[NGỒI NGHỆ SERIES] Phạm Trần Việt Nam: “Nghệ thuật giúp tôi vượt qua cơn bão lòng”

Gặp gỡ hoạ sĩ Phạm Trần Việt Nam trong tập 6 của Series “Ngồi Nghệ”, chúng tôi bất ngờ nhận ra đằng sau những vệt màu gai góc là một tâm hồn đã êm ả hơn, thinh lặng hơn, đủ trải nghiệm để đạt đến trạng thái chuyển hoá trong chính những nhác màu bạo liệt nhất.

Hoạ sĩ Phạm Trần Việt Nam trong triển lãm cá nhân “Hoạ Chiêu Hồn” (2024)

Hoạ sĩ Phạm Trần Việt Nam tốt nghiệp ngành Điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, anh lại để lại nhiều dấu ấn trong lĩnh vực hội hoạ với những tác phẩm chi chít cắt xẻ, nơi các sinh thể tổn thương đang điên cuồng gào thét như bị ném vào hoả ngục. Tranh của anh vì thế có cả vẽ-và-cắt, gói gọn một cõi trần ai có sinh có diệt, có hiện hữu và cũng có điêu tàn. Năm 2023, anh đạt giải vàng hạng mục Nghệ sĩ thành danh của UOB Painting of the Year tại Việt Nam cho tác phẩm Họa chúng sinh #1. Tác phẩm trình hiện những mạng lưới mặt người chen chúc, xâm lấn và ngột ngạt trong guồng quay đô thị.

Họa chúng sinh #2, 180 x 180 cm, sơn dầu trên vải (2023)

Bắt đầu cuộc đàm thoại với chuyên mục “Bói Nghệ”, anh Việt Nam chọn quyển tạp chí Art Republik số thứ 4 và ngẫu nhiên bắt gặp từ khoá: “phiêu như trạng thái dòng chảy”. Trùng hợp thay, cụm từ khoá này cũng phần nào phản ánh phong cách sáng tạo của anh. Trong vòng xoáy của hội chứng trầm cảm, cảm xúc bạo liệt như một mũi lao đẩy anh về phía trước để bản thân phải “nhập dòng sáng tạo”. Có những lúc, “cơn vẽ” dài miên man như hội chứng, anh hoạ kín cuộn vải dài 3m2 x 20m của nhà sản xuất.

“Tôi vẽ cũng thường nhật như là ăn, ngủ, thở, vẽ như một cách trị liệu.”

“Văn tế thập loại chúng sinh #2” của nghệ sĩ Phạm Trần Việt Nam trong triển lãm “Địa tầng số 0” tại The Outpost Hà Nội – bức hoạ dài của hoạ sĩ Việt Nam trong cuộc đối chất với dòng chảy cảm xúc

Năm 2014, trong một lần đối mặt với trầm cảm, anh Việt Nam lấy hết những tấm tranh cũ trong nhà ra để cắt nát như nỗ lực phá bỏ những điều mình đã tôn thờ. Bên cạnh đó, hành vi cắt xẻ cũng phóng chiếu bản tính bạo lực của con người. “Loài người ngạo nghễ cho phép mình cư xử thô bạo với môi trường, với chủng loài vạn vật, thậm chí là với chính đồng loại của mình”, anh Nam chia sẻ. Từ đây, cắt xẻ trở thành một thủ pháp đặc trưng trên hành trình sáng tạo của anh.

Sự tàn ác cay độc của con người. Số phận bi thảm của con người. Trần gian ai oán. Chúng trở thành những chủ đề cố hữu để anh Việt Nam tài tình khai thác. Cũng vì thế, khi hay tin anh Việt Nam đang có một dự án mới để hồi đáp cuộc chiến Israel-Palestine đương thời, tôi càng thêm cảm kích cách anh mượn nghệ thuật như tấm gương soi xét hiện thực suy tàn, đúng như những con chữ tự anh từng chắp bút:

“Ở ranh giới có một nạn nhân xơ xác
Không còn sự thật
Không còn tiếng gào
Chỉ có những cú đấm vào hư không”

– Phạm Trần Việt Nam, 01/2024 –

Cảm xúc bạo liệt có thể là một nguồn cảm hứng, thế nhưng không thể xâm lấn toàn triệt tâm trí của anh Việt Nam. Chính trong cách anh lặng lẽ ngồi xuống, miệt mài vẽ với một mức độ chi tiết rất cao, ta hiểu rằng sự bất toàn cảm xúc của anh đồng hiện cùng cảm thức tĩnh tại trong tâm trí. Sau những nhác cắt xẻ, anh may các mảng tranh lại với nhau. Nếu rạch tranh là một hành động ‘bạo lực với đời’ thì may vá biến hoạ sĩ Phạm Trần Việt Nam trở thành một bà mẹ cần mẫn, hiền hoà khâu lại vết thương đau.

