“Đa Điểm” là một cuộc đối thoại xoay quanh những tâm tư và khẳng định của những người nghệ sĩ về những khuôn mẫu in sâu vào tiềm thức tập thể.
“Đa Điểm” tập hợp bốn họa sĩ bao gồm Nguyễn Việt Cường, Nguyễn Hữu Tăng, Bảo Nguyễn và Đặng Quang Tiến. Qua triển lãm này, bốn nghệ sĩ cùng nhau khám phá và khảo nghiệm những mẫu hình thông qua nghệ thuật thực hành. Cuộc đối thoại xoay quanh những tâm tư và khẳng định của những người nghệ sĩ về những khuôn mẫu in sâu vào tiềm thức tập thể, qua đó đem đến cho khán giả những mâu thuẫn thể hiện trong loạt tác phẩm để phản tư về những vấn đề trong xã hội.
Bảo Nguyễn mở ra một cuộc đối thoại về “Hào quang nữ quyền”, về thần thái và sức sống uy quyền, mãnh liệt nhưng cũng mềm mại và tinh tế qua hình ảnh truyền cảm hứng của người phụ nữ. Kết hợp văn hóa truyền thống lấy cảm hứng từ hình ảnh vua chúa triều Nguyễn cùng với thời trang hiện đại, những tác phẩm của Bảo Nguyễn là một phép thử độc đáo giữa giá trị giữa hai thời đại hòa hợp và song hành. Người họa sĩ tập trung vào việc đánh dấu dấu ấn cá nhân qua những khung tranh được sơn màu, trở thành một thể thống nhất với tác phẩm nghệ thuật và xóa tan đi ranh giới giữa tác phẩm và khung tranh chứa đựng là hai thể tách biệt.
Với tác phẩm “Sự di cư của cái tôi” của Đặng Quang Tiến, người xem dõi theo một đàn vịt chạy đàn xuyên suốt chiều dài gần như vô tận của bức tranh. Mỗi cá thể đều có nét độc đáo riêng, nhưng nổi bật nhất là một nhóm vịt màu hồng giữa đàn vịt, bất chấp sự khác biệt, chúng hòa lẫn vào nhau, hài hòa một cách tự nhiên mà vẫn giữ được nét độc đáo. Từ đó đem đến cho khán giả một cuộc đối thoại về hành trình đi tìm cái tôi trong một xã hội nhiễu loạn luôn luôn biến động; nơi mỗi cá thể phải định vị lại bản sắc cá nhân đồng thời kết nối với cộng đồng mà chính mình thuộc về.
Nếu hai nghệ sĩ trên đem đến cho “Đa Điểm” những góc nhìn về xã hội và thời cuộc, hướng về cộng đồng thì Nguyễn Việt Cường chọn tìm về với các mẫu hình lịch sử như một cách để học lại văn hóa dân gian – bằng thơ ca, thi ca và ca dao tục ngữ Việt Nam. Với anh, loạt tranh như một cách đi ngược lại thời gian và học lại sử thi bằng nghệ thuật. Anh kết hợp những vật liệu chứa tính chất nguyên thuỷ nhất của vũ trụ – bút lửa và nhang – mang tính lửa; với những nguyên liệu của cội nguồn văn hóa – các hoạ tiết chạm khắc từ chùa Thái Lạc, Hưng Yên. Nguyễn Việt Cường mang đến cho “Đa Điểm” một góc nhìn thiền định, hướng về cái gốc rễ của một con người, một đất nước và sự ảnh hưởng của mẫu hình lịch sử này tới nghệ thuật Việt Nam.
Còn với Nguyễn Hữu Tăng, sự tìm về bên trong của anh mang âm hưởng gần gũi và hiện đại hơn khi lấy con người làm trung tâm. Nếu Nguyễn Việt Cường tìm về với chiều sâu văn hóa, thì Nguyễn Hữu Tăng lại tìm về với những gì cô đơn, tuyệt vọng nhất của con người. Loạt tranh của anh gợi lên góc nhìn về sự mong manh trong tâm lý xã hội hiện đại, quan niệm về sự mạnh mẽ của những người trưởng thành. Anh hướng vào nội tâm, vào những góc khuất của con người, sử dụng những màu sắc trầm buồn, kết hợp với vật liệu gợi lên sự mong manh và những biểu tượng như bóng bay; Nguyễn Hữu Tăng chọn khai thác sâu vào tạo hình, hình khối – để người xem có thể tự cảm, tự ngẫm về sự cô đơn, mong manh trong mình.
Bước vào “Đa Điểm”, người xem sẽ đi qua bốn góc nhìn, bốn loại mẫu hình tưởng chừng riêng biệt; với những phong cách hội họa và thực hành khác nhau; nhưng đều có một điểm chung đó là những suy tư, chiêm nghiệm mà bốn người nghệ sĩ gửi gắm về con người, đời sống trong bối cảnh xã hội thời nay.
Khuê Nguyễn, Thảo Phương
THÔNG TIN TRIỂN LÃM:
Nghệ sĩ: Nguyễn Việt Cường, Nguyễn Hữu Tăng, Bảo Nguyễn, Đặng Quang Tiến.
Thời gian: Từ ngày 01.11.2024 đến hết ngày 22.11.2024
Địa chỉ: 22 Gallery – 22 Phạm Cự Lượng, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM
Giờ mở cửa: Sáng (10:00–12:00) và chiều (14:00–18:00)
Vào cửa miễn phí với lịch đặt hẹn trước: https://forms.gle/TY9pNXzbrioX6JK4A