Triển lãm “Sau hoàng hôn, ban mai” – Nghệ thuật đương đại Việt tại Regent Phú Quốc

Regent Phú Quốc và Luxuo Media Việt Nam hợp tác giới thiệu Triển lãm nghệ thuật “Sau hoàng hôn, ban mai”, tôn vinh nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại Việt Nam.

Regent Phú Quốc trân trọng giới thiệu triển lãm nhóm mở màn cho không gian nghệ thuật của resort, The Gallery, kết hợp với Luxuo Media, tập đoàn truyền thông hàng đầu về phong cách sống. Triển lãm mở màn với tựa “Sau hoàng hôn, ban mai”, giám tuyển bởi Tâm Huỳnh, cố vấn nghệ thuật, đánh dấu hành trình mới của Regent với nghệ thuật đương đại, cùng sự tham gia của các nghệ sĩ Mzung Nguyễn, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Thế Hùng, Phạm Thanh Toàn và nhà thiết kế Nguyễn Như Ý. 

“Nghệ thuật là một dấu ấn thương hiệu quan trọng của Regent Phú Quốc. Triển lãm “Sau hoàng hôn, ban mai” được tinh tuyển cẩn thận để tôn vinh và giới thiệu tài năng của các nghệ sĩ trên khắp Việt Nam, đồng thời mang đến cho các vị thượng khách của Regent những trải nghiệm phong phú vượt xa mong đợi.”
– Ông Sriram Kailasam, Tổng Giám đốc Regent Phú Quốc

“Nghệ thuật đương đại Việt Nam đang trong những bước chuyển mình ở thời đại mới với những suy tưởng mới. “Sau hoàng hôn, ban mai” là triển lãm đầu tiên trong hành trình hợp tác nghệ thuật của chúng tôi và Regent Phú Quốc, trong nỗ lực nhấn mạnh vào quá trình nối tiếp thế hệ thực hành nghệ thuật và sự cởi mở hơn dành cho hiện tại và tương lai.”, ông Tâm Huỳnh, Giám tuyển của triển lãm chia sẻ.

Nghệ sĩ đương đại người Ý, Maurizio Cattelan từng nói: “Nghệ thuật châm ngòi những câu hỏi, tuyệt nhiên không phải câu trả lời”. Trong không gian tràn ngập ánh sáng của phòng trưng bày Regent Phú Quốc, quý khách sẽ được chiêm ngưỡng những phong cảnh từ đồng quê cho đến đô thị, từ sơn mài hiện đại cho đến những tác phẩm collage xé dán bởi thế hệ nghệ sĩ đang hoạt động mạnh mẽ trong việc lan tỏa những giá trị thẩm mỹ mới cũng như thể hiện sự quan tâm đến xã hội đương đại Việt Nam, vượt lên trên những nhu cầu thị giác đã quá quen thuộc.

Phong cảnh luôn là đề tài gần như tiếp diễn liên tục cho dù ở thời điểm nào nhưng người nghệ sĩ đương đại không còn bị bó buộc vào những mô phạm miêu tả đơn thuần mà để khai phá những góc nhìn khác nhau. Lấy cảm hứng từ tinh thần tác phẩm Impression, Sunrise của bậc thầy người Pháp, Claude Monet mở đầu cho trường phái ấn tượng, triển lãm “Sau hoàng hôn, ban mai” tập hợp những tác phẩm là kết quả của những phản ứng tự nhiên của các nghệ sĩ từ sự quan sát bên trong và bên ngoài. Ở buổi bình mình của những điều kiện khóa khăn trong thực hành nghệ thuật Việt Nam, những thế hệ kế cận ít chịu sự thỏa hiệp hay phụ thuộc đại chúng và khát khao đi đến những tia sáng thẩm mỹ chưa được khai phá.  

Nữ nghệ sĩ Mzung Nguyễn (b.1982, Quảng Trị) vận dụng các kỹ thuật thu thập tư liệu trong hành trình làm phim nhiều năm của mình kết hợp với sự đa dạng của chất liệu trong nghệ thuật tạo hình. Khác với điện ảnh, những bức tranh thường phải tạo được nhiều lớp lang cho người xem chỉ ở một khung hình. Các tác phẩm của Mzung trong serie “Movement” khai thác các yếu tố biểu tượng văn hóa hiện hữu ở Việt Nam và những suy tưởng về các hành vi xã hội đương đại. 

