Xuyên suốt bề dày văn hiến lâu đời, màu sắc là một trong những dạng thức văn hoá đầu tiên được kí hiệu hoá thông qua ngôn ngữ. Mỗi tộc người có một hệ thống thuật ngữ chỉ sắc riêng, đẩy biểu tượng và đậm tính thời đại.
Dưới góc nhìn văn hoá, có chăng cần lưu ý đến quan điểm có tính chất truyền thống của phương Đông, thuyết Ngũ Hành? Đây là quan điểm học thuật do nhà âm dương Trâu Diễn (324 – 250 TCN), người nước Tề thời Chiến Quốc khởi xướng. Thuyết này phân chia vạn vật theo năm yếu tố: kim (kim loại), mộc (cây), thuỷ (nước), hoả (lửa), thổ (đất). Sự sắp đặt của quy luật này được xem như mô hình năm yếu tố về cấu trúc không gian của vũ trụ. Đây cũng chính là nhóm năm thành tố xác định cho nhiều phạm vi khái niệm, sự vật hữu quan. Ngũ sắc là năm màu sắc cơ bản nhất mà cha ông ta đã ghi chép và kí hiệu hoá bằng ngôn ngữ, gồm xanh, đỏ, trắng, tím và vàng.
Lấy nông nghiệp làm ví dụ, đối với người, trong nông nghiệp không gì quan trọng hơn đất. Vì vậy, hành Thổ được đặt vào vị trí trung ương, có vai trò cai quản bốn phương. Sau đất thì đến nước, hành Thuỷ lại xếp vị trí thứ hai. Cứ như vậy, mỗi màu sắc gắn với một hành, đại diện cho một ý nghĩa riêng.
Ở thời phong kiến, khi xã hội có vua nắm quyền cai quản con người, giữ vai trò cai quản muôn loài, vua mới giành lấy màu vàng cho riêng mình. Vì vậy, trang phục của vua có sắc vàng – tượng trưng cho quyền uy của thiên tử. Trước thời Lý, màu vàng được sử dụng khá phổ biến trong trang phục của người dân Việt. Còn dưới thời Nguyễn, màu vàng là yếu tố để phân biệt vai vế và giai cấp. Sắc vàng từ đó chỉ xuất hiện trên long phục của vua, như một màu sắc thể hiện cho sự uy quyền và vương giả, là trung tâm của muôn người muôn loài. (Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, Trần Ngọc Thêm, tr 70).
Vận dụng văn hoá dân tộc thông qua thuyết Ngũ hành, ta lý giải được cách người xưa sử dụng từ ngữ chỉ màu sắc trong ca dao, tục ngữ. Như trong văn chương, văn học dân gian đa phần thiên về miêu tả những gam màu tươi tắn sáng sủa như màu đỏ, màu xanh,… song lại khi nói về con người, màu vàng lại mang ý niệm biểu trưng (đá vàng, bạn vàng, tim vàng, lòng vàng,…) chứ hiếm khi nói về trang phục màu vàng của người dân. Rõ ràng, điều này liên quan trực tiếp đến văn hoá dân tộc Việt.
Nếu trong lý thuyết vật lý của Newton, màu sắc được thể hiện bằng bảy sắc cầu vồng thì ở nghệ thuật, màu sắc lại là cảm thức chủ quan nhất của con người. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi nghệ sĩ.
Chẳng hạn, trong truyện Kiều, Nguyễn Du miêu tả màu sắc bằng những từ ngữ “rất lạ”: màu quan tái, màu quan san, màu sương, màu hiền. Có ai biết rõ “màu quan san” có sắc độ thế nào đâu, nhưng khi đọc vẫn biết màu sắc xa xôi, trắc trở nhuốm trọn Lâm Tri, bao trùm cả không gian khi Thúc Sinh vừa dứt áo ra đi. Hay trong thơ của Chế Lan Viên, có màu xứ sở, màu Tổ quốc, màu tà dương, màu hoa lau, màu cuồng tín. Đây chỉ là cách nói đặc trưng về màu sắc nhằm tạo sắc thái biểu cảm cho hình tượng thơ, của riêng tác giả mà thôi.
“Màu sắc trong văn học chẳng những là phương tiện miêu tả thế giới, mà còn là phương tiện thể hiện cái nhìn nghệ thuật đối với cuộc đời, mang đậm màu sắc thời đại và cá tính”- Trần Đình Sử từng nhận định.
Lấy thơ ca hiện đại nói chung và Chế Lan Viên nói riêng làm ví dụ, từ Điêu Tàn (1937), màu sắc đã là một trong những chất liệu đặc biệt kiến tạo thế giới nghệ thuật đa chiều trong thơ của ông so với thơ ca lãng mạn đương thời.
