Họa sĩ Minh Như chào đón tôi đến với studio gọn gàng và xinh đẹp của mình trong một ngày mưa mây mùa hạ. Chị chuẩn bị sẵn cho tôi một li nước thanh mát và cắm sẵn hoa tươi. Căn phòng thoang thoảng hương thơm của hoa ly. Trong buổi chuyện trò hôm ấy, tôi sớm nhận ra đằng sau vẻ nhẹ nhàng, vóc người nhỏ bé là sự quyết tâm mạnh mẽ của một người đã xác định sẽ tận hiến với nghệ thuật trong độ tuổi đẹp nhất đời người.
Minh Như: Tôi chỉ sáng tác như là phản ứng của một con người trước những vấn đề đang diễn ra. Nếu như tôi vẽ với thân phận là mình thì nó trở nên quá cô độc. Nên tôi chọn vẽ như là giấc mộng tha nhân, là giấc mơ của người khác chứ không phải của mình, nhưng tôi lấy mình làm hình mẫu. Những điều xảy ra trong tranh cũng là xảy ra với tôi mà cũng là đối với người khác.
Và cách tôi nghĩ về tính xã hội trong tranh mình thì tôi không muốn đặt tính dân tộc vào đó, nó sẽ giống như một sự đồng cảm giữa người với người nhiều hơn là tạo ra những bức tường phân biệt. Khi nhìn tranh George Tooker của Mỹ hay là của Tetsuya Ishida của Nhật thì tôi thấy mình trong đó. Một người da trắng, một người da vàng, khác tính dân tộc nhưng làm sao tôi đồng cảm được? Kiểu như thế.
Sau khi tôi nghỉ làm, thời điểm đó lại lồng ghép đan xen vào hiện trạng kinh tế xã hội đang diễn ra ngổn ngang vì dịch Covid. Lùi lại trước đó một chút, lúc tôi ra trường thì như bao người trẻ khác, hết mình vì sự nghiệp, để rồi thấy được cách tư bản vận hành như thế nào. Tôi đi làm 8 tiếng một ngày, thời gian còn lại tôi tham gia các cuộc gặp gỡ cho công việc. Mọi thứ cứ diễn ra cho đến một ngày thôi nhận ra mình không hề dành thời gian cho hội họa, nên tôi quyết định đi học lên Thạc sĩ, mục đích ban đầu chỉ là để tiếp thêm thêm động lực để vẽ những điều mình từng thấy trong những năm đi làm công sở. Ngay khi dịch tôi vẫn phải làm việc ở nhà nhưng cái sự làm của mình bị phân hoá, không còn niềm vui nữa. Tôi phải chạy liên tục theo những đầu việc không hồi kết khi đang quanh quẩn trong góc nhà.
Có những hình ảnh tôi sẽ giải nghĩa thế này nhưng với người khác thì nó sẽ vận hành ra một ngữ nghĩa khác. Tôi không muốn áp đặt một cách hiểu nào. Nhưng khi đó cảm giác của tôi giống bàn tay trong tác phẩm Làm việc ở nhà, là một bàn tay bị điều khiển, siết chặt. Tôi cứ làm theo quán tính, làm từng việc một, tôi bấm chuột, tôi làm gì đó cũng chỉ để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Sự ràng buộc, điều khiển này xuất phát từ bên trong chứ không phải là một lồng giam bên ngoài, giống như tôi đã bị cuốn trôi theo con đường đó rồi, chỉ có vận hành liên tục những phân mảnh đó, tôi mới có thể tồn tại.
Những ngày tháng mất kết nối với chính mình đó, tôi bắt gặp mình rung động sâu xa nhất khi xem tranh của họa sĩ Tetsuya Ishida. Ông vẽ về chủ nghĩa Tân tự do, dưới dạng giấc mơ của người khác, vẽ chân dung những người bị nhân bản vô tính. Như bắt gặp tri âm, tôi bắt buộc phải chọn Tetsuya Ishida làm đề tài luận văn nghiên cứu cao học. Sau 20 năm ngày Tetsuya Ishida ra đi, tôi muốn giới thiệu về ông, như một người bạn tri kỷ của mình với mọi người.
Trong tranh của ông, tôi thấy mình là người trong tranh. Dù khác giới tính và dân tộc, tôi vẫn cứ thấy đó là mình. Ông lấy chất liệu từ giấc mơ của mình để sáng tác, tôi cũng đã thử thực hành như vậy trong một thời gian. Tôi có một quyển tập dạng như nhật ký ghi chép lại các giấc mơ rồi xâu chuỗi chúng lại. Điều này có lẽ bắt đầu từ việc tôi không thấy tính nguyên bản của nghệ thuật trong thời đại Tetsuya Ishida và thời đại của mình. Hiện tại, không những trong nghệ thuật, bạn làm bất cứ một cái gì đó thì nó sẽ luôn giống như một người nào đó đã từng làm đúng không? Nhưng nếu như đó là cái tôi chứng kiến trong những giấc mơ, thì nó sẽ có một nét gì đó nguyên bản? Có thể là nó không hoàn toàn nguyên bản vì bất cứ hình ảnh nào giống như hình đồ vật, con người, không gian 2 chiều, 3 chiều thì trong nghệ thuật người ta đã khai thác ở đâu đó rồi. Vậy nên bây giờ tôi sử dụng chất liệu từ những chứng kiến và vô thức của mình để xây dựng nên cấu trúc cho tác phẩm.
