“Trừu tượng không chỉ là quan niệm khác về hội họa mà còn là quan niệm khác về văn hóa” – Lý Trực Sơn.
Thể nghiệm và thực hành hội họa trừu tượng của họa sĩ Lý Trực Sơn bắt đầu từ khi ông học tập và làm việc ở Pháp và Đức (1989–1998), sau khi về nước, ông dành 10 năm sáng tác sơn mài và trưng bày kết quả làm việc trong triển lãm cá nhân “Chốn này” tại Vietart Center, Hà Nội (2009). “Chốn này” như một sự “trả nợ gốc và lãi” của Lý Trực Sơn với phong cách thẩm mỹ sơn mài khởi từ giai đoạn Mỹ thuật Đông Dương. “Món nợ văn hóa” với truyền thuyết Dâm Đàm, quần lĩnh áo nâu, trồng nụ trồng hoa, lược ngà tắm giếng, gốm Lý gốm Trần, tượng hậu Bút Tháp, chùa Dâu[1], v.v., những tế bào của sinh thể nghệ thuật gốc Huế, trưởng thành ở Hà Nội và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam[2], “phần lãi” là tư duy và phong cách tạo hình cá nhân được “thêm vào” nhờ nhãn quan tự thức sau một thập kỷ lặn lội trong môi trường tri thức và nghệ thuật Âu châu. Dừng ở “Chốn này”, Lý Trực Sơn đã thuyết phục một vị thế nghệ thuật hàng đầu trong thế hệ của ông, an chí là nghệ sĩ sơn mài ngoại hạng, mặc nhiên khai thác vốn liếng văn hóa Đông Tây mà không nghi ngại là cái đuôi các …ism[3]. Nhưng ngay từ khi còn ở Pháp và Đức, Lý Trực Sơn đã chọn con đường khác, trên cả phương diện ý thức và vật liệu nghệ thuật, chỉ đến lúc này, sau thời gian 3 năm liên tục (từ 2021 đến nay) tại một xưởng vẽ đúng ý nguyện, những gì ông từng ấp ủ mới có cơ hội triển khai trọn vẹn và được Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) giới thiệu trong triển lãm cá nhân mang tên “Đất”.
“Böcklin từng nói: một tác phẩm nghệ thuật đích thực phải hệt như một ứng tấu lớn, nghĩa là việc suy nghĩ, xây dựng, phác thảo trước phải không gì khác hơn là những bước đi sơ khởi mà qua đó người nghệ sĩ sẽ đạt tới mục tiêu mà đối với chính bản thân anh ta cũng có thể bất ngờ.”[4]
Khi tiếp cận tác phẩm nghệ thuật, Kandinsky[5] cho rằng, ngoại hiện của nó về cơ bản là những phương tiện (cần thiết) tạm thời được tác giả sử dụng như công cụ giao tiếp, do đó, người xem khi đối diện với tác phẩm, điều quan trọng nhất là anh ta phải đón nhận tác động trừu tượng từ tác phẩm, tương tự như hình thức giao tiếp, thông qua các tác động thần kinh trong cuộc đối thoại, ta luôn tìm cảm xúc, tư duy tâm lý và hình dáng ý thức – những yếu tố “trừu tượng” của đối phương[6]. Phần trừu tượng “bên trong ngoại hiện” của tác phẩm nghệ thuật, theo Lý Trực Sơn là “nơi ánh sáng lý trí không thể rọi tới, không dành cho kiến giải khoa học, là lãnh địa tinh thần tôn giáo thường ngự trị”. Theo quan điểm nghệ thuật của ông, mục đích “điều khiển” vật chất tạo ra hình ảnh mô phỏng ngoại hiện của cái đẹp là một đường mòn lạc lối. Nghệ thuật tạo hình nói chung, hãy như thơ ca và âm nhạc, phải là nỗ lực “gieo vần, gieo âm” trên lãnh địa thuần khiết tinh thần nhất nguyên. Mầm nghệ thuật hợp nhất thân-tâm-trí sẽ nảy nở ngay trong quá trình thực hiện tác phẩm, đối diện với nó, tuỳ thuộc biên độ nhạy cảm của sóng tinh thần, giao cảm của người xem có thể ở các đối cực, hoặc thờ ơ, hoặc rơi vào trạng thái “Ecstasy” (xúc động ngây ngất). Lý Trực Sơn cũng nhắc lại chuyện nhiều người từng khóc ròng khi đối diện hàng giờ với tác phẩm của Mark Rothko[7], như ví dụ điển hình cho sức mạnh giao cảm tinh thần giữa 3 đỉnh của tam giác đều: tác giả – tác phẩm – người xem.
Cần nói thêm rằng, sau “Chốn này” (2009) trong hơn mười năm Lý Trực Sơn vẽ rất nhiều tranh trừu tượng trên giấy dó và với sơn mài, và mặc dù chúng đều tạo ra những độc đáo cá nhân nổi bật trong nhiều triển lãm nhóm, nhưng ông chưa thấy thật sự thỏa mãn với ý thức nghệ thuật hằng hướng đến. Về đặc điểm vật liệu, theo Lý Trực Sơn, giấy dó rất thuận ở chiều thêm vào nhưng hầu như bất khả ở chiều “lấy ra” (theo nghĩa tẩy xoá); sơn mài được cả hai chiều nhưng hạn chế ở tính công đoạn bắt buộc (vẽ thêm một lớp là phải ủ, chờ khô tới vài ngày mới có thể vẽ tiếp), sơn mài không quan sát được ngay sự thay đổi của từng vệt bút cho tới tổng thể tác phẩm. Chỉ tới chất liệu hiện nay, thứ ông đã thể nghiệm từ vài thập niên trước, các loại than tro/gạch/đất/đá (khoáng nung, khoáng thô, hạt màu (pigment) vô cơ thô) mới đáp ứng đủ lý tưởng và điều kiện thực hiện lý tưởng nghệ thuật của riêng ông. Lý Trực Sơn vẽ như thợ xây nhà[8], trát vào, lấy ra, chủ động trong mọi thời điểm, đến đâu hiện diện trọn vẹn đến đó, không thay đổi yếu tính vật chất và thẩm mỹ. Tâm đắc với chất liệu, cảm thấy vô cùng phù hợp, ông nói “thật là cái duyên may mắn có được”.
