Nhữ Diêu – Giấc mơ về bầu trời màu lam

Những chia sẻ của anh Phan Anh Tuấn, founder của không gian nghệ thuật TITA, về gốm Nhữ Diêu nhân cuộc triển lãm “Nhữ diêu 2024” diễn ra vừa qua tại TITA Art (Trấn Vũ, Ba Đình, Hà Nội).

Triển lãm Nhữ Diêu II

Chia sẻ về quá trình chuẩn bị, nghiên cứu cho triển lãm Nhữ diêu II, anh Phan Anh Tuấn cho biết:

“Dựa theo nghiên cứu khảo cổ, TITA Art đặt lò tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, sử dụng đất vùng Nhữ và men mã não, kết hợp với nghệ nhân người Trung Quốc. Ở triển lãm Nhữ Diêu đầu tiên, bởi chưa thể nung củi, chúng tôi chỉ có thể nung ga, sử dụng men mã não và cốt đất giống trong các di chỉ khảo cổ bản địa. Thành phẩm cho ra dù đẹp nhưng bề mặt men không đạt được độ sâu với nhiều tầng lớp như khi nung củi. Lần triển lãm này, chúng tôi đã nung củi hoàn toàn theo đúng lối cổ, và các tác phẩm trong triển lãm có nhiều sự tương đồng với những mẫu, chất đất và men cổ; các thành phẩm cuối cùng đều đạt được hiệu ứng giống với những mẫu vật trong bảo tàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghiên cứu và chế tác ra được những mẫu thiết kế có thể ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày và trong trà đạo.

Anh Phan Anh Tuấn (ngoài cùng bên phải) tại triển lãm Nhữ Diêu II tại TITA Art (Nguồn ảnh: TITA Art)

Lúc trước, chúng tôi cũng đã nung rất nhiều những dòng gốm sứ nung củi khác như Kiến Diêu, những dòng gốm men tro theo lối Nhật, hay các dòng sứ men ngọc. Nhưng nung củi Nhữ Diêu quả thật rất khó bởi nếu nhiệt độ quá cao hay quá thấp thì gốm sẽ không đạt màu. Bên cạnh đó, nung củi khiến độ biến dạng của men tăng cao. Để nung được một lò thì cũng phải trải qua rất nhiều lò hỏng: nung mười lò thì được một lò, nhưng một lò đó nung vài trăm chiếc thì cũng chỉ có vài chiếc đạt chất lượng yêu cầu. Vậy nên, để tích lũy đủ số lượng tác phẩm cho một triển lãm như thế này cũng phải mất vài năm.”

Hình ảnh không gian triển lãm Nhữ Diêu II tại TITA Art (Nguồn ảnh: TITA Art)

Kỹ thuật nung Nhữ Diêu

Chia sẻ về những kỹ thuật nung Nhữ Diêu, cũng như quá trình để có thể đạt được thành phẩm giống với các mẫu vật khảo cổ, anh Phan Anh Tuấn cho biết:

“Khi so sánh hai kỹ thuật nung thì nung ga sẽ cho ra lớp men rạn đều hơn nung củi. Tuy nhiên, đối với cả hai cách nung, mật độ rạn ít hay nhiều người sản xuất đều không chủ động được. Phụ thuộc vào nhiệt độ và vị trí trong lò, men sẽ rạn một cách ngẫu nhiên; có cái rạn ít, có cái rạn nhiều, có cái thì đều, có cái thì lồi lõm và nhiều tầng lớp. Thành phẩm cuối cùng đạt được không bao giờ có hai cái giống nhau, nhưng mỗi cái đều mang vẻ đẹp riêng, hướng tới chất cảm như ngọc và gam màu như bầu trời xanh nhiều tầng lớp sau cơn mưa. 

