Hội họa của Nguyễn Văn Thể “trình diễn” trước mắt tín đồ nghệ thuật một số phận đa nhân cách nhưng nếu lặng ngắm, ta luôn thấy điểm chung của những tác phẩm là tính phiêu lãng của kẻ đánh mất lý trí hay “kẻ mộng du”, hàm ý sự sáng tạo được thai nghén từ vô thức mà không mảy may chút toan tính hay phân tích của trí năng.
Khi nói đến dòng tranh Basquiat của Thể, đó là những sáng tạo điên rồ ở tất cả mọi mặt: từ tạo hình, dùng màu, nét cọ, nội tại tác phẩm… Có lẽ như Basquiat, Nguyễn Văn Thể vẽ chúng một cách bất chấp từ tâm hồn trong trẻo nhưng cũng rất mực sâu sắc thẩm mỹ. Tính sâu về hội họa cùng việc men theo tiềm thức mà tung tẩy bút cọ khiến ta có cảm giác như danh họa Basquiat thực sự trở về từ cõi chết. Điển hình của dòng tranh này là tính phi lý và hoang dại của hình trong những sắc màu nóng – lạnh đậm đặc đan xen, tất cả mang đến cảm xúc đặc biệt mạnh mẽ và nhói vào tim can.
Về dòng tranh một nửa Basquiat – một nửa Thể, những hình hài gai góc gân guốc cùng năng lượng điên dại đã được dung hòa bằng chất thi-nhạc phiêu bồng sẵn có trong tâm hồn họa sĩ. Ta không thấy sự điên rồ mất đi, và dòng tranh cũng không nghiêng hẳn về một cực thi vị hoan ca. Đó là sự trung hòa giữa tính nam và tính nữ, giữa nét đoan trang và quân tử, mềm mại và thẳng ngay… Ta thấy cạnh bên tính động thể hiện cho năng lượng dương là sự tĩnh lặng thể hiện cho năng lượng âm. Âm và dương hòa vào nhau biến dòng tranh này như tấm gương phản chiếu nội tâm con người. Đó đôi khi là sự xung đột, giằng xé, đôi khi là sự bổ trợ, đôi khi là sự nhún nhường, đôi khi lại hòa vào nhau không thể tách rời như hai mặt của một đồng xu.
Ở dòng tranh thứ ba, Nguyễn Văn Thể bứt ra khỏi Basquiat hay bất cứ người nào khác để trở về với tính chân phương, mộc mạc nhưng lại rất mực trữ tình, bay bổng trong bản sắc Đông phương. Gam màu nhẹ và tối giản trong những bước cọ vừa thong dong thảnh thơi như chơi đùa. Ta như thấy trước mắt mình những dãy núi mềm mại trập trùng, những cánh chim đen trong cơn gió xạc xào, sóng biển dâng cuồn cuộn và hùng vĩ đến rừng núi uốn lượn tươi mới trong nắng mai… Không hẳn là cảm xúc tạc nên những hình hài này mà là cả một tâm hồn với những biến động và tĩnh lặng bên trong chỉ đường cho thân phận bức vẽ. Ở dòng tranh này, một Nguyễn Văn Thể với tâm hồn bảng lảng, thi vị nhưng cũng kiên trường, tráng lệ như núi rừng Sapa được phô diễn một cách trực diện vào lòng người. Qua đây, ta mới thấy rõ như in một con người dung dị, dễ mến, thẳng thắn và chân thật được hiển lộ đầy bộc trực.
Nguyễn Văn Thể là họa sĩ giàu năng lượng với tâm hồn phóng khoáng. Chính bước đi uyển chuyển như rong chơi của hình và màu đã minh chứng cho điều đó. Ông vẽ nhiều như dòng thác chảy không bao giờ dứt. Và như dòng thác ấy, mỗi ngày, mỗi mùa, nó lại đổ xuống những “bản nhạc nước” khác biệt, có khi hùng hồn-dập dồn-mãnh liệt, có khi nhẹ nhàng như đầy xoa xịu và lắng im… Và chính khi Nguyễn Văn Thể hòa vào bản nhạc này của núi rừng, ông trở về là chính ông, một con người – một nghệ sĩ ban sơ nhưng đầy quyết liệt.
Dù có người sẽ cho rằng ông vẽ giống ai đó, nhưng vốn dĩ loài người luôn thấy điều này giống với một điều gì khác vì họ ưa thích so sánh. Và nếu điều đó là sự thật đi nữa thì cũng không thể phủ nhận rằng ông đã vẽ như không vẽ. Và việc giống với tranh ai đó thì có lẽ ông và người họa sĩ kia như đôi bạn cố tri, như tâm giao, như là tri kỷ vì những nét cọ tuy hai mà một, vốn dĩ đồng điệu từ thẳm sâu tâm hồn.