“Một tác phẩm nghệ thuật đích thực hình thành một cách bí hiểm. Không, nếu như tâm hồn nghệ sĩ vẫn sống động và quan trọng [đối với sinh mệnh người nghệ sĩ] thì nó chẳng cần sự trợ giúp bởi các học thuyết và những tư duy lý trí. Tự bản thân chúng sẽ tìm ra điều gì để nói, thậm chí lúc đó ngay chính bản thân nghệ sĩ cũng hoàn toàn chưa rõ. Tiếng nói bên trong của tâm hồn sẽ nói cho anh ta biết anh ta phải dùng hình thức nào và kiếm nó ở đâu (từ bên ngoài hay “bản chất” bên trong).”[9]
Chính vì thế, sẽ trở nên thừa thãi và định kiến khi cố gắng “phân tích” các tác phẩm hội họa trừu tượng của Lý Trực Sơn. Tiếp cận với chúng, hội thoại với chúng như gợi ý từ Kandinsky, hãy giao cảm để nhận ra cảm xúc, tư duy tâm lý và hình dáng ý thức của nghệ sĩ. Hình dáng ý thức và tư duy nghệ thuật của Lý Trực Sơn có thể nhận ra qua hành trình sáng tạo nửa thế kỷ, còn cảm xúc và tâm lý nghệ sĩ, tâm hồn ông có “sống động” như Kandinsky (và chúng ta) chờ đợi? Có thể nói ngay, nó rất “sống động”, vẫn luôn sống động như khi vừa ngâm thơ Đường, vừa nghe Pink Floyd, “đọc bất cứ thứ gì có chữ”[10], nấu ăn và trồng hoa, hút điếu cày và cạn chén rượu quê ngay khi vừa thưởng hết chai vang bên hồ thu, xưởng vẽ, v.v., vẫn “bước đi thong thả, trong lòng đầy kiêu ngạo”[11]. Phải, ông có quyền sở đắc thành quả nghệ thuật của riêng ông, trọn vẹn chữ “đặc sắc/độc đáo” cho 3 năm lao động sáng tạo, tổng kết trong triển lãm hội hoạ trừu tượng “Đất” tại VCCA Hà Nội.
Vũ Huy Thông
Chú thích
[1] Những ý tứ về tạo hình được Lý Trực Sơn thực hiện cho loạt tác phẩm sơn mài trong triển lãm “Chốn này”, tại Vietart Center, Hà Nội, 2009.
[2] Lý Trực Sơn sinh năm 1949 tại Huế, song thân đều là người Huế; từ 1961, sống tại Hà Nội, học Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) hệ Sơ Trung, năm 1971 học tiếp hệ Đại học, trở thành giảng viên mỹ thuật từ sớm, năm 1989 du học tại Pháp, sống tại Đức, năm 1998 về nước.
[3] Hậu tố “ism” có nghĩa là các trường phái, trào lưu nghệ thuật; trong trường hợp của Lý Trực Sơn là trường phái Đông Dương, hiện thực xã hội chủ nghĩa.
[4] Wassily Kandinsky, “Về cái tinh thần trong nghệ thuật” (1912), Ngụy Hữu Tâm và Trần Vinh dịch, NXB Đà Nẵng, năm 2019, phần Chú giải, tr. 197.
[5] Wassily Kandinsky (1866–1944), hoạ sĩ người Nga tiên phong trong nghệ thuật trừu tượng phương Tây, nhà lý luận nghệ thuật, tác giả công trình lý thuyết nghệ thuật trừu tượng nổi tiếng – “Über das Geistige in der Kunst” (Về cái tinh thần trong nghệ thuật), xuất bản năm 1911–1912.
[6] Wassily Kandinsky, “Về cái tinh thần trong nghệ thuật” (1912), Ngụy Hữu Tâm và Trần Vinh dịch, NXB Đà Nẵng, năm 2019, chương Hội họa, phần VII. Lý thuyết, tr. 150.
[7] Mark Rothko (1903–1970), hoạ sĩ Mỹ gốc Latvia, nổi tiếng với phong cách hội họa trừu tượng “trường màu – color field”.
[8] Thao tác hội họa của Lý Trực Sơn có nhiều công đoạn phi truyền thống: giã, sàng, rây đất đá, nhào trộn những mẻ màu lớn như đống vữa, dùng dao rựa để trát, phạt, gọt, v.v…
[9] Wassily Kandinsky, “Về cái tinh thần trong nghệ thuật” (1912), Ngụy Hữu Tâm và Trần Vinh dịch, NXB Đà Nẵng, năm 2019, phần Chú giải, tr. 197.
[10] Lời họa sĩ Ca Lê Thắng kể với tư cách bạn thân của Lý Trực Sơn từ ngày còn học hệ Sơ Trung ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam những năm 60.
[11] Chữ của nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng từng nhận định về (con người nghệ thuật) Lý Trực Sơn.