Quán chiếu những gì đã xảy ra, anh chia sẻ: “Nghệ thuật hay ở chỗ nó giúp mình vượt qua những cơn bão lòng. Có đôi khi mình nhận ra bản thân không phù hợp với bất kỳ mô hình nào, như thể nằm ngoài rìa xã hội, thì thực hành nghệ thuật giúp mình bươn qua những năm tháng ấy”. Thế giới trong tranh của anh là sự kết hợp giữa chi tiết tỉ mỉ và ẩn dụ sâu xa, soi tỏ từng thân phận con người đang gào thét âm ỉ, khơi gợi sự đồng cảm và thức tỉnh tâm hồn.

Nếu rạch tranh là một hành động ‘bạo lực với đời’ thì may vá biến hoạ sĩ Phạm Trần Việt Nam trở thành một bà mẹ cần mẫn, hiền hoà khâu lại vết thương đau.

“Trầm tích #1”, 75 cm x 120 cm x 3 tấm, sơn dầu trên vải bố (2017 – 2023)

Lại nói về cảm hứng đặt tên cho triển lãm “Hoạ Chiêu Hồn”, anh Nam dẫn nhập từ áng Văn chiêu hồn, hay còn gọi là Văn tế thập loại chúng sinh của đại thi hào Nguyễn Du. Hai thập kỷ trước, nếu Nguyễn Du mượn chữ nghĩa để chiêu hồn thập loại chúng sinh thì giờ đây, hoạ sĩ Việt Nam mượn màu, bay và vải bố cũng để nắm bắt những vong hồn hiện về trong cõi vô hình, giúp anh tái kết nối với tâm khảm, với quá khứ của mình và lịch sử của cộng đồng dân tộc. Cái tên “Hoạ Chiêu Hồn” ra đời từ đó, nói về một cõi tàn canh đan quyện nhiều bóng dáng cũng như những trăn trở nghệ thuật vị nhân sinh của hoạ sĩ Phạm Trần Việt Nam. 

Đến với chuyên mục “Màu Nghệ” để khép lại buổi podcast, hai sắc màu anh chọn để trực hoạ là nâu và đỏ gợi chúng tôi nhớ đến màu của máu và đất, của những tổn thương vật lý mà anh vẫn thường khắc hoạ. Trong không gian ghi hình của triển lãm “Hoạ Chiêu Hồn”, anh Việt Nam đã trực tiếp phóng tác một bức tranh chi chít mặt người, in đậm phong cách sáng tạo vốn dĩ. Tác phẩm gợi lại cấu trúc của bộ tranh “Hoạ chúng sinh”, nơi con người sống san sát nhau với mật độ dân số cao trong khu vực, cùng nếm trải những áp lực của tồn tại hiện sinh.

Hoạ sĩ Việt Nam phóng tác tại điểm quay một bức hoạ chi chít mặt người như phong cách sáng tạo vốn dĩ của anh.

Chia sẻ về dự định tương lai, bên cạnh chủ đề về cuộc chiến Israel-Palestine với tâm điểm là dải Gaza đã nếm trải nhiều bom đạn, anh Việt Nam đang nghiên cứu thêm về mảnh đất Champa, nơi gieo vào anh cảm thức buồn của một nền văn minh Sa Huỳnh đã cũ. Các tác phẩm của anh Việt Nam hiện vẫn đang được trưng bày tại triển lãm “Hoạ Chiêu Hồn” để bạn yêu tranh ghé thăm.

_____

Mời quý khán giả theo dõi tập 6 của series “Ngồi Nghệ” – “Tự do cực đoan” trên kênh YouTube LUXUO Vietnam, cùng những thông tin mới nhất về series trên các nền tảng truyền thông của Art Republik Vietnam.

“NGỒI-NGHỆ” là video series được ấp ủ qua những cuộc hàn huyên đầy ngẫu hứng của những người đang gắn bó với nghệ thuật. Vẫn giữ vững tinh thần đưa nghệ thuật tới gần hơn với công chúng của Art Republik Vietnam, “Ngồi-Nghệ” mong muốn mang đến những câu chuyện sáng tạo, có phần hàn lâm nhưng cũng thật gần gũi, gắn kết người thực hành nghệ thuật với người xem.

Mời quý khán giả đón xem series “Ngồi-Nghệ” và những thông tin mới nhất về series trên các nền tảng truyền thông của Art Republik Vietnam.

• Website: artrepublik.vn

• Instagram: @artrepublikvietnam

• Facebook: Art Republik Vietnam

• Youtube: LUXUO