Ký sự ảnh về gia đình của Ocean Vương: Bao dung nhìn ngắm điêu tàn

Ngày 27 tháng 6 năm 2024, Ocean Vương đã giới thiệu đến công chúng một ký sự ảnh về gia đình mà anh mất mười lăm năm để hoàn thiện. Lơ lửng trong ký sự là một trường đứt đoạn của thời gian, cũng lẳng lặng và hụt hẫng như cách anh mất đi một cửa tiệm tuổi thơ, sau đó là mất đi người mẹ của mình.

Ocean Vuong (Vương Quốc Vinh) sinh năm 1988, là một nhà thơ, nhà văn người Mỹ gốc Việt. Năm hai tuổi, anh cùng gia đình di cư sang Mỹ và định cư tại Hartford, Connecticut. Từ vực sâu của ký ức chiến tranh và những tổn thương không thể bù đắp, tiếng thơ xuất chúng của anh ra đời. Năm 2017, Ocean Vương nhận được giải thưởng văn học danh giá TS Eliot của nước Mỹ với tập thơ đầu tay Trời đêm những vết thương xuyên thấu. Năm 2019, anh trở thành một trong hai người trẻ tuổi nhất được Quỹ MacArthur (Mỹ) vinh danh và trao giải MacArthur Fellowship (còn gọi là giải Nhân tài) trị giá 625.000 USD (tương đương 14,56 tỷ đồng). 

Nhà văn, nhà thơ người Mỹ gốc Việt Ocean Vương (b. 1988)

GIỚI THIỆU THỂ LOẠI VÀ KHÁI QUÁT KÝ SỰ ẢNH CỦA OCEAN VƯƠNG

Ngày 27 tháng 6 năm 2024, một ký sự ảnh (photo essay) của Ocean Vuong về gia đình đã được đăng tải trên Cultured Mag, ấn phẩm báo chí về nghệ thuật đương đại tại Mỹ. Theo Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, ký sự ảnh là một thể loại ký bằng ảnh thiên về tự sự. Tác giả sử dụng nhuần nhuyễn hai phương tiện: thứ nhất là ảnh chụp, được xâu chuỗi bằng một trục ý tưởng thống nhất; thứ hai là bài viết minh hoạ, giúp gợi mở thêm cho ý tưởng. Khác với phóng sự báo chí thông thường, ký sự ảnh mang nhiều yếu tố trữ tình và chính luận, thông qua việc hình tượng hoá sự kiện để gửi gắm quan điểm của tác giả.

Ký sự ảnh của Ocean Vương bắt đầu vào một ngày hè oi bức tháng 7 năm 2009, khi anh chụp lại khoảnh khắc mẹ và các dì đang làm việc tại tiệm nail gia đình. Oái ăm thay, đây cũng là những tấm ảnh cuối cùng của tiệm nail: chỉ ba tháng sau đó, cuộc Đại suy thoái đẩy gia đình anh vào bờ vực phá sản. Vương chìm ngập trong nỗi mất mát về không gian vật lý lẫn cả không gian ký ức – nơi đã nuôi dưỡng anh và em trai trong hai thập kỷ qua.

Nỗi mất mát ấy là bước ngoặt trong cuộc đời Vương, đồng thời cũng tạo nên sự đứt gãy đường đột của dự án. Trải qua nhiều năm, tháng 7 năm 2023, để tưởng nhớ người mẹ quá cố cũng như để những bức hình không hoài phí lưng chừng, anh quyết định chụp ảnh người em trai đã chuyển đến ở với anh kể từ sau khi mẹ qua đời, qua đó viết tiếp hành trình hơn một thập kỷ trước. Mười bảy tấm hình được sắp xếp theo trình tự thời gian, kết hợp cùng con chữ giàu suy niệm của Vương về chiến tranh, về sự trình hiện của cái chết trong nhiếp ảnh xen kẽ những ký ức cá nhân còn rõ nét; tất thảy làm hiện lên trước mắt chúng ta một cuộn băng tua ngược trong não trạng của Ocean Vương. Tiệm nail. Mẹ. Hiện diện và đánh mất. Nicky. Máu mủ và truyền thừa. Ocean Vuong chia sẻ:

Dự án này khởi sinh là để đào xới một nơi chốn thân quen gắn liền với những người thân của tôi – họ bé nhỏ nhưng kiên gan, họ đã sống, lao động và ra đi từ nơi ấy. Thế mà giờ đây, trọng tâm của dự án chuyển dịch về người duy nhất còn ở lại bên tôi: em trai Nicky. Thời gian thay đổi những mong muốn của ta – không phải ta chủ đích như thế, mà bởi lẽ ta nhận ra điều gì cao viễn hơn, một bản chất cốt lõi ẩn sâu trong những gì còn sót lại. Trong trường hợp này, đó là em tôi, người cùng tôi san sẻ ruột rà.
– Ocean Vương –

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi tạm dịch và thảo luận về một số phân đoạn trong ký sự ảnh của anh – có thể gọi là tác phẩm mới nhất của nhà thơ, nhà văn Ocean Vương.

