Gaza, một dải đất hẹp nằm bên bờ Địa Trung Hải, là một vết thương hở trên bản đồ chưa từng khép lại suốt bao năm qua. Hiện tại, Gaza đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử. Vô số hình ảnh, thước phim về gia đình tan nát, những đứa trẻ mất đi tuổi thơ và thành phố bị san bằng đã trở thành biểu tượng của sự bất lực nhưng cũng đồng thời là lời kêu gọi gửi đến toàn nhân loại. Trong bối cảnh đó, chúng ta – dù cách xa hàng ngàn cây số – không thể làm ngơ. Đó là lý do chương trình “Đấu giá tranh vì Gaza – Nghệ thuật không biên giới” ra đời.
Năm nay, thay vì tổ chức sinh nhật theo cách truyền thống, Hoài-Phương – một họa sĩ trẻ hiện đang sinh sống tại Italy, vốn hoạt động tích cực trong việc gây quỹ, đã quyết định biến ngày này thành cơ hội để làm điều ý nghĩa hơn. Từ những người bạn mới ở Gaza và những đồng nghiệp trong cộng đồng gây quỹ, Hoài-Phương cảm nhận bản thân đã nghiệm ra ý nghĩa của sự kiên cường và tình người giữa thảm họa. Cô đã kết hợp với sáu nghệ sĩ Việt Nam để tổ chức một buổi đấu giá nghệ thuật. Tất cả số tiền thu được sẽ dành để hỗ trợ sáu gia đình Palestine đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột.
Đây không chỉ là một sự kiện gây quỹ mà còn là một lời khẳng định rằng: Nghệ thuật có sức mạnh kết nối, chạm đến trái tim và khơi nguồn hy vọng.
“Tôi không phải là người thích những dịp lễ hay sinh nhật. Nhưng năm nay, tôi nhận ra, sinh nhật không chỉ là ngày dành riêng cho bản thân, mà còn là dịp để kết nối với tất cả những gì xung quanh tôi – những con người, những câu chuyện, những mảnh ghép trong cuộc sống” – Hoài-Phương chia sẻ.
Tháng 10 năm nay, khi Hoài-Phương đang vận hành một quỹ cộng đồng để nấu 140 bữa ăn cho người dân tị nạn ở trại al-Mawasi, miền Nam Gaza nơi gia đình Mohammed đang sinh sống, một người bạn gây quỹ của Hoài-Phương tại New York, Michelle Bounkousohn, đã nhân sinh nhật mình gây quỹ cho 4 nhà gây quỹ khác ở Gaza, trong đó có quỹ nấu cơm từ thiện Hoài-Phương kể trên. Điều này đã mang đến cảm hứng lớn cho Hoài-Phương. Cô đã dành hai tháng lên kế hoạch cho chiến dịch này. Sinh nhật năm nay đặc biệt hơn bởi Hoài-Phương muốn dành trọn nó cho những người bạn từ Palestine – Mohammed, Dima và Eileen, là gia đình Hoài-Phương đang bảo trợ, cũng như 5 gia đình khác do các cộng sự đang nỗ lực giúp đỡ từng ngày. Từ trong lều tạm giữa sa mạc, họ đã đem đến cho cô bài học sâu sắc về ý nghĩa của sự kết nối, chia sẻ và sự kiên cường vượt trên nghịch cảnh.
Với tinh thần đó, Hoài-Phương mời sáu nghệ sĩ Việt Nam – những người không chỉ nổi bật với tài năng mà còn có tinh thần đoàn kết với Palestine – cùng tham gia. Các nghệ sĩ gồm:
• Bùi Hà Anh: Nghệ sĩ và là giám tuyển sinh sống giữa Houston (Hoa Kỳ) và Hà Nội, được biết đến với những tác phẩm thể hiện nỗi buồn của cuộc sống đô thị hiện đại.
• Dương Thùy Dương: Nghệ sĩ thị giác hiện sinh sống tại Berlin (Đức) với phong cách trừu tượng định danh cùng nét cọ rối và những bức chân dung vô diện.
• Đỗ Tuấn Anh: Họa sĩ đa phương tiện đến từ Hà Nội và hiện đang ở Solingen (Đức), được biết đến với những tác phẩm đầy u uẩn về sự cô đơn của kiếp người.
• Giang Dinh: Họa sĩ, nghệ nhân gấp giấy Origami hiện đang sinh sống ở Virginia (Hoa Kỳ), được biết đến với những tác phẩm Origami mềm mại, đẫm tính thiền.
• Mai Ta: Họa sĩ trẻ hiện sinh sống ở Sài Gòn, được biết đến qua những tác phẩm tối giản và sâu lắng được vẽ bằng sơn dầu hoặc gouache đầy tính biểu tượng.
