Di sản nghệ thuật: Ngắm nhìn nếp sống Việt một thời trong tranh Thang Trần Phềnh

Hai bức tranh “Lý trưởng hỏi thăm đường” và “Lý trưởng đọc sách cho dân làng” của danh họa Thang Trần Phềnh vừa được bán với mức giá kỷ lục 1 triệu euro tại phiên đấu giá của Aguttes ở Pháp vào ngày 23/5. Đây không chỉ là sự kiện thu hút sự chú ý của giới sưu tập nghệ thuật mà còn là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những tác phẩm khắc hoạ vẻ đẹp nếp sống Việt Nam thế kỷ 20 của cố danh hoạ Thang Trần Phềnh.

Theo Aguttes, mức giá khởi điểm 50.000 – 80.000 euro cho hai tác phẩm đã được vượt xa nhiều lần, lên đến 452.000 euro (tương đương hơn 13 tỷ đồng) cho mỗi bức, cho thấy giá trị nghệ thuật và tầm ảnh hưởng to lớn của Thang Trần Phềnh.

Bức hoạ “Lý trưởng hỏi thăm đường” được vẽ năm 1934 với chất liệu mực và màu trên lụa, khắc họa hình ảnh vị lý trưởng ngồi trên lưng ngựa đang ân cần hỏi đường người dân. Bên dưới bức tranh là chữ ký và hai câu thơ của tác giả.

”Lý trưởng hỏi thăm đường” (1934). Ảnh: Aguttes

Bức tranh còn lại mang tên “Lý trưởng đọc sách cho dân làng” cũng được sáng tác cùng năm, miêu tả khung cảnh thanh bình của làng quê Việt Nam với những người phụ nữ và em nhỏ say sưa nghe lý trưởng đọc sách. Góc phải bức tranh có chữ ký, con dấu và câu trích dẫn về đạo lý ứng xử.

”Lý trưởng đọc sách cho dân làng” (1934). Ảnh: Aguttes

Thang Trần Phềnh (1895-1972) là một trong những nghệ sĩ tiên phong đặt nền móng cho nền mỹ thuật Việt Nam cận – hiện đại, cùng với Lê Huy Miến và Nam Sơn. Ngay từ thuở thiếu thời, ông đã bộc lộ năng khiếu hội họa phi thường khi say mê vẽ lại các đoàn kịch Trung Quốc biểu diễn tại Hà Nội. Năm 15 tuổi, tác phẩm “Chùa Trấn Quốc trước khi mặt trời lặn” của ông đã gây tiếng vang tại đấu xảo Hà Nội (1911) và được người Pháp yêu thích, từ đó khơi dậy niềm đam mê sáng tác nghệ thuật trong ông.

Chân dung cố danh hoạ Thang Trần Phềnh

Năm 1926, Thang Trần Phềnh thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương, nơi ông tiếp tục trau dồi kiến thức và kỹ thuật hội họa. Ông là người tiên phong trong thể loại tranh sơn dầu và tranh lụa, mở ra hướng đi mới cho nền mỹ thuật. Thang Trần Phềnh thường chọn đề tài cổ nhưng thể hiện qua lối vẽ cách tân, phóng khoáng, với kết cấu không gian ba chiều thay vì bố cục phẳng. Nhờ vậy, các tác phẩm của ông luôn tạo được chiều sâu và làm nổi bật chủ đề một cách sống động.

Sau khi tốt nghiệp, Thang Trân Phềnh chuyển hướng sang lĩnh vực sân khấu. Ông thành lập đoàn Đồng Ấu và tập trung vào việc thiết kế sân khấu, trang phục và đạo cụ. Cả trong lĩnh vực sân khấu và hội họa, Thang Trần Phềnh đều cống hiến cho việc truyền tải ký ức về đất nước, lịch sử và văn hóa Việt Nam. Các tác phẩm hiếm hoi của ông, với chủ đề chính là cảnh nông thôn truyền thống Việt Nam, được coi là những minh chứng quý giá cho quá khứ.

Hai bức tranh “Lý trưởng hỏi thăm đường” và “Lý trưởng đọc sách cho dân làng” là minh chứng rõ ràng cho tài năng và phong cách nghệ thuật độc đáo của Thang Trần Phềnh. Những hình ảnh bình dị, mộc mạc về nếp sống Việt Nam thế kỷ 20 được ông thể hiện một cách tinh tế, khơi gợi niềm tự hào và trân trọng giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi người.