VẪY VÙNG TRONG KÝ ỨC CHIẾN TRANH, OCEAN VƯƠNG CHỤP ẢNH ĐỂ BIẾT MÌNH ĐANG “SỐNG”

Ocean Vương là một di dân mang trong mình những “vết thương xuyên thấu”. Nỗi ám ảnh chiến tranh xâm lấn anh bằng nhiều thể thức khác nhau, bao gồm cả nhiếp ảnh. Vương từng bị ấn tượng mạnh khi xem một bức ảnh chụp người lính tử trận do Donald McCullin bấm máy vào năm 1968, cũng là năm mẹ anh chào đời.

Tôi đã kìm nén nỗi thôi thúc ngoảnh mặt đi chỗ khác chỉ để dành đôi phút ngấu nghiến thật kỹ khuôn mặt ấy, nhìn những đường nét khuôn mặt bị vận tốc viên đạn xé toạc và cả hàm răng không được đẹp của người đàn ông mà góc chụp cận cảnh làm hiển lộ – chứng tỏ ông không được chăm sóc răng miệng kỹ càng suốt thời chiến, khi nạn đói và chủ nghĩa thực dân bành trước khắp lãnh thổ; sau đó, tôi nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ thư viện, ánh sáng mùa thu rực rỡ xuyên qua rừng thông, chiếu rọi lên chiếc bàn gỗ; tôi lẳng lặng đóng sách lại.”
– Tạm dịch từ ký sự ảnh của Ocean Vương –

Mãi sau này, hình ảnh ấy vẫn hằn sâu trong ký ức Vương: “Tại sao cái miệng méo mó vì đạn như thể đang bị một ngón tay nạy ra ấy lại gợi cho tôi nhớ đến lũ trẻ và những gương mặt chế giễu nhau mà chúng thường làm?” Nói cách khác, không chỉ gợi lên sự tàn độc nghiệt ngã của nhân loại, tấm ảnh qua góc nhìn của Vương còn mang trong nó một sắc thái giễu nhại, phản ánh sự vô cảm của con người khi kết liễu chính đồng loại của mình. Sự liên tưởng của Ocean Vương khiến tôi nhớ đến một điểm trớ trêu của ngôn ngữ Anh mà chính nhà thơ từng phát hiện: chữ “laughter” (tiếng cười) đội lốt ẩn dật trong chữ “slaughter” (tàn sát).

Nỗi ám ảnh vọng về từ những tư liệu, vết tích chiến tranh dày đặc đã trở thành căn nguyên để Ocean Vương theo đuổi nhiếp ảnh. Vương chụp như một động thái cấp bách của tiềm thức để níu giữ những người thân bên mình, để “nhìn lại những người Việt đã mớm ăn cho tôi từ tấm bé, những khuôn mặt mà tôi đã hôn, những đường chân mày tôi miệt mài lau mồ hôi khi họ làm việc, khi họ còn sống ấy.”

“Lúc này, máy ảnh trở thành một công cụ gần như ảo giác để tái hiện những người đang sống theo thời gian. Làm sao ta có thể nói với nhau rằng “Sống, sống, và sống”, ngoài việc bấm máy ảnh liên tục để tạo ra những bằng chứng sống của riêng mình?”

Quay lại câu chuyện, vào một ngày oi nồng tháng 7 năm 2009, Ocean Vương trở về nhà sau năm học đầu tiên tại Brooklyn College, trên tay cầm một chiếc Nikon đến tiệm làm móng của mẹ. Anh miệt mài ghi lại hình ảnh mẹ, dì Sen và dì Phương – một người bạn khác của họ – hết làm việc rồi lại ăn uống, cười đùa. Trong những phút chán chường hay nhàn rỗi, họ phóng tầm mắt sang ô cửa, đôi lúc lại bận bịu chăm bé Sara. Sara là em họ của Vương, lúc bấy giờ còn là trẻ sơ sinh.

Theo kế hoạch, dự án sẽ không dừng ở đó. Lấy cảm hứng từ bộ ảnh chụp người làm thuê Alabama của Walker Evans và tư liệu nhiếp ảnh của William Gedney lẫn Gordon Parks, Ocean Vương dự định sẽ trở lại tiệm nail vào mùa thu, để chụp lại gian phòng qua lăng kính của các mùa. Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau, cuộc suy thoái kinh tế đã lan rộng khắp nước Mỹ. Mẹ của anh ngậm ngùi bán đi tiệm nail đã nuôi sống cả gia đình. Mọi thứ tan biến theo mây khói, chỉ còn lại trong những khung ảnh cũ.

KHUNG HÌNH TĨNH VÀ KÝ ỨC TRƯỜNG CỬU

Việc mất đi tiệm nail đã trở thành một nỗi ám ảnh day dứt của Ocean Vương. Vương không khỏi trăn trở về cái ngày định mệnh năm 2009, lại chỉ ước rằng mình đã chụp quyết liệt hơn, táo bạo hơn. “Nếu nói rằng chụp ảnh là cách một người phơi bày khát khao với thế giới như Moriyama đã từng nhận định, tôi chỉ muốn những khung hình phản ánh chính xác từng người bên trong nó, phải kể được câu chuyện vốn dĩ là của họ, dẫu cho mẹ tôi – một trong số họ – đã không còn ở đâu khác trên thế gian ngoài chính trong những khung hình này.”

