chuyên nghiệp trong cách tổ chức của một cuộc thi có bề dày lâu đời như UOB Painting of the Year.

Quá trình sáng tác tác phẩm “Doraeco” kéo dài hơn 7 tháng, từ lúc lên ý tưởng đến khi hoàn thiện. Đây là một tác phẩm nằm trong loạt tranh về Doraemon, lấy cảm hứng từ những trò chơi quen thuộc như bài tây, cờ tướng, bói bài, v.v. Tôi chọn tác phẩm “Doraeco” để tham dự cuộc thi năm nay vì chính hình tượng những lá bài có khả năng truyền tải một lượng nội dung lớn mà tôi muốn gửi gắm. Bố cục tranh được phân chia theo từng lá bài, mỗi lá đại diện cho một vấn đề sinh thái mà con người đang phải đối mặt. Điều này không chỉ làm tổng thể tác phẩm trở nên thú vị và mới lạ mà còn mang đến thông điệp sâu sắc về môi trường.

Nghệ sỹ Phan Tú Trân nhận giải thưởng “Nghệ sỹ Triển vọng của Năm” với tác phẩm “Doraeco” tại cuộc thi UOB Painting of the Year 2024 tại Việt Nam

Chị đã gặp phải những trở ngại gì khi quyết định quay lại thực hành nghệ thuật?

Trở ngại lớn nhất của tôi khi quay lại thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp là việc cụ thể hóa ý tưởng và cảm xúc lên bề mặt tác phẩm. Đây là một giai đoạn tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức, với không ít bản thảo phải chỉnh sửa liên tục. Tuy nhiên, khi tôi tìm được lối thể hiện phù hợp, mọi thứ bắt đầu trở nên trơn tru và mượt mà hơn, như thể tác phẩm cuối cùng đã tìm được tiếng nói riêng của nó.

Cảm ơn nghệ sỹ Phan Tú Trân vì những chia sẻ thú vị. Mong rằng tác phẩm của chị sẽ được khán giả biết đến nhiều hơn nữa!

Trưng bày “My Little Dora” sẽ còn diễn ra tới hết ngày 04/01/2025, miễn phí vé vào cửa, tại Lehem Artspace, 6D Ngô Thời Nhiệm, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện: Trao