“Nghệ thuật đa phương tiện”: Ồ Ạt Workshop Series

“Ồ ẠT WORKSHOP SERIES” là một sự kiện dành cho đa dạng các đối tượng muốn tiếp cận và tìm hiểu về nghệ thuật đương đại. Sự kiện là một chuỗi liên tiếp các phần trình bày và chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp của các nghệ sĩ, hướng đến việc ứng dụng những yếu tố đa phương tiện vào thực hành nghệ thuật.

Trong thế giới đương đại, nghệ thuật đa phương tiện đang dần trở thành một phổ rất rộng và vô cùng linh hoạt để cộng hưởng với sự phát triển không ngừng của công nghệ. Đối với người sáng tạo, việc tìm kiếm và thực hành trên nhiều phương tiện khác nhau vừa là cơ hội vừa là thách thức nhưng cũng giúp mở ra nhiều vùng tri thức mới để tương tác và kết nối với xã hội.

Trong vòng 30 phút, mỗi diễn giả sẽ cung cấp kiến thức liên ngành từ ngôn ngữ sáng tạo, yếu tố không gian trong nghệ thuật, vai trò của thiết kế mỹ thuật, dịch thuật… dưới góc nhìn thực hành. Cuối các phần trình bày, Ồ Ạt sẽ sắp xếp một “phòng hỏi 30 phút” dành riêng cho những ai có câu hỏi cần trao đổi sâu hơn về ngành cùng với diễn giả. 

Các diễn giả và chủ đề chia sẻ:

1. Đạo diễn Quản Phương Thanh: Ứng dụng ngôn ngữ điện ảnh vào music video đại chúng 

Quản Phương Thanh là một nhà làm phim sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Cô nhận được học bổng và tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Quốc gia Nga (VGIK). Trở về nước, Thanh đạo diễn nhiều phim ngắn quảng cáo, MV ca nhạc, webseries cho những nghệ sĩ nổi tiếng tại Việt Nam. Thanh cũng thực hiện nhiều phim ngắn tranh giải tại các liên hoan phim quốc tế, tập trung vào các chủ đề liên quan đến phụ nữ và cuộc sống đương đại của người Việt Nam. Phim ngắn mới nhất của cô, “A Scene by the Sea”, hiện đang được phát trực tuyến trên nền tảng CinemaWorls và đã được trình chiếu tại các liên hoan phim quốc tế như Liên hoan phim quốc tế Moscow và bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Busan (MoCA) ở Hàn Quốc. Gần đây, Thanh đã giành được suất đầu tư dự án series tại Tiệc phim ngắn Lagi và giải nhất cho dự án Series xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Hồ Chí Minh. Thanh cũng là đồng sáng lập của Brave Writers Room một công ty chuyên phát triển dự án và kịch bản phim.

2. Đạo diễn Lê Vĩnh Lộc: Thiết kế đồ họa trong mối tương quan với ngôn ngữ nghệ thuật 

Diễn giả Lê Vĩnh Lộc sinh ra tại Việt Nam và di chuyển sang Singapore từ đầu năm cấp 3, Lộc được tiếp xúc và học chuyên về Mỹ thuật, trải nghiệm nhiều loại hình nghệ thuật liên quan, và từ đó thể hiện quan điểm nghệ thuật trên nền triết học đa dạng. Trở về Việt Nam, anh làm thiết kế đồ hoạ cho nhiều công ty lớn khác nhau từ các agencies, production houses, đến các brand lớn như Grab, Klook, One Mount. Song song đó, Lộc vẫn nuôi dưỡng đam mê và hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh với những ý tưởng siêu thực và trừu tượng, cùng sự tập trung đặc biệt vào việc khám phá các khái niệm triết học phi lý. Trong buổi gặp gỡ lần này, Lộc sẽ cùng mọi người khám phá cách mà ngôn ngữ thiết kế có thể tương tác với các phương tiện nghệ thuật khác, điển hình như điện ảnh. Anh cũng sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và thách thức mà anh đã gặp trong quá trình làm thiết kế cho brand, cho phim và cách mà việc hiểu biết về ngôn ngữ thiết kế có thể giúp cải thiện chất lượng sản phẩm cuối cùng như thế nào.

3. Diễn viên điện ảnh Lê Công Hoàng: Mối quan hệ hữu cơ giữa diễn viên và nhân vật 

Diễn viên điện ảnh Lê Công Hoàng sinh năm 1991 là diễn viên điện ảnh được biết đến qua vai diễn “Vũ” trong bộ phim điện ảnh “Cha và con và…” – bộ phim Việt Nam đầu tiên lọt vào vòng tranh giải Gấu Vàng của Liên hoan phim Berlin 2015. Khởi đầu là một sinh viên ngành Ngân hàng của Đại học Văn Lang, chưa từng tham gia diễn xuất hay có ý niệm gì về điện ảnh, tuy nhiên cơ duyên đã mang anh đến với môn nghệ thuật thứ 7. Các phim điện ảnh Lê Công Hoàng tham gia diễn xuất: Cha và con và… (2015) đạo diễn Phan Đăng Di Thưa mẹ con đi (2019) đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh Tro tàn rực rỡ (2022) đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Và nhiều phim ngắn, phim truyền hình khác. Với nhiều giải thưởng, đề cử trong và ngoài nước.