Sau mười lăm năm, Ocean Vương tự cởi trói cho mình bằng cách đương đầu với nỗi ám ảnh, quyết viết tiếp câu chuyện cũ. Trong những bức ảnh chụp em trai Nicky và cuộc sống hai anh em ở New England, ta thấy rõ sự vắng bóng của tiệm nail, anh họ và những người dì, thay vào đó là gương mặt của Nicky. Không đơn thuần là một người thay thế, sự hiện diện của Nicky phóng chiếu sự chuyển hoá về mặt vật chất lẫn tinh thần của những người đã cũ. Không gian màu hồng của tiệm nail được nối dài bằng cuộc sống của hai anh em: những thảm cỏ xanh mướt, những hàng cây chứng nhân của thời gian. Và dòng máu mẹ luân chảy trong Nicky như một dòng chảy tiếp nối đến vô cùng.

Không gian màu hồng của tiệm nail được nối dài bằng cuộc sống của hai anh em: những thảm cỏ xanh mướt, những hàng cây chứng nhân của thời gian. Và dòng máu mẹ luân chảy trong Nicky như một dòng chảy tiếp nối đến vô cùng.

Lối ứng xử trên một lần nữa khẳng định góc nhìn bao dung của Vương với thời gian. Tôi còn nhớ cách anh đặt tên một tập thơ của mình là Time is a Mother (tạm dịch: Thời gian là một người Mẹ), bởi thời gian tạo sinh ký ức. Mang trong mình quá khứ thương đau, thế mà Vương không dành cho thời gian cái nhìn hiềm khích và trách móc. Với ký sự nhiếp ảnh của mình, Vương đã thành công tạo ra một chiều kích không-thời gian riêng và gọi đó là “time accordion” – một cây đàn phong cầm của thời gian, nơi những phím đàn cứ thế miên trải, nối tiếp nhau. Bản thân nghệ sỹ chính là người chơi đàn, tái hiện nên chất ảo ảnh trong những câu chuyện dựng nên từ hình hài ấy.

Trong phần văn bản, anh chơi chữ với hai từ “still life” – “still” vừa mang nghĩa của trạng thái tĩnh (không dịch chuyển), cũng có nghĩa là vĩnh viễn. Anh chấp nhận những lẽ vô thường thời gian mang đến, đồng thời cũng vẽ nên một tuyến trục thời gian để sống trọn với những viễn tưởng của riêng mình.

Kết lại, ký sự ảnh của Vương mang đến cho chúng ta một góc nhìn vi mô về một gia đình di dân, một tiệm nail địa phương, một gia đình với người mẹ quá cố. Bằng sự hỗn dung các loại hình nghệ thuật, dù là văn chương hay nhiếp ảnh, Ocean Vương đã luôn tài tình khơi sâu một vết cắt riêng tư của chính anh để tường thuật với thế giới; những tường thuật có tính phổ quát cao và lay động trái tim hàng triệu người. Đôi lúc, đó là sức mạnh của những điều chưa nói, sức mạnh của khoảng trống vô ngôn.

Tôi nhận ra có một phép màu trong khung ảnh, điều mà mãi sau này khi trở thành nhà văn, tôi mới càng thấu hiểu nhiều hơn: một tác phẩm nghệ thuật có thể nương tựa vào bối cảnh, mặt khác cũng có thể mở ra những lối tường thuật mới khi bối cảnh bị xoá mờ. Ở đây, ống kính máy ảnh 35mm chính là một nhác thật ngọt để xẻ đôi thế giới, chừa lại một lát cắt mong manh mà người tiếp nhận có thể chậm rãi ngắm nhìn và có toàn quyền diễn dịch, thụ cảm. Nếu không thì vì sao, đôi khi xem lại những tấm ảnh, tôi như thể nghe thấy chúng, ngửi được bầu không khí trong căn phòng, thậm chí nghe vang vọng cao độ và âm sắc của những con chữ?

Vậy nên, ký sự ảnh là câu chuyện cá nhân của Vương. Nhưng hãy đọc bằng trải nghiệm và dự phóng của riêng bạn. Bạn có đang lạc bước vào một tiệm salon mười lăm năm trước, nghe những người phụ nữ Việt Nam nói thứ tiếng Việt đặc quánh trong một bầu không khí oi nồng ở Connecticut? Bạn có giao cảm với tiếng lòng của Vương ở bên kia quả địa cầu?

Bài: Thuỷ Tiên

Bài viết này tri nhận tờ Cultured Mag đã chính thức đăng tải ký sự ảnh của tác giả Ocean Vương. Cảm ơn Ocean Vương đã thuận ý để tôi viết về ký sự ảnh của anh trên trang tin Art Republik Vietnam.