Acting Lab là một hoạt động thử nghiệm diễn xuất độc đáo, áp dụng mô hình Stanislavski với mỗi mùa là một chủ đề thực hành thử nghiệm diễn xuất khác nhau. Ở mùa sáu, Acting Lab đã lựa chọn khai thác thể loại nhạc kịch với định hướng khuyến khích, hỗ trợ các diễn viên trẻ tìm tòi và phát triển các kỹ năng ca-vũ-kịch để bổ trợ cho họ trên con đường tìm kiếm tiếng nói và phương thức diễn xuất của riêng mình.
Đặc biệt, Acting Lab 6 còn là lần đầu tiên xuất hiện giải thưởng “Diễn viên triển vọng nhất” do khán giả bình chọn.
Trên sân khấu của Acting Lab 6, các diễn viên trẻ đã thể hiện diễn xuất và sáng tạo của mình thông qua sự tái hiện và cải biên các phân cảnh nhạc kịch trong các tác phẩm nổi tiếng, bao gồm: La La Land (2016), Les Misérables (2012), Tick Tick Boom (2021) và Mamma Mia (2018). Ngoài ra, chương trình còn có màn biểu diễn đặc biệt của các cố vấn với phần cải biên từ bộ phim The Wizard of Oz (1939) kinh điển, như một sự tri ân đến một trong những cột mốc lịch sử của nghệ thuật điện ảnh.
Sau màn mở đầu với trích đoạn All That Jazz – Chicago (2002) đầy cuốn hút và bí ẩn, phân cảnh đầu tiên khán giả được giới thiệu đến là phân cảnh Audition – La La Land (2016) dưới sự thể hiện của CHI trong vai Mia Dolan. Trong quá trình tập luyện và sáng tạo ở lần đầu thử sức với nhạc kịch, ngoài những trăn trở về việc làm thế nào để khán giả có thể đồng cảm, thấu cảm được nhiều hơn với nhân vật Mia, CHI đã gặp nhiều thử thách trong việc thay đổi bối cảnh diễn xuất. Trong quá trình tìm hiểu, trao đổi với các cố vấn và học viên, cô đã dần dần cảm thấy mạnh mẽ, vững tin để có thể bước sâu hơn vào thế giới nhạc kịch.
Nếu như phân cảnh Audition của CHI mang nhiều màu sắc của hoài bão và khát khao thì phân cảnh Empty Chairs at Empty Tables dưới diễn xuất và góc nhìn độc đáo của Mike Tran trong vai Marius lại kéo người xem vào những tiếc thương, tội lỗi có phần giận dữ, khắc khoải. Dành ra hơn một tháng để xây dựng nhân vật Marius, bắt đầu từ việc diễn thử cho các học viên trong lớp, mỗi lần diễn, Mike Tran đều cố gắng thử nghiệm diễn xuất và bối cảnh theo nhiều cách khác nhau. Tham gia Acting Lab 6 với hy vọng có cơ hội tiếp cận sâu hơn với nhạc kịch – một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với Mike Tran – Acting Lab 6 không chỉ giúp anh khám phá thêm tiềm năng của bản thân, với môi trường nhiệt tình và thân thiện, luôn sẵn lòng hỗ trợ lẫn nhau, Acting Lab đã giúp Mike Tran tự tin thể hiện bản thân hơn, vượt qua những giới hạn mà trước đây anh chưa từng thử.
Rời khỏi quán rượu hoang vắng cùng những cảm xúc đau thương, khán giả được đến với một Sunday đầy hỗn loạn nhưng không kém phần thú vị trong Tick Tick Boom (2021) với góc nhìn mới lạ, được cải biên từ diễn viên Đức Mạnh và dàn cast khi biến nhân vật Larson từ một nhân viên phục vụ thành một trong những người khách đến nhà hàng. Một điểm khó khăn mà các diễn viên nhận thấy khi diễn nhạc kịch là khoảnh khắc từ thoại bất chợt đi vào bài hát. Nhưng sau quá trình tập luyện, chia sẻ, các diễn viên được học hỏi từ góc nhìn của các diễn viên có kinh nghiệm nhạc kịch và sân khấu rằng: Nhân vật trong nhạc kịch không biết rằng mình hát, họ chỉ đang thoại và lời thoại của họ có yếu tố âm nhạc.