Có quan điểm cho rằng xu hướng sáng tác nghệ thuật đương đại ưu tiên ý niệm hơn sự thành thạo kĩ thuật cũng như chất liệu, chị nghĩ sao về điều này?
Tôi cũng nghĩ là ý niệm nên đi trước, sau đó là kĩ thuật. Khi tôi vẽ thì phải làm sao cho chất liệu đó thể hiện được cái mình muốn. Chất liệu nên là một công cụ thôi chứ không nên là sự bó buộc. Tôi không đồng tình với những quy tắc cứng nhắc đã đặt ra, vẽ lụa phải trong trẻo, mềm mại, mượt mà. Tôi tin khi mình khai thác triệt để một chất liệu thì có thể cứng rắn, có thể lấp lánh, có thể mạnh mẽ hơn về mặt xúc cảm.
Con đường đến với tranh lụa sử dụng màu khoáng của chị diễn ra như thế nào?
Khi thực hiện triển lãm Vọng Cảnh, tôi nhận được nhiều thắc mắc là vì sao tôi vẽ lụa mà không giống lụa? Vẽ lụa mà giống sơn dầu, màu bột? Những câu hỏi này đến với tôi cũng bình thường vì đa số phong cách vẽ lụa ở Việt Nam mà chúng ta biết trước giờ thường mờ mờ, thanh thanh như sương như gió lại như mây, độ tương phản không mạnh, độ rực rỡ không cao như tranh lụa ở các nước khác. Nhưng vì ý niệm cá nhân, tôi muốn trong tranh của mình phải vừa có vùng rỗng, vừa có vùng đặc, có vùng ảm đạm và cả vùng rực rỡ. Thế nên tôi đi tìm hiểu ở những nước phương Đông khác để xem cách họ vẽ như thế nào. Khi sử dụng màu bán quý (làm từ đất, đá và các khoáng vật…) thì độ bão hòa rất cao. Sau đó, tôi đọc tiếp các luận văn trong tranh lụa và phục chế của Hàn, Trung, Nhật. Tôi thấy không có bó buộc như là: nó “phải trong trẻo”. Hơn nữa những kỹ thuật vẽ đa dạng làm cho tôi có cảm giác mỗi vệt bút mình đặt xuống đều mang theo cảm xúc chứ không phải tô đi tô lại một mảng màu.
Đào sâu hơn về chất liệu lụa Việt Nam, tôi tìm được một bài báo về việc Victor Tardieu lấy một tấm lụa từ Vân Nam đem về cho các học trò của ông và nền hội họa tranh lụa Việt Nam bắt đầu từ đó. Điều đó cho thấy, thứ làm nên phong cách của họa sĩ Việt Nam không bắt nguồn từ vật liệu thuần Việt mà chính trong tâm hồn, trong tạo hình của họ. Hiện tại, ngoài loại lụa thô hay lụa mịn do nghệ nhân người Việt Nam dệt nên thì có nhiều loại lụa khác với cách đan dệt, tính chất, độ dày mỏng và kích thước khác nhau. Khổ tranh lớn hay nhỏ nên tuỳ thuộc vào ý tưởng của người nghệ sĩ chứ không nên để bị bó buộc trong giới hạn 90cm. Tôi không hay đưa ra quan điểm nhưng nếu phải nói thì tôi nghĩ tranh lụa của chúng ta không tự giới hạn mình trong chất liệu màu nước, mực, hay thậm chí cả màu khoáng, người ta nên chọn chất liệu nào phù hợp với mục đích biểu hiện của mình. Màu khoáng như tôi sử dụng thì có lẽ đã có người thử nghiệm nhưng chưa trở thành một cộng đồng lớn mạnh. Tôi có niềm tin ở tương lai thật gần, hội họa lụa Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến mạnh. Chúng ta là những người may mắn chứng kiến sự chuyển mình đó.
Cảm ơn nghệ sĩ Minh Như đã chia sẻ cùng Art Republik!
Lê Nguyễn Minh Như sinh năm 1996, hiện đang theo học Thạc sĩ ngành Mỹ thuật tạo hình tại Đại học Mỹ Thuật TP. HCM. Trong năm 2023, cô đạt được giải thưởng Dogma với tác phẩm Mật mã niềm tin. Tác phẩm của cô đã xuất hiện tại nhiều triển lãm trong nước, nổi bật có triển lãm Vọng cảnh cùng hoạ sĩ Hiếu Hạnh, triển lãm tại Hội Mỹ Thuật, Thành phố Hồ Chí Minh.