4. Nhà báo, nhà thơ Nam Thi: Ngôn ngữ và tính trình diễn trong không gian đương đại

Nam Thi sinh ra tại phố cổ Hà Nội, tốt nghiệp chuyên ngành Triết học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), hiện là Trưởng ban biên tập (Managing Editor) tại tạp chí quốc tế Art Republik Vietnam và Quản lý sản xuất nội dung (Editorial Director) tạp chí Heritage Fashion của Vietnam Airlines. Nam Thi thực-hành-thơ với tinh thần phơi lòng mình một cách kín đáo bằng cấu trúc chữ gợi hình, để chữ va đập, lạ hoá, hoặc đôi khi gợi lại từ thân quen nhưng bị đóng khung một nét nghĩa, để chữ được chuyển động. Năm 2019, hai bài thơ của Nam Thi được lựa chọn và đăng tải trên ấn phẩm nghệ thuật thuộc khuôn khổ liên hoan phim ‘Subtitle: Southeast Asian Short Film Festival’ tại Chicago (Mỹ). Trong năm 2021, Nam Thi đã xuất bản tập thơ đầu tay mang tên Cô Độc Nên Thơ (NXB Hội Nhà văn, công ty sách Tao Đàn) và ghi dấu với các thành tựu khi là nhà thơ Việt Nam đầu tiên được thương hiệu thời trang Pháp CHANEL đưa thơ vào fashion video của mình. Nam Thi cũng đã đưa thơ tham gia triển lãm thị giác mang tên Bảo tang Tan Vỡ nằm trong khuôn khổ chiến dịch phòng/chống HIV quốc gia do Bộ Y Tế cùng các đơn vị khác tổ chức. Đầu năm 2022, tác phẩm thơ Vết Xước Trên Da Chữ của Nam Thi được giới thiệu tại Nhật Bản trong ấn phẩm thuộc Dự án xúc tiến Văn hoá Nghệ thuật Osaka, bài thơ được chuyển ngữ sang tiếng Nhật và tiếng Anh (đăng cùng tiếng Việt).

5. Nhà phê bình Nguyên Lê: Dịch thuật cho/vì nghệ thuật

Nguyên Lê là một nhà báo và nhà phê bình điện ảnh song ngữ Anh-Việt. Trong 10 năm hành nghề của anh đến nay, các bài viết của anh đã có mặt trên Rotten Tomatoes, FANGORIA, Slashfilm, Roger Ebert, Houston Chronicle, Texas Observer, Vietcetera v.v. Anh cũng là một thành viên của các hội phê bình phim có tầm cỡ quốc tế như Critics’ Choice, FIPRESCI và International Cinephile Society. Ngoài ra, anh cũng có làm phụ đề cho các hãng phim — tiếng Anh cho phim Việt (Người Vợ Cuối Cùng, series Tết Ở Làng Địa Ngục) hay ngược lại (Perfect Days cho HIFF, Nàng Thơ của Miller).

6. Nghệ sĩ múa, biên đạo Lê Mai Anh: Giải phẫu không gian sàn diễn 

Lê Mai Anh là nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo múa đương đại và người hướng dẫn chuyển động. Cô từng theo học và hoạt động tại đoàn múa Hellet Eghayan (Lyon, Pháp) và RICD (Rencontres Internationales de Danse Contemporaine; Paris, Pháp). Cô cũng đã tham gia biểu diễn, biên đạo và cố vấn cho nhiều tác phẩm/dự án như: “Pour un Regarde” của Harry Albert, “Derrière les peaux, les âmes se terrent et attendent leur heures” của Agnès PANCRASSIN, Festival “De Danse tại Besancon” của đoàn Nathalie PERNETTE, Ballet “Coppélia” của Johanna JAKHELLN CONTANAS, “Au dela de l’absence” của đoàn múa Kerman Sébastien Ly, Krossing Over Arts Festival, kịch thể nghiệm “Cú Chót”, và “Biết thì nói, không thì bói” đạo diễn bởi Nguyễn Bích Trà,… Năm 2022, Lê Mai Anh đã thành lập Moving Art Atelier – một trung tâm giảng dạy và thực hành chuyển động. Tại đây, lớp “chuyển động ứng tác” là lớp học duy nhất không có yêu cầu về năng khiếu, trình độ, sự khổ luyện hay định hướng trở thành người chuyển động chuyên nghiệp.

7. Tiếu Sĩ Ngu Ngu: Stand-up comedy và nghệ thuật của sự hài hước

Tiếu sĩ Ngu Ngu, tên cúng cơm là Đỗ Hữu Chí, sinh năm 1984, là hoạ sĩ, người viết sách, và diễn viên hài-đứng (stand-up comedian). Trong bài nói chuyện này anh sẽ kể chuyện cười và nói về việc tại sao anh lại thích kể chuyện cười đến thế.

Ồ ẠT Kickoff #3: NGHỆ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN:

– Thời gian: 17h – 22h, Chủ nhật 5/5/2024

– Địa điểm: Sun Life – S.Pace | 102C Nguyễn Văn Cừ, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP. HCM

Ồ ẠT | OH ART là một dự án nghệ thuật phi lợi nhuận hướng đến tác tạo những liên kết mới giữa nghệ sĩ với khán giả, nghệ sĩ với nghệ sĩ, nghệ sĩ với không gian và các nhà tổ chức. Ồ Ạt 2024 được tổ chức theo hình thức “pop-up shows” với một chuỗi những sự kiện/ trình diễn/ triển lãm diễn ra liên tục từ 31/5 đến 9/6 tại Sài Gòn.