So với một hiện tại hỗn loạn của Sunday, I Dreamed a Dream của Fantine lại đưa khán giả đến với sự hồi tưởng về những giấc mơ đã mất giữa hiện thực tàn khốc qua diễn xuất có sức nặng của Thẩm Trà Tiên; với mong muốn làm rõ sự biến chuyển nội tâm của một nhân vật có chiều sâu tâm hồn rất khó để nắm bắt khi từ một cô gái trẻ tràn đầy hy vọng trở thành một người phụ nữ bị xã hội vùi dập. Là một người theo đuổi sự nghiêm túc học hỏi và thực hành, với Thẩm Trà Tiên, Acting Lab là nơi cô được thỏa sức sáng tạo, nghiêm túc tìm hiểu về tính tác giả trong diễn xuất.
Kết thúc chương trình là Dancing Queen – Mamma Mia (2018) tràn ngập sự sống và duyên dáng, khiến cho không khí buổi diễn và tinh thần khán giả trở nên hưng phấn hơn. Với một dàn cast đã có chút ít kinh nghiệm ở địa hạt nhạc kịch, tưởng chừng dễ nhưng công đoạn chuẩn bị cho Dancing Queen vẫn là một thử thách đối với các diễn viên. Ba diễn viên phải đồng bộ không chỉ trong giọng hát mà cả phong cách diễn xuất và chuyển động cơ thể. Một thách thức khác, là việc giữ được năng lượng tươi mới qua từng buổi tập, đặc biệt khi đây là một tiết mục đòi hỏi kết hợp diễn xuất và hình thể với một giai điệu dồn dập và liên tục ở nửa sau của bài. Acting Lab 6 đã đem đến cho những diễn viên thuần nhạc kịch sân khấu như dàn cast Dancing Queen cơ hội được giao lưu và học hỏi những kỹ thuật diễn xuất từ các diễn viên điện ảnh, và cơ hội được lan toả tình yêu nhạc kịch của họ đến các thành viên Acting Lab 6 cũng như khán giả.
Với sự xuất hiện mang tính dấu ấn của giải thưởng “Diễn viên triển vọng nhất”, diễn viên đầu tiên của Acting Lab vinh dự được nhận giải thưởng này là Thẩm Trà Tiên với phân cảnh I Dreamed a Dream – Les Misérables (2012) với màn trình diễn thuyết phục, theo sau đó là màn trao đổi lắng đọng, đầy khích lệ giữa cô và khán giả. Chia sẻ thêm về quá trình luyện tập và chuẩn bị cho Acting Lab, Thẩm Trà Tiên cho biết:
Thẩm Trà Tiên: “Đây là một nhân vật có chiều sâu mãnh liệt, và tôi đã biểu diễn phân đoạn I Dreamed a Dream với mong muốn làm rõ sự chuyển biến cảm xúc của một cô gái trẻ tràn đầy hy vọng, trong sáng và yêu đời, đến một người phụ nữ bị xã hội vùi dập. Khó khăn của tôi ở vai diễn này, đó là đây là một vai diễn khá nặng, nên tôi đã có chút lo sợ trong khi tập luyện và phát triển nhân vật. Bên cạnh đó, tôi đã không sắp xếp được thời gian tập với các bạn diễn Claire và Phất Đỗ, nhưng phần trình diễn của chúng ta đã gặt được cúp rồi Claire ơi! Anh Phất ơi!