Chế Lan Viên vận dụng 9 màu sắc, chủ yếu là trắng, xanh và đen mờ. Những yếu tố ấy cùng những hình ảnh cõi âm giới tàn lụi và kinh dị khiến thế giới trong Điêu Tàn đầy hư linh và ma quái. Trong bài thơ, tác giả tả thực những đổ nát tàn lụi, những thành quách lâu đài, những ngàn lau sọ trắng, những tháp đổ ngạch rơi và cả những chiều thẫm máu hồng,… Màu trắng ấy, chẳng có chút gì là tinh khiết, trắng trong mà chỉ thấy: một nền giấy trắng như xưa trong bãi chém, một khớp xương ma trắng trợn, não trắng rủ nhau tuôn, đầy ghê rợn và tang tóc. Có thể nói, nếu màu sắc là một trong những phương tiện chính của nghệ thuật thì với Chế Lan Viên, bảng màu phong phú trong thơ đã trở thành một phần trong phong cách của ông.
Không chỉ trong thơ ca, từ ngữ chỉ màu sắc còn đi vào đời sống một cách dung dị nhất với lời ca, tiếng hát hàng ngày thông qua ca dao dân ca. Con người Việt ấy mà mộc mạc, chân chất, lại giàu tình cảm và trọng nghĩa tình. Ta không khó để bắt gặp những câu ca dạo mượn màu sắc nói hộ nỗi lòng thầm kín:
“Nước trong xanh con cá trắng ngần
Liệu mà kén chọn kẻo nhầm anh ơi.”
hay
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.”
Không đơn thuần chỉ màu sắc, những từ ngữ ấy còn thay phiên “người” để bộc lộ tâm tư, tình cảm bằng câu từ giản dị, thân tình.
Nhiều người thường nói, nếu như so sánh giữa hai yếu tố song hành hình, sắc làm nên diện mạo riêng cho một tác phẩm hội họa thì sắc lại có vai trò mang đến cảm hứng cho cả người sáng tác lẫn người xem. Màu sắc trong tranh không chỉ biểu hiện những ý niệm riêng mà tác giả truyền tải mà có mang đến cho người xem nhiều ý vị của ngôn ngữ hội họa.
Như Claude Monet, một họa sĩ trường phái Ấn tượng, cũng bởi sự nhạy cảm đặc biệt về màu sắc và ánh sáng khiến phong cách hội họa của ông nổi bật giữa “rừng tài năng” trong thời kỳ Impressionism. Danh họa Paul Cézanne từng nhận định, “chỉ là một con mắt thôi – nhưng một con mắt thế nào chứ!” khi nói về Monet.
Nếu những tác phẩm đầu của Monet chủ yếu dùng màu sắc tối thì từ năm 1860, ông bắt đầu mang khu vườn có bãi cỏ xanh mướt, con phố vắng bóng ven sông hay ao nhỏ nở đầy hoa súng vào tranh của mình bằng gam màu tươi tắn hơn. Sau này, trải qua nhiều đợt mổ mắt, ông bắt đầu có những biến chứng khiến các tác phẩm của Monet đều phủ sắc lạnh. Mắt ông không còn nhìn thấy những gam màu tươi sáng mà chỉ thấy một màu xanh tối. Những đoá hoa súng từng khiến danh họa đón nhận nhiều mến mộ từ nhiều người yêu tranh trên khắp thế giới, giờ đây là những đốm nhỏ nhuốm đỏ và nâu sẫm, còn đậm hơn cả màu sắc thực của những đoá hoa trong hồ Giverny, nhưng vẫn mang một sắc thái mới.
Nếu những bức tranh phong cảnh thời gian đầu của Monet chứa đựng những xúc cảm đặc biệt do phong cảnh tạo ra thì các tác phẩm sau 1923 lại thể hiện “con mắt” mới của danh họa, nhiều cô đơn và đầy tuyệt vọng.
Có thể nói, dù bản thân là vật chất, nhưng khi đi vào sáng tạo nghệ thuật, màu sắc lại sở hữu những bóng dáng, sắc thái riêng, tuỳ thuộc vào cảm quan riêng của người nghệ sĩ. Do vậy, từ màu sắc được thể hiện trên bề mặt tắc phẩm, ta từ từ “ngấm dần” sắc màu bên trong, màu tâm hồn, của một nhà thơ, nhà văn, nhà hội hoạ. Như bậc thầy danh họa thế giới, Leonardo Da Vinci, “Họa sĩ phải vẽ thế nào cho sự vật hiện ra trong tranh nổi lên đầy đặn về mọi mặt và như sống thật trên mặt phẳng đó”.
Bài: Phương Uyên