Gốm Nhữ Diêu được chế tác tại TITA Art (Nguồn ảnh: TITA Art)
Gốm Nhữ Diêu được chế tác tại TITA Art (Nguồn ảnh: TITA Art)

Khi nung ga, tỉ lệ thành phẩm sẽ vào khoảng 40%, cao hơn nung củi bởi lửa sẽ đều hơn. Còn với nung củi, lửa trong lò dù đều nhưng sẽ khó để kiểm soát hơn, bởi môi trường trong lò của củi rất phức tạp do có những tính chất hoá học xảy ra khi men tiếp xúc với nhiều thành phần không khí khác nhau. Khi nung củi, trên bề mặt sẽ có một lớp váng dầu giống như sơn dầu nhiều lớp; màu xanh của Nhữ Diêu được hình thành bởi nhiều lớp mỏng như vậy. Sau khi nung, chúng tôi sẽ bọc bạc hoặc vàng ở viền để bảo vệ phần mép, tránh co giãn hay bị mẻ trong quá trình sử dụng.”

Gốm Nhữ Diêu được chế tác tại TITA Art (Nguồn ảnh: TITA Art)
Gốm Nhữ Diêu được chế tác tại TITA Art (Nguồn ảnh: TITA Art)

Nghệ thuật gốm sứ Việt Nam

Khi nói đến con đường phát triển của nghệ thuật gốm sứ Việt Nam, anh Phan Anh Tuấn chia sẻ:

“Gốm sứ là một dòng nghệ thuật thú vị của Á Đông. Ở Việt Nam tôi hay đùa là trà đạo phát triển hơn văn hoá gốm sứ. Ví dụ, nếu chúng tôi làm chén trà mà mọi người uống được, thì dù có đắt một chút mọi người vẫn mua, vì là để uống trà, ngoài để trưng thì vẫn dùng được. Còn nếu chỉ thuần là gốm sứ đẹp thôi thì hiện nay vẫn ít nhận được sự đồng cảm. Trong quá trình, chúng tôi không chỉ tự nghiên cứu thông qua thực hành, mà chúng tôi cũng dựa trên rất nhiều những tài liệu của các thế hệ đi trước. Ví dụ như khi nghiên cứu khảo cổ, ta sẽ khai quật được di chỉ, có di chỉ rồi thì sẽ biết được đâu là vùng đất có những nguyên vật liệu phù hợp, cần thiết, và thế là đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian sàng lọc đất. Sau khi nung theo di chỉ đã khai quật được, ta sẽ lấy căn cứ là các mẫu vật trong bảo tàng để đối chiếu xem chất lượng của sản phẩm xưa và nay tương quan ra sao.

Gốm Nhữ diêu được chế tác tại TITA Art (Nguồn ảnh: TITA Art)
Hình ảnh không gian triển lãm Nhữ Diêu II tại TITA Art (Nguồn ảnh: TITA Art)
Hình ảnh tại triển lãm Nhữ Diêu II (Nguồn ảnh: TITA Art)

Ở Việt Nam cũng có nhiều các lò gốm truyền thống như ở Bát Tràng, Chu Đậu. Các loại gốm đều có xuất xứ cách đây hàng vài trăm năm, có lịch sử, có nghệ nhân giỏi, có truyền thống. Nhưng có thể do nhiều tác nhân như chiến tranh, loạn lạc, kinh tế, v.v. mà việc mọi người sưu tập gốm sứ như một dòng nghệ thuật để trưng bày giống như sưu tập các danh mục nghệ thuật khác chưa có nhiều. Nhưng nói vậy không có nghĩa là người ta không thích. Thật ra, người Việt Nam vốn có truyền thống chuộng gốm sứ, nhưng có quá ít người làm, hoặc mới chỉ làm dưới góc độ đồ gia dụng, chưa phải làm thành một tác phẩm nghệ thuật. Bản thân chúng tôi làm những món đồ như vậy nhưng với tâm thế hướng tới nghệ thuật, hướng đến sự hoàn hảo. Và khi làm với tâm thế ấy, chúng tôi may mắn nhận lại được sự đón nhận, ủng hộ từ các nhà sưu tập, những người đam mê gốm sứ. Cộng đồng gốm sứ ở Việt Nam không quá lớn, nhưng vẫn là một mạch ngầm tiếp tục dòng chảy của riêng nó. Tôi hy vọng rằng thông qua các hoạt động văn hoá nghệ thuật như chúng tôi đã, đang và sẽ làm, bộ môn này sẽ được lan toả đến với nhiều người hơn nữa.”

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh Phan Anh Tuấn.

Khuê Nguyễn