Đã biết đến Acting Lab từ lâu, đây là lần đầu tiên tôi casting Acting Lab và đã trở thành một thành phần của Acting Lab 6. Với một người theo đuổi sự nghiêm túc học hỏi và thực hành thì Acting Lab của Spring Auteurs là nơi mà tôi mong muốn được thoả sức thoải mái sáng tạo. Mọi phương pháp diễn xuất đều bắt nguồn từ Stanislavski và việc giúp mọi người tìm hiểu về hệ thống diễn xuất lớn này là một điều tuyệt vời từ Lab. Tôi cảm thấy thật tuyệt khi được đồng hành cùng với các thành viên trong Acting Lab 6.”
Với mô hình Stanislavski và mỗi mùa là một chủ đề thực hành khác nhau, Acting Lab hướng tới việc tạo nên một cộng đồng nơi các diễn viên cảm thấy an toàn, cởi mở và tự do khi liên tục thúc đẩy hoạt động, khả năng đánh giá, trao đổi và lắng nghe những bình luận mang tính đóng góp về kỹ nghệ, cảm nhận của người xem, v.v.. Nhằm tạo cho diễn viên thói quen tự đặt mình gần hơn với vai trò khán giả, mở rộng góc nhìn về diễn xuất của bản thân, cũng như cảm nhận rõ ràng hơn về mong muốn của “người xem” khi chuẩn bị cho một vở diễn, vai diễn. Đây có lẽ là một trải nghiệm quan trọng với các diễn viên, đặc biệt là đối với các diễn viên trẻ.
Trong các buổi giao lưu, trao đổi tại Acting Lab, không chỉ có diễn viên mà các nhà làm phim, các cố vấn chuyên môn từ nhiều ngành nghề nghệ thuật cũng có thể tham gia. Mục đích của mô hình này nhằm không giới hạn việc phát triển tư duy và kỹ nghệ ở mỗi diễn viên, mà cả biên kịch, đạo diễn, hay những nhà làm phim nói chung cũng có cơ hội hiểu hơn về khía cạnh diễn xuất các diễn viên phải trải qua điều gì, từ đó có sự cảm thông và có thể làm việc với nhau một cách hiệu quả nhất; thống nhất được phương thức/phong cách kể chuyện của một tác phẩm thông qua các nhân vật mà người diễn viên phải thể hiện.
Chia sẻ về những dự định tiếp theo của Acting Lab, đạo diễn Jay Do, đồng thời là người sáng lập Acting Lab chia sẻ:
Jay Do: “Acting Lab luôn hướng tới việc tạo ra một bể diễn viên đa dạng hơn vậy nên ở mỗi mùa tiếp theo, Spring Auteurs và tôi sẽ tiếp tục hướng tới việc khai thác nhiều chủ đề đa dạng hơn nữa. Acting Lab là một điểm dừng chân ngắn cho các diễn viên có cơ hội được thử sức với nhiều điều mới thay vì phải tham gia một dự án dài hơi mới được thử nghiệm, khám phá. Như vậy thì sẽ rất khó và lâu để các diễn viên trẻ có được một kết quả cho mình. Ở Acting Lab, với việc mỗi mùa mỗi thể loại hay thực hành, các diễn viên sẽ được trải nghiệm ngay, khám phá ngay. Được phép sai, được phép thử, từ đó tìm ra được điều mình có thể làm ở mỗi khía cạnh của diễn xuất. Và ngoài nhạc kịch thì diễn xuất còn có muôn vàn chủ đề khác như voice acting (diễn xuất bằng giọng nói), cascadeur (diễn viên đóng thế), diễn xuất với vfx, thậm chí là thử nghiệm thêm nhiều dạng mô hình khác nhau của kịch nghệ như kịch nghệ thử nghiệm, hay trở về với cổ điển như kịch Shakespeare. Thậm chí là có những sự kết nối với các phương tiện khác nhau nữa, đó là cái vô vàn trong diễn xuất.”
Khuê Nguyễn.