Chân dung nữ nghệ sĩ Mzung Nguyễn
Các tác phẩm từ trái sang phải: “Uyên nguyên”, “Sắc dân”, “Lời”. 

Liêu Nguyễn Hướng Dương (b. 1975, Trà Vinh) ảnh hưởng không nhỏ từ các tiền bối ấn tượng theo cách riêng. Mỗi chấm trong các tác phẩm của anh không mang tính ngẫu nhiên mà có thể ví chúng như từng bước đi, từng suy tưởng lên nội tâm con người và thiên nhiên từ tâm thức của nghệ sĩ. Màu sắc ở Dương đôi lúc trầm lắng đôi lúc rực rỡ, một sự hòa mình nhiệt thành vào không gian của chính nghệ sĩ. Nữ nghệ sĩ Yayoi Kusama cũng từng chiêm nghiệm sự kết nối này: “Những chấm bi không thể ở một mình. Khi chúng ta lấp đầy thiên nhiên và cơ thể bằng những chấm bi, chúng ta trở thành một phần của sự thống nhất của những miền chung”.

Chân dung nghệ sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương
Tác phẩm “Trong vườn hoa 2”

Nguyễn Thế Hùng (b.1981, Tuyên Quang) không muốn bó buộc mình nhưng cũng không bác bỏ truyền thống mà tìm cách phát triển theo hướng khác. Sơn mài đại diện cho nền mỹ thuật Việt Nam nhưng vẫn có những hạn chế về tính phóng khoáng và mang nhiều tính mỹ nghệ. Nguyễn Thế Hùng nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc thử nghiệm những đặc tính của sơn mài vào hội họa hiện đại để có thể tạo ra hiệu ứng thị giác chồng lớp đan xen giữa hình tượng và trừu tượng, giữa thiên nhiên và đô thị.

Chân dung nghệ sĩ Nguyễn Thế Hùng
Tác phẩm “Sắc đông 1”

Phạm Thanh Toàn (b.1992, Quảng Bình) luôn có những đau đáu nhất định và quan sát chân thật đôi khi gai góc về nơi mình sinh ra và lớn lên. Không ngại va chạm và thử thách, xóa mờ lằn ranh giữa hội họa truyền thống hòa trộn với các đồ vật hàng ngày, Toàn mang tham vọng dẫn dắt công chúng đến hành trình sống động với nghệ thuật của mình bằng kích cỡ lớn và cách tiếp cận vượt qua bề mặt 2 chiều của hội họa truyền thống.

Chân dung nghệ sĩ Phạm Thanh Toàn
Tác phẩm “Cày ruộng, đốt đồng”

Trong một không gian sống cần các mảnh ghép  tạo nên sự sống động, Regent Phú Quốc cũng giới thiệu các điêu khắc kết hợp gốm giấy bồi thủ công và đất sét tự khô của nhà thiết kế Nguyễn Như Ý (b.1985, Vinh). Sự đa dạng trong tạo dáng và kết nối tinh tế giữa các chất liệu chắc chắn sẽ là một bổ sung vô cùng thú vị, đầy cái duyên mà quý khách khó mà có thể bỏ qua mong muốn sở hữu các sự sáng tạo của Như Ý cho riêng mình. 

Chân dung nhà thiết kế Nguyễn Như Ý
Một thiết kế của Nguyễn Như Ý tại triển lãm “Sau hoàng hôn, ban mai” từ ngày 14/6 tại Regent Phú Quốc.

__

Thông tin triển lãm:

Triển lãm “Sau hoàng hôn, ban mai” sẽ diễn ra quanh năm, du khách có thể thưởng thức và sưu tập các tác phẩm được trưng bày tại resort. Liên hệ Regent Phú Quốc qua email regent.phuquoc@ihg.com hoặc điện thoại +84 297388 0000 để tìm hiểu thêm.

Art Curator: Tâm Tâm