Trong bối cảnh xã hội Việt Nam chuyển mình nhanh chóng, hội nhập sâu rộng với thế giới, nhiều thách thức được đặt ra không chỉ cho các nghệ sỹ thực hành sáng tác mà có lẽ với tất cả các cá nhân, tổ chức trực tiếp tham dự đời sống nghệ thuật ở Việt Nam. Đó là khả năng khẳng định vị trí trong “dòng chảy cuồng xiết” của tình thế xã hội, tìm ra hướng để thực hành nghệ thuật của mình, duy trì sức sống và vòng hoạt động của tổ chức, nhưng vẫn đủ sức vang lên tiếng nói thẩm mỹ và suy tư độc lập. Hồi đáp với thực tại này, ấn phẩm Art Republik #6: “Vượt mọi ranh giới – Explored & Expanded” xem xét bối cảnh nghệ thuật đương đại dưới góc độ kinh tế với những khía cạnh đa dạng từ bảo trợ, sưu tập và đầu tư đến thương mại và tiếp thị.
Buổi ra mắt diễn ra trong bầu không khí trang nhã của Không gian Lưu niệm Lê Bá đảng, Thành phố Huế. Yếu tố không gian là một điểm nhấn quan trọng trong sự kiện ra mắt lần này, bởi Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng được xây dựng phỏng theo một tác phẩm cắt giấy của cố hoạ sỹ, sau đó phóng chiếu tỷ lệ của không gian kiến trúc để hồi đáp di nguyện về một chốn “rộng mở tới vô biên và khép kín đến sâu thẳm” của ông. Trong một không gian ý niệm mà tự nó vốn là tác phẩm của cố họa sỹ Lê Bá Đảng, vượt lên mọi ranh giới hữu thể để nhập cuộc đối thoại với những thế hệ sau, Art Republik Vietnam đã có dịp ngồi lại cùng các vị diễn giả, chậm rãi bóc tách mọi vấn đề về ranh giới nghệ thuật.
Nằm trong khuôn khổ sự kiện, buổi Art Talk “Vượt mọi ranh giới – Explored & Expanded” có sự góp mặt của ba vị diễn giả, gồm: GS. TS. Thái Kim Lan, chủ nhân của Lan Viên Cố Tích – Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương; cô Lê Cẩm Tế, Nhà sáng lập Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng; và anh Ace Lê, Giám tuyển và Tổng biên tập Art Republik Vietnam. Nhìn lại hành trình chông gai mà mỗi vị diễn giả đã trải qua để sáng lập nên các tổ chức, không gian nghệ thuật và lưu dấu di sản cho nền nghệ thuật Việt Nam, ba diễn giả đã trở thành minh chứng sống cho chủ đề của ấn phẩm Art Republik #6: “Vượt mọi ranh giới – Explored & Expanded”.
Trong buổi Art Talk, những người yêu nghệ thuật đã cùng nhau đàm đạo về các lớp lang rào cản cũng như động lực vượt qua mọi khó khăn trong việc vận hành tổ chức nghệ thuật. Từ góc độ của GS. TS. Thái Kim Lan, cô mang đến góc nhìn học thuật của một cựu giảng viên chuyên ngành Triết học tại Munich, Đức, thế nhưng vẫn luôn lắng nghe tiếng gọi mãnh liệt của Tổ quốc. Sau hơn ba mươi năm lưu học và công tác tại Đức, cô trở về thành phố Huế để sáng lập Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương, nơi trưng bày hơn 5.000 mẫu vật trục vớt từ dòng sông Hương, trong đó có nhiều cổ vật quý thuộc thời đại Tiền-Sa Huỳnh.
Diễn giả Lê Cẩm Tế đã đồng hành cùng người thầy Lê Bá Đảng trong hơn một thập kỷ. Cô thấu hiểu mọi suy tư ý niệm chảy trôi trong dòng tác phẩm của ông, do đó luôn mang trong mình nỗi trăn trở để truyền đạt ý niệm nghệ thuật Lê Bá Đảng bằng kết cấu không gian và ký thác vào từng dự án, tác phẩm, qua đó đưa nghệ thuật của ông chạm đến tâm trí của người tiếp nhận.
Đảm nhiệm vai trò Giám đốc Điều hành Sotheby’s tại Việt Nam, anh Ace Lê miệt mài tôn vinh các giai đoạn của nghệ thuật Việt Nam, đưa nghệ thuật Đông Dương đến gần hơn với khán giả đại chúng, thông qua hai triển lãm lớn của Sotheby’s do anh giám tuyển là “Hồn Xưa Bến Lạ” và “Mộng Viễn Đông”. Đây cũng chính là động lực để anh sáng lập Lân Tinh Foundation vào năm 2021, hướng đến hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu nghệ thuật đương đại và hiện đại Việt Nam, tức đóng góp vào sự lan toả, nâng tầm nghệ thuật ở chiều kích phổ quát hơn. Sự đồng vọng hành trình của ba vị diễn giả phần nào soi chiếu bức tranh toàn cảnh của các tổ chức nghệ thuật: chúng ta luôn cần các không gian cố định để tập trung trưng bày, giới thiệu tác phẩm chất lượng, mặt khác cũng cần những người làm công việc kết nối tác phẩm với công chúng.
