Hình thức hội họa trừu tượng xuất hiện khá muộn trong lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Manh nha từ cuối thập niên 1940, sang đến thời kỳ nghệ thuật tuân theo đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa, sau năm 1954, một số họa sỹ tiên phong cảm thấy bế tắc khi phải theo một lối vẽ, một đường mòn, đã mạnh dạn thử nghiệm lối vẽ phi-biểu hình. Tất nhiên, ở miền Bắc, các thực hành “phi hiện thực xã hội chủ nghĩa” đó không được giới quản lý văn hóa hoan nghênh, và do đó, cũng khó lòng được bày công khai cho công chúng thưởng lãm. Chỉ đến thời kỳ Đổi Mới, vào cuối thập niên 1980, những làn sóng mới trong nghệ thuật Việt mới bắt đầu có cơ hội phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.
Từng theo học chuyên ngành gốm tại Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội vào đầu thập niên 1980, nữ họa sỹ Công Kim Hoa có may mắn được học một khóa về thiết kế dựa trên chương trình của Bauhaus, thuộc dự án giáo dục hợp tác giữa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Burg Giebichenstein Halle. Những kiến thức về thiết kế hiện đại của chương trình này đã sớm gieo mầm cho tư duy sáng tác trừu tượng hình học của bà về sau.
Ra trường, bà thực hành “tay nghề” với nhiều lĩnh vực, từ dạy vẽ cho công nhân gốm, phụ trách các lớp học vẽ của thiếu nhi, làm gốm, thiết kế thời trang, làm tranh xé giấy hay vẽ tranh trên các chất liệu sơn dầu, acrylic, bột màu, sơn mài. Dần dà, bà nhận thấy chất liệu sơn mài cuốn hút và cho bà những trải nghiệm thú vị nhất.
Thuộc thế hệ các họa sỹ trẻ sớm bứt phá khỏi những khuôn mẫu hiện thực xã hội chủ nghĩa, ngay từ giữa thập niên 1990, Công Kim Hoa đã có những tác phẩm sơn mài với lối vẽ thiên về ước lệ, và nhanh chóng thể hiện được tiếng nói nghệ thuật riêng và độc đáo của mình. Năm 1997, bà tham dự triển lãm quốc tế mang tên INSIDE tại Kassel, Đức. Qua năm 1999, bà và chồng là họa sư sơn mài Trịnh Tuân, cùng người anh trai Công Quốc Hà – cũng thành danh về sơn mài – được Đại học Columbia, New York, Mỹ, mời tham gia một triển lãm và hội thảo chuyên về sơn mài mang tên “Vẻ đẹp Việt Nam”. Sau đó, bà liên tục được mời tham dự các triển lãm về sơn mài ở châu Á, châu Âu trong khuôn khổ chương trình trao đổi văn hóa của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội Mỹ thuật Việt Nam, với các quốc gia hoặc phòng trưng bày quốc tế.
”Chất liệu sơn mài “rất khó theo ý muốn”, tuy nhiên, Công Kim Hoa đã thể hiện khả năng làm chủ đường nét, có biệt tài thay đổi sắc thái và độ đậm nhạt của chúng để tạo ra chiều sâu.”
Chất liệu sơn mài “rất khó theo ý muốn”, tuy nhiên, Công Kim Hoa đã thể hiện khả năng làm chủ đường nét, có biệt tài thay đổi sắc thái và độ đậm nhạt của chúng để tạo ra chiều sâu. Tính sáng rõ của đường nét luôn được tôn thêm nhờ lối xử lý dựa trên sự tương phản về sắc thái của những mảng nền và các nét chủ đạo một cách hợp lý: nóng-lạnh, sáng-tối, nặng-nhẹ, nhẵn-xù, v.v.. Sự trôi chảy tự do của nét và/hoặc nền màu với những diện màu loang hoặc có sự chuyển sắc phong phú đa lớp, có chủ ý, cho phép xóa bớt đi cảm giác trật tự duy lý được “đo đếm” kỹ lưỡng trong quá trình thể hiện tác phẩm. Sự đơn giản, mạch lạc trong các hình tượng của bà cũng là chìa khóa trong việc cảm nhận tác phẩm của người xem. Những motif trừu tượng (và bán trừu tượng/cách điệu) của nữ họa sỹ vừa xa lạ, lại vừa phảng phất những hình ảnh thân quen mà chúng ta từng bắt gặp đâu đó trong cuộc sống.
