Không khu biệt lứa tuổi, quốc gia hay vùng lãnh thổ, dường như mỗi người đều đã từng bắt gặp qua sách báo, tranh ảnh và biết đến Mona Lisa, một trong những bức hoạ nổi tiếng nhất mọi thời đại. Bức tranh sơn dầu do danh hoạ Leornado da Vinci phóng tác ở Florence, Ý, bắt đầu từ năm 1503 và không rõ thời gian hoàn thiện. Theo phỏng đoán của các nhà nghiên cứu, Leornado đã vẽ nó đến tận chừng năm 1519 khi ông mất, do đó những vết nứt nhỏ trên lớp sơn – thường được gọi là craquelure và được xem là dấu ấn của thời gian – cũng xuất hiện không đồng đều trên tranh. Tay của cô gái trông mịn màng hơn so với gương mặt nhiều vết nứt, tương đương với việc chúng được hoàn thiện ở thời kỳ cuối của Leonardo.
Bức tranh khắc hoạ chân dung được cho là của Lisa Gherardini, vợ của thương gia vải Florentine Francesco del Giocondo. Sau hơn năm trăm năm, những tranh luận về bức tranh sau lớp kính chống đạn ở Louvre vẫn mải miết nối dài, xoáy sâu vào nụ cười, đôi mắt đa cảm và phức tạp của người phụ nữ cùng nếp gấp vải, lọn tóc hay kỹ thuật hoạ tranh vô cùng tinh xảo.
Tác phẩm Mona Lisa hiện đặt tại bảo tàng Louvre, cũng là bảo tàng ghi nhận nhiều lượt khách ghé thăm nhất trên thế giới với 9 triệu du khách mỗi năm, tương đương gần 25.000 người mỗi ngày. Trong đó, 80% du khách xếp hàng chỉ để có vài giây chiêm ngắm nụ cười bí ẩn của nàng, cũng là biểu tượng của mỹ thuật nhân loại.
Để đáp ứng nhu cầu du khách, Mona Lisa được treo cao trang trọng tại căn phòng lớn nhất bảo tàng Louvre mang tên Salle des Etats (State Room) cùng với các tác phẩm trứ danh khác của nước Ý, trong đó có The Wedding Feast at Cana (1562-1563) của Veronese. Hàng mét rào chắn dọc gian phòng để mọi người xếp hàng chờ đến lượt.
Thế nhưng, tấm áo danh tiếng của Mona Lisa vô hình trung đặt ra những vấn đề về quản lý lượng khách và bảo quản tranh cho ban lãnh đạo. Cuối tháng 4 năm 2024, Giám đốc Bảo tàng Louvre Laurence des Cars nhận định:
“Chúng tôi lo rằng mình đã không làm tròn trách nhiệm bởi chưa chào đón du khách thật chu đáo trong căn phòng này”.
Để “chấm dứt sự thất vọng của công chúng”, Laurence des Cars đề xuất di dời bức tranh đến một căn phòng chuyên dụng được xây dựng ở tầng hầm bảo tàng.
Vincent Delieuvin, Trưởng Giám tuyển Hội họa Ý thế kỷ 16 của Bảo tàng Louvre chia sẻ với phóng viên tờ Le Figaro: “Chúng tôi đã nghĩ đến phương án này từ lâu, nhưng lần này mọi người đều đồng ý”. Không chỉ cải thiện trải nghiệm của du khách, căn phòng mới được trang bị hệ thống nhiệt độ tối ưu nhất để bảo quản tác phẩm và tăng cường các biện pháp an ninh, tránh bức tranh bị phá hoại hay trộm cắp.
Quyết định này, dẫu vậy, đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Một số ý kiến cho rằng đặt tác phẩm dưới lòng đất có thể làm giảm đi vẻ hùng vĩ vốn có của bức tranh.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Louvre nỗ lực nâng cao trải nghiệm cho du khách. Năm 2019, bảo tàng đã từng sơn lại những bức tường màu vàng vỏ trứng trong phòng trưng bày sang màu xanh đêm để tăng mức tương phản, tạo điều kiện cho sự nhìn, đồng thời thay đổi quy trình xếp hàng cho du khách.
Tuy nhiên, Giám tuyển Delieuvin cho rằng ngần ấy nỗ lực là chưa đủ so với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và du lịch đại chúng. Mạng lưới Internet phổ khắp trong thời đại số đã nhân rộng danh tiếng các tác phẩm nghệ thuật vượt xa mọi tưởng tượng khả dĩ, nhất là sau vụ trộm Mona Lisa diễn ra vào năm 1911.
“Ngày nay, ta luôn khao khát được nhìn thấy thứ mà đám đông xôn xao bàn tán, dù chỉ một lần trong đời. Hẳn nhiên rồi, bức “Mona Lisa” là một trong số đó”.
Giám tuyển Vincent Delievin
Căn hầm mới dành cho bức tranh sẽ là một phần của công trình cải tạo “Grand Louvre” trong tương lai, bao gồm cả lối vào mới vào bên trong bảo tàng. Men theo con đường kính để vào kim tự tháp, du khách sẽ được dẫn thẳng đến những căn phòng dưới lòng đất: một phòng dành cho Mona Lisa và phòng còn lại dành cho các triển lãm thường kỳ.
“Thời khắc đã chín muồi,” des Cars nói. “Chúng tôi phải coi bức tranh như một biểu tượng toàn cầu, nghĩa là nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi.”
Theo Le Figaro, ngân sách để đại tu bảo tàng Louvre ước tính rơi vào khoảng 500 triệu euro. Tuy vậy, nền kinh tế Pháp gần đây ghi nhận những dự báo không mấy khả quan về các khoảng nợ và thâm hụt. Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đang cố gắng cắt giảm 25 tỷ euro trong ngân sách chi tiêu hàng năm của nhà nước trong những năm tiếp theo.
Cần nhớ rằng Mona Lisa cũng là một mục tiêu mà các nhà hoạt động xã hội từng nhắm đến. Chỉ mới bốn tháng trước, tháng 1 năm 2024, hai nhà hoạt động môi trường thuộc nhóm “Riposte Alimentaire” (tạm dịch: Trả thù thực phẩm) đã ném súp bí ngô vào tranh như một phương cách biểu tình đối với thực trạng biến đổi khí hậu và hệ thống nông nghiệp thiếu bền vững của nước Pháp. “Nghệ thuật quan trọng hơn hay một hệ thống nông trang bền vững quan trọng hơn?” Tự tại sau lớp kính bảo vệ, bức tranh may mắn không bị hư hại gì, nhưng vụ việc đã bị Bộ trưởng văn hóa Rachida Dati tố cáo là hành vi tấn công di sản Pháp.
Trong bối cảnh Paris chuẩn bị chào đón Thế vận hội Mùa hè Olympic vào tháng 7 và tháng 8, des Cars cũng cẩn thận lưu ý: “Bảo tàng Louvre thực chất nằm ở trung tâm Paris, tức sẽ là trung tâm của Thế vận hội Olympic”, dự kiến sẽ đạt lượt khách đỉnh điểm trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Ban lãnh đạo Bảo tàng Louvre hiện đang nỗ lực củng cố các phương án bảo vệ để không gây ra thất thoát nào đối với kiệt tác của nhân loại.