Buổi đàm thoại đã thảo luận sâu về nhiều ranh giới quan trọng trong việc vận hành các tổ chức nghệ thuật: những khó khăn về hoạch định tổ chức hay quản lý tài chính, nhân sự, v.v. và Art Republik Vietnam cũng không tránh khỏi những ranh giới đó. Theo chia sẻ của diễn giả Ace Lê, Art Republik Vietnam đã không ngừng nỗ lực để bắc cầu nghệ thuật Việt Nam đến công chúng, quan trọng hơn là mở rộng tệp độc giả ngoại quốc, hướng đến việc thôi thúc nghệ thuật Việt Nam vượt khỏi đường biên địa lý và chạm đến tầm vóc của hội nhập.
Buổi thảo luận cũng bàn về định hướng của các không gian, tổ chức nghệ thuật trong việc hoạch định kế thừa những di sản hiện có. Hơn ai hết, diễn giả Lê Cẩm Tế hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc kế thừa di sản nghệ thuật. Trưng bày trong Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng là những tác phẩm do chính bà Myshu (vợ của họa sỹ Lê Bá Đảng) trao tặng, những tác phẩm họa sỹ ủy thác cho cô Cẩm Tế từ năm 2009 đến 2012, hoặc những kỷ vật mà họa sỹ đã tặng cô trong suốt hơn 10 năm làm việc.
Thế nhưng, diễn giả Lê Cẩm Tế khẳng định rằng: “Kế thừa tác phẩm của hoạ sỹ Lê Bá Đảng không chỉ thuần đơn là đảm nhận, trưng bày một cách xơ cứng, thiếu tinh tế”. Một mặt, thế hệ kế thừa cần có sự thấu hiểu và tâm giao với câu chuyện tư riêng của người nghệ sỹ, mặt khác cũng cần có tầm nhìn để dẫn dắt tổ chức bắt nhịp với dòng chảy của thời đại. Trải qua 5 năm đặt nền móng, năm 2024 được xác định là một năm bản lề cho các hoạch định chiến lược thời kỳ tới của Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng. Nơi đây dự kiến sẽ có nhiều thay đổi trong mô hình trưng bày, sắp đặt và các hoạt động, hướng đến tính liên ngành trong nghệ thuật, hứa hẹn trở thành điểm đến thân quen của những bạn trẻ yêu nghệ thuật trong khu vực.
Với GS. TS. Thái Kim Lan, cô giãi bày tấm lòng kiên gan, can đảm từ thời điểm bắt đầu: “Nếu lo ngại câu chuyện kế thừa, tôi đã không dám sáng lập bảo tàng này. Cũng giống như Immanuel Kant, tôi tâm niệm rằng nghệ thuật không vụ lợi. Tôi tạo dựng Bảo tàng Gốm cổ sông Hương bằng cả tâm huyết và trái tim của mình”. Tuy đã ngoài tuổi 80, đôi mắt của GS. TS. Thái Kim Lan vẫn luôn rực sáng khi nói về vẻ đẹp nguyên sơ và suối nguồn cảm xúc mà nghệ thuật mang lại cho cô. Bảo tàng Gốm cổ sông Hương hiện ấp ủ rất nhiều dự định để đưa các hoạt động nghệ thuật đến gần hơn với thế hệ tiếp nối – những người mà theo cô sẽ đảm nhiệm việc “nối dài những di sản hiện có”. Góc độ tiếp cận này của cô đã biến câu chuyện kế thừa di sản trở thành một câu hỏi mở, cũng là niềm hi vọng ký thác vào các thế hệ tiếp theo. Dẫu vậy, cả ba diễn giả đã đồng thuận ở một quan điểm sau cùng: Bằng tình yêu, lòng nhiệt huyết và tầm nhìn trong vận hành tổ chức, những người dẫn dắt các không gian nghệ thuật rồi sẽ có đủ tiềm lực để vượt qua mọi ranh giới.
Cũng trong sự kiện ra mắt lần này, Tổng biên tập Ace Lê chia sẻ về những ấp ủ của Art Republik Vietnam khi chọn Huế làm điểm đến của sự kiện. So với hai đầu cầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế vẫn chưa nhận được sự đầu tư xứng đáng trong việc viết tiếp hành trình di sản. Art Republik Vietnam kêu gọi sự tập trung nguồn lực từ các nhóm liên quan, chung tay làm sống động bề dày văn hoá và nghệ thuật Huế. Đến đây, GS. TS Thái Kim Lan cũng ví thành phố Huế như một gạch nối đầy tiềm năng trong bản đồ di sản của khu vực. Không chỉ là mảnh đất giao thoa hai miền Bắc-Nam hay hai phương Đông-Tây do thành tố địa lý mà thành, hình tượng dấu gạch nối của Huế còn gợi mở về một hành trình chỉ mới bắt đầu. Chúng ta có toàn quyền hi vọng vào một tương lai năng động, đổi mới nơi đây.
Trong lần ra mắt tại mảnh đất cố đô, nơi dung chứa lớp trầm tích văn hoá-nghệ thuật dày dặn và sâu sắc, Art Republik Vietnam đã nhận được sự chào đón thân thương và gần gũi. Những vị khách tham gia cũng không ngần ngại bày tỏ mối quan tâm và niềm trông đợi vào một tương lai gần, khi nghệ thuật thành phố Huế nói chung và quang cảnh nghệ thuật cả nước nói riêng ngày một năng động, đổi mới, bắt nhịp với khí quyển đương đại quốc tế. Art Republik Vietnam rất vui mừng vì đã và đang quyết liệt góp sức vào hành trình ấy, giúp nghệ thuật bền bỉ sống và lan tỏa những giá trị chân nguyên đến cộng đồng.
Ấn phẩm Art Republik #6: “Vượt mọi ranh giới – Explored & Expanded” hiện đã sẵn sàng được trao đến tay bạn đọc. Mời bạn đặt mua ấn phẩm tại đây.