Công Kim Hoa đặc biệt ưa thích thể hiện những bố cục với nhiều khoảng trống, khoảng mở trên mặt tranh, tạo nên những vùng không gian chuyển tiếp hữu duyên và hợp lý. Các khoảng trống, khoảng mở lưu thông sang nhau với các cấu trúc hình nền thay đổi phong phú, đôi khi trở nên mơ hồ. Mặc dù có sự lấn át của những cách điệu hình học, nhưng hình và nét trong tranh của bà vẫn rung động, rộn ràng – các bố cục giàu tính hữu cơ, biểu thị mối quan hệ giữa các yếu tố một cách hài hòa như những bộ phận cần thiết của một tổng thể. Bên cạnh đó, tranh của bà cũng thường có nhiều mảng màu lớn với những đường nét tự do chia cắt, chồng lấn, tạo nên những bố cục khá lạ, vừa bay bổng nhưng vẫn có vẻ khoan thai, nhu thuận, đậm đà nữ tính.
“Vượt thoát khỏi “vòng kim cô” của những khuôn mẫu tái hiện hiện thực, Công Kim Hoa tự do thể hiện những ý niệm, tư tưởng và tình cảm của mình với hội họa trừu tượng.”
Không câu nệ việc lưu giữ bảng màu thuần sơn ta truyền thống, Công Kim Hoa luôn tìm tòi phát triển phổ màu của mình. Bảng màu sơn mài của Công Kim Hoa cho đến thời điểm này đã rõ ràng là một phổ màu sang trọng, quý phái, trang nhã mà đằm thắm. Bà cũng hay sử dụng các màu trầm (xám tím, nâu tía, xanh chàm), bên cạnh những mảng vàng kim – “bệ đỡ” cho thứ ánh sáng phát ra từ một tư duy mạch lạc, một tình cảm trong trẻo.
Đặc biệt, Công Kim Hoa có màu lam ngọc rất riêng, bên cạnh đó, các hòa sắc của nó luôn được bà sử dụng một cách tinh tế và hiệu quả. Chính màu lam ngọc “thần diệu” là chỉ dấu cho một đời sống tinh thần thiên về sự trầm tư thanh khiết của bà – một người sinh trưởng trong một gia đình Hà Nội cũ có nếp sinh hoạt dựa trên giá trị đạo đức cao đẹp và thanh lịch.
Ưu thế của tranh trừu tượng là cả người vẽ lẫn người thưởng ngoạn không còn phải “đánh vật” với sự so sánh ngầm giữa tranh vẽ và các đối tượng thực, “giống hay không giống”. Vượt thoát khỏi “vòng kim cô” của những khuôn mẫu tái hiện hiện thực, Công Kim Hoa tự do thể hiện những ý niệm, tư tưởng và tình cảm của mình với hội họa trừu tượng. Trong khoảng năm năm trở lại đây, tranh của bà hầu như đã xa rời hẳn lối biểu đạt “trừu tượng hóa hiện thực”, mà thuần những bố cục màu và hình học. Dẫu là sự thể hiện phi-biểu hình, tranh sơn mài của Công Kim Hoa vẫn thấm đượm hơi thở cuộc sống hiện đại. Không hề khô cứng, ngôn ngữ biểu đạt (màu, nét) trong tác phẩm của bà rất gần với tinh thần của chủ nghĩa biểu hiện. Trong bà có lẽ luôn có sự giằng xé giữa tư duy và cảm xúc, giữa trật tự và phóng túng. Tiêu đề các tác phẩm của bà thường khơi gợi sự liên tưởng tới thiên nhiên hay thế giới xung quanh, song với kinh nghiệm của riêng tôi, khi xem tranh của bà, chớ nên đọc tên tác phẩm trước, mà hãy cố gắng tách khỏi những ký ức về các loại vật thể của thế giới bên ngoài, để cho cấu trúc của hình và không gian trong tranh của bà tạo nên cảm xúc cho chúng ta.
Và như thế, tranh của bà – nhờ phẩm chất trừu tượng biểu hiện của chúng – có thể chạm tới những vùng sâu thẳm nhất trong ta, để ta có thể đồng cảm với tác phẩm hay đồng cảm với chính nội tâm của cá nhân bà, rồi từ đó, mạch cảm xúc sẽ biết cách dẫn lối cho tư duy của ta tìm được đến những ngọn ngành mang tính ý niệm của họa sỹ.
Từ đầu những năm 2010 cho đến nay, Công Kim Hoa thường xuyên tham dự các cuộc triển lãm quốc tế, đặc biệt là những triển lãm và hội thảo chuyên về sơn mài ở Nhật Bản. Còn trong thế giới nghệ thuật Hà Nội, theo tôi, tại thời điểm này, bà là một trong số những nữ họa sỹ sơn mài quan trọng và xuất chúng nhất.