• Phạm Trần Việt Nam: Họa sĩ được biết đến qua những tác phẩm sơn dầu và collage quy mô lớn, được “tái sử dụng” từ tác phẩm thời kỳ đầu, anh là họa sĩ của sự giằng xé nội tâm, trăn trở về nhân sinh và vòng sinh diệt.
Dải Gaza, với hơn hai triệu dân, đang bị bóp nghẹt bởi sự tàn phá, nghèo đói và thiếu thốn. Qua những cuộc không kích dữ dội và vòng phong tỏa kéo dài hàng thập kỷ, đời sống của người dân nơi đây chằng chịt đau thương, chưa bao giờ kết thúc.
Trẻ em chiếm hơn 40% dân số Gaza, nhưng rất nhiều em nhỏ đã mất đi tuổi thơ trong các trại tị nạn, thiếu thốn nước sạch, thực phẩm và chăm sóc y tế. Các em không biết đến khúc hát ru, bởi tiếng gầm rú của bom đạn là thứ nhạc đệm cho các em đi vào giấc ngủ, đôi khi, các em không bao giờ thức dậy nữa. Hệ thống bệnh viện ở đây gần như sụp đổ, không đủ thiết bị hay thuốc men để cứu chữa cho các bệnh nhân.
Trong hoàn cảnh ấy, vẫn có những tia sáng của hy vọng. Những quỹ tương trợ độc lập được vận hành bởi những con người hết sức bình thường trên khắp thế giới: giáo viên, nghệ sĩ, dịch giả, nhà thơ, v.v.; họ đang cùng nhau hành động, dẫu chỉ là những nỗ lực cá nhân đơn lẻ, để xoa dịu nỗi đau của Gaza.
Chương trình đấu giá tranh không chỉ mang lại giá trị vật chất cho các gia đình Palestine mà còn lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về tình đoàn kết quốc tế. Hoài-Phương hy vọng sự kiện này sẽ thu hút không chỉ các nhà sưu tập mà còn cả những nghệ sĩ, nhà hoạt động và công chúng yêu nghệ thuật, tạo thành một mạng lưới cùng hướng tới mục tiêu chung: Tự do và hòa bình cho Palestine.
Đấu giá sẽ diễn ra từ ngày 28 tháng 11 đến 11 tháng 12 năm 2024, mỗi nghệ sĩ sẽ có hai ngày để đấu giá tác phẩm. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một tiếng nói và một niềm hy vọng.
Chúng tôi mong rằng, dù bạn là một nhà sưu tập yêu nghệ thuật hay đơn giản là một người muốn chung tay, bạn sẽ cùng tham gia để biến sự kiện này thành một cột mốc đáng nhớ. Gaza cần chúng ta, và hơn cả, Hoài-Phương muốn gửi đến mọi người một thông điệp: Nghệ thuật khởi nguồn từ nhân tính, nên trong thời điểm thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo, nghệ thuật cũng phải đứng lên để bảo vệ những giá trị cốt lõi mà nó đại diện. Nghệ thuật, với sức mạnh vượt qua mọi biên giới và khác biệt, là sợi dây vô hình nối chúng ta lại gần nhau hơn.
Như bài thơ “Hãy nghĩ về tha nhân” của Mahmoud Darwish, nhà thơ quốc gia của Palestine:
Hãy nghĩ về người khác khi chuẩn bị bữa sáng
(Đừng quên phân phát thức ăn đến lũ chim câu)
Hãy nghĩ về người khác khi phát động chiến tranh
(Đừng quên những người chỉ mưu cầu hòa bình)
Hãy nghĩ về người khác khi thanh toán hóa đơn nước
(Những người chỉ nguôi ngoai cơn khát nhờ đám mây)
Hãy nghĩ về người khác trên nẻo đường hồi hương
(Đừng quên bao mảnh đời sống trong lều bạt)
Hãy nghĩ đến người khác khi say ngủ và đếm những vì sao
(Những người chẳng còn nơi nào để chợp mắt)
Và khi lời ẩn dụ mang đến tự do, hãy nghĩ cho người khác
(Bởi quyền lên tiếng của họ đã bị tước đoạt)
Hãy nghĩ về chính mình khi mặc tưởng trước những mảnh đời xa xăm
(Hãy nói rằng: Giá tôi là ngọn nến giữa màn đêm sâu thẳm)
Hoài-Phương dịch
Chúng tôi mong rằng mỗi các bạn cũng hãy là một ngọn nến, và cùng nhau ta thắp sáng màn đêm.
—
Buổi đấu giá sẽ diễn ra trên trang facebook cá nhân và instagram của Hoài-Phương.
Facebook: https://www.facebook.com/nth.phuong
Instagram handle: @hoaiphuong.art